Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov (phải) được Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên No Kwang Chol chào đón khi tới sân bay quốc tế Bình Nhưỡng. (Nguồn: HinduTimes) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Australia triển khai máy bay tuần tra Poseidon tới Biển Đông: Bộ Quốc phòng Australia đã triển khai 2 máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) để tiến hành tuần tra ở Bắc Ấn Độ Dương và Biển Đông trong khuôn khổ Chiến dịch Gateway.
Chiến dịch Gateway, chiến dịch quốc phòng lâu đời nhất của Australia, triển khai một số máy bay RAAF P-8A đến căn cứ Không quân Hoàng gia Malaysia Butterworth mỗi năm.
Theo Chỉ huy Phi đội số 11, Trung tá Adam Saber, "mỗi nhiệm vụ trong Chiến dịch Gateway đều bao gồm các cuộc tuần tra nhận thức về lĩnh vực hàng hải thường lệ để giám sát hoạt động vận chuyển thương mại và hải quân dọc theo một số tuyến đường vận tải bận rộn nhất thế giớ". (Australianaviation)
*Hàn Quốc phản đối 11 máy bay Nga-Trung xâm nhập trái phép: Ngày 29/1, Hàn Quốc cho biết đã trao "công hàm phản đối mạnh mẽ" tới phía Trung Quốc và Nga liên quan đến vụ việc máy bay quân sự của hai nước này xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc (KADIZ) mà không thông báo trước.
Trước đó cùng ngày, quân đội Hàn Quốc đã buộc phải cho xuất kích các chiến đấu cơ để ứng phó với tình huống 5 máy bay quân sự của Trung Quốc và 6 máy bay quân sự Nga xâm nhập KADIZ trên vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông và phía Nam. (Reuters)
*Nhật Bản vẫn muốn ký hiệp ước hòa bình với Nga: Phát biểu trước Quốc hội ngày 29/11, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tuyên bố chính phủ của ông vẫn cam kết giải quyết "vấn đề lãnh thổ và ký kết hiệp ước hòa bình" với Nga, bất chấp những phức tạp đang diễn ra trong quan hệ Nga-Nhật.
Kể từ giữa thế kỷ 20, Moscow và Tokyo đã tiến hành đàm phán một hiệp ước hòa bình để đánh dấu sự kết thúc của Thế Chiến II. Rào cản chính là vấn đề quyền tài phán đối với quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc).
Sau khi Tokyo áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga vì tình hình ở Ukraine, Nga đã dừng đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản và dừng đối thoại về các hoạt động kinh tế chung ở quần đảo Nam Kuril. Ngoài ra, Moscow cũng từ chối gia hạn tư cách đối tác trong Hợp tác kinh tế biển Đen (BSEC) cho Tokyo. (TASS)
*Trung Quốc thông báo tập trận ở Hoàng Hải: Ngày 29/11, Cơ quan An toàn Hàng hải (MSA) Trung Quốc thông báo Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ tiến hành các cuộc tập trận tại Hoàng Hải từ ngày 29-30/11.
Theo thông cáo, cuộc tập trận diễn ra từ 20h (giờ địa phương, 12h GMT tức 19h theo giờ Hà Nội) ngày 30/11 ở phần phía Bắc của Hoàng Hải. MSA đã công bố tọa độ cấm tất cả các tàu thuyền qua lại trong suốt thời gian tập trận, ngoài ra không cho biết thêm thông tin chi tiết. (Sputniknews)
*Bộ trưởng Quốc phòng Nga thăm Triều Tiên: Các hãng thông tấn Nga dẫn một thông cáo quân sự xác nhận, ngày 29/11, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Andrei Belousov đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Triều Tiên.
Theo thông cáo, trong chuyến thăm Bình Nhưỡng lần này, ông Belousov sẽ tiến hành đối thoại với một số "quan chức quân sự và chính trị-quân sự" của Triều Tiên. (AFP)
Châu Âu
*Nga không có ý định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Ba Lan: Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergei Andreyev xác nhận Moscow không có kế hoạch hạ cấp quan hệ ngoại giao với Warsaw sau vụ đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Nga tại Poznan.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya-24, Đại sứ Andreyev nêu rõ: “Chúng tôi không thấy cần thiết phải thực hiện hành động này, và trên thực tế, chúng ta không bao giờ tự mình leo thang mọi việc”.
Trước đó, ngày 22/10, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã công bố quyết định đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Nga tại Poznan và trục xuất đội ngũ nhân viên của cơ quan này khỏi nước sở tại. Ngoài ra, Ngoại trưởng Ba Lan còn suy đoán Đại sứ Nga có thể bị trục xuất trong tương lai.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Moscow sẽ không ngần ngại đáp trả động thái mới nhất của Warsaw. (TASS)
*Đức tính mua thêm 4 tàu ngầm để đáp ứng yêu cầu an ninh của NATO: Nguồn tin từ Ủy ban Ngân sách Quốc hội Đức ngày 29/11 tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius đang muốn đặt mua 4 tàu ngầm mới để đáp ứng yêu cầu an ninh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Dương (NATO) tại châu Âu.
