Việc hai Dòng chảy phương Bắc đồng loạt gặp sự cố khiến Nga và châu Âu 'nghĩ suy'. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế đáng chú ý ngày 27/9.
Nga-Ukraine
* Nga: Tình hình pháp lý “sẽ thay đổi” sau trưng cầu ý dân: Ngày 27/9, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói: “Tình hình pháp lý sẽ thay đổi hoàn toàn xét trên quan điểm của luật pháp quốc tế và điều đó cũng sẽ gây ra những hậu quả về an ninh ở các vùng lãnh thổ này”. Hiện Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng cùng 2 tỉnh Zaporizhzhia và Kherson ở Ukraine đang “trưng cầu ý dân” về việc sát nhập Nga. (AFP)
* Nga vẫn sẵn sàng đàm phán với Ukraine: Ngày 27/9, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố Nga vẫn sẵn sàng đàm phán với Ukraine. Ông khẳng định mặc dù tình hình và điều kiện đang thay đổi, nhưng mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moscow phát động ở Ukraine thì không.
Ông Peskov nêu rõ: "Tổng thống Vladimir Putin nói rằng tất nhiên Nga vẫn sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, khi tình hình thay đổi thì các điều kiện đàm phán cũng thay đổi, chúng tôi đã nhiều lần đề cập điều này. Nhìn chung, nguyên tắc vẫn như cũ, đó là đạt được tất cả mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt”. (Sputnik)
* EU cảnh báo “hậu quả” sau trưng cầu ý dân của Nga ở Ukraine: Ngày 27/9, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ áp trừng phạt những người tổ chức bỏ phiếu “trưng cầu ý dân” ở Ukraine. Ông Peter Stano, phát ngôn viên của Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU nhấn mạnh: “Sẽ có hậu quả đối với tất cả những người tham gia các cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp này”. (AFP)
Châu Âu
* Nga nghi 2 tuyến Dòng chảy phương Bắc bị “phá hoại”: Phát biểu với báo giới ngày 27/9 sau khi xảy ra sự cố rò rỉ đồng loạt trên 2 đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov không loại trừ khả năng đây là hậu quả của hành vi "phá hoại". Ông cho rằng hiện không thể bỏ qua bất kỳ giả thuyết nào khi chưa có kết quả điều tra, nhấn mạnh đây là vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng của cả một châu lục.
Hiện Nord Stream AG, công ty vận hành các tuyến đường ống dẫn khí đốt trên, đã xác nhận xảy ra tình trạng giảm áp suất đột ngột ở cả 2 tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2. Công ty này nêu rõ đây là các vụ việc “chưa từng có” và hiện chưa thể ước tính được thời gian khắc phục. Nguyên nhân các sự cố vẫn đang được điều tra. (AFP)
* EC: “Còn quá sớm” để kết luận về sự cố của hai Dòng chảy phương Bắc: Ngày 27/9, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết còn quá sớm để kết luận về nguyên nhân rò rỉ tại 2 dự án Dòng chảy phương Bắc của Nga. Cơ quan này cho biết hiện chưa nhận thấy bất kỳ tác động nào của vụ việc tới an ninh nguồn cung.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng và Khí hậu Đan Mạch Dan Jorgensen cho rằng cần thời gian để điều tra nguyên nhân gây ra vụ việc được cho là rò rỉ khí đốt. Theo người phát ngôn của Cơ quan Năng lượng Thụy Điển Ola Westberg, nước này chưa đưa ra quyết định nào và vẫn đang trao đổi với Đan Mạch. Hãng thông tấn Ritzau (Đan Mạch) cho biết, theo Cơ quan Năng lượng nước này, chỉ khu vực, nơi đặt các đoạn đường ống dẫn khí đốt bị rò rỉ, sẽ chịu ảnh hưởng, song khí metan thoát ra khí quyển có thể gây hại cho môi trường.
