Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sẽ tổ chức vào ngày 16/10 tới - Ảnh: Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 bế mạc ngày 25/10/2017. (Nguồn AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam xin điểm tin quốc tế đáng chú ý ngày 30/8.
Xung đột Nga-Ukraine
* Phái bộ IAEA về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đến Ukraine: CNN ngày 30/8 đưa tin, một phái bộ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, bao gồm 14 chuyên gia, đã đến thủ đô Kiev của Ukraine. Các nguồn tin cho biết đã thấy các thành viên của phái đoàn tại một khách sạn ở Kiev sáng cùng ngày.
Trước đó, Moscow kỳ vọng chuyến thị sát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của phái bộ IAEA sẽ diễn ra như đã nhất trí. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga rất quan tâm và mong chờ chuyến thăm từ lâu. (Reuters/Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm đặc biệt của phái đoàn IAEA tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia |
Châu Âu
* Điện Kremlin chỉ trích việc EU đề xuất cấm thị thực công dân Nga: Ngày 30/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chỉ trích việc một số nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi cấm thị thực đối với du khách Nga, cho rằng đề xuất này là “phi lý” và là biểu hiện mới nhất của luận điệu bài Nga từ phương Tây.
Trả lời họp báo, ông Peskov còn khẳng định, không có gì cản trở hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), ngoại trừ các vấn đề kỹ thuật do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Trước đó, tập đoàn Gazprom (Nga) thông báo sẽ đóng cửa đường ống khí đốt trong 3 ngày (31/8-2/9) để thực hiện bảo dưỡng cho một đơn vị bơm khí đốt.
EU đã nhiều lần cáo buộc Nga lợi dụng quyết định cắt giảm khí đốt làm vũ khí kinh tế, song Moscow cho biết sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ liên quan đến xuất khẩu khí đốt, tuy nhiên trừng phạt của phương Tây đang ngăn cản hoạt động này. (Reuters/Sputnik)
* Moscow chỉ trích hành vi “bài Nga” của các nước Baltic: Ngày 30/8, Bộ Ngoại giao Nga đã lên án việc phá dỡ các tượng đài từ thời Liên Xô ở các nước Baltic là “hành động bài Nga” và sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Moscow cũng cáo buộc Latvia, Lithuania và Estonia có thái độ bài ngoại và phân biệt đối xử, viện dẫn việc những nước này đang đối xử với người thiểu số Nga như “người thuộc tầng lớp thứ hai”.
Bộ trên còn nêu rõ: “Đối với chúng tôi, những gì đang xảy ra hiện nay ở các nước Baltic là không thể chấp nhận được và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa Nga với các nước này, vốn suy sụp hoàn toàn”. (Sputnik)
* Đức và Pháp phản đối đề xuất cấm thị thực du khách Nga: Trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sắp diễn ra tại thủ đô Praha (Czech), ngày 30/8, đại diện Đức và Pháp - hai quốc gia đầu tàu EU - cho rằng khối này không được phép cấm du khách Nga tới thăm.
Một tài liệu tiếng Đức-Pháp nêu rõ: "Mặc dù hiểu được mối băn khoăn của một số quốc gia thành viên, song chúng ta không nên đánh giá thấp sức mạnh biến đổi từ việc trải nghiệm cuộc sống trong các hệ thống dân chủ một cách trực tiếp, đặc biệt là đối với thế hệ tương lai. Chính sách thị thực của chúng ta phải phản ánh điều đó và tiếp tục cho phép các cuộc tiếp xúc giữa công dân EU với công dân Nga bởi những người này không có liên hệ với Chính phủ Nga".
Trước đó, một nhà ngoại giao EU cho rằng Ngoại trưởng các nước thành viên có thể nhất trí về mặt nguyên tắc nhằm đình chỉ thỏa thuận xúc tiến thị thực với Nga. Điều này có nghĩa quá trình xét thị thực sẽ mất thời gian hơn và người dân xứ sở bạch dương phải trả 80 Euro thay vì 35 Euro cho thị thực EU. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thêm nước phản đối lệnh cấm cấp thị thực cho công dân Nga toàn EU |
Đông Bắc Á
* Trung Quốc công bố thời gian của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20: Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 30/8 đưa tin, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 20 vào ngày 16/10 tại thủ đô Bắc Kinh.
