Triều Tiên ra tuyên bố về vụ phóng ICBM, nói lập kỷ lục, Mỹ-Nhật Bản phản đối, Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh khẩn. (Nguồn: KCNA) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Bắc Kinh cáo buộc Mỹ cố tình bóp méo quan hệ Trung-Nga: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Trương Hiểu Cương ngày 31/10 cáo buộc Washington đang cố tình bóp méo quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế.
Phát biểu này được đưa ra sau khi Thiếu tướng Không quân Mỹ Devin R. Pepper đầu tháng 10 cho rằng hoạt động hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc khiến Mỹ tin rằng hai nước đã tạo ra một liên minh tương tự như NATO.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng các nước G7 đầu tháng này về mối quan ngại đối với sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga trong vấn đề Ukraine, cho rằng điều này "bóp méo sự thật". (Sputniknews)
Tin liên quan |
Nga: 'Nếu phương Tây hỗ trợ Ukraine, tại sao Triều Tiên lại không thể giúp chúng tôi?' |
*Nhật Bản: Tên lửa Triều Tiên rơi ngoài EEZ: Theo đài NHK, sáng 31/10, chính phủ Nhật Bản xác nhận Triều Tiên đã phóng một vật thể, nhiều khả năng là tên lửa đạn đạo, theo quỹ đạo thẳng đứng về phía Biển Nhật Bản.
Theo một quan chức chính phủ Nhật Bản, tính đến 7 giờ 45 phút, vật thể vẫn đang trong quá trình bay. Dự kiến điểm rơi sẽ nằm ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản trên Biển Nhật Bản.
Trung tâm Quản lý Khủng hoảng tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản đang tích cực thu thập thông tin về vụ việc. Trước đó, Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc cũng thông báo Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo, nhiều khả năng là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). (Yonhap)
*Nhật Bản cảnh báo tên lửa Triều Tiên đủ sức vươn tới Mỹ: Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi ngày 31/10 nhận định tầm bắn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vừa được Triều Tiên phóng thử có thể đạt hơn 15.000 km, tùy thuộc vào trọng lượng đầu đạn.
Phát biểu với báo giới, ông Hayashi nhấn mạnh: "Dựa trên các thông tin thu được như tầm bắn và độ cao, ước tính tầm bắn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa do Triều Tiên phóng có thể đạt hơn 15.000 km tùy thuộc vào trọng lượng đầu đạn". (Sputniknews)
*Thái Lan khẳng định kiên quyết bảo vệ lãnh thổ tranh chấp với Campuchia: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai ngày 30/10 cho biết Chính phủ nước này sẽ làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thông điệp trên được ông Phumtham đưa ra sau khi đảng đối lập Palang Pracharath (Quyền lực nhà nước nhân dân - PPRP) phản đối việc Chính phủ sử dụng biên bản ghi nhớ (MoU) được Thái Lan và Campuchia ký kết vào năm 2001 để theo đuổi mục tiêu khai thác chung các nguồn tài nguyên ở Vịnh Thái Lan.
Ông Phumtham nhấn mạnh Chính phủ do đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) lãnh đạo không có bất kỳ hành động nào liên quan đến đảo Koh Kut, đồng thời khẳng định sẽ không mất đảo này vào tay Campuchia. (Bangkok Post)
*Nhật Bản trao công hàm phản đối Triều Tiên phóng ICBM: Ngày 31/10, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi thông báo nước này đã trao công hàm phản đối tới Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao ở Bắc Kinh liên quan vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trước đó cùng ngày.
Phát biểu họp báo tại Tokyo, ông Hayashi lên án: "Vụ phóng này góp phần làm leo thang căng thẳng trên toàn thế giới. Các vụ phóng như vậy vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và gây ra vấn đề nghiêm trọng về an ninh của người dân. Chúng tôi đã trao công hàm phản đối mạnh mẽ qua các kênh ngoại giao thông qua đại sứ quán tại Bắc Kinh".
