📞

Tin thế giới 6/8: Iran có thể sắp 'ra tay', Mỹ báo động Israel, bà Harris đi vào lịch sử, Armenia quay lưng với CSTO

Hoàng Hà 19:40 | 06/08/2024
Đồn đoán về những cuộc tấn công tiềm tàng của Iran vào Israel, khủng hoảng ở Bangladesh, bà Kamala Harris chính thức trở thành đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ, xung đột Nga-Ukraine... là một số tin thế giới nổi bật.
Căn cứ không quân al Asad ở Iraq có quân đội Mỹ đồn trú bị tấn công ngày 5/8. Mỹ và Israel cáo buộc Iran đứng sau vụ việc này. (Nguồn: Getty Images)

Trung Đông-châu Phi

Trong khi đó, Axios cùng ngày dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, tình báo nước này dự đoán có thể xảy ra hai làn sóng tấn công nhằm vào Israel.

Theo nguồn tin nắm thông tin cuộc họp giữa Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ, đợt tấn công thứ nhất dự kiến đến từ Iran và đợt còn lại do lực lượng Hezbollah thực hiện.

Một quan chức Mỹ cho hay, tình báo ghi nhận phản ứng của Tehran và Hezbollah vẫn "đang trong quá trình chuẩn bị", hai bên chưa quyết định hành động cụ thể.

* Căn cứ không quân ở Iraq bị tấn công, Mỹ-Israel tố thủ phạm là Iran: Trong một tuyên bố ngày 6/8, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Bộ trưởng bộ này Lloyd Austin và người đồng cấp Israel Yoav Galant gọi cuộc tấn công vào căn cứ không quân Mỹ al-Asad ở Iraq hôm 5/8 là một "sự leo thang nguy hiểm".

Các quan chức trên đổ lỗi cho Iran và lực lượng dân quân Shiite đồng minh tiến hành cuộc tấn công khiến một số quân nhân bị thương, nói rằng điều này thể hiện một "vai trò gây bất ổn" của Tehran. (Sputnik)

* Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chuẩn bị thăm Nga từ 12-14/8, nhằm trao đổi quan điểm về những diễn biến quốc tế mới nhất, phối hợp lập trường và tăng cường quan hệ song phương.

Đánh giá Moscow đóng vị trí quan trọng trong nền chính trị thế giới, trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như ở Trung Đông, ông Abbas cho hay, Nga và Palestine có "mối quan hệ lịch sử bền chặt".

Nhà lãnh đạo nói: "Chúng tôi cũng đánh giá cao sự đóng góp của Nga cho cuộc đối thoại trong nội bộ Palestine và việc xích lại quan điểm của các phe phái Palestine". (Sputnik)

* Palestine chỉ trích kế hoạch tạm thời kiểm soát Gaza của Israel: Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố, Dải Gaza phải trở lại quyền kiểm soát của chính quyền Palestine hợp pháp và kế hoạch của Israel nhằm kiểm soát tạm thời vùng đất này là không thể chấp nhận được.

Theo ông Abbas, chính quyền Palestine sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, lưu ý rằng, mục tiêu này "có thể đạt được bằng cách tìm ra một giải pháp chính trị chứ không phải bằng vũ lực" như hiện tại.

Palestine khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực ngừng bắn, cung cấp viện trợ nhân đạo, đưa người tị nạn trở về nhà, rút hoàn toàn quân đội Israel khỏi Dải Gaza và chính quyền Palestine thực hiện chức năng của mình tại vùng đất này, như trường hợp ở Bờ Tây. (Times of Israel)

* Tổng thống Tunisia Kais Saied chính thức nộp đơn tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2, dự diến diễn ra vào ngày 6/10 ở quốc gia Bắc Phi này.

Châu Á-Thái Bình Dương

* Tình hình Bangladesh: Ngày 6/8, sau khi thủ lĩnh phong trào biểu tình của sinh viên ra thời hạn giải tán Quốc hội, Văn phòng tổng thống Bangladesh thông báo, cơ quan lập pháp quốc gia Nam Á này đã giải tán.

Trong khi đó, Hiệp hội cảnh sát Bangladesh tuyên bố, các thành viên của họ sẽ đình công cho đến khi sự an toàn của mọi cảnh sát trong hiệp hội được đảm bảo, sau khi đã dùng hết sức lực để ngăn cản các cuộc biểu tình bạo lực những ngày qua, vốn khiến hàng trăm người tử vong và bị thương.

Các động thái diễn ra một ngày sau khi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tuyên bố từ chức trước áp lực của các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra trên toàn quốc, đặc biệt là ở thủ đô Dhaka. Bà Hasina đã ra nước ngoài và Ngoại trưởng Ấn Độ ngày 6/8 xác nhận bà Hasina đang ở nước này.

Trong khi đó, quân đội tuyên bố nắm quyền kiểm soát tình hình và sẽ thành lập một chính phủ lâm thời, song, phong trào biểu tình của sinh viên phản đối mọi chính phủ quân sự hay do quân đội hậu thuẫn hoặc phát xít, thay vào đó họ yêu cầu được tự đề xuất chính phủ. (Reuters, AFP)

* Campuchia hy vọng thúc đẩy hợp tác quân sự với Nhật Bản: Ngày 5/8, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru và bày tỏ hy vọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác quân sự giữa hai nước.

