Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen gặp nhau tại Bắc Kinh, tháng 4/2023. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga – Ukraine
*Ngoại trưởng Nga nói về khả năng đàm phán hòa bình với Ukraine: Trả lời phỏng vấn kênh ATV ngày 5/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay Ukraine và phương Tây chưa sẵn sàng cho một cuộc đối thoại nghiêm túc về một giải pháp hòa bình.
Ông Lavrov nói: “Vẫn chưa có ai để nói chuyện. Tôi đã đưa ra ví dụ về các tuyên bố của giới lãnh đạo, tầng lớp chính trị Ukraine, Mỹ và châu Âu. Không ai trong số họ sẵn sàng cho một cuộc đàm phán nghiêm túc. Họ đang nhại lại các cuộc đàm phán dưới hình thức một cuộc họp ở Thụy Sĩ".
Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh “định dạng Copenhagen hoàn toàn đi vào ngõ cụt. Phương Tây đang cố gắng lôi kéo số lượng tối đa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia ở phía Nam bán cầu vào những “cuộc tụ họp” này. Sau đó, một số quốc gia giải thích với Liên bang Nga rằng “họ tham gia vì mục đích duy nhất - để giải thích sự vô nghĩa của những sự kiện như vậy nếu không có sự tham gia của Nga và trên cơ sở tối hậu thư”. (Sputnik)
*Thiết bị không người lái Ukraine đâm trúng xuồng cao tốc Nga ở Biển Đen:Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine (GUR) ngày 6/5 thông báo thiết bị không người lái của hải quân nước này đã đâm trúng một xuồng cao tốc của Nga ở ngoài khơi bờ biển Crimea.
Trong bài đăng trên Telegram, GUR cho biết chiếc xuồng cao tốc của Nga đã bị xuồng không người lái chiến đấu Magura V5 tấn công ở Vịnh Vuzka. Hoạt động này do đơn vị điều hành thiết bị không người lái trên biển thuộc Nhóm 13 của GUR thực hiện.
Theo GUR, Magura V5 đã phá hủy và làm hư hại 5 tàu của Nga, trong đó có tàu đổ bộ cỡ lớn Caesar Kunikov, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. (Tân Hoa Xã)
Tin liên quan |
Tin thế giới 3/5: Tổng thống Nga sắp gặp Chủ tịch Trung Quốc, Hamas ra điều kiện ngừng bắn với Israel, Hàn Quốc bắn hạ vật thể bay trên biển Hoàng Hải |
*Trung Quốc muốn hợp tác giải quyết khủng hoảng Ukraine: Trong bài xã luận đăng trên tờ Le Figaro vào thời điểm bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh ông muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế để tìm cách giải quyết cuộc xung đột Ukraine
Bài xã luận viết: “Chúng tôi hy vọng rằng hòa bình và ổn định sẽ nhanh chóng trở lại châu Âu và chúng tôi có ý định hợp tác với Pháp cũng như toàn bộ cộng đồng quốc tế để tìm ra những con đường tốt đẹp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng”. Ông Tập Cận Bình tái khẳng định Trung Quốc không phải là một bên và cũng không tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. (Le Figaro)
*Nghị sĩ Mỹ đề cập khả năng đưa quân tới Ukraine: Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Hakeem Jeffries không loại trừ khả năng Mỹ sẽ phải đưa quân tới vùng xung đột Ukraine trong trường hợp Kiev thất bại.
