📞

Tin thế giới 28/1: Nga-Mỹ sắp đoạn tuyệt quan hệ? Nga-Ukraine không hề muốn xung đột; Triều Tiên không đe doạ an ninh khu vực

Duy Quang 19:45 | 28/01/2022
Nếu tiếp tục trừng phạt Nga, Mỹ sẽ khiến quan hệ hai bên rạn nứt; Nga, Ukraine đều không muốn có xung đột... là những sự kiện thế giới nổi bật 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, trong cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Stockholm, ngày 2/12. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Ngoại trưởng Nga: Trừng phạt của Mỹ tương đương với việc cắt đứt quan hệ

Trong một cuộc phỏng vấn với một số đài phát thanh Nga, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov cho biết, việc Washington đưa ra một gói trừng phạt mới đối với Moscow sẽ tương đương với việc cắt đứt quan hệ song phương Nga-Mỹ.

Nói về khả năng có thêm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với giới lãnh đạo Nga, ông Lavrov cho biết: "Liên quan tới mối đe dọa về gói trừng phạt mới, trong các cuộc tiếp xúc, bao gồm cấp tổng thống, phía Nga đã nói rõ rằng các biện pháp trừng phạt đang được nhắc đến, kèm theo việc đình chỉ toàn bộ hệ thống tài chính do phương Tây kiểm soát, sẽ tương đương với việc cắt đứt quan hệ. Điều này đã được nói trực tiếp, và tôi nghĩ họ hiểu điều đó".

Ngoại trưởng Lavrov lưu ý rằng phương Tây nhận thức được rằng việc đưa ra các biện pháp trừng phạt không phù hợp với "lợi ích của bất kỳ ai". (TASS)

Nga muốn có quan hệ tốt đẹp với châu Âu

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev khẳng định với truyền thông nước này rằng, Nga mong muốn có quan hệ tốt đẹp và cùng có lợi với Liên minh châu Âu (EU).

Ông Medvedev cho rằng, không có tranh chấp nào giữa Moscow và Brussels mà không thể giải quyết. Ông nói: "Nhìn chung, tôi nghĩ rằng chúng tôi mong muốn có quan hệ tốt đẹp với châu Âu, không nghi ngờ gì về điều đó".

Quan chức Nga đã nhắc lại thời điểm mà kim ngạch thương mại với EU đạt khoảng 500 tỷ euro, lưu ý rằng đây là một con số khổng lồ. Tuy nhiên, sau đó, khối lượng giao dịch "gần như giảm một nửa" và mọi bên đều thiệt hại vì điều này, bao gồm cả thu nhập và việc làm.

Ông nhấn mạnh: "Do đó, chúng tôi không có tranh chấp nào mà không thể giải quyết với châu Âu. Chúng tôi quan tâm đến việc các mối quan hệ này tốt đẹp, có lợi về kinh tế nhất có thể, và chúng tôi có thể và nên làm việc hướng tới điều này". (TASS)

Nga đẩy mạnh hợp tác quân sự kỹ thuật với Cuba

Đại sứ Nga tại Cuba Andrei Guskov cho biết, Moscow và Havana sẽ tiếp tục phát triển hợp tác song phương trong lĩnh vực quân sự kỹ thuật.

Tiếp xúc giữa hai nước gia tăng trong tháng này, với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel từng thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược và nhất trí tăng cường quan hệ song phương.

Ngoài ra, trả lời phỏng vấn báo giới, ông Guskov còn cho rằng, việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của Nga ở Cuba là một vấn đề tế nhị và không thể được thông báo trước.

Quan chức ngoại giao này nêu rõ: "Về khả năng triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của Nga ở Cuba, do tính nhạy cảm của chủ đề này nên không thể thông báo trước", đồng thời cho biết thêm rằng luật pháp Cuba không nghiêm cấm việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình. (RIA)

Căng thẳng Nga-Ukraine:

Kiev bác tin Mỹ cảnh báo sắp xảy ra xung đột

Ngày 28/1, người phát ngôn tổng thống Ukraine Sergii Nykyforov đã bác bỏ thông tin cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về một cuộc xâm lược "sắp xảy ra" đối với quốc gia Đông Âu này, một ngày sau khi Nhà Trắng tuyên bố tin trên là sai sự thật.

Hôm 27/1, một phóng viên CNN đăng dòng tweet dẫn lời một quan chức cho hay, Tổng thống Biden cảnh báo cuộc xâm lược Ukraine là "chắc chắn một khi mặt đất đóng băng" cũng như cảnh báo ông Zelensky rằng Kiev có thể bị "loại bỏ" và quân đội Nga có thể cố gắng chiếm đóng nước này. Cùng ngày, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Emily Horne đã bác bỏ thông tin trên. (Reuters)

Bộ Ngoại giao Nga: Nga-Ukraine không muốn xung đột, nhưng phương Tây cố gắng khiến điều này xảy ra

Tại cuộc họp báo ngày 27/1, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga - ông Alexey Zaytsev nhấn mạnh rằng chuyện người Nga và người Ukraine đánh nhau là không thể chấp nhận được, chỉ là phương Tây đang cố để điều này xảy ra.

