📞

Tin thế giới 30/11: Ông Trump nhắn nhủ 'thân tình' tới ông Biden; Trung Quốc đã 'ra tay' với Mỹ; 62 sát thủ tham gia vụ ám sát ở Iran?

Hoàng Hà 19:45 | 30/11/2020
TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran, Mỹ-Trung Quốc trả đũa nhau, quan hệ Trung Quốc với EU, vụ Huawei, tình hình Trung Đông... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Ông Trump nhắn chúc ông Biden sớm khỏe sau chấn thương. (Nguồn: Reuters)

Bầu cử Mỹ 2020

Tổng thống Trump lên tiếng về chấn thương của ông Biden

Ngày 29/11, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng về vụ ông Biden, người được truyền thông đưa tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, bị chấn thương ở chân do chơi đùa với chú chó cưng hôm thứ Bảy.

Trên Twitter cá nhân, ông Trump chia sẻ video quay cảnh ông Biden rời bệnh viện sau khi đến bác sĩ và viết rằng: "Hãy sớm khỏe lại!".

Ông Biden được chẩn đoán bị rạn xương chêm giữa và ngoài ở bàn chân. (Sputnik)

Tổng thống Brazil nói bầu cử Mỹ 2020 có nhiều gian lận

Ngày 29/11, mạng lưới truyền hình Rede Globo dẫn lời Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nêu rõ: "Tôi có các nguồn thông tin mà tôi không thể tiết lộ, thực sự có rất nhiều sự gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Vẫn chưa ai thảo luận về nó"

Ông Bolsonaro đặt nghi vấn về việc liệu đã đủ để xác định rõ chiến thắng hay chưa và khẳng định ông "sẽ vẫn chờ đợi thêm chút nữa". (Sputnik)

Vụ ám sát nhà khoa học Iran

Nghi vấn biệt đội 62 sát thủ tham gia vụ ám sát

New York Post dẫn nguồn tin truyền thông địa phương cho biết, biệt đội đứng sau vụ ám sát nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh hôm 27/11 gồm 62 người. Trong đó, 12 người trực tiếp ra tay, 50 người còn lại phụ trách hậu cần.

Theo thông tin từ New York Post, cả 62 người này tham gia vào một khóa đào tạo đặc biệt hoặc làm việc cho các cơ quan an ninh, tình báo và "biết chính xác ngày giờ và lịch trình di chuyển của đoàn xe bảo vệ ông Fakhrizadeh".

Giới chức Iran hiện chưa bình luận về các thông tin trên.

Tuy nhiên, Reuters đưa tin, Bộ Quốc phòng Iran cho biết, họ đã có được "thông tin mới" về danh tính của thủ phạm và thông tin "sẽ sớm được công bố rộng rãi".

Trong khi đó, Press TV dẫn một nguồn tin nói rằng: "Vũ khí thu thập từ hiện trường hành động khủng bố (nơi nhà khoa học Fakhrizadeh bị ám sát) có logo và thông số chi tiết kỹ thuật của ngành công nghiệp quân sự Israel".

Nga, Anh cũng như nhiều quốc gia đã lên án vụ ám sát cũng như kêu gọi Iran kiềm chế. (New York Post, Reuters)

Mỹ-Trung Quốc

Trung Quốc áp đặt trừng phạt 4 quan chức Mỹ liên quan vấn đề Hong Kong

Ngày 30/11, Trung Quốc thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức Mỹ vì hành vi nghiêm trọng của họ liên quan tới trung tâm tài chính châu Á Hong Kong.

Trước đó, trong tháng này, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thêm 4 cá nhân Trung Quốc liên quan đến các hành động của họ đối với Hong Kong.

"Các hành động của Mỹ là sự can thiệp thô bạo vào các vấn đề của Hồng Kông và công việc nội bộ của Trung Quốc, cũng như vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, chúng tôi cực lực lên án và phản đối điều này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo thường kỳ.

Bà Hoa Xuân Oánh cho hay, những người trong danh sách trừng phạt sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục, cũng như Hong Kong và Ma Cau. (Reuters, Sputnik)

Mỹ sẵn sàng đưa thêm các công ty Trung Quốc vào "danh sách đen"

Hãng Reuters dẫn nguồn một tài liệu cho biết, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sẵn sàng bổ sung thêm nhà sản xuất vi mạch hàng đầu của Trung Quốc SMIC và Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào "danh sách đen" các công ty Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan đến quân đội.

