📞

Tin thế giới 3/12: Ông Trump tặng nước Mỹ bất ngờ; Australia ra đòn 'hiểm', nguy cơ Trung Quốc nổi giận; Crime nói NATO đừng 'nhúng mũi'

Hoàng Hà 19:45 | 03/12/2020
TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-Triều Tiên, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra, tình hình Brexit, Nga và NATO là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Hậu bầu cử Mỹ 2020

Tổng thống Trump đăng bài phát biểu dài 46 phút lên mạng xã hội

Ngày 2/12, Tổng thống Donald Trump đã gây bất ngờ khi đột ngột đăng bài phát biểu được ghi trước dài 46 phút trên các tài khoản mạng xã hội, trong đó ông lặp lại hàng loạt tuyên bố về cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.

Trước ống kính, ông Trump nói: "Đây có thể là bài phát biểu quan trọng nhất mà tôi từng thực hiện. Tôi muốn cung cấp thông tin cập nhật về những nỗ lực không ngừng nhằm vạch trần hành vi gian lận cử tri trên diện rộng và những bất thường diễn ra trong cuộc bầu cử ngày 3/11 dài đến mức nực cười".

Trong bài phát biểu, ông Trump tuyên bố ekip của ông "đã có bằng chứng" về những gian lận bầu cử: "Bằng chứng rất rõ ràng. Nhiều người trong giới truyền thông, thậm chí các thẩm phán đến nay vẫn từ chối chấp nhận nó. Họ biết đó là sự thật. Họ biết ai thắng cử, nhưng họ không muốn thừa nhận".

"Với tư cách là tổng thống, tôi không có nhiệm vụ nào cao hơn là bảo vệ luật pháp và Hiến pháp của Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi quyết tâm bảo vệ hệ thống bầu cử đang bị tấn công và bao vây", ông Trump nêu lý do cho các cuộc chiến pháp lý của mình, đồng thời cho rằng, ông Biden đã tuyên bố chiến thắng quá sớm. (News.com)

Mỹ-Triều Tiên

Cựu quan chức Mỹ hối thúc ông Biden sớm đưa ra quyết sách đối với Triều Tiên

Ngày 2/12, phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell cho rằng, chính quyền tương lai của ông Joe Biden sẽ cần phải nhanh chóng đưa ra quyết định về cách thức đối phó với Triều Tiên để tăng cường khả năng can dự của Mỹ đối với vấn đề hạt nhân của nước này.

Ông Kurt Campbell nhấn mạnh, chính quyền mới dưới thời ông Biden sẽ phải gửi đi “một tín hiệu cảnh báo sớm” đối với Triều Tiên.

"Luôn có những lĩnh vực khó lường và nói chung, đứng đầu danh sách những đặc điểm khó đoán định ở châu Á là Triều Tiên”, ông Campbell nói.

Ông Kurt Campbell cũng cho biết thêm, “một trong những thách thức chủ yếu của chính quyền ông Biden là cần phải đưa ra một quyết định sớm về điều cần phải làm đối với Triều Tiên”. (Yonhap)

Mỹ-Trung Quốc

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về kiểm toán các công ty nước ngoài

Ngày 2/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về kiểm toán các công ty nước ngoài theo hình thức biểu quyết tại Hạ viện. Hồi tháng 5, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật này. Dự luật sẽ được chuyển tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật.

Theo dự luật, nếu một công ty nước ngoài không tuân thủ kiểm toán của Ban Giám sát Kiểm toán trong 3 năm liên tiếp, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) có quyền cấm giao dịch cổ phiếu của công ty này trên hệ thống sàn chứng khoán của Mỹ.

Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu các công ty đã niêm yết công khai việc công ty có thuộc sở hữu hay kiểm soát của chính phủ nước ngoài hay không.

Theo Reuters, dự luật trên được cho là nhằm vào các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, như Alibaba, công ty công nghệ Pinduoduo và tập đoàn dầu khí PetroChina. (Reuters)

Mỹ cấm nhập bông từ Trung Quốc

Ngày 2/12, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cấm nhập khẩu bông và các sản phẩm từ bông của tập đoàn Sản xuất và xây dựng Tân Cương, với cáo buộc tập đoàn này sử dụng lao động cưỡng ép.

