Ông Lula Da Silva sẽ trở lại vị trí Tổng thống Brazil sau 13 năm. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Nga-Ukraine
* Nga bắn 40 tên lửa hành trình vào Ukraine: Ngày 31/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã sử dụng “vũ khí trên không và trên biển tầm xa có độ chính xác cao” tấn công các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine, đồng thời khẳng định: “Tất cả các mục tiêu nhắm đến đã bị bắn trúng”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba chỉ trích Nga chủ ý tấn công dân thường. Một nguồn tin từ Kiev cho biết Nga đã bắn tới 40 tên lửa hành trình vào Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết tên lửa Nga đã bắn trúng cơ sở hạ tầng năng lượng ở Kiev và các thành phố khác, gây ra tình trạng mất điện, nước, đồng thời cáo buộc Nga không quan tâm đến đàm phán hòa bình hay an ninh lương thực toàn cầu.
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Moldova cho biết một tên lửa Nga đã rơi xuống làng Naslavcea của nước này sau khi bị hệ thống phòng không Ukraine bắn hạ, song không gây ra thương vong. (AFP/Reuters)
Châu Âu
* NATO triển khai hệ thống phòng không ở sườn Đông: Ngày 31/10, viết trên Twitter, Bộ chỉ huy Lực lượng hỗn hợp liên quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brunssum (Hà Lan) cho biết “NATO đã triển khai hệ thống phòng không để bảo vệ các đồng minh dọc sườn Đông trước mối đe dọa tên lửa và trên không tiềm tàng, đảm bảo an toàn cho người dân NATO và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu”. (Sputnik)
* Phái đoàn Czech đến Kiev: Ngày 31/10, phái đoàn Czech do Thủ tướng Petr Fiala dẫn đầu đã đến Kiev. Cùng đi với ông Fiala còn có Phó Thủ tướng Vit Rakusan, Marian Jurecka và Vlastimil Valek, Bộ trưởng Quốc phòng Jana Cernochova, Ngoại trưởng Jan Lipavsky, Bộ trưởng Tài chính Zbynek Stanjura và Bộ trưởng Giao thông vận tải Martin Kupka. Phái đoàn Czech đến Kiev muộn hơn một giờ so với kế hoạch do các vụ nổ tại Ukraine ngày hôm nay.
Dự kiến, Văn phòng Chính phủ Czech cho biết phái đoàn sẽ họp liên chính phủ với Ukraine, gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk. Viết trên Twitter, ông Fiala nói: “Chúng tôi sẽ có một loạt cuộc họp với những người bạn Ukraine. Tôi tin rằng các cuộc họp sẽ mang lại kết quả cụ thể. Người Ukraine chiến đấu không chỉ vì đất nước của họ, mà cho cả châu Âu. Chúng ta cần phải tiếp tục hỗ trợ”.
CTK (Czech) dẫn đánh giá của giới phân tích nhận định chuyến thăm nhằm thể hiện rõ ràng sự ủng hộ, cũng như cam kết viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Hai bên cũng sẽ thảo luận chủ đề tái thiết Ukraine sau xung đột, bao gồm sự tham gia của công ty Czech.
Trước đó, giữa tháng Ba, ông Fiala cùng với người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki và người đồng cấp Slovenia Janez Jansa đã đến Kiev. Ông Zelensky đã mô tả chuyến thăm là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với đất nước Ukraine. (Reuters)
* Ba Lan và Hàn Quốc ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Ngày 31/10, tại Seoul, các công ty của Ba Lan và Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ (MOU) xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Ba Lan. Tham dự lễ ký có công ty nhà nước điện hạt nhân và thủy điện (KHNP) của Hàn Quốc, tập đoàn năng lượng tư nhân ZE PAK và công ty điện lực nhà nước PGE của Ba Lan.
Nhà máy điện hạt nhân sẽ được đặt tại Patnow, cách Warsaw 240 km về phía Tây. Dự kiến, dự án sử dụng công nghệ APR1400, lò phản ứng thế hệ tiếp theo do Hàn Quốc phát triển với có công suất lớn hơn, tuổi thọ cao hơn và tiết kiệm chi phí so với các hệ thống thông thường. Các bên đang tìm cách xây dựng kế hoạch sơ bộ trước cuối năm nay.
Phó Thủ tướng Ba Lan Jacek Sasin coi đây là “bước tiếp theo trong việc tăng cường hợp tác kinh doanh giữa hai nước và là cơ hội tuyệt vời để chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm”.
