NATO đã quyết định xây dựng hệ thống phòng thủ tập thể toàn diện gần biên giới Nga và đang tăng cường lực lượng trong khu vực. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Nga-Ukraine:
Italy tạm dừng cấp vũ khí cho Ukraine: Ngày 2/11, Italy đã tạm dừng gói viện trợ quân sự thứ 6 cho Ukraine để xác định nhu cầu cụ thể của Kiev và khả năng đáp ứng của mình.
Trong những ngày tới, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto sẽ tiếp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và thảo luận về cấp vũ khí cho Ukraine.
Trước đó, Kiev được cho là đã yêu cầu Rome viện trợ các hệ thống tên lửa phòng không SAMP-T. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Italy khẳng định không dư thừa loại vũ khí này và có thể gửi một loại vũ khí thay thế.
Tuần trước, Rome đã cung cấp “20 đến 30” khẩu pháo tự hành M109L cho Kiev trong gói viện trợ quân sự thứ 5. Ngoài ra, Italy đã chuyển giao cho Kiev các xe bọc thép M113, 6 khẩu pháo tự hành PzH 2000 và 2 hệ thống tên lửa phóng loạt trong 4 gói viện trợ trước đó. (AFP)
Ukraine sẽ sớm nhận vũ khí từ Tây Ban Nha: Ngày 2/11, phát biểu tại buổi họp báo chung sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Albares đang ở thăm Kiev, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba xác nhận Kiev sẽ sớm nhận được viện trợ quân sự và nhân đạo mới từ Madrid.
Theo đó, Ukraine sẽ nhận từ Tây Ban Nha 1 khẩu đội các tên lửa phòng không Aspide. Đồng thời, trong gói viện trợ quân sự mới, Madrid cũng sẽ chuyển giao cho Kiev thêm 4 hệ thống phòng không Hawk, các hệ thống tên lửa chống tăng, súng đạn và một số loại khí tài khác. (Tân Hoa xã)
Hy Lạp nhất trí chuyển xe chiến đấu bộ binh BMP-1 cho Ukraine: Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nikos Panagiotopoulos sẽ thăm Kiev trong ngày 3/11.
Dự kiến trong chuyến thăm, phía Hy Lạp sẽ đồng ý chuyển xe chiến đấu bộ binh BMP-1 cho Ukraine.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hy Lạp cũng có kế hoạch cung cấp cho Ukraine loại đạn pháo 155 mm. BMP-1 (Boyevaya Mashina Pekhoty-1) là xe chiến đấu bộ binh lội nước bọc thép do Liên Xô thiết kế và chế tạo từ thập niên 1960. Đây là xe chiến đấu bộ binh đầu tiên trên thế giới. (TASS)
NATO tăng cường quân đội gần biên giới Nga: Ngày 2/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định xây dựng hệ thống phòng thủ tập thể toàn diện gần biên giới nước này và đang tăng cường lực lượng trong khu vực.
Trong cuộc họp giữa Bộ Quốc phòng Nga và Belarus, ông Shoigu cho biết, kể từ tháng Hai năm nay, số lượng các nhóm quân NATO gần biên giới Nga đã tăng gấp 2,5 lần và hiện đã có hơn 30.000 người. Con số này có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Ông cũng chia sẻ: “Các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn đa quốc gia mới đang được thành lập ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia”.
Theo người đứng đầu Bộ quốc phòng Nga, NATO có ý định chuyển từ việc kiềm chế Moscow với sự hiện diện quân đội sang thành lập một hệ thống phòng thủ tập thể toàn diện ở sườn phía Đông, ngay gần biên giới Nga. (TASS)
Nổ liên tiếp ở các thành phố Ukraine, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị hỏng nguồn cung điện: Ngày 3/11, giới chức Ukraine cho biết nhiều khu vực của nước này đã bị tấn công, đặc biệt các cuộc pháo kích dữ dội đã nhằm vào cơ sở hạ tầng, làm hư hại nguồn cung cấp điện cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Theo thông tin từ công ty Energoatom của Ukraine, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tiếp tục bị ngắt khỏi lưới điện nước này, sau khi các đợt pháo kích làm hỏng các đường dây điện cao thế còn lại, hiện chỉ còn máy phát điện chạy bằng dầu diesel.
Trước đó, phía Nga đã khẳng định các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, đồng thời là một phần trong chiến dịch quân sự đặc biệt với mục tiêu làm suy yếu quân đội Ukraine và loại bỏ những mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh Moscow.
Cùng ngày, một loạt vụ nổ đã xảy ra ở thành phố Melitopol thuộc tỉnh Zaporozhzhia, miền Nam Ukraine vào sáng sớm. Khoảng 5-6 tiếng nổ đã vang lên trong khoảng thời gian 5h40-5h50 (theo giờ địa phương), kích hoạt hệ thống phòng không tại khu vực. (Reuters)
Ukraine, Nga đưa ra tuyên bố liên quan thỏa thuận ngũ cốc: Ngày 3/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko khẳng định nước này không đưa ra bất kỳ cam kết nào với Nga vượt ra khỏi các điều khoản trong khuôn khổ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen để thuyết phục Moscow nối lại thỏa thuận ngũ cốc.
Đại diện Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố nước này rõ ràng tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận, và khẳng định không sử dụng và không có ý định sử dụng hành lang ngũ cốc vì mục đích quân sự.
Về phần mình, cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hối thúc Liên hợp quốc giúp hoàn thành các phần của thỏa thuận nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.