Phát biểu phỏng vấn trên kênh CBS, ông Jeffries nói: “Chúng ta không thể để Ukraine thất thủ vì nếu điều đó xảy ra thì rất có khả năng Mỹ sẽ phải tham gia vào cuộc xung đột - không chỉ bằng tiền của chúng ta mà còn với quân nhân của chúng ta”.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ nhiều lần khẳng định không có ý định đóng quân ở Ukraine. (TASS)
*Mỹ nỗ lực tìm người thay thế Tổng thống Zelensky: Bộ phận báo chí thuộc Cơ quan Tình báo đối ngoại Liên bang Nga (SVR) nhận định Mỹ đang tăng cường nỗ lực tìm kiếm người thay thế Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Theo báo cáo của SVR, Bộ Ngoại giao Mỹ và cơ quan ngoại giao châu Âu cho rằng tình trạng bất mãn của người dân Ukraine ngày càng gia tăng khi cuộc xung đột với Nga kéo dài. Sự mất lòng tin vào thể chế nhà nước ngày càng tăng, tâm lý thờ ơ lan rộng nhanh chóng. Trong hàng ngũ quân đội Ukraine, số trường hợp đào ngũ, tự nguyện đầu hàng ngày càng nhiều.
Báo cáo của SVR nhấn mạnh ông Zelensky rõ ràng đang bắt đầu thất bại trong cuộc chiến giành “khối óc và trái tim” của người dân Ukraine, đặc biệt là khi tính hợp pháp với tư cách tổng thống hoàn toàn mất đi sau khi hết nhiệm kỳ 5 năm vào ngày 20/5. (Sputnik)
Châu Á – Thái Bình Dương
*Philippines khẳng định không sử dụng vòi rồng ở Biển Đông: Ngày 6/5, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr khẳng định nước này sẽ không sử dụng vòi rồng hay bất kỳ vũ khí tấn công nào ở Biển Đông.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Marcos nhấn mạnh Philippines không muốn leo thang căng thẳng ở vùng biển chiến lược. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không làm theo cách của lực lượng hải cảnh và các tàu Trung Quốc”, đồng thời cho biết nhiệm vụ của Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines là giảm bớt căng thẳng và không có kế hoạch lắp vòi rồng trên tàu.
Tuần trước, Manila phản đối việc Bắc Kinh phun vòi rồng vào tàu Philippines tại bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông, mô tả đó là sự quấy rối và "hành động nguy hiểm". Vụ việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đông đang gia tăng trong những tháng gần đây. (Reuters)
*Động đất rung chuyển Đài Loan (Trung Quốc): Chiều 6/5, một trận động đất có độ lớn 5,3 đã làm rung chuyển khu vực ngoài khơi huyện Hoa Liên (Hualien), Đài Loan (Trung Quốc).
Theo Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc (CENC), trận động đất xảy ra lúc 17h45 (giờ địa phương, tức 16h45 theo giờ Việt Nam). Tâm chấn được xác định ở tọa độ 23,71 độ vĩ Bắc và 121,62 độ kinh Đông. Độ sâu chấn tiêu là 20 km.
Vào lúc 17h52 cùng ngày (giờ địa phương), một trận động đất có độ lớn 5,2 cũng đã xảy ra ở vùng biển ngoài khơi Hoa Liên, với độ sâu chấn tiêu 25 km. Tâm chấn ở 23,7 độ vĩ Bắc và 121,57 độ kinh Đông.
Hoa Liên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do trận động đất có độ lớn 7,2 hồi đầu tháng 4 vừa qua khiến 14 người thiệt mạng. Hàng trăm đợt dư chấn xảy ra sau trận động đất này. (Taiwan News)
*Quốc vương Malaysia thăm Singapore: Quốc vương Malaysia, Sultan Ibrahim và Hoàng hậu Raja Zarith Sofiah sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Singapore vào ngày 6 và 7/5 theo lời mời của Tổng thống Singapore, Tharman Shanmugaratnam.