Chủ tịch Thượng viện Hun Sen khẳng định, quan hệ Campuchia-Nhật Bản sẽ không thay đổi khi người kế nhiệm vị trí Thủ tướng của ông - ông Hun Manet - tiếp tục nỗ lực hợp tác cùng người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio để duy trì quan hệ tốt đẹp này. (AKP)

* Trung Quốc phóng thành công 18 vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc nước này.

Nhóm vệ tinh được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-6 lúc 14h42 ngày 6/8 (giờ Bắc Kinh) và đã đi vào quỹ đạo như kế hoạch. Đây là nhiệm vụ thứ 530 của loạt tên lửa đẩy Trường Chinh.

Vụ phóng do công ty cung cấp dịch vụ viễn thông Shanghai Spacecom Satellite Technology (SSST) thực hiện. (THX)

* Hải quân Indonesia khai mạc cuộc tập trận Armada Jaya lần thứ 42 tại Surabaya, Đông Java, vào ngày 5/8. Một trong những trọng tâm của hoạt động này là nhằm tăng cường và trau dồi khả năng ra quyết định của các sĩ quan trong các hoạt động quân sự chung.

Cuộc tập trận Armada Jaya 2024 là đợt huấn luyện cao điểm của Hải quân Indonesia, diễn ra từ ngày 5-15/8 theo hình thức diễn tập thực địa tại Sở chỉ huy và kết nối trực tuyến đến trụ sở Hải quân Indonesia ở một số khu vực, trong đó có thành phố Tanjungpinang và thủ đô Jakarta.

Đây cũng là cơ hội để kiểm tra hoạt động chung của quân đội Indonesia, đặc biệt là Hải quân, lực lượng phòng thủ quốc gia trên biển. (Antara News)

Châu Mỹ

* Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ sau vòng bỏ phiếu trực tuyến kéo dài 5 ngày, kết thúc vào đêm 5/8 theo giờ địa phương.

Như vậy, bà Harris đã chính thức giành được đề cử của đảng Dân chủ trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đại diện cho một đảng lớn tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Phó Tổng thống Harris tuyên bố, chiến dịch tranh cử của bà không chệch hướng nhiều khỏi các chủ đề và chính sách vốn được Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu ra, chẳng hạn như dân chủ, phòng chống bạo lực súng đạn và quyền phá thai. (AP)

* Venezuela mở cuộc điều tra hình sự các lãnh đạo đối lập là bà Maria Corina Machado và ông Edmundo Gonzalez, những người phản đối kết quả bầu cử hôm 28/7.

Tổng chưởng lý Venezuela Tarek Saab cho biết, cuộc điều tra liên quan "việc kích động cảnh sát và các quan chức quân đội không tuân thủ luật pháp".

Trước đó cùng ngày, các nhà lãnh đạo phe đối lập đã công bố một lá thư kêu gọi lực lượng an ninh "ủng hộ người dân" và tôn trọng kết quả cuộc bầu cử mà họ tự cho là đã giành chiến thắng. (Reuters)

Châu Âu

* Armenia không tham gia cuộc tập trận chỉ huy Interaction-2024 của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) và đã thông báo cho tổ chức này. Cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 3-15/9 trên lãnh thổ Kyrgyzstan. Ngoài Armenia và Kyrgyzstan, CSTO còn có Nga, Belarus, Kazakhstan và Tajikistan.

Theo CSTO, cuộc tập trận sắp tới sẽ chuẩn bị cho hoạt động chung nhằm đối phó xung đột vũ trang ở khu vực Trung Á. Các nước thành viên CSTO sẽ thực hành tổ chức yểm trợ trên không trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV), kể cả hoạt động của hệ thống phòng không chung của các nước CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập).

Hồi tháng 2 năm nay, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố đình chỉ sự tham gia của nước này trong CSTO. (APA)

* Ukraine thừa nhận quân đội mệt mỏi do xung đột kéo dài: Ông Mikhail Podolyak nói trong một cuộc phỏng vấn đăng tải trên Youtube: “Đương nhiên là có mệt mỏi. Xung đột còn kéo dài, bất kỳ cuộc chiến hay cuộc khủng hoảng kéo dài nào đều gây ra những thay đổi trong tâm trạng".

Theo ông, mọi người không hiểu rõ (tình hình) sẽ tiếp tục diễn biến như thế nào và các thỏa thuận sẽ đi đến đâu. Họ đã mệt mỏi với sự đơn điệu và điều đó vô cùng tiêu cực.

* Nga bắt giữ công dân Italy điều khiển UAV tại Công viên Zaryadye, nằm ngay cạnh Điện Kremlin ở trung tâm Moscow vào ngày 6/8.

Công dân Italy này, là nam tiếp viên hàng không, khẳng định không hề hay biết về lệnh cấm điều khiển UAV ở Moscow và chỉ muốn chụp những bức ảnh đẹp về thủ đô nước Nga. (TASS)

* Hải quân Nga tập trận trên Biển Nhật Bản: Ngày 6/8, một tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương đã tham gia diễn tập phá hủy tàu địch giả định trong một cuộc tập trận ở Biển Nhật Bản.

Theo kịch bản tập trận, thủy thủ đoàn của tàu ngầm “Komsomolsk-on-Amur” được giao nhiệm vụ tiếp cận mục tiêu một cách bí mật, tấn công tàu địch giả định, sau đó rời khỏi khu vực mà không để lại dấu vết.

Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Nga cho biết, thủy thủ đoàn tàu ngầm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Việc bắn hạ tàu địch được thực hiện bằng 2 quả ngư lôi huấn luyện, đảm bảo đúng yêu cầu về an toàn. (RIA Novosti)