📞

Tin thế giới 27/8: Nga báo tin khẩn về Ukraine, Iran hiệu triệu thế giới Hồi giáo, 'chấp niệm' của ông Trump thành 'cơn ác mộng' với NATO?

Hoàng Hà 21:30 | 27/08/2024
Tình hình xung đột Nga-Ukraine và Trung Đông, vụ bắt giữ nhà sáng lập Telegram, Nhật Bản tố máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận, ông Donald Trump với "chấp niệm" tăng chi phí quốc phòng... là một số tin quốc tế nổi bật.
Ông Donald Trump kêu gọi các nước đồng minh NATO tăng mạnh ngân sách cho chi tiêu quốc phòng. (Nguồn: Reuters)

Châu Âu

* Ukraine chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học, theo cáo buộc của Trung tướng Igor Kirillov - Chỉ huy lực lượng chống bức xạ, vũ khí hóa học và sinh học của Lực lượng vũ trang Nga.

Trả lời họp báo, ông Kirillov nói rõ: “Theo thông tin khẩn cấp, các quân nhân của Lực lượng vũ trang Ukraine đang được huấn luyện cách sử dụng đạn hóa học cho các hệ thống pháo binh do phương Tây sản xuất".

Ông nhắc lại lời kêu gọi Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) "tiến hành cuộc điều tra thực tế và khách quan việc sử dụng hóa chất độc hại của Ukraine, có tính đến cơ sở bằng chứng do Nga đưa ra và thông báo cho các quốc gia tham gia Công ước kết quả càng sớm càng tốt”.

Ukraine chưa đưa ra bình luận về cáo buộc trên. (RT)

* Ukraine bị tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) ở thủ đô vào rạng sáng 27/8, theo thông báo của giới chức quân sự khu vực xung quanh Kiev trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Sau đó, người đứng đầu chính quyền quân quản ở Kiev Serhiy Popko cho biết, lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ khoảng 15 UAV và một số tên lửa gần khu vực thủ đô. (Reuters)

* Nga đưa vào hoạt động tàu hộ tống trang bị tên lửa nhỏ mới thuộc Đề án 22800 Amur, còn được gọi là "lớp Karakurt", theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/8.

Các tàu tên lửa lớp Karakurt mang hệ thống tên lửa hành trình phóng thẳng đứng đa năng Kalibr và trong tương lai là tên lửa siêu vượt âm Zirkon. Các tàu này có kích thước và lượng giãn nước tương đối nhỏ, cho phép chúng hoạt động ở vùng biển gần và trên các tuyến giao thông đường sông nội địa. (THX)

* Vụ bắt giữ nhà sáng lập Telegram: Ngày 27/8, Công tố viên thủ đô Paris cho biết, ông Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) dịch vụ nhắn tin Telegram, sẽ bị giam giữ thêm tối đa 48 giờ trong cuộc điều tra tội phạm mạng, sau khi bắt giữ ông từ ngày 24/8.

Pháp cũng cho biết, vụ bắt giữ ông liên quan cáo buộc 12 tội danh, trong đó có giao dịch bất hợp pháp, khiêu dâm trẻ em, gian lận trên ứng dụng Telegram và từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, vụ bắt giữ này không phải là quyết định chính trị, trong khi Nga cho hay, vẫn chưa biết ông Durov bị cáo buộc chính xác điều gì. Tuy nhiên, Moscow cho biết sẽ theo dõi chặt tình hình, cũng như sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho tỷ phú mang nhiều quốc tịch, trong đó có Nga, này.

Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cho rằng, Mỹ đứng sau vụ bắt giữ ông Durov.

Trong bối cảnh đó, số lượt tải ứng dụng Telegram trên App Store, kho ứng dụng của Apple, đã tăng ở Pháp. (Sputnik, AFP)

* EU phản đối lệnh hạn chế mới của Taliban ở Afghanistan có tên "Luật về tuyên truyền đạo đức và ngăn chặn tệ nạn". Theo luật này, phụ nữ bị bắt buộc phải che kín toàn bộ cơ thể và khuôn mặt khi ra ngoài, đồng thời bị cấm tham gia các hoạt động công cộng, bao gồm cả việc lên tiếng.

