Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 29/9: Nga công bố thời điểm sáp nhập phần lãnh thổ Ukraine; Mỹ hối Trung Quốc đối thoại

Nga công bố thời điểm sáp nhập lãnh thổ Ukraine, Kiev muốn Ankara tác động, Anh cam kết chi 550 triệu USD cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương…là tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Ông Nicholas Burns được đề cử trở thành Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. (Nguồn: AFP)
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns kêu gọi Bắc Kinh nối lại đối thoại với Washington. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế đáng chú ý ngày 29/9.

Nga-Ukraine

* Nga nêu thông tin về lễ ký sáp nhập các vùng lãnh thổ tại Ukraine: Ngày 29/9, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết ông Putin sẽ tổ chức lễ ký kết tại Điện Kremlin trong ngày 30/9 về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga. Sau lễ ký kết, ông Putin sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Điện Kremlin và sẽ gặp gỡ các quan chức do Moscow tại các khu vực trên. (Reuters)

* Ukraine muốn Thổ Nhĩ Kỳ tác động lên Nga về “trưng cầu ý dân”: Ngày 29/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị Ankara tác động đến người đồng cấp Nga Vladimir Putin về “trưng cầu ý dân” ở Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng (LPR), Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, Zaporizhzhia và Kherson.

Ông nói: “(Tổng thống) Zelensky muốn chúng tôi ủng hộ 4 khu vực và muốn chúng tôi thuyết phục ông Putin. Tôi dự định sẽ thảo luận chi tiết những vấn đề này với ông Putin vào ngày mai (30/9)”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý: “Tổng thống Putin mà tôi biết sẽ làm những gì ông ấy đang suy tính”.

Ông Erdogan từng nói “không muốn có các cuộc trưng cầu dân ý đó”, song ông cho rằng vấn đề này cần được giải quyết qua biện pháp ngoại giao. (Anadolu)

TIN LIÊN QUAN
Thổ Nhĩ Kỳ muốn 'mở cánh cửa thế giới', kêu gọi các nước đối thoại với Nga

Mỹ-Trung

* Mỹ kêu gọi Trung Quốc nối lại đối thoại: Ngày 29/9, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết Washington đã kêu gọi Bắc Kinh nối lại đối thoại, sau khi tiến trình này bị ngừng lại do chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đầu tháng 8. Ông cũng hối thúc Trung Quốc duy trì hợp tác trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Á do Viện Milken (Mỹ) tổ chức ở Singapore, Đại sứ Burns nêu rõ: “Thông điệp mà chúng tôi gửi tới Trung Quốc, đó là ‘hãy đối thoại’, mở cánh cửa đối thoại và cùng tiến về phía trước”. Ông nhấn mạnh Washington quan tâm tới duy trì cạnh tranh hiệu quả với Bắc Kinh. (Sputnik)

TIN LIÊN QUAN
Quốc đảo Thái Bình Dương nhắn nhủ đôi điều tới các siêu cường Mỹ và Trung Quốc

Châu Âu

* Nga: Sự cố Dòng chảy phương Bắc giống “hành động khủng bố”: Ngày 29/9, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng sự cố tại hai đường ống Dòng chảy phương Bắc từ nước này tới Đức giống “một hành động khủng bố”, đồng thời yêu cầu mở cuộc điều tra với sự hợp tác của một số nước. Liên minh châu Âu (EU) đang điều tra các dấu vết rò rỉ lớn tại các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2, đồng thời bày tỏ nghi ngờ có hành động phá hoại. (Reuters)

* NATO kiên quyết đáp trả hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng của các đồng minh: Ngày 29/9, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết khối này sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công có chủ đích nào nhằm vào cơ sở hạ tầng, sau vụ “phá hoại” hai dự án Dòng chảy phương Bắc.