Theo nguồn tin trên, Bộ Quốc phòng Đức đã đệ trình yêu cầu chi thêm 4,7 tỷ euro (5 tỷ USD) để mua 4 tàu ngầm U212CD từ công ty Thyssenkrupp Marine Systems của nước này. Trước đó, quân đội Đức đã đặt mua 2 tàu ngầm cùng loại từ công ty Thyssenkrupp Marine Systems trong khuôn khổ dự án chung với Na Uy.
Berlin đang tìm cách hiện đại hóa các lực lượng vũ trang vốn đã suy yếu sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và đã cam kết chi những khoản tiền lớn để tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng. (AFP)
*Tổng thống Nga dọa tấn công thủ đô Ukraine bằng tên lửa siêu thanh: Ngày 28/11, Nga đã phát động đợt tấn công lớn thứ hai vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây ra tình trạng cắt điện trên khắp cả nước. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố tên lửa siêu thanh “Oreshnik” mới có thể nhắm vào Kiev nếu Ukraine tiếp tục sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây.
Ông Putin cho biết các cuộc không kích vào Ukraine là “phản ứng” của Moscow trước các cuộc tấn công của Kiev bằng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất. Ông Putin cũng đe dọa phóng tên lửa đạn đạo tầm trung mới “Oreshnik” vào thủ đô Kyiv của Ukraine.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan tình báo Đức cho biết Nga đang trông chờ vào sự sụp đổ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). (AFP)
*Nga cảnh báo NATO đưa "lực lượng gìn giữ hòa bình" tới Ukraine: Văn phòng báo chí của Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) cho rằng NATO ngày càng có xu hướng cần phải đóng băng cuộc xung đột ở Ukraine để khôi phục khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine trong nỗ lực đáp trả.
Theo SVR, NATO đã thiết lập các trung tâm đào tạo ở Ukraine với kế hoạch huấn luyện cho ít nhất một triệu người Ukraine đã được huy động.
Để giải quyết những vấn đề này, phương Tây sẽ phải thực sự chiếm đóng Ukraine. Đương nhiên, việc này sẽ được thực hiện dưới chiêu bài triển khai một 'đội quân gìn giữ hòa bình' ở nước này... Tổng cộng, dự kiến 100.000 quân thuộc 'lực lượng gìn giữ hòa bình' sẽ được đưa tới Ukraine”. (Sputnik)
*Nga nghi ngờ kế hoạch “gìn giữ hòa bình” của phương Tây ở Ukraine: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 29/11 đã bình luận về thông tin của Cơ quan Tình báo Đối ngoại LB Nga (SVR) về việc phương Tây có ý định triển khai cái gọi là “lực lượng gìn giữ hòa bình” gồm khoảng 100.000 người trên lãnh thổ Ukraine.
Ông Peskov khẳng định: “Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng ý của các bên trong cuộc xung đột”. Trước đó, SVR cảnh báo phương Tây có kế hoạch gửi 100.000 binh sĩ được gọi là “lực lượng gìn giữ hòa bình” tới Ukraine.
Liên quan tới tình hình xung đột Ukraine, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 29/11 cho rằng việc các binh sĩ Mỹ và châu Âu tử trận ở Ukraine có thể khiến cuộc xung đột ở nước này leo thang và lan rộng hơn nữa và thế giới đang “ở trong tình thế rất nguy hiểm”. (AFP)
Trung Đông – châu Phi
*Tai nạn lật thuyền nghiêm trọng ở Nigeria: Người phát ngôn Cơ quan Quản lý Đường thủy Nội địa Quốc gia (NIWA) Nigeria - ông Makama Suleiman - ngày 29/11 xác nhận hàng chục người được cho là đã thiệt mạng sau khi một chiếc thuyền bị lật trên sông Niger ở miền Trung Nigeria.
Ông Suleiman cho hay chiếc thuyền chở phần lớn hành khách là các thương nhân từ cộng đồng Missa ở bang miền Trung Kogi đến một phiên chợ hàng tuần tại bang Niger lân cận. Công tác cứu hộ đang được tiến hành, nhưng số người thiệt mạng chính xác vẫn chưa được xác định.
Theo ông Suleiman, không có hành khách nào mặc áo phao, vì vậy, tình trạng này làm gia tăng đáng kể nguy cơ thiệt mạng. (Reuters)
*Qatar thúc đẩy mở rộng phạm vi trung gian hòa giải Nga-Ukraine: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed bin Mohammed al-Ansari cho biết Qatar, nước đóng vai trò trung gian giữa Nga và Ukraine trong vấn đề đoàn tụ trẻ em được sơ tán khỏi vùng chiến sự với người thân, đang tiến hành đàm phán nhằm mở rộng phạm vi hòa giải.