EU nhận định, sắc lệnh trên không chỉ khẳng định mà còn siết chặt hơn nữa các hạn chế đối với cuộc sống của người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, vi phạm quyền cơ bản của phụ nữ Afghanistan và luật pháp quốc tế. (EC)

* Nga phát hiện nồng độ tritium cao trong các mẫu nước biển lấy ở vùng biển Viễn Đông sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 của Nhật Bản xả nước thải bị nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển.

Theo một tuyên bố do Viện Hải dương học Thái Bình Dương của Nga đưa ra, các nhà khoa học tại viện lưu ý, hàm lượng tritium tăng cao ở nhánh chính của dòng hải lưu Kuroshio và ở khu vực quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc). (THX)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Trung Quốc tố các lệnh trừng phạt liên quan Ukraine là "bất hợp pháp và đơn phương" cũng như "không dựa trên thực tế", theo lời Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Lý Huy.

Ông Lý Huy nói: "Một quốc gia cụ thể đã lợi dụng cuộc khủng hoảng này... để đổ lỗi trong một nỗ lực bịa đặt ra cái gọi là ý kiến về trách nhiệm của Trung Quốc và đe dọa các quốc gia có quan hệ kinh tế và thương mại bình thường với Nga bằng các lệnh trừng phạt bất hợp pháp và đơn phương".

Theo ông, những lời nói và hành động này "hoàn toàn vì lợi ích ích kỷ của họ và không dựa trên sự thật, cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ chấp nhận chúng". (Reuters)

* Nhật Bản tố máy bay do thám Y-9 của Trung Quốc xâm phạm không phận vào sáng 26/8. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã điều máy bay phản lực đối phó. Một ngày sau đó, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản cho rằng, việc này là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Phản hồi cáo buộc của Tokyo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết, nước này đang thu thập thông tin và xác minh tình hình và hai bên duy trì liên lạc qua các kênh hiện có".

Ông Lâm Kiến cũng nhấn mạnh, Trung Quốc không có ý định xâm phạm không phận của bất kỳ quốc gia nào. (THX, Kyodo)

* Trung Quốc tập trận bắn đạn thật gần biên giới Myanmar từ 27-29/8, với sự tham gia của lực lượng không quân và lục quân, nhằm mục đích kiểm tra khả năng trinh sát, cảnh báo sớm, kiểm soát khu vực và kiểm tra khả năng của vũ khí.

Cuộc tập trận để đảm bảo các đơn vị "sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất ngờ, đảm bảo mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, ổn định biên giới và an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân”. (SCMP)

* Hàn Quốc muốn tăng 3,6% ngân sách quốc phòng năm 2025, theo đề xuất của Bộ Quốc phòng nước này, nhằm tăng cường khả năng đối phó các mối đe dọa quân sự đang gia tăng từ Triều Tiên.

Trước đó trong ngày, Nội các nước này đã phê duyệt dự luật ngân sách là 61,59 nghìn tỷ Won (46,3 tỷ USD) cho năm 2025, so với 59,42 nghìn tỷ Won trong năm nay.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ trình dự luật này lên Quốc hội vào ngày 2/9 tới. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc vượt quá 60.000 tỷ Won. (Yonhap)

* Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xác nhận dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Kazan, Nga, vào tháng 10 tới, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/8.

Ngoài ra, ông Modi đã chia sẻ với Tổng thống Putin quan điểm về tình hình Ukraine sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới quốc gia Đông Âu này vào ngày 23/8. Ông nhấn mạnh cam kết của New Delhi trong việc hỗ trợ một giải pháp hòa bình, lâu dài cho cuộc xung đột.

Trước đó, ông Modi cũng điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và tái khẳng định lập trường ủng hộ đối thoại cũng như ngoại giao của Ấn Độ. (Business Standard)

Trung Đông-châu Phi

* Iran kêu gọi các nước Hồi giáo đoàn kết đối phó Israel: Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã kêu gọi các quốc gia Hồi giáo cùng hành động để buộc Israel chấm dứt hành động ở Dải Gaza, khi ông hội đàm với Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani ở Tehran.

Ông Masoud Pezeshkian phát biểu: "Các quốc gia Hồi giáo và tất cả các quốc gia cam kết tuân thủ luật pháp và khuôn khổ quốc tế cùng nhau đoàn kết và thông qua các hành động chung có thể buộc những người ủng hộ Israel phải kiềm chế và chấm dứt tội ác... của nước này ở Gaza".