Trong một tuyên bố, NATO cho biết: “Chúng tôi, với tư cách là đồng minh, đã cam kết chuẩn bị, bảo vệ và ngăn chặn hành vi sử dụng năng lượng làm công cụ cưỡng bức, cũng như các chiến thuật hỗn hợp khác của các chủ thể nhà nước và phi nhà nước. Bất kỳ cuộc tấn công có chủ đích nào vào cơ sở hạ tầng quan trọng của các đồng minh sẽ bị đáp trả bằng một phản ứng thống nhất và kiên quyết”. (Reuters/AFP)

* Khả năng Nga cấm một số xe tải phương Tây quá cảnh nước này: Ngày 29/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh cho phép cấm một số xe tải phương Tây quá cảnh lãnh thổ Nga, chủ yếu nhằm vào các nước đã áp đặt biện pháp tương tự đối với Nga. Sắc lệnh nêu rõ, biện pháp này là để đáp trả những hạn chế “không thân thiện” của nước ngoài đối với công dân và thực thể của Nga.

Hồi tháng 4, Nga phàn nàn rằng EU đã đóng cửa biên giới với một số phương tiện vận tải hàng hóa đăng ký tại Nga và Belarus do các lệnh trừng phạt gần đây. (Reuters)

* Phần Lan “quay lưng” với du khách Nga: Ngày 29/9, Phần Lan thông báo sẽ đóng cửa biên giới với du khách Nga từ nửa đêm nay theo giờ địa phương (tức 4h sáng 30/9 theo giờ Việt Nam). Phát biểu tại họp báo, Ngoại trưởng nước này Pekka Haavisto nhấn mạnh dòng người Nga hiện được xem là đang gây nguy hiểm cho các mối quan hệ quốc tế của Helsinki. Theo ông, Phần Lan vẫn cho phép người Nga nhập cảnh để thăm gia đình cũng như làm việc và học tập.

Thận trọng trước khả năng trở thành một nước quá cảnh vào khu vực Schengen không hộ chiếu của Tây Âu, Phần Lan đã lên kế hoạch ngừng tiếp du khách Nga, đồng thời nhấn mạnh một quyết định sẽ được hoàn tất trong những ngày sau đó. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Sự cố đường ống Dòng chảy phương Bắc: Nga thừa nhận thiệt hại, EU tuyên bố đáp trả mạnh mẽ

Đông Nam Á

* Anh tuyên bố dành gần 550 triệu USD cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Ngày 29/9, phát biểu tại Singapore, Ngoại trưởng Anh James Cleverly tuyên bố nước này dự định chi tiêu tới 542,3 triệu USD cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ hợp tác với các đối tác công - tư để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng xanh chất lượng cao tại Indonesia, Việt Nam, Philippines, Campuchia và Lào.

Ông Cleverly đang thăm Singapore để thảo luận quan hệ đối tác song phương, tăng cường quan hệ thương mại, an ninh trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như thành lập văn phòng đầu tư quốc tế tại quốc gia Đông Nam Á này. (Reuters/Sputnik)

* Indonesia và Singapore phối hợp tăng cường tuần tra hàng hải: Trong bối cảnh tình hình tội phạm gia tăng tại biên giới biển, Indonesia và Singapore đã nhất trí đẩy mạnh phối hợp tuần tra biên giới hàng hải nhằm kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, cướp biển, xảy ra ở khu vực biên giới biển của hai quốc gia.

Theo Trưởng phòng Điều tra và Thực thi Hải quan Batam Sisprian Subiaksono, một thỏa thuận quan trọng đã được Tổng cục Hải quan và Thuế vụ Indonesia (DJBC) và Cảnh sát biển Singapore (SPCG) đạt được trong cuộc họp “Rendezvous at Sea” được tổ chức tại eo biển Singapore ngày 28/9.

Ông Subiaksono cho biết: “Hội nghị năm 2022 đã ghi nhận kết quả tích cực trong hợp tác giữa DJBC và SPCG thời gian qua. Đầu tiên, đó là việc ký kết biên bản ghi nhớ vào năm 2020, tiếp đó là tổ chức hội nghị Rendezvous at Sea năm 2021. Mới đây, năm 2022, hai bên ký kết thỏa thuận về hợp tác tuần tra biên giới”.