Trong khi đó, KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã xác nhận về vụ phóng, khẳng định động thái này thể hiện "ý chí phản công" của Bình Nhưỡng trước các đối thủ. (Sputniknews)
Châu Âu
*Quân đội Triều Tiên xuất hiện tại Donetsk: Giám đốc Trung tâm Chống thông tin sai lệch Ukraine (CCD), ông Andriy Kovalenko cho biết lực lượng quân đội Triều Tiên đã xuất hiện ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine, cụ thể là tại Donetsk.
Phát biểu trên truyền hình, ông Kovalenko nêu rõ, những binh sĩ này chưa trực tiếp tham chiến do họ thuộc binh chủng công binh. Theo ông Kovalenko, sau giai đoạn khởi động, họ sẽ được điều động tới các khu vực khác. Ông phân tích: "Việc triển khai 10.000-12.000 quân nhân Triều Tiên tại một hướng sẽ giúp Nga rút quân khỏi đó để điều động sang phía Đông, đặc biệt là khu vực Kharkiv".
Trước đó, theo Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, khoảng 11.000 quân nhân Triều Tiên sẽ sẵn sàng tham chiến bên cạnh Nga vào tháng 11 sau thời gian huấn luyện tại các thao trường ở Nga. (Ukrinform)
*Nga khởi tố lính đánh thuê Mỹ xâm nhập tỉnh Kursk: Cơ quan Điều tra quân sự Nga vừa khởi tố hình sự đối với công dân Mỹ Robert Wertman, cáo buộc ông này giết người, âm mưu giết người, hành động khủng bố và các tội danh khác theo Bộ luật Hình sự Liên bang Nga.
Cơ quan điều tra cho rằng Wertman đã trực tiếp tham gia xung đột vũ trang với tư cách là lính đánh thuê trên lãnh thổ Nga khi vào đầu tháng 9/2024, người này đã xâm nhập tỉnh Kursk từ phía Ukraine. Trước đó có tin, một lính đánh thuê thuộc Trung đoàn Biệt động quân số 75 của Mỹ, chuyên phá hoại và phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự, đã thiệt mạng ở tỉnh Bryansk của Nga. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Hàn Quốc sắp hành động phản ứng việc Triều Tiên đưa quân đến Nga, đảng đối lập vội dọa luận tội Bộ trưởng Quốc phòng |
*Tướng Ukraine đề nghị Mỹ tăng hỗ trợ quân sự: Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine Alexander Syrsky ngày 31/10 đã điện đàm với Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, nhằm báo cáo tóm tắt về tình hình ở tiền tuyến.
Ông Syrsky xác nhận chủ đề chính của cuộc điện đàm là tình hình hiện nay ở mặt trận khi giao tranh ác liệt đang diễn ra dọc toàn bộ tiền tuyến. Ông cũng đề nghị Tướng Cavoli tăng hỗ trợ quốc phòng cho quân đội Ukraine khi chỉ ra sự vượt trội về lực lượng và trang bị của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 30/10 cho biết quân đội Ukraine cần phải rút lui trong tình thế bị áp đảo quân số với tỉ lệ chỉ bằng 1/8 so với đối phương. Trước đó, ngày 29/10, Chủ tịch Tòa án Tối cao Ukraine Stanislav Kravchenko đã chỉ ra tình trạng gia tăng đáng kể số lính đào ngũ và mô tả tình hình này là đáng báo động. (Reuters)
*Nga tố phương Tây phá hoại không gian số: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 31/10 tuyên bố các nước phương Tây vẫn tiếp tục những nỗ lực can thiệp độc hại vào không gian số của Nga nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước này.
Phát biểu qua video tại hội nghị Quan hệ quốc tế diễn ra tại Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), ông Lavrov cho rằng công nghệ hiện đại, dù mở ra thêm nhiều cơ hội, "cũng tạo ra những rủi ro đáng kể". Ông Lavrov nhấn mạnh: "Nguồn gốc chính của những thách thức này là phương Tây, những người đặt mục tiêu duy trì sự tự do không giới hạn của họ trong không gian thông tin quốc tế".(TASS)
*Nga triệu tập Đại sứ Phần Lan phản đối việc tịch thu tài sản: Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết, Moscow đã phản ứng mạnh mẽ trước việc Helsinki tịch thu tài sản của Nga vào tuần trước bằng cách triệu tập Đại sứ Phần Lan tại Nga vào ngày 30/10 và gửi công hàm ngoại giao phản đối.
