📞

Tin thế giới 5/11: Ông Trump thừa nhận có thể thua, Hàn Quốc nói 10.000 binh sĩ Triều Tiên đã ở Nga, Ngoại trưởng Đức bất ngờ thăm Ukraine

Nhất Phong 21:44 | 05/11/2024
Mỹ triển khai 6 pháo đài bay tới Trung Đông, Triều Tiên phóng tên lửa ra Biển Nhật Bản, Israel tấn công hơn 100 mục tiêu Hamas và Hezbollah, kết quả bầu cử Mỹ có thể dẫn tới hoà bình hoặc chiến tranh… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại Kiev. (Nguồn: DW)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật đáp trả vụ phóng ICBM của Triều Tiên: Một nguồn tin quân sự ngày 5/11 tiết lộ, Hàn Quốc dự kiến tổ chức tập trận bắn đạn thật trong tuần này với sự tham gia của tên lửa đất đối đất Hyunmoo-II và hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không Cheongung, nhằm đáp trả các vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên.

Quân đội Hàn Quốc có kế hoạch tiến hành tập trận sớm nhất vào ngày 6/11 để đáp trả vụ phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên ngày 5/11 và vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-19 mới hôm 31/10.

Hàn Quốc trước đây đã nhiều lần tổ chức tập trận bắn đạn thật để đáp trả các hành động khiêu khích của Triều Tiên. Tháng 10/2022, quân đội Hàn Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo Hyunmoo-IIC sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung. (Yonhap)

*Triều Tiên phóng tên lửa ra Biển Nhật Bản: Theo thông báo từ Quân đội Hàn Quốc, vào rạng sáng 5/11, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo về phía Biển Nhật Bản.

Vụ phóng này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Động thái này đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Đáp lại, ba nước này đã tiến hành cuộc tập trận chung. (AFP)

*Hàn Quốc: Hơn 10.000 binh sĩ Triều Tiên ở Nga: Ngày 5/11, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo hơn 10.000 binh sĩ Triều Tiên đã được điều động tới Nga tham chiến tại Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha-kyou cho biết, dựa trên các nguồn tin tình báo, một số lượng đáng kể trong số các binh sĩ này đã được điều chuyển tới các khu vực tiền tuyến, bao gồm tỉnh Kursk gần biên giới Ukraine.

Thông tin này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Lầu Năm Góc cho biết có ít nhất 10.000 binh sĩ Triều Tiên đang đóng quân tại Kursk, tuy nhiên phía Mỹ chưa thể xác nhận liệu các binh sĩ này đã tham gia chiến đấu hay chưa.

Cơ quan tình báo Ukraine cũng xác nhận có khoảng 12.000 quân nhân Triều Tiên, trong đó có 500 sĩ quan và 3 tướng lĩnh, đang có mặt tại Nga và đang được huấn luyện tại 5 căn cứ quân sự. (Yonhap/Reuters)

Châu Âu

*Nga bổ nhiệm đại sứ mới tại Mỹ nếu Washington duy trì đối thoại: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 5/11 khẳng định Moscow sẽ bổ nhiệm đại sứ mới tại Mỹ vào thời điểm thích hợp, với điều kiện Washington sẵn sàng duy trì đối thoại.

Tháng trước, Đại sứ Nga Anatoly Antonov đã kết thúc nhiệm kỳ. Điện Kremlin từng bác bỏ đồn đoán về việc hạ cấp quan hệ với Mỹ và khẳng định sẽ có người kế nhiệm ông Antonov. (Reuters)

*Ngoại trưởng Đức bất ngờ thăm Ukraine: Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock vừa có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine. Trong chuyến thăm này, bà đã được báo cáo về hiệu quả sử dụng xe tăng phòng không Gepard do Đức viện trợ.

Các binh sĩ Ukraine cho biết họ đã dùng loại xe tăng này bắn hạ ba máy bay không người lái của Nga ở ngoại vi Kiev vào thứ Sáu tuần trước. Họ cũng đề nghị bà Baerbock hỗ trợ thêm đạn dược.