Sự kiện chính trị quan trọng diễn ra 5 năm một lần này có thể chứng kiến việc ông Tập Cận Bình tiếp tục làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba và đội ngũ lãnh đạo hàng đầu mới được công bố. (AFP)
* Bà Thái Anh Văn kêu gọi bình tĩnh trước hoạt động quân sự của Trung Quốc: Ngày 30/8, Phát biểu với các sĩ quan khi tới thăm các lực lượng trên bộ và trên không thuộc đảo Bành Hồ, người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn tuyên bố các lực lượng của Đài Bắc cần bình tĩnh trước hoạt động quân sự của Bắc Kinh song có thể thực hiện “các biện pháp đáp trả mạnh mẽ” nếu cần. Bà nhấn mạnh đã ra lệnh cho cơ quan quốc phòng “đưa ra các biện pháp đối phó cần thiết và mạnh mẽ để bảo vệ sự an toàn” không phận quanh eo biển Đài Loan.
Phát biểu với báo giới, các sĩ quan cho hay các tàu chiến và máy bay chiến đấu đóng tại Bành Hồ đã được trang bị đạn thật kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận trong tháng này. Thuyền trưởng một tàu khu trục nhấn mạnh lực lượng vũ trang Đài Loan liên tục phát cảnh báo vô tuyến với các tàu chiến Trung Quốc. (Taiwan News)
* Đài Loan (Trung Quốc) kêu gọi Hàn Quốc giúp bảo vệ sự ổn định xuyên eo biển: Ngày 30/8, tờ Chosun Ilbo dẫn lời phái viên Đài Loan (Trung Quốc) tại Hàn Quốc Lương Quang Trung cho rằng hai bên cần hợp tác để bảo vệ sự ổn định hai bờ eo biển Đài Loan. Theo ông Lương, bất kỳ thay đổi nào ở eo biển Đài Loan cũng sẽ ảnh hưởng tới an ninh khu vực Đông Bắc Á.
Quan chức này cho rằng, một chiến dịch quân sự của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan sẽ tác động lớn tới bán đảo Triều Tiên. Do đó, sự ổn định của khu vực này có tầm quan trọng hàng đầu tới hòa bình ở bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á.
Ông Lương Quang Trung nhấn mạnh, mặc dù quan hệ ngoại giao chính thức giữa Đài Bắc và Seoul kết thúc vào năm 1992, song hoạt động thương mại và du lịch vẫn phát triển và hợp tác vẫn có cơ hội được đẩy mạnh. (Chosun Ilbo)
* Mỹ: Triều Tiên có thể hoãn thử hạt nhân vì lũ lụt: Theo Beyond Parallel - dự án nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), Triều Tiên có thể hoãn vụ thử hạt nhân do ảnh hưởng của lũ lụt từ các trận mưa lớn vào mùa Hè này.
Dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh về bãi thử ngày 24/8 vừa qua, Beyond Parallel nhận định, có “bằng chứng hạn chế” cho thấy những trận mưa có thể đã ảnh hưởng đến hoạt động của bãi thử Punggye-ri.
Đặc biệt, tại khu vực đường hầm số 4 thuộc bãi thử, thiệt hại do lũ lụt có thể đã “tạm thời hạn chế giao thông trên con đường tiếp cận duy nhất vào bãi thử”.
Beyond Parallel cho biết thêm: “Việc xây dựng trong khu vực đường hầm số 4 vẫn đang bị đình chỉ”. “Để đề phòng trường hợp lũ lụt”, Triều Tiên đã xây dựng thêm đường tránh nối Trung tâm Chỉ huy với một cơ sở phụ trợ gần đó. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Bất đồng gay gắt xung quanh vấn đề Đài Loan, quan hệ Trung-Nhật đứng trước 'ngã rẽ mới' |
Trung Đông – châu Phi
* Iraq dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc: Hãng thông tấn quốc gia Iraq ngày 30/8 cho biết các lực lượng an ninh nước này đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm toàn quốc.