Phản ứng lại thông tin này, Trung Quốc bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ không tạo thêm rào cản và trở ngại cho việc hợp tác giữa hai nước. (Reuters)

Trung Quốc lên kế hoạch xây đập thủy điện ở Tây Tạng

Trung Quốc sẽ xây dựng một đập thủy điện quy mô lớn trên sông Brahmaputra (phía Trung Quốc gọi là sông Yarlung Zangbo) ở Tây Tạng. Đây là một trong những con sông lớn ở châu Á, đi qua Ấn Độ và Bangladesh.

Chủ tịch Tập đoàn điện lực Trung Quốc (PowerChina) Yan Zhiyong cho biết, đề xuất xây đập thủy điện lớn trên dòng Brahmaputra đã được đưa ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và các mục tiêu dài hạn đến năm 2035 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và sẽ được thực hiện từ năm 2021.

Tập đoàn điện lực Trung Quốc được giao nhiệm vụ xây dựng con đập phục vụ dự án thủy điện nêu trên. Ông Yan Zhiyong nói: "Dự án sẽ được phục vụ để duy trì nguồn nước và an ninh quốc gia".

Chi tiết về kế hoạch xây dựng con đập dự kiến sẽ được công bố sau khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) chính thức phê chuẩn vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng đập thủy điện trên sông Brahmaputra đã gây thêm lo ngại ở Ấn Độ và Bangladesh, mặc dù Trung Quốc tuyên bố sẽ lưu tâm đến lợi ích khu vực. (Tbs News)

Huawei

Anh lên lịch hoàn tất việc 'đá' Huawei, quay sang hợp tác với Nhật Bản

Ngày 30/11, chính phủ Anh thông báo, kể từ sau tháng 9/2021, các công ty viễn thông của Anh sẽ không được cài đặt thiết bị mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) mới của công ty Huawei (Trung Quốc).

Thông báo được đưa ra trước thềm một cuộc tranh luận tại Quốc hội Anh về dự luật viễn thông mới và việc hoàn tất lịch trình gỡ bỏ thiết bị của Huawei. Bộ trưởng phụ trách Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh Oliver Dowden cho biết, ông "đang đề ra một lộ trình rõ ràng cho việc loại bỏ hoàn toàn các nhà cung cấp tiềm ẩn rủi ro khỏi các mạng 5G".

Bên cạnh đó, Chính phủ Anh cũng thông báo một chiến lược mới nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng 5G, bao gồm một khoản đầu tư ban đầu trị giá 250 triệu bảng (333,4 triệu USD), phối hợp thử nghiệm với công ty NEC của Nhật Bản và thiết lập các cơ sở nghiên cứu mới. (CNBC)

Trung Quốc-Australia

Thêm 'mồi lửa' trong quan hệ Australia-Trung Quốc

Ngày 30/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã yêu cầu Trung Quốc xin lỗi về vụ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng hình binh sĩ Australia kề dao vào cổ một đứa trẻ lên Twitter, cho rằng bức ảnh này là giả và mang tính chất bạo lực.

Theo Thủ tướng Australia, bức ảnh này là “rất thái quá” và “công kích sâu sắc mọi người dân Australia”. “Không điều gì có thể biện minh được trên bất cứ cơ sở nào (cho bức ảnh này). Nó sẽ làm xấu hình ảnh của Trung Quốc trong mắt thế giới”, Thủ tướng Morrison khẳng định.

Ông Morrison cũng cho biết đã yêu cầu Twitter gỡ bỏ bức ảnh song mạng xã hội này chưa có phản hồi. (The Australian)

Trung Quốc-EU

Đại sứ Đức khẳng định vai trò quan hệ hợp tác Trung Quốc-EU

Trả lời phỏng vấn tờ South China Monring Post (SCMP), Đại sứ Đức tại Trung Quốc Clemens von Goetze nhận định, chia tách Trung Quốc và châu Âu không phải là một lựa chọn chính sách của Đức song Bắc Kinh cần đảm bảo sự cân bằng trong cạnh tranh thị trường và giải quyết các vấn đề về nhân quyền.

Ông von Goetze kêu gọi Bắc Kinh tham gia đối thoại cởi mở với châu Âu về vấn đề Hong Kong trong khi tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế, bao gồm đối phó đại dịch Covid-19 và chống biến đổi khí hậu.

Theo ông von Goetze, Bắc Kinh đã chủ động tiến gần hơn tới các nhà lãnh đạo châu Âu sau khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đang làm dấy lên hy vọng về một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Mỹ và châu Âu.

“Liên minh châu Âu (EU) và Đức theo đuổi các chính sách hướng đến cả Mỹ và Trung Quốc dựa trên các lợi ích và giá trị của Đức và châu Âu”, Đại sứ von Goetze khẳng định.