Xe tăng Gepard được đánh giá đặc biệt hiệu quả trong việc đối phó các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Tính đến nay, Đức đã viện trợ Ukraine 55 xe tăng phòng không Gepard kèm phụ tùng thay thế và 176.000 viên đạn phòng không từ kho của Quân đội Đức và kho dự trữ công nghiệp.

Là nước viện trợ lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, Đức đã cam kết khoản viện trợ khẩn cấp 170 triệu euro (185 triệu USD) giúp Ukraine vượt qua mùa đông sắp tới. (DW)

*Nga cáo buộc Ukraine tìm mọi cách lôi kéo Hàn Quốc vào cuộc xung đột: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/11 cáo buộc Kiev đang làm mọi cách để lôi kéo Seoul vào cuộc xung đột Ukraine.

Đầu tháng này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó, hai bên nhất trí thúc đẩy tham vấn chiến lược và “phối hợp phản ứng” trước hành vi của Triều Tiên bị cáo buộc là đang đưa quân tới khu vực xung đột ở Ukraine - thông tin mà Bình Nhưỡng và Moscow chỉ trích là vô căn cứ.

Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng Kiev và phương Tây đang làm mọi cách để quốc tế hóa cuộc xung đột ở Ukraine. (AFP)

*Nga tuyên bố đáp trả bằng mọi cách nếu bị NATO tấn công: Hãng thông tấn RIA ngày 5/11 đưa tin Nga sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để đáp trả hành động xâm lược tiềm tàng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Sẽ không có ai được an toàn, cả những người ở bên kia Đại Tây Dương, hay những người ở bên kia Eo biển Manche”. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

*Israel tăng cường chuẩn bị đối phó với khả năng Iran tấn công: Tờ Jerusalem Post ngày 5/11 đưa tin Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã nâng mức độ sẵn sàng để chuẩn bị cho khả năng Iran đáp trả vụ tấn công của Israel vào ngày 26/10.

Hiện tại, IDF vẫn chưa biết rõ thời điểm chính xác diễn ra các vụ tấn công trả đũa của Iran. IDF không loại trừ khả năng Iran đáp trả từ Syria, Yemen hoặc Iraq, thay vì trực tiếp từ Iran.

Hôm 26/10, IDF đã tấn công các địa điểm quân sự bên trong Iran để đáp trả các vụ tấn công của nước này hồi tháng 4 và tháng 10. Phía Iran cho biết các cơ sở quân sự ở các tỉnh Ilam, Tehran và Khuzestan của nước này đã bị tấn công nhưng chỉ bị thiệt hại hạn chế. Ít nhất 4 binh sĩ Iran và một thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel. (Al Jazeera)

*Các nhà đàm phán Israel-Hamas ngóng chờ kết quả bầu cử Mỹ: Sau khi phía Mỹ thông báo phong trào Hamas của Palestine đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn ngắn hạn tại Gaza của Ai Cập, một nguồn tin ngoại giao thân cận tiết lộ đàm phán vẫn đang tiếp diễn và các bên trung gian vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận.

Nhà ngoại giao này cho biết thêm "mọi phương án đều được cân nhắc để đạt được thỏa thuận, và các bên đang chờ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào thứ Ba (5/11) để quyết định phản ứng tiếp theo".

Trước đó, kênh Al Arabiya đưa tin lãnh đạo Hamas sẵn sàng chấp nhận đề xuất của Ai Cập nếu Israel đồng ý xem xét nó như một phần của thỏa thuận toàn diện tiềm năng. (Al Jazeera)

*Mỹ triển khai 6 "pháo đài bay" tới Trung Đông: Tạp chí Air & Space Forces Magazine dẫn lời giới chức Mỹ cho hay Washington đã triển khai 6 máy bay ném bom B-52 tới Trung Đông trong bối cảnh bùng phát leo thang căng thẳng tại khu vực này.

Bên cạnh các máy bay ném bom B-52, Mỹ cũng điều động thêm chiến đấu cơ F-15E Strike Eagle và phi cơ tiếp nhiên liệu trên không để hỗ trợ hoạt động của phi đội.