Đây sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi Quốc vương lên ngôi vào ngày 31/1/2024. Theo chương trình nghị sự, lễ đón Quốc vương Malaysia sẽ được cử hành theo nghi lễ cấp nhà nước tại Hoàng cung Singapore, sau đó là cuộc gặp với Tổng thống Tharman Shanmugaratnam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Quốc vương Ibrahim sẽ gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phó Thủ tướng Lawrence Wong, thăm Quốc hội Singapore và kiểm tra tiến độ của dự án đường sắt cao tốc Johor Bahru- Singapore. (The Straits Times)
Châu Âu
*Czech triệu hồi Đại sứ tại Nga: Ngày 5/5, Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky cho biết nước này đã triệu hồi Đại sứ tại Nga Vitezslav Pivonka, đồng thời cho biết đang tích cực tìm kiếm một đại sứ mới tại Moscow.
Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Czech Petr Pavel nhấn mạnh “nhận thức được tầm quan trọng của việc có đại diện ở cấp đại sứ ở Nga”. Tuy nhiên, ông cho rằng câu hỏi đặt ra là “liệu tình hình có phù hợp” vào thời điểm này hay không.
Quan hệ giữa Czech và Nga trở nên căng thẳng từ năm 2021 sau khi các cơ quan mật vụ và điều tra viên của Czech phát hiện các đặc vụ Nga có liên quan đến vụ nổ năm 2014 tại kho đạn ở Vrbětice thuộc vùng Zlin của Czech. (AP)
*Nga tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật: Ngày 6/5, Nga thông báo nước này sẽ tổ chức một cuộc tập trận, trong đó có khoa mục thực hành sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận này do Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tiến hành và sẽ kiểm tra mức độ sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Cuộc tập trận sẽ bao gồm cả khoa mục thực hành công tác chuẩn bị và triển khai sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: Cuộc tập trận nhằm mục đích đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga và “để đáp trả những tuyên bố khiêu khích và đe dọa của một số quan chức phương Tây đối với Liên bang Nga”. (Reuters)
*Chủ tịch Trung Quốc họp ba bên với Pháp và EU: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/5 đã tham dự cuộc họp ba bên Trung Quốc-Pháp-EU với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Điện Elysee.
Ông Tập Cận Bình thực hiện công du châu Âu lần đầu tiên sau 5 năm, vào thời điểm căng thẳng thương mại gia tăng, với việc Liên minh châu Âu (EU) điều tra một số ngành công nghiệp của Trung Quốc, bao gồm cả mặt hàng xe điện xuất khẩu, trong khi Bắc Kinh đang điều tra hầu hết mặt hàng rượu mạnh nhập khẩu do Pháp sản xuất.
Tại cuộc gặp, bà Ursula von der Leyen tuyên bố sẽ thúc đẩy cạnh tranh "công bằng" với Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, EC đã mở một loạt cuộc điều tra cạnh tranh nhắm vào Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội với động thái này, chỉ trích các cuộc điều tra về nghi vấn Trung Quốc có hành vi không công bằng trong lĩnh vực thiết bị y tế, gọi đó là dấu hiệu của "chủ nghĩa bảo hộ" của EU. (AFP)
*Thụy Sĩ mời Giáo hoàng dự hội nghị hòa bình Ukraine: Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd ngày 5/5 cho biết nước này đã mời Giáo hoàng Francis tham dự hội nghị hòa bình cho Ukraine vào tháng tới.
Ngoài ra, bà Viola Amherd hy vọng rằng Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi - những đối tác của Nga trong nhóm Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) - sẽ tham dự hội nghị hòa bình về Ukraine.
Thụy Sĩ sẽ đăng cai hội nghị cấp cao về hòa bình cho Ukraina từ ngày 15-16/6. Sự kiện này dự kiến quy tụ hơn 160 phái đoàn từ khắp nơi trên thế giới. Nga không có tên trong danh sách khách mời. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng hội nghị hòa bình rõ ràng không hướng tới kết quả, vì không thể có các cuộc đàm phán hiệu quả về Ukraine nếu không có sự tham gia của Nga. (Reuters)
Châu Phi – Trung Đông
*Giám đốc CIA tới Qatar họp khẩn cấp về Gaza, triển vọng ngừng bắn vẫn mờ mịt: Ngày 6/5, nguồn thạo tin tiết lộ Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns đến Doha gặp Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani để thảo luận "khẩn cấp" về việc hòa giải xung đột Hamas-Israel.