Nếu Ba Lan và Hàn Quốc đạt thỏa thuận cuối cùng, đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân xuất khẩu đầu tiên của Hàn Quốc kể từ dự án Barakah năm 2009 ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Seoul từng tuyên bố sẽ thúc đẩy lĩnh vực năng lượng hạt nhân bằng cách đảo ngược chính sách loại bỏ hạt nhân, đồng thời đặt mục tiêu xuất khẩu 10 lò phản ứng điện hạt nhân từ nay đến năm 2030.
Thỏa thuận trên đạt được chỉ vài ngày sau khi Ba Lan chọn công ty năng lượng hạt nhân Westinghouse (Mỹ) để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân khác. (AP)
Đông Nam Á
* Indonesia: Nhiều nước xác nhận dự Thượng đỉnh G20: Ngày 31/10, phát biểu tại Phủ Tổng thống Indonesia, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết nhiều lãnh đạo các nước Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã xác nhận dự Thượng đỉnh tại Bali từ ngày 15-16/11. Tuy nhiên, bà không tiết lộ số lượng cụ thể. Hiện lãnh đạo mới của các nước thành viên, trong đó có Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, đã xác nhận sẽ tham dự Thượng đỉnh G20 tới.
Ngoại trưởng Indonesia cũng cho biết: “Cấp bậc của các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị rất cao. Một số nước vẫn đang chờ xác nhận do các tình huống đặc biệt”. Ví dụ, Brazil vẫn chưa xác nhận lãnh đạo tham dự do vẫn đang trong quá trình xác định tân Tổng thống.
Ngoài ra, hầu hết các nhà lãnh đạo sẽ đến Bali ngày 14/11 và rời đi ngày 16/11 để dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok. Bà cũng lưu ý trước thềm Thượng đỉnh G20, Tổng thống Joko Widodo sẽ sang Campuchia dự Hội nghị cấp cao ASEAN. Sau G20, ông cũng sẽ tới Hội nghị cấp cao APEC. (Jakarta Post)
Châu Mỹ
* Nhiều nước chúc mừng ông Da Silva đắc cử Tổng thống: Ngày 31/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chúc mừng ông Lula da Silva chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil và chúc nước này đạt được “những thành công mới”. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Tôi sẵn sàng làm việc với Tổng thống đắc cử Lula xây dựng các kế hoạch chung từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn dài hạn, đưa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Brazil lên tầm cao mới". Ông nhấn mạnh hợp tác giữa hai nước sẽ có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới, cũng như thúc đẩy phát triển và thịnh vượng chung.
Trên Twitter, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng cuộc bầu cử đã diễn ra hòa bình và được tổ chức tốt, khẳng định EU muốn cùng chính phủ mới của Brazil thúc đẩy quan hệ song phương.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông mong đợi sự hợp tác với chính phủ mới ở Brazil, đặc biệt trong các vấn đề thương mại và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã gửi thông điệp chúc mừng, hy vọng hai nước cùng chiến đấu chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy công bằng xã hội. Ông nhấn mạnh rằng chiến thắng của ông Lula da Silva là thành công của người dân Brazil.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak hy vọng sẽ hợp tác với Brazil trong nhiều vấn đề mà hai nước cùng quan tâm, từ việc bảo vệ các nguồn tài nguyên của Trái đất đến phát triển kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cùng ngày, hy vọng hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ để làm sâu sắc hơn và mở rộng quan hệ và hợp tác trong các vấn đề toàn cầu.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chúc mừng chiến thắng của ông Lula da Silva trong một cuộc bầu cử “tự do, công bằng và đáng tin cậy”. Ông Biden cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác cùng với Tổng thống đắc cử Brazil để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trong những năm tới.
Với 99% số phiếu đã kiểm, Tòa án Bầu cử Tối cao Brazil (TSE), Ủy ban bầu cử quốc gia Brazil cho biết, kết quả này khó có thể đảo ngược, khi ứng cử viên đảng Tự do (PL), Tổng thống Jair Bolsonaro chỉ nhận được 49,2% phiếu.
Ông Lula da Silva, 76 tuổi, là chính trị gia kỳ cựu với nhiều dấu ấn đậm nét trong hai nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức Tổng thống Brazil từ năm 2003 đến 2010. Xuyên suốt quá trình vận động, ông tuyên bố sẽ ưu tiên khôi phục các điều kiện sống của đại đa số người dân, vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 gây ra.