Đại sứ Đức cũng nhận định Mỹ là đối tác chủ chốt của Đức trong lĩnh vực kinh tế, an ninh và các giá trị song mối quan hệ với Trung Quốc cũng rất quan trọng. (SCMP)

Trung Đông

Tổng thống Palestine nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông

Ngày 29/11, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có chuyến công du tới Jordan và Ai Cập trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tại cuộc gặp Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit ở thủ đô Cairo, hai bên đã thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan Palestine trên trường quốc tế. Theo đó, ông Abbas đề cập động thái gần đây của Palestine khôi phục quan hệ với Israel, hòa giải dân tộc Palestine...

Về phần mình, ông Aboul-Gheit khẳng định, AL luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của người dân Palestine nhằm khôi phục các quyền hợp pháp, đạt được hòa bình và thành lập nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem.

Tại Jordan, ông Abbas đã gặp Quốc vương Abdullah II. Theo tuyên bố của Hoàng gia Jordan, tại cuộc gặp, Quốc vương Abdullah II nhấn mạnh cần tăng cường các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột Palestine-Israel trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.

Quốc vương Abdullah II khẳng định lập trường của Jordan hoàn toàn ủng hộ người dân Palestine cũng như khẳng định tầm quan trọng của việc giữ nguyên tình trạng pháp lý và lịch sử tại Jerusalem, đồng thời bác bỏ mọi biện pháp đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng cũng như các địa điểm tôn giáo của thành phố này.

Tổng thống Abbas bày tỏ cảm kích lập trường kiên định của Jordan cũng như sự ủng hộ của Amman đối với sự nghiệp chính nghĩa và các quyền của người Palestine. (TTXVN)

Nội các Israel thông qua các thỏa thuận hợp tác với UAE

Ngày 29/11, nội các Israel đã thông qua 2 thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học và hàng không với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), sau khi hai nước ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hồi tháng 9 vừa qua.

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel, các bộ trưởng đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận nhằm thiết lập các chuyến bay thường xuyên giữa Israel và UAE, cũng như một thỏa thuận khác nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ cao. (THX)

Thổ Nhĩ Kỳ-EU

Hy Lạp chỉ trích Đức thất bại trong việc kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 28/11, trả lời phỏng vấn trang Politico, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias cho rằng, Đức thất bại trong việc duy trì vai trò lãnh đạo trong Liên minh Châu Âu (EU) khi từ chối lời đề nghị từ Athens về việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Nikos Dendias nói: "Tôi thực sự không hiểu việc Đức không sẵn lòng sử dụng sức mạnh kinh tế to lớn để tạo ra một ví dụ rõ ràng cho những quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế. Tôi hiểu vấn đề tài chính nhưng tôi tin chắc rằng Đức cũng hiểu sự mâu thuẫn rất lớn khi cung cấp vũ khí tấn công cho một quốc gia đe dọa hòa bình và ổn định của hai nước thành viên EU".

Liên quan tàu tàu thăm dò Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động ở khu vực tranh chấp vùng biển phía Đông Địa Trung Hải, ngày 30/11, tàu này đã trở về cảng, gần hai tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU), nơi dự kiến bàn về biện pháp trừng phạt đối với Ankara.

Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết con tàu đã hoàn thành nhiệm vụ qua thông báo trên Twitter có nội dung: "Tàu của chúng tôi, đã đã thu thập 10.995 km dữ liệu địa chấn 2D, đã trở lại cảng Antalya". (Reuters, Politico)

Mali rung chuyển vì các vụ nổ lớn

Ngày 30/11, theo người dân khu vực và một quan chức của Liên hợp quốc (LHQ), 3 thành phố Kidal, Gao và Menaka ở miền Bắc Mali đã bị tấn công đồng loạt nhằm vào các doanh trại vốn là nơi ở của các lực lượng quốc tế.

Theo một cư dân của thành phố Kidal, có hơn 10 tiếng nổ phát ra từ hướng khu trại dành cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ và cho các binh lính thuộc Chiến dịch Barkhane của Pháp. Một quan chức LHQ giấu tên cũng đã xác nhận các cuộc tấn công vào 3 thành phố này, cho biết các tên lửa đã rơi ở doanh trại tại Kidal vào sáng 30/11, đồng thời có các cuộc tấn công tương tự ở Gao và Menaka.

Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận tiến hành các vụ tấn công, song các cuộc tấn công này mang dấu ấn của các nhóm thánh chiến có liên hệ với Tổ chức khủng bố al-Qaeda, vốn thường thực hiện các cuộc tấn công ở cả miền Bắc và miền Trung Mali. (AP)