📞

Tin thế giới 5/10: Nga ‘kiểm soát hoàn toàn’ khu vực này, ứng viên thay ông McCarthy lộ diện

Minh Vương 20:39 | 05/10/2023
Kiev bổ nhiệm Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng thống Slovakia đổi ý về viện trợ Ukraine, thỏa thuận Nhật Bản-ASEAN… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Tổng thống Zuzana Caputova muốn đợi chính phủ liên minh thành lập trước khi quyết định về viện trợ Ukraine. (Nguồn: TASR)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga đã kiểm soát hoàn toàn” các đảo ở cửa sông Dnipro: Ngày 5/10, Chỉ huy các đơn vị của lữ đoàn phòng thủ bờ biển thuộc nhóm quân Dnipro của Các Lực lượng vũ trang Nga (VSRF) cho biết đã giành lại quyền kiểm soát các hòn đảo ở cửa sông Dnipro và ở lối ra Vịnh Dnipro.

Một sĩ quan lưu ý rằng các đơn vị Nga “kiểm soát tuyệt đối” tất cả các hòn đảo. Tuy nhiên, binh sĩ Ukraine thường xuyên tìm cách đột nhập vào quần đảo và xa hơn là tiếp cận bờ trái sông Dnepr do VSRF kiểm soát. Hầu như ngày nào, các nhóm phá hoại và trinh sát của Ukraine cũng thăm dò điểm yếu trong tuyến phòng thủ của Nga để tấn công. Các sĩ quan cho rằng không nên đánh giá thấp đối thủ.

Trong bối cảnh đó, quân Nga đang giám sát suốt ngày đêm hành động của Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU). Ngay khi phát hiện đối thủ, dữ liệu sẽ được gửi về trạm quan sát, sau đó ghi lại tọa độ vị trí thuyền máy của đối phương. Sau đó, pháo binh Nga sẽ can thiệp để phá hủy tàu chở các binh sĩ VSU. (TASS)

* Nga bắt giữ công dân cung cấp thông tin cho Ukraine: Ngày 5/10, Cơ quan An ninh Nga (FSB) nêu rõ: “Nghi phạm được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin về sự di chuyển của các đoàn tàu chở thiết bị quân sự trên lãnh thổ vùng Vladimir”.

Hiện cơ quan thực thi pháp luật xứ bạch dương đã khởi tố công dân nói trên vì hợp tác bí mật với một cơ quan tình báo nước ngoài, mức án 2 - 8 năm tù.

FSB cho biết người đàn ông đã tự mình liên hệ với Ukraine và hy vọng “nhận thù lao cho các hành động gây tổn hại đến an ninh của nước Nga”.

Kể từ khi triển khai hoạt động quân sự ở Ukraine, Nga đã nhiều lần bắt giữ công dân bị nghi ngờ hợp tác với tình báo Kiev để thực hiện hành vi phá hoại. (AFP)

* Ukraine lo ngại về hỗ trợ của Mỹ giai đoạn bầu cử khó khăn”: Ngày 5/10, phát biểu tại Granada (Tây Ban Nha) khi dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thừa nhận thực tế này.

Theo ông, luận điệu chính trị tại Washington trong giai đoạn vận động cho cuộc bầu cử năm tới có thể làm suy yếu hỗ trợ của Mỹ với Ukraine. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định người đồng cấp xứ cờ hoa Joe Biden đã trấn an ông về vấn đề này. Song ông vẫn nhận định rằng đây là “giai đoạn bầu cử khó khăn đối với Mỹ”.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen rất “tin tưởng” Mỹ sẽ duy trì hỗ trợ Ukraine, bất chấp diễn biến tại Washington. (AFP/Reuters)

* EU “cạn” ngân sách vì xung đột tại Ukraine: Ngày 5/10, trang mạng xã hội X của Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ: “Xung đột ở Ukraine và lạm phát đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngân sách dài hạn của EU”. Thông cáo này cũng lưu ý rằng EU cần nhiều tiền hơn để có thể ứng phó với khủng hoảng.

Trước đó, cựu cố vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Đại tá Douglas McGregor, nhận định Ukraine đã thua trong xung đột do dự trữ quân sự của phương Tây đang cạn kiệt. Đài CNN (Mỹ) cũng lưu ý việc xứ cờ hoa không đủ tiền cho Ukraine sẽ bắt đầu khiến chính quyền Kiev lo lắng trong vài tuần tới. (TTXVN)

* Tổng thống Slovakia bất ngờ phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine: Ngày 5/10, cổng thông tin Dennik N. (Slovakia) cho biết Bộ Quốc phòng nước này lẽ ra đã chuyển giao cho Kiev gói hỗ trợ quân sự kế tiếp, vốn đã được chính quyền tiền nhiệm phê duyệt. Tuy nhiên, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova không chấp thuận quyết định này. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng cần phải “tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử dân chủ” và kêu gọi chờ đợi hình thành liên minh mới.

