Lãnh đạo Armenia, Azerbaijan và Nga dự cuộc họp ba bên ở Moscow, ngày 11/1/2020. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Nga-Ukraine
* Ukraine tuyên bố bắn hạ 300 UAV của Iran: Phát biểu họp báo ngày 28/10, người phát ngôn không quân Ukraine Yuriy Ihnat cho biết, đến nay Kiev đã bắn hạ hơn 300 máy bay không người lái (UAV) Shahed-136 của Iran. UAV đã trở thành vũ khí quan trọng của Nga trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, đặc biệt là trong các chiến dịch tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của chính quyền Kiev hồi tháng trước. Trong khi đó, Iran một mực bác bỏ cáo buộc của phía Ukraine và phương Tây cho rằng Tehran đang cung cấp UAV cho Nga.
Cùng ngày, cơ quan tình trạng khẩn cấp tỉnh Kherson cho biết, các Lực lượng Vũ trang Ukraine đã tấn công cầu Antonovka bằng hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), song toàn bộ số đạn pháo này đã bị phòng không Nga bắn hạ. (Reuters/TASS)
* Nga: Chỉ 3% lương thực xuất khẩu của Ukraine đến các nước nghèo: Ngày 28/10, Nga cho rằng chỉ 3% lương thực xuất khẩu theo thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian để giải phóng lượng ngũ cốc tại các cảng Ukraine được chuyển đến các nước nghèo. Moscow nêu rõ: “Vị trí địa lý của những nước tiếp nhận những lô hàng này hóa ra hoàn toàn trái ngược với các mục đích nhân đạo được công bố ban đầu. Somalia, Ethiopia, Yemen, Sudan và Afghanistan chỉ nhận được 3% số lương thực đó, chủ yếu qua Chương trình Lương thực Thế giới”.
Kể từ khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc nêu trên tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/7, hàng triệu tấn ngô, lúa mì, các sản phẩm từ hoa hướng dương, lúa mạch, hạt cải dầu và đậu nành đã được xuất khẩu từ các cảng Ukraine. (Reuters)
Châu Âu
* EU: Khủng hoảng năng lượng có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế-xã hội: Phát biểu tại Hội nghị Đầu tư Bền vững Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định khủng hoảng năng lượng đang là ưu tiên hàng đầu của các nhà chức trách EU lúc này vì nó có thể gây bất ổn kinh tế và xã hội. Quan chức này cho biết tại cuộc họp năm ngoái, bà đã nói về sự bất ổn của hệ thống năng lượng bị chi phối bởi năng lượng hóa thạch khi đó. (Sputnik)
* Pháp, Anh sẽ họp thượng đỉnh: Điện Elysee ngày 28/10 cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron đã điện đàm với tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Hai nhà lãnh đạo nhất trí chuẩn bị sẽ tổ chức thượng đỉnh song phương vào năm 2023. Ông Emmanuel Macron đã khẳng định mong muốn làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh Pháp coi xung đột ở Ukraine và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là những thách thức chung. (Reuters)
* Thủ tướng Đức sắp công du Trung Quốc: Ngày 28/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo theo lời mời của Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ thăm chính thức Bắc Kinh ngày 4/11. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo châu Âu đến Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đồng thời, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz diễn ra sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa tổ chức thành công Đại hội XX, sự kiện đặc biệt quan trọng với Bắc Kinh khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Berlin trong 6 năm qua. Kim ngạch thương mại giữa Đức và Trung Quốc năm 2021 đạt 244 tỷ USD. (Reuters)
* Thụy Điển mở rộng điều tra vụ phá hoại Dòng chảy phương Bắc: Ngày 28/10, Cơ quan An ninh Thụy Điển tuyên bố họ sẽ mở một cuộc điều tra nữa về vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc cùng các lực lượng vũ trang.
Theo đó, vào đầu tháng 10, Cơ quan An ninh Thụy Điển đã điều tra tại hiện trường về thiệt hại đối với các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Kết quả đã củng cố nghi ngờ về hành vi phá hoại.
Hiện cơ quan công tố Thụy Điển đã quyết định tiến hành điều tra thêm về đoạn đường ống Dòng chảy phương Bắc ở biển Baltic, với sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang nước này. Trước đó, cả Thụy Điển và Đan Mạch đều kết luận 4 vụ rò rỉ là do các vụ nổ vào tháng trước, song lại chưa cho biết ai có thể là kẻ thực hiện vụ này. (Sputnik)
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc thành lập bộ phận xúc tiến mua sắm vũ khí với Mỹ: Ngày 28/10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này đã lập lực lượng đặc trách liên ngành để xúc tiến thỏa thuận mua sắm vũ khí với Mỹ. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Shin Beom-chul đã chủ trì phiên họp đầu tiên của bộ phận gồm khoảng 20 thành viên, bao gồm quan chức từ Bộ Ngoại giao, Công nghiệp cũng như Cơ quan quản lý chương trình mua sắm vũ khí Hàn Quốc (DAPA).
Động thái này diễn ra sau khi hồi tháng năm, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Mỹ Joe Biden nhất trí sẽ thảo luận về Hiệp định mua sắm vũ khí đối ứng (RDP-A) nhằm tăng cường hợp tác trong cung ứng vũ khí và các lĩnh vực khác. Nếu được ký kết, hiệp định này sẽ giảm bớt một số rào cản thương mại đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí giữa hai nước. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại thỏa thuận này có thể khiến các nhà cung cấp vũ khí Hàn Quốc gặp bất lợi.