Ông Zaytsev trích dẫn các tuyên bố của các quan chức an ninh hàng đầu Ukraine hạ thấp mối đe dọa về cái gọi là sự tấn công của Nga, như một bằng chứng cho thấy sự leo thang căng thẳng hiện nay là do phương Tây thúc đẩy.

“Quốc gia của chúng tôi cũng đã nhiều lần tuyên bố không có ý định tấn công bất kỳ ai. Chúng tôi cho rằng viêc người dân của chúng tôi tham gia cuộc chiến nhắm vào nhau là điều không thể chấp nhận được” - ông Zaytsev nhấn mạnh.

Theo vị phát ngôn viên, trong khi Kiev và Moscow tìm cách ngăn chặn các hành động thù địch, thì "các bên hậu thuẫn nước ngoài của Ukraine có những ý tưởng khác và tỏ ra quyết tâm thực hiện kịch bản Nga tấn công Ukraine".

Ông Zaytsev nói thêm rằng nếu NATO thực sự quan tâm đến việc xoa dịu căng thẳng quân sự ở châu Âu, thì khối này nên rút các lực lượng đang triển khai ở phía đông của lục địa. (RT)

Mỹ thu hồi quyền hoạt động của nhà mạng Trung Quốc

Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho biết đã thu hồi quyền hoạt động của nhà mạng Trung Quốc Unicom, không cho công ty này cung cấp dịch vụ tại Mỹ do những lo ngại về an ninh quốc gia.

FCC cho rằng việc thu hồi quyền cung cấp dịch vụ của công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ trước các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn. Theo FCC, công ty con China Unicom Americas là đối tượng chịu sự khai thác, ảnh hưởng và kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc và có thể phải tuân thủ các yêu cầu từ Bắc Kinh.

FCC cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể truy cập, lưu trữ, làm gián đoạn và làm chệch hướng thông tin liên lạc của Mỹ. Điều này có thể cho phép Trung Quốc tham gia vào các hoạt động gián điệp và gây hại khác chống lại Mỹ. (Sputnik)

Trung Quốc đồng ý để Cao ủy nhân quyền LHQ tới Tân Cương

Phía Trung Quốc cho biết, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Michelle Bachelet sẽ tới thăm vùng viễn Tây của Tân Cương sau Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh.

Theo nguồn tin của SCMP, bà Bachelet gần đây đã nhận được sự chấp thuận từ phía Bắc Kinh tới khu vực này với điều kiện rằng đó sẽ là chuyến đi "thân thiện" hơn là một cuộc điều tra nhằm vào các vụ vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Trung Quốc cũng yêu cầu văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ hoãn công bố báo cáo về Tân Cương cho tới khi kết thúc Thế vận hội Bắc Kinh.

Một người phát ngôn của văn phòng Bachelet tháng trước cho biết sẽ sớm công bố báo cáo về những phát hiện của mình liên quan tới những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người thiểu số khác ở Tân Cương. (SCMP)

Triều Tiên úp mở về vũ khí chiến lược

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 28/1 xác nhận nước này đã tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa (phiên bản được nâng cấp) và một đầu đạn của tên lửa chiến thuật.

Cùng với đó, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm nhà máy sản xuất đang sản xuất “một hệ thống vũ khí chủ chốt”.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Han Tae-song tuyên bố loạt vụ thử vũ khí gần đây của Bình Nhưỡng không đe dọa tới các quốc gia láng giềng, đồng thời kêu gọi Mỹ chấm dứt vĩnh viễn các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc.

Bộ trên dẫn lời ông Han khẳng định: "Vụ thử vũ khí mới gần đây nằm trong hoạt động thực hiện kế hoạch trung-dài hạn để phát triển khoa học quốc phòng, và không đặt ra bất kỳ mối đe dọa hay thiệt hại nào với an ninh các nước láng giềng cũng như khu vực". Sau đó, ông kêu gọi Mỹ rút lại "chính sách thù địch" và "tiêu chuẩn kép" với Bình Nhưỡng, đồng thời "chấm dứt vĩnh viễn các cuộc tập trận quân sự tấn công cũng như việc triển khai hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến lược" trong và xung quanh Bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)

WHO cảnh báo về một loại virus corona mới

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi tình hình với sự xuất hiện của các loại virus mới, bao gồm cả virus Corona NeoCoV. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của loại virus mới này vẫn đang được nghiên cứu.

Trước đó, các nhà khoa học Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xâm nhập vào cơ thể người của virus NeoCoV, loại virus trước đây đã được phát hiện ở Nam Phi. Có thông tin cho rằng virus này cần một đột biến nào đó để tương tác với cơ thể con người, hiện tại nó chỉ đe dọa loài dơi.

Tuyên bố của WHO nêu rõ: "Chúng tôi đã lưu ý bài báo này và cảm ơn các nhà nghiên cứu đã chia sẻ những phát hiện của họ trong bản thảo. Động vật, đặc biệt là động vật hoang dã, là nguồn gốc của hơn 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người. Nhiều bệnh do virus mới gây ra. WHO cho biết, virus corona thường được tìm thấy ở động vật, bao gồm cả ở dơi".

Tuy nhiên, nguy cơ loại virus mới có thể gây ra làn sóng đại dịch mới hay không vẫn cần được nghiên cứu. (Sputnik)