Đây là một trong những nhà sản xuất bông lớn nhất Trung Quốc. Hãng tin Reuters cho rằng quyết định trên, được đưa ra trong những tuần cuối cùng tại vị của ông Trump, sẽ khiến người kế nhiệm Joe Biden khó giảm được căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết, trước mắt sẽ tiếp tục duy trì chính sách thương mại với Trung Quốc. (Reuters)

Mỹ "tấn công" Trung Quốc vì các hoạt động ở Biển Đông?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liệt Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen mở rộng gồm các công ty Trung Quốc liên kết với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), theo đó cấm CNOOC, nhà thăm dò nước sâu chính của cường quốc châu Á, tham gia các thị trường Mỹ và kết nối các đối tác tiềm năng.

Các nhà đầu tư Mỹ, những bên cho đến nay nắm tới 16,5% cổ phiếu niêm yết của CNOOC, cũng sẽ bị ép tước đoạt tài sản.

CNOOC trở thành mục tiêu bởi sự liên quan của tập đoàn này trong các hoạt động thăm dò năng lượng của Trung Quốc ở các vùng nước gây tranh cãi thuộc Biển Đông, trong đó có những vùng mà các đối tác và đồng minh Mỹ ở Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của chính quyền đương nhiệm Mỹ nhằm vào tập đoàn khổng lồ CNOOC là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Mỹ và các đồng minh nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tích trữ các nguồn năng lượng quý giá ở vùng biển này. (Asia Times)

Australia-Trung Quốc

Mạng xã hội Trung Quốc WeChat xóa bài đăng của Thủ tướng Australia

Mạng xã hội WeChat của Trung Quốc đã chặn bài viết hôm 1/12 của Thủ tướng Australia giữa lúc căng thẳng leo thang liên quan tới một bức ảnh gây tranh cãi mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng lên Twitter.

Trong bài đăng trên WeChat, Thủ tướng Morrison khẳng định sự đánh giá cao với cộng đồng người Hoa ở Australia, đồng thời bảo vệ cách Australia tiến hành cuộc điều tra tội phạm chiến tranh, liên quan tới hành động của binh sĩ đặc nhiệm nước này tại Afghanistan.

Ông Morrison khẳng định, Australia có khả năng xử lý "những vấn đề gai góc" như vậy một cách "minh bạch và trung thực" và đây là điều mà bất kỳ quốc gia "tự do, dân chủ" nào nên hành động.

Tuy nhiên, WeChat cho rằng, nội dung của bài viết "không phù hợp để xem vì vi phạm các quy định, bao gồm bóp méo sự kiện lịch sử và gây hoang mang dư luận". (Sputnik)

Australia thông qua luật mới, "đòn hiểm" với Trung Quốc?

Ngày 3/12, Quốc hội Australia đã thông qua đạo luật cho phép chính phủ liên bang được quyền bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào với nước ngoài.

Luật mới cho phép bộ trưởng ngoại giao có quyền hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận nào giữa các bang, các hội đồng địa phương và các thể chế của Australia với nước ngoài “bất lợi cho quan hệ đối ngoại của Australia” hoặc “không phù hợp với chính sách đối ngoại” của Canberra, chẳng hạn như thỏa thuận gây tranh cãi tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường mà bang Victoria của Australia ký với Trung Quốc hồi năm 2018.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Morrison cho biết: “Các chính sách, kế hoạch và điều luật của Australia là phục vụ nhu cầu và lợi ích của chúng ta”, đồng thời nhấn mạnh không nhằm vào bất cứ quốc gia nào, song đa số giới phân tích nhận định luật mới nhằm vào Trung Quốc.

Động thái này nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc nổi giận và làm leo thang xung đột ngoại giao giữa Canberra và Bắc Kinh. (Reuters)

Trung Quốc hy vọng Australia sẽ nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy ổn định khu vực

Ngày 3/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh hy vọng Australia sẽ nỗ lực hơn để mang lại sự ổn định cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu này nhằm phản hồi tuyên bố rằng, Australia và Mỹ có kế hoạch phát triển các tên lửa siêu thanh.