Trước đó, cùng ngày 27/9, Cơ quan Hàng hải Thụy Điển cho biết đã phát cảnh báo về 2 vụ rò rỉ trên tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1, đoạn chạy lần lượt qua vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch, ngay sau khi sự cố rò rỉ trên tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, đoạn cũng chạy qua vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch được phát hiện. Cả 3 đoạn đường ống xảy ra sự cố đều không hoạt động nhưng đã được bơm khí đốt. (Reuters)
* Ba Lan khánh thành đường ống khí đốt từ Na Uy: Ngày 27/9, Đường ống Baltic, vận chuyển khí đốt Na Uy qua Đan Mạch đã được khánh thành tại Ba Lan. Phát biểu tại lễ ra mắt Đường ống Baltic, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhấn mạnh: “Hôm nay chúng tôi khánh thành đường ống này... đó là giấc mơ của người Ba Lan”. Theo kế hoạch, Đường ống Baltic có công suất 10 tỷ mét khối/năm. (Reuters)
* EU chấp thuận sơ bộ yêu cầu giải ngân 21 tỷ Euro của Italy: Ngày 27/9, EC đã thông qua đánh giá sơ bộ tích cực về yêu cầu giải ngân 21 tỷ Euro của Italy trong Quỹ phục hồi hậu Covid-19. Người phát ngôn của EU nói: “EC thấy rằng Italy đã đạt được tất cả 45 cột mốc liên quan. Đánh giá đã được gửi tới Ủy ban Kinh tế và Tài chính của EU. Cơ quan này sẽ đưa ra ý kiến trong 4 tuần tới. Sau đó, EC sẽ thông qua quyết định cuối cùng”. (Reuters)
* Bầu cử Italy: Liên minh trung hữu giành đa số rõ rệt tại Quốc hội: Ngày 27/9, Bộ Nội vụ Italy đã công bố kết quả chính thức của bầu cử Italy: Liên minh cực hữu (gồm FdI, đảng Liên đoàn và đảng Tiến lên Italy!) đã giành 43,8% số phiếu. Với số phiếu bầu bổ sung từ các cử tri Italy ở nước ngoài và ở 2 khu vực độc lập, liên minh trung hữu giành được 237/400 ghế tại Hạ viện và 112/200 ghế tại Thượng viện, một đa số rõ rệt, nhưng không phải là đa số áp đảo 2/3 như kỳ vọng.
Liên minh trung tả, do đảng Dân chủ (PD) lãnh đạo, giành 26% phiếu bầu, với 84 ghế tại Hạ viện và 42 ghế tại Thượng viện. Với 15,5% phiếu bầu, đảng Phong trào 5 Sao (M5S) sẽ có 52 Hạ nghị sỹ và 28 Thượng nghị sỹ. Liên minh trung dung, gồm đảng Azione của cựu Bộ trưởng Công nghiệp Carlo Calenda và đảng Italia Viva của cựu Thủ tướng Matteo Renzi, giành 7,7% phiếu bầu và sẽ có 21 Hạ nghị sỹ và 9 Thượng nghị sỹ.
Như vậy, là nhà lãnh đạo của đảng lớn nhất trong liên minh chiến thắng, bà Meloni có nhiều khả năng trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy, mặc dù quá trình thành lập chính phủ mới dự kiến sẽ mất nhiều tuần. (AFP)
Đông Bắc Á
* Ngoại trưởng Anh thăm Hàn Quốc: Ngày 27/9, Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã tới Hàn Quốc để gặp các quan chức cấp cao nước chủ nhà và thăm Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Thông báo của Chính phủ Anh nêu rõ chuyến thăm sẽ tập trung vào việc thúc đẩy thương mại, tăng cường an ninh và củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa Anh và Hàn Quốc.
Ông Cleverly nhấn mạnh: “Hàn Quốc là người bạn đáng tin cậy trong khu vực và đối tác thương mại quan trọng của Anh. Chúng ta có sự hiểu biết chung về các mối đe dọa toàn cầu và cam kết hợp tác để tăng cường an ninh và thịnh vượng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương’.
Dự kiến, tại Hàn Quốc, Ngoại trưởng James Cleverly sẽ hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk Yeol về quan hệ song phương và tham dự Đối thoại Chiến lược với người đồng cấp Hàn Quốc Park Jin. Hai bên dự kiến thảo luận về hợp tác chung về kinh tế và an ninh toàn cầu, bao gồm tình hình Ukraine, quan hệ Nga và Trung Quốc. Ông cũng sẽ thăm DMZ cùng với Trung tướng Andy Harrison, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Liên hợp quốc tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc là chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du châu Á dài 3 ngày của Ngoại trưởng James Cleverly. Đây là một trong những chuyến công du quốc tế đầu tiên của tân Ngoại trưởng Anh, qua đó thể hiện vị trí quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại Anh.
Trước khi đến Hàn Quốc, ông James Cleverly đã đến Nhật Bản để dự quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Sau Hàn Quốc, ông James Cleverly dự kiến sẽ thăm Singapore. (The Guardian)