📞

Tin thế giới 3/2: Bà Aung San Suu Kyi đang ở đâu sau chính biến Myanmar? Lý do ông Biden chưa vội điện đàm với ông Tập Cận Bình?

Quang Đào 19:45 | 03/02/2021
TGVN. Cập nhật tình hình chính biến Myanmar, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-Iran, vụ Navalny, bán đảo Triều Tiên... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Tình hình Myanmar:

Hé lộ tung tích bà Aung San Suu Kyi

Theo Reuters, một quan chức cấp cao thuộc Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) tiết lộ, hiện bà Aung San Suu Kyi đang bị quản thúc tại thủ đô Naypyidaw, ngay sau khi quân đội đảo chính, lên nắm quyền và ban bố lệnh khẩn cấp trong vòng một năm.

Trong khi đó, Kyi Toe, người phát ngôn đảng NLD chia sẻ trong một bài đăng trên Facebook rằng họ được biết bà Suu Kyi đang trong tình trạng "sức khỏe tốt" và sẽ không bị di chuyển, thông tin thêm rằng bà đang bị giam giữ trong dinh thự riêng. (Reuters)

HĐBA LHQ họp, khẳng định việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp là vi hiến

Ngày 2/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp về tình hình chính biến tại Myanmar hôm 1/2, khi quân đội bắt giữ nhiều lãnh đạo đảng cầm quyền NLD và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm.

Đặc phái viên của LHQ tại Myanmar Christine Schraner Burgener đã báo cáo tóm tắt trước HĐBA LHQ tại một cuộc họp riêng về việc quân đội Myanmar bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và những lãnh đạo khác vì "gian lận bầu cử", trao quyền cho người đứng đầu quân đội Min Aung Hlaing cũng như áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm, cam kết tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Giới quan sát bầu cử đều nói quá trình bỏ phiếu diễn ra mà không có sai sót lớn, theo Straits Times. Ủy ban bầu cử ra tuyên bố tuần trước, khẳng định bầu cử đã diễn ra một cách tự do, công bằng, đáng tin cậy và “phản ánh ý nguyện của người dân”. Ủy ban này nói các sai sót không ở mức gian lận hay ảnh hưởng kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, cuộc họp khẩn cấp của HĐBA LHQ không ra được đồng thuận được về một tuyên bố lên án cuộc chính biến.

Trong khi đó, trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính lớn nhất từ trước đến nay tại Myanmar, rất đông người dân đã đổ ra các đường phố Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, kể từ cuối ngày 2/2. Các nhân viên y tế ở ít nhất 20 bệnh viện thuộc chính phủ Myanmar cũng đã tham gia cuộc biểu tình này (AP/Strait Times)

Mỹ-Trung Quốc:

Tổng thống Mỹ Biden chưa vội điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Nhà Trắng cho biết tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa có kế hoạch cụ thể cho việc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hãng tin Reuters cho hay.

Trong cuộc họp báo hôm 2/2, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hiện nay, Nhà Trắng chưa thể đưa ra thông báo gì về kế hoạch điện đàm giữa ông Biden và ông Tập. Bà Psaki nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của Washington đối với Bắc Kinh và đối với các vấn đề có liên quan tới Trung Quốc là yếu tố mang tính chiến lược trong chính sách của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Biden mong muốn theo đuổi cách tiếp cận mà ở đó, Mỹ phải duy trì ưu thế so với Trung Quốc, cũng như có sự liên kết với các chính sách liên quan của các đối tác và đồng minh của Mỹ.

Cả bà Psaki và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đều nói rằng với chính quyền ông Biden, việc đối thoại với các đồng minh và đối tác là ưu tiên trước tiên. Từ sau lễ tuyên thệ nhậm chức tại Điện Capitol hôm 20/1, ông Biden đã điện đàm với lãnh đạo nhiều nước như Canada, Pháp, Anh, Đức, Nhật... (Reuters)

Mỹ cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Nga, Trung Quốc

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, Đô đốc Charles Richard cảnh báo, nước này cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc hoặc Nga.

Báo Washington Times dẫn lời Đô đốc Charles Richard nói: “Trên thực tế, khả năng khủng hoảng khu vực với Nga hoặc Trung Quốc có thể nhanh chóng leo thang thành xung đột có sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu như họ coi việc thất bại trong một cuộc chiến thông thường là mối đe dọa đối với chế độ hoặc nhà nước”.

Theo ông Richard, Lầu Năm Góc cần nhận thức được mối đe dọa xảy ra xung đột hạt nhân là có thật, đồng thời cần xây dựng những khái niệm mới về ngăn chặn và nếu cần là về việc tiến hành chiến tranh hạt nhân. (Sputnik)

Vụ Navalny:

Nhân vật đối lập bị phạt tù

Ngày 2/2, một tòa án ở Moscow đã chấp nhận đề nghị của các công tố viên về việc áp dụng án phạt tù đối với nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny vì vi phạm các điều khoản của lệnh ân xá.

Theo đó, thẩm phán Natalya Repnikova đã đưa ra án phạt giam giữ 2 năm 8 tháng thay cho bản án 3 năm 6 tháng tù treo được áp dụng đối với ông Navalny vào năm 2014.

Nhóm hậu thuẫn cho ông Navalny đã ngay lập tức kêu gọi những người ủng hộ tổ chức biểu tình ở trung tâm Moscow. (AP)

Nga nói phương Tây không nên can thiệp vấn đề nội bộ

Trong một buổi họp song phương giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thụy Điển Ann Linde, bà Linde kêu gọi ông Lavrov tham gia một cuộc thảo luận minh bạch về vụ đầu độc ông Navalny.