Trả lời họp báo ở Amman, Jordan, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: "Chúng tôi vẫn không thấy bất kỳ kết quả khả quan nào liên quan tới việc dỡ bỏ các trở ngại liên quan hoạt động xuất khẩu phân bón và lương thực của Nga". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ hài lòng Ukraine đã đưa ra các đảm bảo bằng văn bản về việc không lặp lại ý đồ sử dụng các tuyến đường nhân đạo ở Biển Đen cho mục đích quân sự. (Reuters)
Phái đoàn Nga nối lại công việc lại trung tâm thỏa thuận ngũ cốc: Ban thư ký Liên hợp quốc tại Trung tâm Điều phối chung (JCC), cơ quan giám sát thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine ở Biển Đen, thông báo phái đoàn Nga ngày 3/11 đã tiếp tục công việc tại trung tâm này và tham gia công tác kiểm tra tàu. Theo thông báo trên, hàng dài các tàu chờ để kiểm tra đã giảm đáng kể và hiện có hơn 120 tàu đang chờ di chuyển, chủ yếu là những tàu đang lên kế hoạch về nước. (Reuters)
Đông Bắc Á
Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đồng loạt có động thái mới: Ngày 3/11, lực lượng không quân Hàn Quốc thông báo nước này sẽ kéo dài thời gian tiến hành cuộc tập trận không quân chung Vigilant Storm với Mỹ. Cuộc tập trận Vigilant Storm trước đó được lên kế hoạch diễn ra trong 5 ngày từ ngày 31/10-4/11. Quyết định kéo dài thời gian tập trận được đưa ra sau những diễn biến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Về phía Nhật Bản, tờ Nikkei ngày 3/11 đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc triển khai tên lửa siêu vượt âm vào năm 2030 để tăng cường khả năng răn đe bằng cách đẩy mạnh năng lực phản công.
Theo báo cáo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tìm phương án đối phó trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine làm thay đổi môi trường an ninh toàn cầu và hàng loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đe dọa tới an ninh Nhật Bản. (Yonhap)
Hàn Quốc cân nhắc trừng phạt bổ sung Triều Tiên: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo-suk tuyên bố nước này đang cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Triều Tiên với mục đích đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân gia tăng từ nước này.
Trả lời họp báo, ông Lim Soo-suk nhấn mạnh: "Trong bối cảnh các hành động khiêu khích của Triều Tiên tiếp tục, chúng tôi đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương bổ sung". Theo ông Lim Soo-suk, Hàn Quốc đang tiến hành "tham vấn chặt chẽ" với Mỹ, Nhật Bản và các đồng minh khác nhằm tìm ra cách thức cải thiện tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt đơn phương. (Yonhap)
Trung Đông
Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn duy trì quan hệ với Israel: Trả lời phỏng vấn đài ATV (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mong muốn duy trì mối quan hệ với Israel trên cơ sở “bền vững, tôn trọng lẫn nhau trong các vấn đề mang tính nhạy cảm và những lợi ích chung”, bất chấp kết quả bầu cử Quốc hội Israel.
Gần đây, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Israel đang có dấu hiệu tan băng sau nhiều năm căng thẳng. Tháng 3/2022, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã thăm Ankara, đánh dấu chuyến công du đầu tiên của lãnh đạo Nhà nước Do Thái tới Thổ Nhĩ Kỳ. (AFP)
Iran tỏ thái độ với Mỹ và Saudi Arabia: Ngày 2/11, truyền thông Iran đưa Nhà nước Hồi giáo đã bắt giữ 3 cá nhân do “Mỹ và Saudi Arabia” tài trợ nhằm gây bất ổn tại đất nước Trung Đông này.
Tasnim (Iran) nhấn mạnh, 3 nhân vật trên đã tham gia tích cực vào “những vụ bạo loạn” ở Iran dưới vỏ bọc “nhà báo công dân”. Cả 3 “đã cộng tác với tổ chức Tavana Tech của Mỹ và kênh truyền hình Iran International được Saudi Arabia tài trợ”. Theo đó, người bị bắt giữ đã nhận tài trợ lớn từ Mỹ và Saudi Arabia để tiến hành những nhiệm vụ ở Iran.
Quan hệ giữa Iran với Mỹ và Saudi Arabia đã căng thẳng hơn những ngày gần đây.
Cũng trong ngày 2/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã chỉ trích những bài báo trên truyền thông phương Tây về mối đe dọa Iran với Saudi Arabia là “cáo buộc vô căn cứ”, song không nêu đích danh tờ nào. Trước đó, tờ Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin Riyadh đã chia sẻ thông tin tình báo với Washington, cho rằng Tehran chuẩn bị tấn công các mục tiêu tại Saudi Arabia. (AP)
Châu Âu
Ba Lan dự định xây hàng rào quy mô lớn ở biên giới với Nga: Ngày 3/11, Thứ trưởng Ngoại giao CH Ba Lan Pavel Yablonsky cho biết, các nhà chức trách nước này đang xem xét khả năng xây dựng một hàng rào quy mô lớn ở biên giới với Nga.
Trước đó một ngày, Ba Lan đã bắt đầu xây dựng hàng rào ở biên giới với vùng Kaliningrad của Nga. Công trình sẽ bao gồm 3 hàng rào dây thép gai cao 2,5 mét và rộng 3 mét. Các nhà chức trách Ba Lan cho biết hàng rào được dựng lên do mối lo ngại về cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới với Nga, tương tự như vụ khủng hoảng nổ ra năm ngoái ở biên giới giữa Ba Lan với Belarus. (Sputnik)
EU hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn ở Ethiopia: Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell hoan nghênh tuyên bố chấm dứt thù địch ở Ethiopia. EU hoan nghênh sự hòa giải của Liên minh châu Phi và các quan sát viên cũng như nước chủ nhà Nam Phi, đồng thời tái khẳng định sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực hòa bình trong tiến trình do người dân Ethiopia đứng đầu. (AP)