Tổng thống Slovakia khẳng định việc phớt lờ quan điểm của đảng Dân chủ xã hội (Smer-SD), đảng vừa thắng cử và đang đứng ra thành lập chính phủ, cùng các đảng khác “có thể tạo ra tiền lệ đáng tiếc cho tương lai”. Trước đó, lãnh đạo đảng này, cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico, đã hứa với cử tri “không cho Ukraine thêm một viên đạn nào nữa”. Ông cũng tuyên bố rằng đảng Smer-SD có nguy cơ bị trục xuất khỏi Nghị viện châu Âu do quan điểm chống Ukraine. (Sputnik)

Đông Nam Á

* Tổng thống Indonesia yêu cầu quân đội chi tiêu thận trọng: Ngày 5/10, phát biểu tại lễ duyệt binh nhân kỷ niệm 78 năm thành lập Quân đội Indonesia (TNI), ông Joko Widodo nói rõ: “Chi tiêu cho khí tài quân sự phải được thực hiện khôn ngoan, cả về phương pháp lẫn cách thức sử dụng”. Theo ông, việc hiện đại hóa trang thiết bị quốc phòng là một phần quan trọng trong kế hoạch gia tăng đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng, trong đó khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nguồn nhân lực và ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước.

Trước đó, ông đã công bố dành 39.470 tỷ Rupiah (hơn 2,5 tỷ USD) trong gói ngân sách chi tiêu quốc phòng năm 2024 trị giá 135.440 tỷ Rupiah cho việc hiện đại hóa trang thiết bị quốc phòng. Thực tế cho thấy thời gian gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã thúc đẩy một loạt thương vụ mua sắm vũ khí quy mô lớn, trong đó có 42 máy bay chiến đấu Dassault Rafale trị giá 8,1 tỷ USD, 12 máy bay không người lái (UAV) mới của Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 300 triệu USD, và 12 máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 đã qua sử dụng trị giá 800 triệu USD.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong thập kỷ qua, chi tiêu quốc phòng bình quân đầu người và theo % tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia thấp nhất trong 6 nền kinh tế thị trường mới nổi ở Đông Nam Á. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Nhật Bản và ASEAN tăng cường hợp tác an ninh mạng: Ngày 5/10, tại Hội nghị quốc tế về Cộng đồng an ninh mạng ASEAN-Nhật Bản, Tokyo và 8 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh mạng trong khu vực tư nhân.

Theo Trung tâm Quốc gia về Chiến lược an ninh mạng và sẵn sàng đối phó với sự cố của Nhật Bản, các nước ASEAN tham gia là Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Là một phần của khuôn khổ quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” Nhật Bản-ASEAN, Tokyo đã cam kết cung cấp viện trợ để tăng cường an ninh mạng cho các thành viên ASEAN.

Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản Kono Taro nêu rõ tham vọng về một miền không gian mạng tự do, công bằng và an toàn bằng cách hợp tác với thành viên ASEAN để đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế. Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Matsuno Hirokazu cho biết ông kỳ vọng “hợp tác an ninh mạng sẽ tiến triển” với ASEAN, mô tả ASEAN là “chìa khóa để hiện thực hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Hội nghị dự kiến sẽ kéo dài sang ngày 6/10, bao gồm các cuộc thảo luận của nhóm chuyên gia, với các doanh nghiệp an ninh mạng giới thiệu các sáng kiến của họ. Đây cũng là cơ hội kết nối các doanh nghiệp. (Kyodo)

* Triều Tiên đề cao việc xây dựng lực lượng hạt nhân trong hiến pháp: Ngày 5/10, tờ Choson Sinbo, tờ báo ủng hộ Triều Tiên tại Nhật Bản, nêu rõ: “Tình trạng một quốc gia hạt nhân đã trở nên không thể thay đổi được. Một động thái thúc đẩy và cải tiến vũ khí hạt nhân sẽ được thực hiện một cách mạnh mẽ”.

Trước đó, trong cuộc họp quốc hội quan trọng có sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tuần trước, Triều Tiên đã quy định chính sách tăng cường lực lượng hạt nhân trong hiến pháp. Động thái này diễn ra một năm sau khi Triều Tiên ban hành luật hạt nhân mới, cho phép sử dụng trước vũ khí hạt nhân và gọi vị thế của Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân “không thể đảo ngược”.