Đáp lại, ông Lavrov cáo buộc Thụy Điển và Đức theo đuổi chương trình nghị sự chính trị chống Nga mà không có căn cứ thực tế.

“Nếu các bạn cáo buộc chúng tôi thì các bạn phải chứng minh chúng tôi có tội. Nếu các bạn nói “Tôi sẽ không nói điều gì với bạn vì đó là thông tin tối mật hay vì bản thân bệnh nhân không cho phép các bạn chia sẻ kết quả điều tra", thì chúng tôi có tất cả lý do để nghi ngờ chuyện này được dàn dựng”- ông Lavrov nhấn mạnh.

Bình luận về việc các quốc gia phương Tây kêu gọi thả ông Navalny sau khi ông bị kết án gần ba năm tù, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo không nên can thiệp vào vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. (TASS/Sputnik)

Chính phủ New Caledonia sụp đổ do mâu thuẫn nội bộ

Chính phủ quốc đảo New Caledonia thuộc Pháp đã ngừng hoạt động sau khi gần một nửa thành viên từ chức vì bất đồng quan điểm với các thành viên còn lại của cơ quan hành pháp.

Cụ thể, 5 chính trị gia trong chính phủ từ chức do bất đồng quan điểm với 6 thành viên còn lại. Theo Hiến pháp của New Caledonia, trong 15 ngày tới Quốc hội nước này sẽ phải nhóm họp để bầu ra chính phủ mới.

Một lý do quan trọng dẫn đến 5 thành viên chính phủ từ chức là bất đồng trong việc bán mỏ khai thác niken quan trọng của nước này. Những người phản đối cho rằng mỏ niken thuộc sở hữu của công ty khai khoáng Vale của Brazil cần được bán cho các doanh nghiệp địa phương và chính quyền quốc đảo phải nắm quyền kiểm soát hoạt động của mỏ này.

Trong khi đó các thành viên chính phủ khác ủng hộ việc công ty Vale muốn bán tài sản cho một tập đoàn đa quốc gia của châu Âu. Bất đồng liên quan đến việc công ty khai thác niken, nơi cung cấp 3.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người dân địa phương, đã dẫn đến bạo động trong tháng 12 vừa qua. (Guardian)

Iran phóng thành công tên lửa đẩy mạnh nhất trong lịch sử

Iran đã phóng tên lửa đẩy Zol Janah sử dụng động cơ nhiên liệu rắn mạnh nhất, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ahmad Hosseini cho biết cho biết hôm 1/2 trong một chương trình truyền hình, lưu ý, phương tiện phóng này sử dụng nhiên liệu rắn trong giai đoạn đầu và giai đoạn hai, và nhiên liệu lỏng trong giai đoạn thứ ba.

Tên lửa đẩy mới dựa trên công nghệ động cơ nhiên liệu rắn mạnh nhất mà các chuyên gia Iran lần đầu tiên đạt được, có lực đẩy 750 tấn, có khả năng đưa vệ tinh nặng 220kg lên quỹ đạo cách mặt đất 500km.

Mỹ đã có những phản ứng mạnh mẽ về vấn đề này. Cụ thể, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bày tỏ quan ngại về nỗ lực phát triển các phương tiện phóng vào không gian (SLV) của Iran, do các chương trình có khả năng thúc đẩy phát triển tên lửa đạn đạo của quốc gia Hồi giáo. (Reuters)

Taliban tuyên bố tiếp tục ‘thánh chiến’

Taliban tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc “thánh chiến” nếu đến tháng 5/2021 các binh sĩ nước ngoài chưa rút khỏi Afghanistan theo thỏa thuận giữa lực lượng này và Mỹ ký tháng 2/2020.

Tuyên bố trên được người phát ngôn chính trị của Taliban, Suhail Shaheen, đưa ra tại cuộc họp báo ở thủ đô Tehran của Iran. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh ngày 22/1, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ xem xét lại thỏa thuận ký với Taliban hồi tháng 2/2020.

Tiếp đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 29/1 đã hối thúc Tổng thống Biden gây sức ép với Taliban và tránh vội vàng rút thêm binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan. Hôm 28/1, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cáo buộc Taliban không tuân thủ cam kết chấm dứt những hành động tấn công bạo lực nhằm vào các lực lượng an ninh và dân thường Afghanistan. (Reuters)

Hàn Quốc: Triều Tiên mở rộng các đơn vị tên lửa, đặc nhiệm

Ngày 2/2, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã mở rộng các đơn vị tên lửa đạn đạo và tăng cường lực lượng đặc nhiệm với trang thiết bị hiện đại và các cuộc tập trận mô phỏng tấn công các mục tiêu chiến lược, chẳng hạn như Phủ Tổng thống Hàn Quốc.

Những thay đổi này của quân đội Triều Tiên là một trong những điểm chính được đề cập trong Sách Trắng quốc phòng năm 2020 mà Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố trong ngày 2/2. Theo tài liệu này, Triều Tiên hiện có 13 lữ đoàn tên lửa trực thuộc Bộ Tư lệnh lực lượng chiến lược, tăng từ 9 đơn vị trong năm 2018.

Tài liệu cho rằng, Triều Tiên cũng đã thực hiện các biện pháp để tăng cường lực lượng tác chiến đặc biệt và nâng cấp vị thế của lực lượng này. Tài liệu nhấn mạnh: “Đơn vị tác chiến đặc biệt đã thực hiện các cuộc huấn luyện tấn công có sử dụng mô hình các cơ sở chiến lược chủ chốt của Hàn Quốc và hiện đại hóa trang thiết bị của mình”.

Tài liệu cũng tiết lộ một bức ảnh về cuộc huấn luyện lực lượng với một mô hình Phủ Tổng thống Hàn Quốc. (Yonhap)