Mỹ khẳng định thương vụ bán F-16 cho Pakistan không nhằm phản đối quan hệ Ấn-Nga. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế nổi bật ngày 23/9.
Nga-Ukraine
* Nga “chưa thấy điều kiện tiên quyết” để đàm phán với Ukraine: Ngày 23/9, phát biểu với báo giới về tiến trình đàm phán với Ukraine, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói: “Quá trình đàm phán tất nhiên là cần thiết. Cần thiết để đạt được mục tiêu của chúng tôi. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, chúng tôi không thấy bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho quá trình đàm phán".
Ông cho biết Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh chính Kiev mới là bên rút khỏi đàm phán vài tháng trước và tuyên bố sẽ “giải quyết vấn đề trên chiến trường.”
Trong một tin liên quan, Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho biết một số chuyên gia công nghệ, các ông chủ ngân hàng và phóng viên làm việc cho các hãng truyền thông nhà nước sẽ không nằm trong lệnh động viên mới đây của Nga tới Ukraine. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Ukraine muốn Đức gửi xe tăng chiến đấu 'làm gương' cho các nước khác |
Châu Âu
* Thụy Sỹ phản đối Nga trưng cầu ý dân ở Donbass: Ngày 23/9, Thụy Sỹ đã chỉ trích trưng cầu ý dân sát nhập Nga tại Donbass, đồng thời triệu Đại sứ Nga để phản đối: “Các cuộc trưng cầu ý dân đang diễn ra ở các vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng một phần không phù hợp với pháp luật và trái với luật pháp quốc tế. Hội đồng Liên bang (Thụy Sỹ) lên án hành động vi phạm mới nhất của Nga với chủ quyền Ukraine và sẽ không công nhận bất kỳ kết quả bỏ phiếu trưng cầu ý dân giả mạo nào...”. Nước này cũng không loại trừ áp dụng trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga liên quan tới cuộc trưng cầu ý dân nêu trên.
Dự kiến, cuộc “trưng cầu ý dân” tại Lugansk, Kherson và phần do Nga kiểm soát ở Zaporizhzhia và Donetsk sẽ diễn ra vào ngày 23/9. (Sputnik)
* Đức hoan nghênh người Nga không tham chiến ở Ukraine: Ngày 23/9, phát biểu họp báo thường kỳ, một người phát ngôn chính phủ Đức nói: “Nhiều người Nga hiện đang được kêu gọi nhập ngũ cũng không muốn tham gia cuộc chiến này. Đây là dấu hiệu tốt... Phải để ngỏ cánh cửa cho người Nga đến châu Âu và cả Đức”. (Reuters/TASS)
* Belarus không có kế hoạch động viên quân: Ngày 23/9, hãng thông tấn Belta (Belarus) dẫn lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết: “Lệnh động viên một phần quân đội diễn ra ở Nga... Sẽ không có lệnh động viên quân nào (ở đây). Chúng tôi sẽ chỉ chiến đấu khi chúng tôi phải bảo vệ quê hương, lãnh thổ của mình”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga: Ukraine thương vong hàng trăm binh sĩ trong 24 giờ qua |
Đông Bắc Á
* Nhật Bản chỉ trích Nga “trưng cầu ý dân” trên lãnh thổ Ukraine: Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết ngày 22/9, trong cuộc gặp Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tại New York (Mỹ) bên lề phiên Thảo luận chung khóa 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Thủ tướng Kishida Fumio “trưng cầu ý dân” trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời khuyến cáo Nga không bao giờ được sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đồng thời, ông Kishida cho biết Nhật Bản sẽ mở lại Đại sứ quán tại Kiev sau nhiều tháng đóng cửa vì lý do an ninh. Lãnh đạo hai nước cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp thông qua các biện pháp trừng phạt có sức nặng, cùng với các thành viên khác của G7 và cộng đồng quốc tế để buộc Nga thay đổi ý định ở Ukraine. (Kyodo)
* Trung Quốc ủng hộ giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng ở Ukraine: Ngày 23/9, Phát biểu bên lề kỳ họp khóa 77 ĐHĐ LHQ sau cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nêu rõ: “Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng”. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh luôn đứng về phía hòa bình.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh nước này coi trọng vị thế quốc tế và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, mong muốn Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng trong xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay. Đồng thời, ông khẳng định Ukraine sẵn sàng đối thoại và đàm phán phù hợp với lợi ích quốc gia. (Reuters/Tân Hoa xã)
* Trung Quốc “ngỏ lời” về quan hệ với NATO: Ngày 22/9, bên lề phiên Thảo luận chung khóa 77 ĐHĐ LHQ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg.