Theo tờ Choson Sinbo, quyết định được đưa ra tại phiên họp thứ 9 của Hội nghị Nhân dân Tối cao khóa 14 dựa trên “đánh giá chiến lược nghiêm ngặt” rằng không bao giờ nên để vị thế quốc gia hạt nhân bị tổn hại mà phải được củng cố hơn nữa. Tờ này nói: “Điều 58 trong Chương 4 (Hiến pháp) quy định việc phát triển vũ khí hạt nhân phải được đẩy mạnh để đảm bảo quyền tồn tại và phát triển của quốc gia, ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”.

Choson Sinbo cũng chỉ trích hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, cho rằng các nước đang đẩy mạnh hành động khiêu khích quân sự chống lại Triều Tiên. Tờ báo khẳng định “sứ mệnh” của một “quốc gia hạt nhân có trách nhiệm” là đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí hạt nhân trong hoàn cảnh này. (Yonhap)

Trung Á

* Thượng nghị sĩ Mỹ muốn ngưng viện trợ cho Azerbaijan: Ngày 4/10, tân Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Ben Cardin nêu rõ: “Khi thế giới tiếp tục đối phó với thanh lọc sắc tộc có chủ ý và có tính phối hợp của Azerbaijan, chúng ta phải ưu tiên hỗ trợ người Armenia bị trục xuất và (buộc) Baku phải chịu trách nhiệm”. Theo ông, Mỹ cần dừng hỗ trợ an ninh làm đòn bẩy để ngăn chặn Azerbaijan dùng vũ lực để thiết lập hành lang trên bộ bên trong Armenia, qua đó kết nối với vùng Nakhchivan của nước này.

Trước đó, sau cuộc tấn công chớp nhoáng ở Nagorno-Karabakh, chấm dứt sự kiểm soát nhiều thập kỷ của người ly khai gốc Armenia, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ý muốn thiết lập hành lang trên bộ tới Nakhchivan.

Sự hỗ trợ của Mỹ cho Azerbaijan đã bị Quốc hội hạn chế theo một đạo luật có từ năm 1992. Tuy nhiên, hàng năm, các đời Tổng thống Mỹ đều bãi bỏ các hạn chế này với lý do vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Một báo cáo vào năm ngoái của chính quyền Mỹ cho biết Azerbaijan đã nhận 164 triệu USD tiền hỗ trợ an ninh của Mỹ từ năm 2002-2020. (Reuters)

Châu Âu

* Ukraine bổ nhiệm 3 Thứ trưởng Quốc phòng: Ngày 5/10, chính quyền Kiev đã bổ nhiệm ông Dmytro Klimenkov, Giám đốc thương mại của công ty vận chuyển khí đốt quốc doanh, làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công tác giám sát việc mua sắm và sẽ nỗ lực số hóa và thống nhất tất cả các quy trình.

Trong khi đó, Tướng Ivan Gavrylyuk được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giám sát chính trị quân sự và kỹ thuật, nỗ lực tăng cường sản xuất và cung cấp vũ khí trong nước, đồng thời phối hợp hậu cần và quan hệ đối tác với các đối tác phương Tây. Còn ông Stanislav Haider, cựu giám đốc cải cách kỹ thuật số tại Cơ quan chống tham nhũng quốc gia, sẽ nỗ lực tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tại Bộ Quốc phòng và tạo ra hệ thống quản lý dữ liệu.

Tháng trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bổ nhiệm ông Rustem Umerov thay ông Oleksii Danilov làm Bộ trưởng Quốc phòng. Theo ông, các cách tiếp cận mới là cần thiết cho quân đội và xã hội khi xung đột với Nga chưa chấm dứt.

Về phần mình, viết trên Facebook, ông Umerov nhấn mạnh: “Lính Ukraine cần được cung cấp mọi thứ cần thiết... Không khoan nhượng với tham nhũng và nâng cao hiệu quả là những nguyên tắc quan trọng nhất của Bộ Quốc phòng”. (Reuters)

* Czech bắt giữ 69 người di cư trái phép qua Slovakia: Ngày 5/10, cảnh sát Czech đã phát hiện và bắt giữ 69 người di cư trái phép. Người phát ngôn cảnh sát Irena Pilarova cũng cho biết 4 kẻ tình nghi buôn người cũng bị bắt giữ, và sẽ điều tra các tội danh liên quan tới việc tổ chức và hỗ trợ vượt biên trái phép vào đất nước này.

Theo bà Pilarova, trong ngày đầu tiên kiểm tra ngẫu nhiên tại biên giới với Slovakia, cảnh sát Cộng hòa Czech được triển khai tại cửa khẩu vùng Morava-Silesia đã phát hiện 55 người di cư đến từ Syria. Những người này di chuyển theo hai nhóm đông hơn bằng xe tải, hai nhóm nhỏ hơn đi bằng xe chở khách và một số còn lại đi bằng tàu hỏa.