Nguồn tin nêu rõ: “Không có bước đột phá nào trong các cuộc đàm phán mới nhất giữa Ai Cập và Israel ở Cairo, Giám đốc CIA Burns đang trên đường tới Doha để họp khẩn cấp với Thủ tướng Qatar nhằm tìm kiếm các phương án nhằm xem liệu các cuộc đàm phán có thể trở lại đúng hướng hay không”.
Vòng đàm phán mới nhất giữa các nhà hòa giải và lực lượng Hamas đã kết thúc tại Cairo ngày 5/5. Israel và Hamas công khai đổ lỗi cho nhau về việc không đạt được thỏa thuận. (Al Jazeera)
*Nga gửi thiết bị và cố vấn quân sự tới Niger: Kênh truyền hình Tele Sahel TV ngày 5/5 cho hay “trong vòng chưa đầy một tháng, Nga đã cử 3 chuyến bay để vận chuyển thiết bị quân sự và một số cố vấn quân sự tới Niamey (thủ đô Niger)”.
Theo Tele Sahel TV, các chuyến bay là để cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Niger. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lưu ý rằng Washington đang theo dõi tình hình ở Niger liên quan đến căn cứ của Mỹ và quan sát xem liệu các chuyên gia được cho là của Nga có tiếp cận được thiết bị quân sự của Mỹ ở quốc gia châu Phi này hay không. (TASS)
*Houthi tuyên bố chiến thắng Hải quân Mỹ ở Biển Đỏ: Ngày 5/5, lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố đã giành chiến thắng trước Hải quân Mỹ ở Biển Đỏ, đồng thời nhắc lại cảnh báo về các cuộc tấn công nhằm vào các tàu có liên kết với Israel cả ở Biển Đỏ và Địa Trung Hải.
Hãng thông tấn SABA do Houthi kiểm soát đưa tin rằng giai đoạn thứ 4 của chiến dịch ủng hộ Palestine của lực lượng này sẽ nhắm mục tiêu vào tất cả các tàu trên đường tới Israel nằm trong tầm bắn của máy bay không người lái và tên lửa của Houthi, đồng thời lưu ý rằng hải quân Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác “bất lực” trước các cuộc tấn công của Houthi.
Kể từ tháng 11/2023, lực lượng Houthi đã phóng hàng trăm tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái vào các tàu thương mại và hải quân ở Biển Đỏ, eo biển Bab Al-Mandab và Vịnh Aden. Houthi tuyên bố các cuộc tấn công này chỉ nhắm vào các tàu có liên kết với Israel nhằm buộc nước này chấm dứt cuộc bao vây ở Dải Gaza. (Arab News)
*Hezbollah tấn công căn cứ của Israel: Ngày 6/5, nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Liban cho biết đã phóng "hàng chục tên lửa Katyusha" vào một căn cứ của Israel ở Cao nguyên Golan bị chiếm đóng để trả đũa cuộc tấn công ở phía Đông Lebanon.
Tuyên bố của Hezbollah nêu rõ các chiến binh Hezbollah đã phóng "hàng chục tên lửa Katyusha" nhắm vào "trụ sở của Sư đoàn Golan... tại căn cứ Nafah". Theo Hezbollah, hành động này "để đáp trả cuộc tấn công nhắm vào khu vực Bekaa". (AFP)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Mỹ chuẩn bị triển khai phái bộ đa quốc gia ở Haiti: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Todd Robinson xác nhận nước này đã gửi lực lượng tới thủ đô Port-au-Prince của Haiti từ ngày 3/5 để chuẩn bị cơ sở vật chất cho phái bộ an ninh đa quốc gia do Liên hợp quốc ủy quyền và Kenya dẫn đầu nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh Haiti trong cuộc chiến chống lại các băng nhóm tội phạm đang thống trị thành phố và nhiều địa phương khác trên cả nước.
