📞

Tin thế giới 29/6: Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Indonesia tới Ukraine, Trung Quốc chỉ trích G7

Minh Vương 19:53 | 29/06/2022
Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Indonesia tới Ukraine, Trung Quốc chỉ trích G7, Iran nêu vấn đề đàm phán với Mỹ…là một số tin thế giới nổi bật ngày 29/6.
Hội nghị thượng đỉnh NATO là một tâm điểm của thế giới ngày 29/6. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin thế giới nổi bật ngày 29/6.

Xung đột Nga-Ukraine

* Bỉ khẳng định giải pháp duy nhất cho xung đột Nga-Ukraine: Ngày 29/6, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng, xung đột ở Ukraine chỉ có thể giải quyết trên chiến trường và nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Phát biểu trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 28/6, ông nói: “Chúng tôi cũng sẽ có cơ hội tương tác với Tổng thống Ukraine Zelensky. Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng tôi phải tiếp tục liên lạc với ông ấy và nêu rõ rằng, cuộc xung đột này chỉ có thể giành thắng lợi trên chiến trường...

Chúng ta nên tiếp tục ủng hộ Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine càng nhiều càng tốt để (Kiev) có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Nga”.

Cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh NATO cho biết, liên minh này sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Nga Vladimir Putin về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine: “Các bạn sẽ không chiến thắng”. (Reuters/Sputnik)

* Đức: NATO sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí chừng nào Ukraine cần: Ngày 29/6, tham dự ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, các đồng minh trong khối sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.

Ông nói: “Thật tốt khi các quốc gia tập trung ở đây cũng như nhiều nước khác góp sức để Ukraine có thể tự bảo vệ mình - thông qua việc cung cấp các phương tiện tài chính, viện trợ nhân đạo cũng như bằng cách cung cấp vũ khí mà Ukraine đang cần gấp".

Thông điệp là "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy - và làm điều này một cách tích cực - chừng nào cần để Ukraine có thể tự vệ”. (Reuters)

* Tổng thống Indonesia đến Ukraine: Ngày 29/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bắt đầu chuyến công du Ukraine nhằm giúp nối lại cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, như tìm cách khơi thông hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ra thị trường toàn cầu.

Phủ Tổng thống Indonesia cho hay, Tổng thống Widodo và phu nhân đã đến Kiev bằng tàu hỏa.

Ông Widodo hiện là chủ tịch luân phiên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và là một trong 6 nhà lãnh đạo thế giới được Liên hợp quốc bổ nhiệm làm thành viên Nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu (GCRG), vốn được thành lập để giải quyết mối đe dọa về nạn đói và nghèo do chiến tranh ở Ukraine.

Tổng thống Widodo bày tỏ kiên quyết giải quyết vấn đề giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine gây ra tình trạng thiếu lương thực, năng lượng và lạm phát ở nhiều quốc gia.

Dự kiến, Tổng thống Widodo sẽ gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trước khi tới Nga để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhà lãnh đạo Indonesia cho biết, sẽ thúc giục ông Putin đồng ý ngừng bắn. (Reuters)

Châu Âu

* Đức muốn đảm bảo Thụy Điển, Phần Lan nhanh chóng gia nhập NATO: Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố, Berlin đang làm mọi việc có thể để đảm bảo nước này sẽ nhanh chóng thông qua kế hoạch cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói: “Không có khung thời hạn cụ thể, nhưng sẽ nhanh chóng”, ý chỉ các bước cần thiết ở Đức.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với việc cho phép hai nước Bắc Âu này gia nhập NATO.

Việc kết nạp thêm thành viên vào NATO cần nhận được sự chấp thuận của tất cả các nước thuộc khối này. (NATO)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc cáo buộc G7 “gây chia rẽ”: Ngày 29/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lên tiếng cáo buộc các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gây chia rẽ một cách vô trách nhiệm sau khi diễn đàn này chỉ trích thông lệ thương mại của Bắc Kinh.

Trả lời họp báo thường kỳ ngày 29/6, ông Triệu Lập Kiên cho rằng, tuyên bố trên cho thấy các đồng minh “muốn tạo sự chia rẽ và đối đầu mà không có bất kỳ tinh thần trách nhiệm hay đạo đức nào”.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, G7 cần “thúc đẩy toàn cầu hóa” thay vì khuyến khích sự chia rẽ “vào đúng thời điểm quan trọng, khi mà cộng đồng quốc tế chiến đấu với đại dịch và cố gắng khôi phục nền kinh tế”.

Trước đó một ngày, lãnh đạo các nước G7 chỉ trích thông lệ thương mại quốc tế “không minh bạch và bóp méo thị trường” của Trung Quốc, đồng thời cam kết giảm “sự phụ thuộc chiến lược” vào cường quốc châu Á này.