Trước đó, hôm 1/12, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds tuyên bố, nước này sẽ phối hợp với Mỹ cùng phát triển các tên lửa hành trình siêu thanh nhằm đối phó các tên lửa tương tự đang được Trung Quốc và Nga phát triển. (Reuters)

Brexit

EU và Anh dự kiến đạt được thỏa thuận ngay trong tuần này

Các quan chức ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các nhà đàm phán Brexit của EU và Vương quốc Anh sẽ xem xét tiến độ tổng thể của các cuộc đàm phán thương mại vào ngày 3/12 hoặc 4/12.

Ba nhà ngoại giao EU cho hay, họ hy vọng các chuyên gia đàm phán bao gồm Trưởng đoàn đàm phán Brexit Michel Barnier của EU và Trưởng đoàn đàm phán Brexit David Frost của Anh có thể chốt ngay một thỏa thuận vào ngày 4/12 hoặc vào cuối tuần.

Ngoài ra, một nguồn tin khác đánh giá về các cuộc đàm phán cho biết, 24-48 giờ tới sẽ là thời điểm "quan trọng" để đạt được một thỏa thuận nhằm mục đích duy trì thương mại tự do giữa Anh và 27 quốc gia EU bắt đầu từ năm 2021. (Reuters)

Nga-Ukraine

Luật bài trừ tiếng Nga của Ukraine có hiệu lực từ năm 2021

Ngày 3/12, cựu Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov cho biết, từ năm 2021, khu vực dịch vụ ở Ukraine sẽ phải hoàn toàn chuyển sang sử dụng tiếng Ukraine.

Theo ông Azarov, đây là qui định của luật "Về đảm bảo hoạt động của ngôn ngữ Ukraine như ngôn ngữ nhà nước", được thông qua trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Petro Poroshenko. Luật này quy định việc chuyển đổi toàn bộ lĩnh vực dịch vụ ở Ukraine sang ngôn ngữ Ukraine từ ngày 16/1/2021.

Bình luận về tình hình trên, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) Vladimir Zhirinovsky nhấn mạnh, lệnh cấm tiếng Nga ở Ukraine là vi phạm luật pháp quốc tế và là "đòn giáng vào tiếng Nga". Theo ông, Ukraine sẽ phải "trả giá" cho sáng kiến chống Nga này. (TTXVN)

Nga

Crime kêu gọi NATO đừng can thiệp nội bộ Nga

Ngày 2/12, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng, Nga tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự ở bán đảo Crimea: "Nga tiếp tục xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia và Ukraine, tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự ở Crimea và ngày càng tích cực triển khai lực lượng ở khu vực Biển Đen”.

Phản ứng lại tuyên bố này, Phó Chủ tịch thứ nhất của Quốc hội Crimea Efim Fiks kêu gọi NATO không can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và không đánh giá sức mạnh quân sự ở Crimea.

"Nga đưa ra những quyết định có lợi cho mình để đảm bảo an ninh lãnh thổ, biên giới và nhà nước. Việc Nga đưa ra quyết định nào là chuyện nội bộ của Nga và NATO không nên nhúng mũi vào những nơi không được phép", ông Fiks nói. (Sputnik)

Nga nhóm họp với các nước CSTO

Ngày 2/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhóm họp trực tuyến cùng những người đồng cấp của một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) gồm Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas.

Cuộc họp đã đưa ra những quyết định quan trọng về việc kiến tạo một trật tự thế giới công bằng và bền vững. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo đã thông qua một thỏa thuận hỗ trợ chung về hậu cần và y tế cho quân đội CSTO và nghị định thư về sửa đổi thỏa thuận liên quan tới sứ mệnh gìn giữ hòa bình của CSTO ngày 6/10/2007.

Một số quyết định đã được đưa ra tại cuộc họp này liên quan đến sự phát triển của hợp tác quân sự, chiến lược chống ma túy của CSTO, kiểm tra chất lượng vũ khí chiến đấu hạng nặng do CSTO đồng thiết kế và sản xuất, nâng cao công tác đào tạo nhân sự cho các cơ quan chính phủ của các nước thành viên CSTO, đào tạo nhân lực cho lực lượng gìn giữ hòa bình, cơ cấu và cách bố trí lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO. (Kremlin)