Trước đó cùng ngày, giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Moqtada al-Sadr đã kêu gọi người ủng hộ chấm dứt biểu tình ở trung tâm Baghdad và gửi lời xin lỗi tới người dân sau gần hai ngày đụng độ bạo lực giữa các nhóm Hồi giáo dòng Shi'ite.
Trong phát biểu phát sóng truyền hình, ông nhấn mạnh: “Đây không phải là biểu tình mang tính cách mạng (nữa) vì nó đã mất đi bản chất ôn hòa. Không thể để người dân Iraq phải đổ máu”. (Reuters)
* Iran đóng cửa biên giới với Iraq do lo ngại an ninh: IRNA ngày 30/8 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Iran Majid Mirahmadi cho hay, nước này quyết định đóng cửa biên giới với Iraq, đồng thời thúc giục công dân tránh đi tới láng giềng này. Ông Mirahmadi nêu rõ: “Biên giới với Iraq đã bị đóng. Do lo ngại về mức độ an toàn, công dân Iran cần kiềm chế đi lại đến Iraq cho đến khi có thông báo mới”.
Chính quyền Iran cũng sẽ tạm dừng tất cả chuyến bay tới Iraq “cho tới khi có thông báo mới do tình hình bất ổn vẫn tiếp diễn”. Hiện nhà chức trách Tehran đang nỗ lực sắp xếp một chuyến bay khẩn cấp để đưa công dân từ Iraq về nước.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh sắp diễn ra lễ Arbaeen hàng năm, khi hàng triệu người Iran đổ về thành phố Kerbala (Iraq) để tham dự nghi lễ tôn giáo Shiite đánh dấu sự kết thúc 40 ngày để tang cháu trai của Nhà tiên tri Mohammad, Imam Hussein. Năm nay, lễ Arbaeen rơi vào ngày 16-17/9.
Trước đó, tại Iraq, bạo lực đã bùng phát và kéo dài 2 ngày tại Vùng Xanh, nơi đặt các cơ quan chính phủ và ngoại giao đoàn tại trung tâm thủ đô Baghdad, sau khi giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite quyền lực Moqtada al-Sadr tuyên bố sẽ rời chính trường do tình trạng bế tắc chính trị khó giải quyết hiện nay. (Reuters)
| Đụng độ nghiêm trọng tại Iraq: Mỹ quan ngại, EU và Liên hợp quốc lên tiếng Tình hình tại Iraq tiếp tục diễn biến phức tạp, với đụng độ nổ ra giữa những người ủng hộ Giáo sĩ Moqtada al-Sadr và ... |
| Mỹ: THAAD chỉ phục vụ mục đích phòng thủ Mỹ cho rằng, bất kỳ yêu cầu nào nhằm buộc dừng triển khai THAAD tại Hàn Quốc là “không phù hợp”. |
| Tình hình Ukraine: Tướng Mỹ ủng hộ điều máy bay chiến đấu, Nga ‘chật vật’ tuyển quân? Ngày 29/8, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Đại tướng Charles Brown tuyên bố, Không lực Mỹ sẽ ủng hộ bất cứ quyết tâm nào ... |
| Máy bay và tàu Trung Quốc hoạt động quanh Đài Loan nhưng không vượt đường ranh giới 21 máy bay và 5 tàu của Trung Quốc đại lục hoạt động xung quanh Đài Loan ngày 27/8 nhưng không vượt qua đường ranh ... |
| Ba Lan tích cực thúc đẩy EU dùng 'quân bài' thị thực Schengen để trừng phạt Nga Mặc dù gặp phải nhiều ý kiến phản đối của một số quốc gia thành viên, Ba Lan vẫn tiếp tục vận động để Liên ... |