Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga bác cáo buộc của FBI về nguồn gốc của ransomware
Ngày 4/6, hãng thông tấn RIA dẫn lời Điện Kremlin mô tả phát biểu của Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray rằng Nga là một nơi ẩn náu của tin tặc, là "cảm tính".
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal, ông Wray cho biết FBI đang điều tra khoảng 100 loại mã độc tống tiền (ransomware) khác nhau, lần theo dấu vết, FBI phát hiện ra rằng nhiều loại ransomware trong số đó có nguồn gốc từ những tin tặc ở Nga. (Reuters)
Nga ban hành luật cấm các nhân vật đối lập ra tranh cử
Ngày 4/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành một đạo luật nhằm cấm các đồng minh của nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny ra tranh cử. Trước đó, đạo luật này đã được lưỡng viện Quốc hội Nga thông qua.
Đạo luật mới cấm các nhân viên, thành viên và nhà tài trợ của các tổ chức “cực đoan” ra tranh cử trong các cuộc bầu cử quốc hội tại Nga. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
FBI phát hiện nhiều mã độc tống tiền có nguồn gốc từ Nga |
Mỹ tiếp tục trừng phạt Trung Quốc
Ngày 3/6, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định mở rộng “danh sách đen” gồm 59 công ty Trung Quốc mà giới đầu tư Mỹ không được tham gia mua cổ phiếu do mối liên hệ của các công ty này với “tổ hợp công nghiệp-quân sự” của Bắc Kinh.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết, đợt trừng phạt mới nhằm vào các công ty Trung Quốc liên quan đến công nghệ do thám được sử dụng để “hỗ trợ đàn áp hoặc xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Các lệnh trừng phạt này sẽ có hiệu lực vào ngày 2/8 tới và các cổ đông hiện tại có thời hạn 1 năm để rút đầu tư.
Về phần mình, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Bắc Kinh hối thúc Washington tôn trọng luật lệ và nguyên tắc thị trường và rút khỏi danh sách các công ty Trung Quốc mà giới đầu tư Mỹ không được đầu tư.
Ông Uông Văn Bân cũng kêu gọi Washington có hành động bình đẳng, công bằng và không phân biệt đối với các công ty Trung Quốc. (Reuters/THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Khi lực bất tòng tâm và ‘lá bài’ duy nhất là tiếp tục mặc cả |
Mỹ trừng phạt một thành viên EU
Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) đối với 64 doanh nghiệp và 3 công dân Bulgaria vì tội tham nhũng.
Ba công dân trên gồm doanh nhân nổi tiếng Vassil Kroumov Bojkov, cựu nghị sĩ Delyan Slavchev Peevski và cựu quan chức chính phủ Bulgaria Ilko Dimitrov Zhelyazkov.
Trong động thái phản ứng về bước đi trên, ngày 3/6, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, Mỹ có quyền áp đặt các lệnh trừng phạt trên. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga tuyên bố 'ăn miếng trả miếng' thêm một quốc gia Đông Âu, nuối tiếc vì Ba Lan |
Mỹ lên án máy bay Trung Quốc áp sát Malaysia
Ngày 4/6, tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh Bộ chỉ huy Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương đã lên án những chuyến bay quân sự của Trung Quốc ngoài khơi Malaysia và Đài Loan là hành động “gây leo thang” và “làm bất ổn” khu vực.
Tướng Wilsbach còn nhận định Trung Quốc đã tăng cường số lần xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan - hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ.
Đối mặt với năng lực quân đội được cải thiện đáng kể của Trung Quốc, tướng Wilsbach cho biết Không quân Mỹ đang tìm cách luân chuyển khí tài quân sự trong khu vực và đưa chúng tránh xa các căn cứ lớn để giảm rủi ro trở thành mục tiêu. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản nhắc nhở vụ tàu hải cảnh của Trung Quốc 'lảng vảng' phía trước 'thềm nhà' |
Mỹ cam kết ủng hộ bất kỳ nhân vật nào trở thành nhà lãnh đạo Israel
Phát biểu sau cuộc gặp ngày 3/6 tại thủ đô Washington giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh dù bất kỳ chuyện gì xảy ra hay chính phủ nào được thành lập, Mỹ vẫn duy trì sự ủng hộ đối với Israel.
Tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tái khẳng định rằng Washington ủng hộ quyền tự vệ của Israel nhưng cũng nhấn mạnh an ninh là cần phải bao gồm việc xây dựng lại lòng tin với người Palestine.
Ông cũng cho biết thêm Mỹ đang và sẽ tìm kiếm giải pháp an ninh lâu dài cho cả người Israel và Palestine. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những dấu ấn trên chính trường |
Tình hình Belarus:
Belarus đóng cửa biên giới
Theo thông báo mới đây của Cục Biên phòng Belarus, trong đêm 3/6, chính quyền nước này đã quyết định cấm công dân xuất cảnh, kể cả người có thị thực nước ngoài cấp. (BBC)
Thủ lĩnh đối lập Belarus kêu gọi trừng phạt Tổng thống Lukashenko
Ngày 4/6, phát biểu tại Warsaw, thủ lĩnh đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya cho rằng rằng Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) nên cùng hành động, áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Belarus để gây sức ép lên Tổng thống Alexander Lukashenko và chính phủ của ông.
Belarus quyết định cắt giảm nhân viên ngoại giao Mỹ
Ngày 3/6, Belarus thông báo, Mỹ sẽ phải cắt giảm số nhân viên hành chính và ngoại giao tại quốc gia Đông Âu, như một phần trong các biện pháp đáp trả của Minsk đối với những lệnh trừng phạt trước đó của Washington.
Bộ Ngoại giao Belarus cũng thông báo rút giấy phép hoạt động của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID). (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Belarus phản đòn Mỹ, hạ lệnh 'tiễn khách', hợp lực cùng Nga đối phó phương Tây |
EU cấm các hãng hàng không của Belarus bay qua không phận
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Belarus và các nước châu Âu gia tăng liên quan tới việc nước này buộc một máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk để kiểm tra an ninh và sau đó bắt giữ một nhân vật bị cáo buộc vi phạm luật pháp Belarus.
Các đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/6 thông qua kế hoạch cấm các hãng hàng không của Belarus thực hiện các chuyến bay qua không phận của khối này hoặc hạ cánh xuống các sân bay của EU, đồng thời cấm các hãng hàng không châu Âu bay qua không phận Belarus. (AFP)
Nhà báo đối lập Belarus thú tội
Hôm 3/6, kênh truyền hình ONT đã đăng tải một đoạn video cho thấy lời thú tội của Roman Protasevich, đồng sáng lập kênh Nexta trên mạng xã hội Telegram khi vi phạm các hoạt động tại quốc gia này.
Theo đó, Protasevich thú nhận, đã tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ, vi phạm trật tự công cộng.
"Tôi thừa nhận phạm tội theo Điều 342 của Bộ luật Hình sự của Cộng hòa Belarus (tổ chức các sự kiện không theo quy định). Những lời kêu gọi mà tôi đăng tải là công cụ khiến tình trạng bất ổn bùng phát trên đường phố và trong ba ngày, Minsk đã sống trong tình trạng hỗn loạn" - Protasevich nói.
Roman Protasevich xuất hiện lần thứ ba trên sóng truyền hình quốc gia Belarus, nói rằng ông đã lựa chọn nói chuyện với truyền thông.
TIN LIÊN QUAN | |
Quan hệ Belarus-EU khủng hoảng: Đúng ý Tổng thống Putin? |
Iran chậm đóng góp tài chính, bị Liên hợp quốc đình chỉ quyền bỏ phiếu
Ngày 3/6, Iran đã phản ứng trước quyết định của Liên hợp quốc (LHQ) đình chỉ quyền bỏ phiếu của Tehran tại Đại hội đồng LHQ (ĐHĐ LHQ) do chậm đóng góp tài chính.