Nhà ngoại giao này nhấn mạnh với tư cách là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc sẵn sàng đối thoại và giao lưu với NATO, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ song phương.
Theo ông, hai bên cần tăng cường trao đổi và hiểu biết lẫn nhau trên cơ sở thẳng thắn và tôn trọng, tránh hiểu lầm. Đồng thời, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cần thiết với NATO trong các vấn đề quốc tế, đóng góp vào hòa bình và ổn định. Ông cũng nêu rõ quan điểm nhất quán của Trung Quốc về vấn đề Ukraine và vai trò mang tính xây dựng của Bắc Kinh trong thúc đẩy đàm phán hòa bình.
Ông Vương Nghị cũng cho rằng cần tìm hiểu khả năng xây dựng một khuôn khổ an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững, vì sự ổn định lâu dài ở châu Âu.
Về phần mình, ông Stoltenberg nhấn mạnh với nền kinh tế và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu. Khẳng định NATO không coi Trung Quốc là đối thủ, ông cho biết khối này coi trọng duy trì và tăng cường giao lưu với Trung Quốc, đồng thời có thái độ tích cực trong phát triển quan hệ với Bắc Kinh. Đồng thời, NATO sẽ giữ cam kết về vị thế địa lý ban đầu khi liên minh quân sự này được thành lập đồng thời, kỳ vọng thăm dò hợp tác với Trung Quốc trong kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác để đối phó hiệu quả hơn với các thách thức toàn cầu. (Tân Hoa xã)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhất trí cùng Nhật Bản cải tổ Liên hợp quốc, Mỹ ủng hộ mở rộng thành viên Hội đồng Bảo an |
Nam Á
* Mỹ “giãi bày” về hợp đồng F-16 với Pakistan: Ngày 22/9, Mỹ cho biết thương vụ tiêm kích F-16 với Pakistan không nhằm gửi tín hiệu tới quan hệ Ấn Độ-Nga. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Ely Ratner giải thích: “Quyết định của Chính phủ Mỹ được đưa ra dựa trên lợi ích của Mỹ về quan hệ đối tác quốc phòng với Pakistan, trong đó chủ yếu tập trung vào chống khủng bố và an ninh hạt nhân”. Ông khẳng định đã trao đổi với đối tác Ấn Độ trước khi thông báo và trong chuyến thăm với New Delhi.
Trước đó, trong tháng 9, Pakistan và Mỹ đã ký thỏa thuận quốc phòng trị giá 450 triệu USD, 4 năm sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đình chỉ viện trợ an ninh trị giá 2 tỷ USD cho Islamabad.
Tuần trước, trao đổi qua điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào ngày 14/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cũng dự kiến gặp ông Austrin tại Lầu Năm Góc vào ngày 26/9.
Phần lớn thiết bị quân sự của Ấn Độ đến từ Nga. Trước đó hồi tháng 7, Hạ viện Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với những thỏa thuận quốc phòng của Ấn Độ với Nga, mở đường cho New Delhi mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Moscow. Thỏa thuận này đã bị cựu Tổng thống Donald Trump cản trở vào năm 2018 khi ông tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt. (NDTV/The Hindu)
| Hải quân Nga-Trung tuần tra chung trên Thái Bình Dương Nga khẳng định chiến dịch tuần tra chung nhằm thúc đẩy hợp tác hàng hải, duy trì hòa bình, ổn định tại châu Á-Thái Bình ... |
| Thổ Nhĩ Kỳ muốn 'mở cánh cửa thế giới', kêu gọi các nước đối thoại với Nga Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi thế giới tiếp tục chấm dứt xung đột, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Liên hợp quốc trong ... |
| Cuba: Mỹ có ‘bước đi tích cực’ về vấn đề thị thực Cuba khẳng định duy trì thiện chí tăng cường hiểu biết lẫn nhau với Mỹ, song nhấn mạnh Washigton cần xóa bỏ các yếu tố ... |
| Philippines khẳng định ‘quan hệ đối tác gần gũi’ với Nhật Bản Ngày 21/9, lãnh đạo Nhật Bản-Philippines đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. lãnh đạo Manila. |
| NATO đưa quân dự bị đến Kosovo: Liệu có chỉ là huấn luyện ‘thông thường’? Theo thông báo của NATO, việc điều động chỉ là kế hoạch thông thường, nhưng đây có thể là phương cách cuối cùng trong cuộc ... |