Tổng thống Iran hoan nghênh những nỗ lực của Qatar nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza. (THX)

* Mỹ khẳng định đàm phán ngừng bắn ở Gaza vẫn có bước tiến, bất chấp các cuộc đụng độ giữa Israel và phong trào Hezbollah của Lebanon

Trả lời báo giới, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: "Nhóm của chúng tôi tại hiện trường tiếp tục mô tả các cuộc đàm phán là mang tính xây dựng". (AFP)

* Israel kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án Hezbollah: Ngày 26/8, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc (LHQ) Danny Danon đã công bố một bức thư kêu gọi Hội đồng Bảo an lên án Hezbollah sau cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái quy mô lớn của phong trào này nhằm vào Israel hôm 25/8.

Trong bức thư gửi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Israel đổ lỗi cho Lebanon và Hezbollah về tình hình căng thẳng leo thang dọc biên giới phía bắc Israel, khiến 60.000 người Israel phải rời bỏ nhà cửa.

Israel cũng chỉ trích Iran đóng vai trò “chỉ đạo” Hezbollah, đồng thời kêu gọi thực thi nghiêm túc Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ, theo đó phong trào Hồi giáo trên phải tránh xa khu vực phía nam sông Litani. (Times of Israel)

* Libya đối mặt với nguy cơ đổ vỡ kinh tế do các quyết định đơn phương gây ra, theo tuyên bố của Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Libya (UNSMIL).

Theo UNSMIL, vấn đề tranh chấp quyền kiểm soát Ngân hàng trung ương Libya đã làm dấy lên báo động về khả năng sử dụng sai mục đích các nguồn tài chính của quốc gia này.

UNSMIL đang triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của tất cả các bên liên quan cuộc khủng hoảng Ngân hàng Trung ương Libya, để đạt được sự đồng thuận dựa trên các thỏa thuận chính trị, luật hiện hành và nguyên tắc độc lập của Ngân hàng trung ương. (UNSMIL)

Châu Mỹ

* Ông Donald Trump yêu cầu đồng minh NATO tăng mạnh chi tiêu quốc phòng: Ngày 26/8, ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump kêu gọi các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chi ít nhất 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.

Phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Vệ binh quốc gia Mỹ tại Detroit, bang Michigan, ông Trump khẳng định: "Mức chi 2% là vụ ăn cướp thế kỷ, đặc biệt khi chúng ta phải chi trả cho nó. Điều đó thậm chí còn không thể tin được".

Dưới thời ông Trump làm Tổng thống, ông liên tục gây sức ép buộc các thành viên NATO phải tăng mạnh chi tiêu quốc phòng để giảm gánh nặng cho Mỹ, quốc gia chi nhiều nhất cho liên minh này. (Yonhap)

* Mỹ sẵn sàng hộ tống tàu Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế ở Biển Đông, theo lời Đô đốc Samuel Paparo, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Ông nhấn mạnh đây là "lựa chọn hoàn toàn hợp lý" trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ chung giữa hai nước, song việc hộ tống này cần có sự tham vấn giữa hai đồng minh.

Về phía Philippines, Tham mưu trưởng quân đội Romeo Brawner khẳng định, Manila ưu tiên tự thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế và sẽ thử mọi phương án có sẵn, tuy nhiên cũng sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ không chỉ từ Mỹ mà còn từ các quốc gia cùng chí hướng khác nếu cần thiết. (Reuters)

* Mỹ cam kết viện trợ nhân đạo hơn 64 triệu USD cho châu Phi cận Sahara, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 26/8, nâng tổng số viện trợ nhân đạo của Washington cho khu vực này trong năm tài chính 2024 lên hơn 3,8 tỷ USD.

Khoản viện trợ mới sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia tiếp nhận đáp ứng nhu cầu cấp thiết, cứu sống người tị nạn, những nhóm người dễ bị tổn thương và phải di dời nơi ở trên khắp khu vực châu Phi cận Sahara.

Mỹ cũng kêu gọi các đối tác quốc tế tăng cường hỗ trợ cho khu vực này, khuyến khích các nước ngoài châu Phi cung cấp viện trợ cho người tị nạn và hỗ trợ thực hiện các giải pháp bền vững cho các vấn đề còn tồn tại ở đây. (TTXVN)