Quan chức Mỹ chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc triển khai sứ mệnh an ninh, gồm khoảng 1.000 sĩ quan cảnh sát. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cam kết chi khoảng 190 triệu euro để lắp đặt các thiết bị an ninh bảo vệ phái bộ trong thành phố.
Trong khi đó, nguồn tin địa phương cho biết chỉ rất ít trong số gần 3.700 tù nhân đào thoát khỏi Nhà tù Quốc gia Haiti hồi đầu tháng 3 đã bị bắt trở lại. (AFP)
*Venezuela thiệt hại 800 tỷ USD do các lệnh trừng phạt: Báo cáo của Liên minh Bolivar cho châu Mỹ-Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP) công bố ngày 5/5 cho thấy thiệt hại kinh tế mà Venezuela phải gánh chịu do các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt kể từ năm 2015 là khoảng 800 tỷ USD (742,68 tỷ euro).
Trong khi đó, Thư ký điều hành của ALBA-TCP, ông Jorge Arreaza, cho rằng thiệt hại của Venezuela trên thực tế có thể lên tới 1.000 tỷ USD.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia Venezolana de Televisión, ông Arreaza nhận định tác động của các lệnh trừng phạt đã giảm bớt “nhờ thực tế là Tổng thống Nicolás Maduro đã tìm ra công thức phá vỡ những biện pháp trừng phạt tồi tệ nhất và lệnh cấm vận”.
Ông Arreaza khẳng định ALBA-TCP là “khu vực hòa bình” và sẽ không để bất kỳ quốc gia thành viên nào bị Mỹ giật dây. (Xinhua)
*Bầu cử Mỹ 2024: Số bang chiến trường sẽ nhiều hơn: Hãng tin NBC ngày 4/5 dẫn một số nguồn giấu tên cho biết các nhóm hoạch định chiến lược tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều đang lên kế hoạch mở rộng phạm vi cạnh tranh với nhau trong năm bầu cử 2024, theo đó số bang chiến trường có thể nhiều hơn so với các kỳ bầu cử trước.
Phần lớn các chuyên gia phân tích nội trị Mỹ cho rằng kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 sẽ được định đoạt bởi kết quả bỏ phiếu tại 6 bang chiến trường: Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin.
Kết quả phần lớn các cuộc thăm dò dư luận trong vài tháng gần đây cho thấy ông Trump chiếm ưu thế tại cả 6 bang, song ông Biden đang từng bước thu hẹp cách biệt, thậm chí đã có lúc vươn lên dẫn trước ông Trump trong giai đoạn cuối tháng 3 vừa qua. (Reuters)
| Tin thế giới 3/5: Tổng thống Nga sắp gặp Chủ tịch Trung Quốc, Hamas ra điều kiện ngừng bắn với Israel, Hàn Quốc bắn hạ vật thể bay trên biển Hoàng Hải Đức nói có bằng chứng Nga tấn công mạng, Nhật-Mỹ-Australia-Philippines cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ, Pháp ủng hộ Philippines trong ... |
| Phần Lan, Estonia cáo buộc Nga gây nhiễu GPS khu vực Baltic, động cơ của Moscow là gì? Nga được cho là đã gây nhiễu hệ thống GPS tại khu vực Baltic nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu trong xung ... |
| 'Bí mật' đặt ra ít nhất 2 lằn ranh đỏ, điều gì sẽ khiến NATO can thiệp trực tiếp xung đột Ukraine? Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã xác lập ít nhất 2 lằn ranh đỏ mà vượt ra khỏi đó có thể ... |
| Thứ trưởng Ngoại giao bác bỏ các báo cáo sai lệch về quyền con người ở Việt Nam Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, các báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc và các bên liên quan về Việt ... |
| Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam: Gam màu tươi sáng Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam coi trọng cơ chế Rà soát định kỳ phổ ... |