Trong khi đó, cảnh sát tại vùng Nam Morava cũng chặn một xe tải biển số nước ngoài chở theo 20 người di cư khác từ Syria trên đường cao tốc D2. Sau các cuộc kiểm tra của cảnh sát, tổng số người di cư trái phép bị bắt giữ là 69 người, cùng 4 kẻ tình nghi buôn người.

Cộng hòa Czech bắt đầu tái triển khai biện pháp kiểm soát biên giới với Slovakia sau một năm. Cuối tháng 9/2022, do làn sóng người di cư, Prague đã áp đặt biện pháp kiểm soát thường trực tại biên giới với Slovakia đến đầu tháng 2/2023.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Czech Vit Rakusan thừa nhận tình trạng di cư trái phép vẫn phức tạp và có xu hướng ngày càng tăng. Theo ông Rakusan, mặc dù đã có sự phối hợp với quốc gia láng giềng, song trong 9 tháng đầu năm nay, Cộng hòa Czech chỉ phát hiện và ngăn chặn được gần 3.000 người di cư, trong khi con số này của cùng kỳ năm 2022 là hơn 10.000 người.

Hiện Czech, Ba Lan và Áo đang cùng thực hiện kiểm soát ngẫu nhiên biên giới với Slovakia trong 10 ngày (4-14/10) nhằm hạn chế số lượng người nhập cư trái phép vào lãnh thổ ba quốc gia Trung Âu này, chủ yếu làm bàn đạp để tiến sâu hơn vào Tây Âu. Trước đó, Đức cũng bắt đầu kiểm soát biên giới với Czech và Ba Lan do lo ngại tình trạng di cư bất hợp pháp, trong khi Slovakia bắt đầu áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới với Hungary 10 ngày từ ngày 5/10. (TTXVN)

Châu Mỹ

* Xuất hiện các ứng cử viên cho chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ: Ngày 4/10, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa tham dự một cuộc họp kín cho biết Hạ nghị sĩ Steve Scalise, nhân vật quyền lực thứ 2 của đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Hạ nghị sĩ Jim Jordan, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, đều tuyên bố ra tranh chức Chủ tịch Hạ viện sau khi ông Kevin McCarthy bị phế truất. Dự đoán sẽ có thêm các ứng viên khác tham gia cuộc đua.

Này 10/10, Đảng Cộng hòa sẽ họp để lắng nghe các ứng viên trình bày quan điểm, trước khi bỏ phiếu ngày hôm sau để chọn người kế nhiệm ông McCarthy.

Hạ nghị sĩ Steve Scalise, sinh năm 1965, đại diện bang Louisiana, từ lâu được xem là người sẽ kế vị ông McCarthy với lập trường bảo thủ hơn cựu Chủ tịch Hạ viện. Năm 2017, ông từng bị phần tử cực đoan bắn trọng thương khi cùng các hạ nghị sĩ Cộng hòa luyện tập bóng chày. Hiện ông đang điều trị bệnh ung thư tủy.

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Jim Jordan, sinh năm 1964, đại diện bang Ohio, là đồng minh nhiệt thành của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông tuyên bố sẽ phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine nếu làm Chủ tịch Hạ viện. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

* Lãnh đạo đảng đối lập Uganda bị bắt giữ: Ngày 5/10, đảng đối lập chính ở Uganda cho biết lãnh đạo Robert Kyagulanyi đã bị bắt tại Sân bay Quốc tế Entebbe khi ông từ nước ngoài trở về.

Trên trang X, lãnh đạo đảng Nền tảng Thống nhất Quốc gia trong quốc hội Uganda, ông Mathias Mpuuga tuyên bố: “Chế độ này đã bắt giữ Chủ tịch của chúng tôi tại Sân bay Entebbe. Chúng tôi dự định đón ông ấy hôm nay, nhưng các lực lượng an ninh của họ thậm chí không thể cho phép ông ấy nhập cảnh".

Thời gian gần đây, ông Kyagulanyi đã nổi lên như thách thức mạnh mẽ nhất đối với Tổng thống Yoweri Museveni, người nắm quyền ở quốc gia Đông Phi từ năm 1986. Ông Kyagulanyi đã chống lại Tổng thống Museveni trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất năm 2021 và thất bại. Tuy nhiên, ông bác bỏ kết quả, khẳng định lực lượng an ninh đã gian lận và tiến hành đe dọa trên diện rộng. (Reuters)