Trong bức thư gửi tới Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif lập luận rằng, khoản tiền 16,2 triệu USD mà nước này nợ LHQ là hệ quả của các lệnh trừng phạt đơn phương trái pháp luật, mà chính quyền dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt năm 2018 sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran.
Theo ông Zarif, người dân Iran đang phải trải qua cuộc chiến kinh tế chưa từng có: "Người dân đã bị cấm chuyển tiền để mua thực phẩm hay thuốc men, nói gì đến việc thanh toán các khoản nợ đóng góp cho LHQ".
Nhà ngoại giao Iran nhấn mạnh, những biện pháp trừng phạt liên quan đến các hoạt động giao dịch ngân hàng quốc tế của Iran đã làm suy yếu khả năng của Tehran trong việc chuyển đóng góp tài chính của mình cho LHQ. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Iran đang 'giải quyết' các vấn đề lớn, đàm phán hạt nhân tiếp tục nối lại vào tuần tới |
Thống tướng Myanmar gặp đặc phái viên ASEAN
Đại diện của ASEAN đã gặp gỡ Thống tướng Min Aung Hlaing vào chiều 4/6 nhằm tiếp tục trao đổi về quá trình hòa giải tại nước này.
Nikkei Asia dẫn nguồn tin trong giới quân sự Myanmar cho biết cuộc họp giữa đại diện ASEAN và Thống tướng Min Aung Hlaing bắt đầu lúc 14h chiều 4/6 tại thủ đô Naypyitaw, Myanmar.
Trước đó, hai đặc phái viên của ASEAN là ông Erywan Yusof - bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei, nước Chủ tịch ASEAN năm 2021, và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã đến Myanmar vào tối 3/6.
Hiện chi tiết về cuộc họp chưa được công bố, nhưng theo dự kiến, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về 5 điểm đã nhất trí tại hội nghị cấp cao ASEAN tại Jakarta hồi tháng 4.
TIN LIÊN QUAN | |
Liệu Myanmar có trở thành ‘Syria thứ 2’? |
Mỹ tăng gấp đôi số chuyến bay trinh sát ở Biển Đông
Tờ SCMP trích số liệu của Tổ chức Sáng kiến thăm dò Biển Đông (SCSPI) cho biết, Trong tháng 5, Mỹ đã tiến hành 72 chuyến bay, trong đó hải quân thực hiện 57 chuyến, còn lại là của không quân. Con số này cao hơn 65 chuyến bay mà Mỹ thực hiện hồi tháng 4, và nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà phân tích quân sự Tống Trung Bình nhận định, số chuyến bay trinh sát của Mỹ tại Biển Đông đã trở nên “thông thường hơn”.
“Khả năng quân sự của Trung Quốc không ngừng cải thiện, và điều này khiến giới quân sự Mỹ lo lắng. Mặt khác, quân đội Mỹ cũng đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra đụng độ”, ông Tống nói.
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc bác cáo buộc 'xâm phạm không phận' của Malaysia |
EU và Anh điều tra chống độc quyền đối với Facebook
Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền về việc Facebook sử dụng dữ liệu quảng cáo trong kinh doanh quảng cáo được phân loại, tập trung vào việc điều tra cách Facebook sử dụng dữ liệu người dùng trong thị trường quảng cáo trực tuyến và chèn ép đối thủ. "Gã khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ này có thể phải thay đổi mô hình kinh doanh với những khoản tiền phạt lớn.
Phản ứng trước quyết định trên của EU và Anh, Facebook cho biết họ sẽ hợp tác toàn diện với giới chức hai bên để chứng minh nền tảng tích hợp "Marketplace" (Chợ) và hẹn hò (dating) của Facebook cung cấp cho mọi người thêm nhiều sự lựa chọn và đều hoạt động trong môi trường có tính cạnh tranh cao. (BBC)