Ông cho biết, Thủ tướng Qatar dự định thăm Nga để xem xét các phương án trung gian hòa giải của Doha nhằm chấm dứt xung đột.
Ông nhắc lại, sau đó các bên đã từ chối sự trung gian của Qatar, nhưng Doha "đã quay lại và trở thành một phần của thỏa thuận ngũ cốc". Tiếp theo, Qatar nhận được yêu cầu từ Ukraine về việc hỗ trợ đoàn tụ trẻ em được sơ tán khỏi vùng chiến sự với người thân. (TASS)
*Israel tuyên bố "làm tất cả" để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân: Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ "làm tất cả" để ngăn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân sau khi nhà ngoại giao hàng đầu Iran cảnh báo rằng họ có thể chấm dứt lệnh cấm phát triển vũ khí hạt nhân nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp dụng trở lại.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Channel 14 của Israel ngày 28/11, ông Netanyahu nhấn mạnh: "Tôi sẽ làm mọi thứ để ngăn chặn Iran trở thành một (cường quốc) hạt nhân, tôi sẽ sử dụng mọi nguồn lực có thể sử dụng". (SCMP)
*CH Chad chấm dứt thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Pháp: Bộ Ngoại giao Cộng hòa (CH) Chad ngày 28/11 tuyên bố Chính phủ nước này đã chấm dứt thỏa thuận hợp tác quốc phòng sửa đổi ký năm 2019 với Pháp.
Bộ trên cho biết CH Chad, một đồng minh quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống lại các chiến binh thánh chiến trong khu vực, muốn khẳng định hoàn toàn chủ quyền của mình và xác định lại quan hệ đối tác chiến lược sau 66 năm giành độc lập.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp hiện chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Bộ Ngoại giao CH Chad. (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Mỹ xem xét tái triển khai vũ khí hạt nhân tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Theo báo cáo của quỹ Roscongress, Mỹ đang xem xét khả năng đưa vũ khí hạt nhân trở lại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách bố trí ở Hàn Quốc, Australia và tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Quá trình hạt nhân hóa có thể bắt đầu tại Andersen, một trong những căn cứ lớn nhất của Không quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân đã được triển khai ở đó và các cơ sở lưu trữ đã được xây dựng, trước đây chúng dùng để chứa vũ khí hạt nhân. Mỹ hiện đang xây dựng ít nhất 39 cơ sở lưu trữ đạn dược mới.
Tác giả lưu ý: “Vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng có thể được tái triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc, Mỹ đã rút chúng khỏi đây vào năm 1991. Theo Roscongress, vũ khí hủy diệt hàng loạt của Mỹ cũng có thể xuất hiện ở Australia. (Sputnik)
*EU hỗ trợ Cuba khắc phục hậu quả thiên tai: Ngày 28/11, Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt thêm 2,7 triệu euro (khoảng 2,8 triệu USD) để hỗ trợ quá trình phục hồi ở Cuba, quốc gia vừa bị ảnh hưởng bởi cơn bão Rafael và hai trận động đất.
Trước đó, EU đã viện trợ lương thực và vật tư y tế trị giá 400.000 euro nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của cơn bão Oscar, vốn gây thiệt hại nặng nề khi đi qua miền Đông Cuba vào giữa tháng 10. EU cũng tài trợ một cầu hàng không gồm 5 chuyến bay vận chuyển 107 tấn vật tư thiết yếu từ các kho của Cơ quan năng lực ứng phó nhân đạo châu Âu có trụ sở tại Panama đến Cuba.
Bên cạnh đó, EU đã phân bổ 200.000 euro cho Hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC). Trong những tuần gần đây, Cuba đã nhận được viện trợ từ các nước như Mexico, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Nga, Venezuela và Na Uy, Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương của Liên hợp quốc cùng nhiều tổ chức đa phương và phi chính phủ.(AFP)
*Canada chọn địa điểm lưu trữ nhiên liệu hạt nhân vĩnh viễn dưới lòng đất: Tổ chức Quản lý Chất thải Hạt nhân Canada (NWMO) ngày 28/11 cho biết, nước này đã quyết định chọn một địa điểm ở phía Bắc tỉnh Ontario để làm kho lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Nếu được chấp thuận, việc xây dựng sẽ bắt đầu từ năm 2030. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi lưu trữ vĩnh viễn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng đủ cho 5 nhà máy điện hạt nhân hiện tại của Canada và cả các lò phản ứng hạt nhân trong tương lai.
Dự kiến, việc xây dựng sẽ tạo việc làm cho 1.000 công nhân, với mức chi phí khoảng 4,5 tỷ CAD (3,2 tỷ USD).
Hiện trên thế giới chỉ có một kho chứa địa chất sâu tại Phần Lan, tuy nhiên các quốc gia sở hữu năng lượng hạt nhân khác như Pháp và Thụy Điển cũng đang thúc đẩy các kế hoạch xây dựng địa điểm lưu trữ vĩnh viễn của riêng mình.(Reuters)