Cơ quan thực thi pháp luật quốc gia Phần Lan đã tịch thu một số tài sản do Nga sở hữu tại nước này vào tuần trước. Trong công hàm, Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu Phần Lan xem xét lại quyết định và cảnh báo “nếu cần thiết, phía Nga sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa”.
Tờ báo Phần Lan Helsingin Sanomat hôm 29/10 đưa tin 44 bất động sản của Nga trên khắp cả nước với tổng giá trị hơn 35 triệu euro đã bị chính quyền Phần Lan tịch thu vào ngày 24/10. (AFP)
Trung Đông-châu Phi
*Israel phá vỡ đường dây gián điệp Iran: Cơ quan An ninh Nội địa Israel (Shin Bet) ngày 31/10 cho biết họ đã phá vỡ một đường dây thực hiện các hoạt động gián điệp cho Iran bên trong lãnh thổ nước này.
Theo Shin Bet, họ đã bắt giữ một cặp đôi người Israel ở thị trấn Lod, gần thành phố Tel Aviv, vì thu thập thông tin tình báo về cơ sở hạ tầng quốc gia và các địa điểm an ninh, bao gồm trụ cả sở cơ quan tình báo Mossad, cũng như theo dõi một học giả nữ. Shin Bet cáo buộc đường dây này là một phần trong nỗ lực của Iran nhằm tuyển dụng những người có nguồn gốc từ khu vực Caucasus.
Vào đầu tháng 10, Shin Bet cũng đã tuyên bố phá vỡ 2 đường dây gián điệp riêng biệt khác. Những đường dây này được cho là phục vụ Iran thực hiện các nhiệm vụ ở Jerusalem và phía Bắc Israel. (Al Jazeera)
*Hamas bác bỏ lệnh ngừng bắn ngắn hạn ở Gaza: Một quan chức cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas ngày 31/10 tuyên bố nhóm này bác bỏ mọi đề xuất về một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và chỉ chấp nhận một lệnh ngừng bắn lâu dài.
Lãnh đạo cấp cao của Hamas Taher al-Nunu giải thích: "Ý tưởng về việc tạm dừng chiến tranh chỉ nhằm để tiếp tục leo thang sau đó. Đây là điều chúng tôi đã bày tỏ. Hamas ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh vĩnh viễn, không phải là tạm thời".
Vào ngày 28/10, Israel và Qatar đã thảo luận về một lệnh ngừng bắn ngắn hạn để đổi lấy một số con tin. Tuy nhiên, phía Hamas khẳng định chưa nhận được đề nghị nào về vấn đề này. (Arab News)
TIN LIÊN QUAN | |
Israel tấn công Iran: EU kêu gọi ‘kiềm chế tối đa’, Nga hối thúc chấm dứt bạo lực, tránh xảy ra một kịch bản thảm khốc |
*Nga sẵn sàng hỗ trợ thiết lập hòa bình giữa Lebanon và Israel: Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov ngày 31/10 khẳng định Moscow sẵn sàng giúp đỡ thiết lập hòa bình giữa Lebanon và Israel và đang nỗ lực thực hiện điều này, trong đó có cả việc vận động các mối quan hệ song phương.
Trả lời họp báo, ông Bogdanov nêu rõ: “Đối với Lebanon chúng tôi có liên lạc với tất cả các bên. Tôi chưa nghe thấy những đề xuất như vậy.
Trước đó, cổng thông tin Ynet dẫn nguồn từ các quan chức cấp cao của Israel cho hay nước này với sự tham gia của Mỹ đang tích cực đàm phán nhằm tiến tới giải pháp với Lebanon, đồng thời mong muốn để Nga đóng vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo việc tuân thủ thỏa thuận trong tương lai. (Sputnik)
*Iran có thể tấn công Israel trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ: CNN dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết Iran có thể đáp trả cuộc tấn công của Israel vào nước này trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, theo kế hoạch diễn ra vào ngày 5/11.
Nguồn tin cho hay: “Phản ứng của Iran trước hành động gây hấn của (Israel) sẽ… đau đớn. Nó có thể diễn ra trước ngày bầu cử tổng thống ở Mỹ”.