Tuyên bố chung của nhóm này cũng cam kết “thúc đẩy đa dạng hóa và khả năng chống chịu trước hành động cưỡng ép kinh tế, cũng như giảm sự lệ thuộc chiến lược”. (AFP)

* Trung Quốc cảnh báo phương Tây sẽ “bị bỏng” nếu can thiệp vào Đài Loan: Ngày 29/6, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang cho biết, Bắc Kinh kêu gọi G7 ngưng phát ra “tín hiệu sai” cho các lực lượng ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc) độc lập và ngừng can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc.

Phát biểu tại họp báo, ông Mã Hiểu Quang nhấn mạnh: “Đài Loan là một phần của Trung Quốc, vấn đề Đài Loan là công việc thuần tuý nội bộ của Trung Quốc và không chịu sự can thiệp từ bên ngoài.

Mỹ và phương Tây đang lôi kéo các đồng minh sử dụng ‘con bài Đài Loan’ trong toan tính kìm hãm sự phát triển và thống nhất của Trung Quốc, điều này cực kỳ nguy hiểm”. (Sputnik)

* Tổng thống Hàn Quốc hội đàm lãnh đạo Hà Lan và Australia: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo, ngày 29/6, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, trong đó hai bên thảo luận các cách thức tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác.

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha), Tổng thống Yoon Suk Yeol bày tỏ hy vọng hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp chất bán dẫn của Hà Lan ở Hàn Quốc, trong đó có doanh nghiệp chế tạo thiết bị vi mạch ASML, sẽ góp phần xây dựng chuỗi cung ứng ổn định.

Ông Yoon cũng đề nghị Hà Lan cung cấp thiết bị ổn định cho các doanh nghiệp chế tạo vi mạch của Hàn Quốc.

Về phần mình, Thủ tướng Rutte đánh giá hai nước đang hợp tác theo cách tương trợ lẫn nhau trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Ngoài ra, hai bên cũng đề cập vấn đề liên quan chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thống Yoon bày tỏ lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 7, đồng thời nhấn mạnh cam kết của chính quyền Seoul trong việc đáp trả cứng rắn với hành động gây hấn của Triều Tiên.

Trong khi đó, ông Rutte tái khẳng định sự ủng hộ của Hà Lan với chính sách của Hàn Quốc về Triều Tiên.

Ông cũng chuyển lời của Nhà vua Willem-Alexander, mời Tổng thống Yoon Suk Yeol có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Lan. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết, ông hy vọng tới thăm vào thời điểm thích hợp.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng đã gặp Thủ tướng Australia Anthony Albanese.

Hai bên chia sẻ cam kết bảo vệ các giá trị dân chủ và mở rộng hợp tác về năng lượng, Triều Tiên và các vấn đề khác.

Văn phòng Tổng thống Yoon thông báo, sự tham gia của hai nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO chứng minh nguyên tắc chung của Hàn Quốc và Australia nhằm bảo vệ các giá trị dân chủ, tôn trọng chủ quyền mọi quốc gia và loại trừ việc sử dụng vũ lực quân sự.

Về phần mình, Thủ tướng Albanese nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời bày tỏ hy vọng Hàn Quốc và Australia sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN và tham gia tích cực vào các vấn đề khu vực, qua đó đóng góp vào tự do, hòa bình và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, với việc Australia cam kết tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt một cách mạnh mẽ và cứng rắn đối với Bình Nhưỡng; đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên và các chính sách thiết lập hòa bình ở khu vực này.

Hàn Quốc và Australia không phải thành viên của NATO song được mời tới tham dự với tư cách là các quốc gia đối tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Yonhap)

Trung Đông-châu Phi

* Iran: Mỹ cần từ bỏ “phương pháp Trump” trong đàm phán hạt nhân: Ngày 29/6, người phát ngôn chính phủ Iran Ali Bahadori-Jahromi cảnh báo Mỹ cần từ bỏ “phương pháp Trump” sau khi hai bên bắt đầu đàm phán gián tiếp nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Ông Bahadori-Jahromi nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận tích cực và chấp nhận được nếu Mỹ từ bỏ phương pháp Trump”.

Theo ông, ‘phương pháp Trump’ là “việc không tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận trong quá khứ và coi thường các quyền hợp pháp của người dân Iran”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian khẳng định, nước này sẵn sàng đạt được thỏa thuận ở Doha, song sẽ không vượt qua “lằn ranh đỏ”.

Hãng thông tấn IRNA (Iran) dẫn lời ông Amir-Abdollahian nêu rõ: “Nếu phía Mỹ có ý định nghiêm túc và thực tế, thì có khả năng đạt được thỏa thuận vào giai đoạn này và tại vòng đàm phán này”.

Trước đây, IRNA mô tả “lằn ranh đỏ” của Iran là dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, tạo ra một cơ chế để xác minh các lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ và đảm bảo, Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận. (AFP)