Ông Subiaksono nhấn mạnh, là một trong những tuyến đường thương mại quốc tế quan trọng, biên giới biển giữa hai nước cần được giám sát chặt chẽ hơn.

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Thực thi và Hoạt động của Văn phòng đặc biệt khu vực Quần đảo Riau I Wayan Sapta Darma cho rằng việc liên tục tiến hành tuần tra phối hợp biên giới trên biển là rất quan trọng. (Antara)

TIN LIÊN QUAN
Mỹ: Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là khu vực quan trọng nhất

Nam Á-Thái Bình Dương

* Australia triển khai Chương trình nỗ lực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2022: Ngày 29/9, Bộ Quốc phòng Australia cho biết sẽ bắt đầu triển khai Chương trình nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2022 (IPE-22) với nghị trình thăm 14 quốc gia.

Sự kiện thường niên do Bộ Quốc phòng Australia tổ chức này nhằm tăng cường quan hệ đối tác quân sự trên khắp Đông Nam Á và Đông Bắc Ấn Độ Dương, củng cố cam kết của Australia đối với một khu vực rộng mở, bao trùm và kiên cường.

Chương trình này sẽ bao gồm các cuộc diễn tập quân sự, hội thảo, đào tạo, sự kiện thể thao và hoạt động văn hóa đồng thời tăng cường hợp tác trong các vấn đề từ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa đến đảm bảo an ninh. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nhấn mạnh: “IPE cũng là cơ hội để lực lượng quốc phòng Australia làm việc, đào tạo và học hỏi từ các nước láng giềng”.

Tham gia chương trình IPE-22 có 5 tàu, 11 máy bay trực thăng, khoảng 1.800 nhân viên từ cả 3 cơ quan thuộc lực lượng phòng vệ Australia, cụ thể là các tàu HMA Adelaide, Anzac, Arunta, Hobart và Stalwart, Tiểu đoàn số 2 của quân đội Australia, Trung đoàn Hoàng gia và các máy bay cơ động của Không quân Hoàng gia Australia.

Ngoài ra, điểm mới của IPE-22 năm nay là sự tham gia của các lực lượng đại diện của chính phủ Australia, bao gồm cảnh sát, lực lượng biên phòng, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.

Dự kiến, IPE-22 sẽ diễn ra tại Maldives, Timor-Leste, Việt Nam, Philippines, Bangladesh, Sri Lanka, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei và Indonesia trong hai tháng, đến giữa tháng 12/2022. Trong tuần này, IPE sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác chống khủng bố tại Maldives. (ABC News)

Anh muốn trở thành nước châu Âu đầu tiên gia nhập CPTPP

Anh muốn trở thành nước châu Âu đầu tiên gia nhập CPTPP

Bên cạnh CPTPP, Anh cũng nỗ lực đạt được "sự hiện diện rộng rãi nhất, hội nhập sâu nhất tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ...

Nga có thể công nhận lãnh thổ sáp nhập từ Ukraine vào ngày 30/9

Nga có thể công nhận lãnh thổ sáp nhập từ Ukraine vào ngày 30/9

Nga đang đẩy nhanh quá trình sáp nhập 4 vùng lãnh thổ kiểm soát tại Ukraine sau ‘trưng cầu ý dân’ do chính quyền thân ...

LHQ muốn đưa các cơ sở hạt nhân về 'bản chất dân sự'

LHQ muốn đưa các cơ sở hạt nhân về 'bản chất dân sự'

Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại về tuyên bố liên quan vũ khí hạt nhân gần đây của một số nước và mong ...

Lãnh đạo Bộ tứ gặp riêng rẽ, nhấn mạnh chủ đề chung

Lãnh đạo Bộ tứ gặp riêng rẽ, nhấn mạnh chủ đề chung

Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ (Quad) nhất trí hợp tác hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và ...

Bộ tứ có nguy cơ mất trọng tâm chiến lược

Bộ tứ có nguy cơ mất trọng tâm chiến lược

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có còn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ khi Tổng thống Joe Biden đang tăng cường các ...