Theo nguồn tin từ tạp chí, các máy bay ném bom này được điều động từ căn cứ Không quân Minot ở bang Bắc Dakota. Mặc dù vị trí triển khai cụ thể chưa được tiết lộ, nhưng gần đây đã có một máy bay vận tải từ căn cứ này hạ cánh xuống căn cứ không quân Al-Udeid tại Qatar - căn cứ lớn nhất của Mỹ trong khu vực.

Trước đó vào ngày 3/11, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đã xác nhận việc điều động một nhóm máy bay B-52 tới Trung Đông, tuy nhiên không công bố chi tiết về số lượng cụ thể. (Sputnik)

*Israel tấn công hơn 100 mục tiêu Hamas và Hezbollah: Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 5/11 xác nhận đã tấn công hơn 100 mục tiêu của phong trào Hezbollah ở Lebanon cũng như phong trào Hamas ở Nam Lebanon và Gaza trong 24 giờ qua.

Tuyên bố của IDF nêu rõ: "Trong ngày qua, IAF (Lực lượng Không quân Israel) đã tấn công khoảng 100 mục tiêu khủng bố ở Lebanon và Dải Gaza, bao gồm các cơ sở lưu trữ vũ khí, bệ phóng, các công trình quân sự...”. Ở miền Nam Lebanon, chiến đấu cơ của IDF đã tấn công sau khi phát hiện một số chiến binh Hezbollah đang hoạt động ở một khu vực hạ tầng giao thông.

Kể từ ngày 1/10, Israel đã tiến hành một chiến dịch trên bộ nhằm vào lực lượng Hezbollah ở miền Nam Lebanon, đồng thời tiếp tục chiến dịch không kích Hamas ở Dải Gaza. Cho đến nay, các cuộc tấn công của Israel đã giết chết khoảng 2.000 chiến binh Hezbollah. (Al Jazeera)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Bầu cử Mỹ: Ứng cử viên Trump thừa nhận có thể thua: Hãng ABC đưa tin, ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hoà Donald Trump đã thừa nhận khả năng ông có thể thất bại trong cuộc bầu cử ngày 5/11.

Phát biểu khi được hỏi về khả năng thất cử, ông Trump trả lời: "Tôi nghĩ mình đang dẫn trước khá xa, nhưng bạn có thể nói rằng tôi có thể thua. Những điều không hay có thể xảy ra". Ông cũng lưu ý: "Nhưng mọi chuyện sẽ rất thú vị". (ABC)

*Tổng thống Serbia: Kết quả bầu cử Mỹ có thể dẫn tới hoà bình hoặc chiến tranh: Trả lời phỏng vấn kênh hình Happy, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nhận định rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ mang tính quyết định đối với vận mệnh toàn nhân loại, mang lại hòa bình hay dẫn tới Thế chiến III.

Ông Vucic nhấn mạnh: "Đây quả thực là cuộc bầu cử quan trọng nhất. Có thể nói, đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, có khả năng dẫn tới hoà bình hoặc chiến tranh… Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy chưa thể đoán chắc, nhưng cuộc bầu cử này có thể mang lại hoà bình, hoặc để cuộc chiến tiếp diễn với hệ quả có thể là một cuộc thế chiến thứ ba". (AFP)

*AI dự đoán ứng cử viên Harris giành chiến thắng: Theo trang web Semafor, một nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) do các doanh nhân Mỹ thực hiện cho thấy ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 cao hơn so với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.

Nghiên cứu đã sử dụng AI để mô phỏng cử tri tại 7 bang chiến địa quan trọng. Công nghệ này xử lý dữ liệu nhân khẩu học và tạo ra hàng nghìn "hình mẫu cử tri", phân tích tin tức và thông tin mà cử tri thực tế có thể tiếp cận, từ đó có sự ưu thích hơn đối với hai ứng cử viên. Kết quả cho thấy, mặc dù các bot AI thể hiện sự ủng hộ tương đương nhau đối với cả hai ứng viên, song bà Harris sẽ giành được chiến thắng sát nút. (TASS)