Ngày 28/10, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) ra vùng biển phía Đông nước này. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), Triều Tiên phóng hai tên lửa từ khu vực Tongchon, tỉnh Kangwon của nước này, lần lượt trong khoảng thời gian từ 11h59 đến 12h18 (theo giờ địa phương). JCS cũng khẳng định liên minh Mỹ-Hàn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng thời tăng cường giám sát và cảnh giác những động thái mới từ Bình Nhưỡng.
Về phần mình, Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đánh giá vụ phóng 2 tên lửa mới nhất của Triều Tiên cùng ngày không gây ra mối đe dọa tức thời đối với nước này và các đồng minh. (Yonhap)
Đông Nam Á
* Lào và Thái Lan động thổ xây dựng cầu hữu nghị thứ 5: Ngày 28/10, tại tỉnh Bolykhamxay đã diễn ra Lễ động thổ dự án xây dựng Cầu Hữu nghị Lào-Thái số 5, nối tỉnh Bolikhamxay (Lào) và tỉnh Bueng Kan (Thái Lan). Tham dự lễ động thổ có Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cùng đông đảo các lãnh đạo sở ban ngành liên quan của hai nước. Lễ động thổ được tổ chức ở cả hai bên bờ Mekong, bắt đầu từ bên phía Lào. Theo đó, lãnh đạo Lào và Thái Lan đều nhất trí cần xây dựng thêm các cây cầu kết nối hai khu vực, tin tưởng cây cầu hữu nghị số 5 sẽ thúc đẩy kinh tế hai nước phát triển và tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương giữa Việt Nam - Lào - Thái Lan.
Hai bên đã thảo luận và nghiên cứu tính khả thi của dự án này từ năm 2012. Năm 2019, hai bên đã ký thỏa thuận về xây dựng và bắt đầu triển khai xây dựng năm 2021. Cầu dài 1.350m, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023 và đưa vào sử dụng đầu năm 2024. Dự án Cầu Hữu nghị số 5 nằm trong kế hoạch hành động đối tác chiến lược vì tăng trưởng và phát triển bền vững giai đoạn 5 năm (2022-2026) hai nước ký kết tháng 6/2022. (TTXVN)
Nam Á
* Ngoại trưởng Anh tới Ấn Độ: Ngày 28/10, Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã đến Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đầu tiên kể từ khi ông được tái bổ nhiệm 3 ngày trước. Viết trên Twitter, ông nhấn mạnh: “Thật tuyệt vời khi đến Ấn Độ. Mong muốn củng cố mối quan hệ đối tác Anh-Ấn Độ trong bối cảnh chúng tôi hướng tới Lộ trình 2030, xây dựng quan hệ thương mại và tăng cường an ninh”.
Theo kế hoạch, quan chức này sẽ hội đàm với Ngoại trưởng nước chủ nhà S. Jaishankar tại New Delhi ngày 29/10, tập trung thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Anh-Ấn. Ngoài ra, ông cũng sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp đặc biệt của Ủy ban chống khủng bố Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Reuters)
Trung Á
* Armenia sẽ thiết lập quan hệ với Azerbaijan theo nguyên tắc Nga đề xuất: Viết trên Twitter cá nhân ngày 28/10, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố: “Hồi đầu tháng 9, Armenia đã đồng ý làm việc trên cơ sở các nguyên tắc và thông số cơ bản để thiết lập quan hệ nhà nước giữa Armenia và Azerbaijan do Nga đề xuất và sẵn sàng xác nhận lại tại Sochi. Chúng tôi hy vọng Nga sẽ hỗ trợ thực hiện đề xuất của nước này”.
Về phần mình, phát biểu tại thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ngày 28/10, Tổng thống Vladimir Putin nói: “Chúng tôi đang làm mọi thứ để bình thường hóa toàn diện quan hệ giữa Baku và Yerevan”.
Trước đó, ngày 14/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời lãnh đạo Azerbaijan và Armenia tới Nga, đồng thời đề nghị thống nhất thời gian và địa điểm. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã xác nhận việc chuẩn bị cho cuộc gặp này.
Về phần mình, trong bài phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan xác nhận sẽ đến Sochi theo lời mời của Nga để gặp Tổng thống Putin và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 31/10. Trước đó, ba nhà lãnh đạo trên từng tham gia hội đàm tại Sochi tháng 11/2021. (TASS)
Trung Đông – châu Phi
* Đức triệu Đại sứ đáp trả Iran: Ngày 27/10, Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Iran Mahmoud Farazandeh tới để phản đối trong một động thái đáp trả hành động ttước đó, Iran đã triệu Đại sứ Đức Hans-Udo Muzel. Đại sứ Hans-Udo Muzel bị chỉ trích là đang can thiệp vào công việc nội bộ của Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo này, trong bối cảnh làn sóng biểu tình lan rộng khắp Iran sau cái chết trong nhà tù của một phụ nữ người Kurd 22 tuổi. Hôm 26/10, Đức thông báo sẽ siết chặt các hạn chế nhập cảnh với công dân Iran ngoài gói trừng phạt vừa được EU công bố để phản ứng với tình hình ở Iran. (Reuters)