Cuối tuần trước, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đang thực hiện các cuộc tấn công vào những mục tiêu quân sự ở Iran như một phần trong kế hoạch đáp trả vụ tấn công ngày 1/10 vào nhà nước Do Thái. (CNN/TASS)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Mỹ có thể cho phép Ukraine sử dụng vũ khí nhằm vào lính Triều Tiên: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 30/10 tuyên bố quân đội Ukraine sẽ có thể sử dụng vũ khí của Mỹ nhằm vào các binh sĩ Triều Tiên. Theo ông Austin, Ukraine sẽ có thể sử dụng vũ khí Mỹ như một phương tiện tự vệ và Mỹ có thể đáp trả việc Triều Tiên đưa quân tới Nga. Tuy nhiên, ông Austin không nêu chi tiết.
Tuyên bố của ông Austin nêu rõ: “Nếu binh lính Triều Tiên chiến đấu bên cạnh binh sĩ Nga trong cuộc xung đột này … thì binh sĩ Ukraine có quyền tự vệ và họ sẽ làm như vậy với vũ khí mà chúng tôi và những người khác đã cung cấp. Đây là điều được mong đợi”. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói rằng Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) cần tấn công binh sĩ Triều Tiên nếu họ xâm nhập lãnh thổ Ukraine. Khi được hỏi liệu người Ukraine có cần “tấn công đáp trả”, ông Biden trả lời báo giới: “Nếu họ tiến vào lãnh thổ Ukraine thì có”. (AP)
*LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba: Với 187 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 1 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 30/10 đã thông qua Nghị quyết về sự cần thiết chấm dứt sự phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt đối với Cuba.
Kể từ năm 1992, cơ quan thảo luận cao nhất của LHQ hàng năm đều yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba. Năm 2023, nghị quyết yêu cầu chấm dứt chính sách này của Mỹ đã giành được ủng hộ đa số áp đảo với 187 phiếu thuận, 2 phiếu chống (Mỹ và Israel) và 1 phiếu trắng (Ukraine).
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Cuba, từ tháng 3/2023-2/2024, chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đã gây ra thiệt hại vật chất ước tính trên 5 tỉ USD đối với nước này, nâng tổng số thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ USD trong hơn 6 thập kỷ qua. (TTXVN)
*Venezuela triệu hồi Đại sứ tại Brazil về nước: Ngày 30/10, Chính phủ Venezuela đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Brazil, Manuel Vedell, về nước để tham vấn, đồng thời bác bỏ những tuyên bố “can thiệp và thô lỗ” của nước láng giếng đối với Caracas.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Venezuela nêu rõ, theo chỉ đạo của Tổng thống Nicolas Maduro, Đại sứ Manuel Vadell tại Brazil đã được triệu hồi về nước “ngay lập tức” để tham vấn về những phát ngôn của những người đại diện cho Chính phủ Brazil, đặc biệt là ông Celso Amorim, cố vấn cấp cao về các vấn đề đối ngoại của Tổng thống Brazil, Lula da Silva. (AFP)
| Ukraine lo kịch bản xấu nếu ông Trump làm Tổng thống Mỹ, tìm đường khơi thông bế tắc với Đức Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo nguy cơ Mỹ ngừng hỗ trợ, đồng thời kêu gọi các nước Bắc Âu hợp tác thuyết phục ... |
| 'Ván cờ' Nga-Ukraine trước ngã rẽ bầu cử Mỹ Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện xung đột Nga-Ukraine. |
| Xung đột ở Gaza: Ý tưởng mới của CIA, Nga kêu gọi Mỹ tạo điều kiện Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 28 ngày ở ... |
| Quan hệ Mỹ-Anh hậu bầu cử: Hai ngã rẽ trước chân trời mới Quan hệ truyền thống Mỹ-Anh có thể sẽ đổi khác, khi cuộc bầu cử sắp tới mở ra hai viễn cảnh khác nhau cho mối ... |
| Điều đặc biệt của bầu cử Mỹ Các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ luôn mang nhiều yếu tố bất ngờ, kịch tính, thậm chí có khả năng thay đổi cục diện ... |