📞

Tin thế giới 7/10: Nga cảnh báo NATO về ‘hậu quả khôn lường’; Căng thẳng Pháp-Australia hạ nhiệt; Mỹ-Trung xác định ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh

Quang Đào 19:45 | 07/10/2021
Nga 'nổi giận' với quyết định của NATO, Mỹ-Trung lên kế hoạch tổ chức thượng đỉnh, Pháp đồng ý để Đại sứ trở lại Australia... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Nga và NATO đang trong tình trạng căng thẳng. (Nguồn: Unian)

Nga cảnh báo hậu quả việc NATO giảm quy mô phái bộ ngoại giao

Ngày 7/10, Điện Kremlin cho rằng việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cắt giảm quy mô phái bộ ngoại giao của Nga làm xói mòn gần như hoàn toàn hy vọng về khả năng bình thường hóa quan hệ và nối lại đối thoại với liên minh quân sự này.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng hành động trên cho thấy “ý nghĩa thực sự” của những tuyên bố trước đây của khối này về việc giảm căng thẳng trong quan hệ với Moscow.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Kommersant, Thứ trưởng Ngoại giao Grushko nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo NATO mới đây vẫn ra tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc giảm leo thang căng thẳng trong quan hệ với Nga, kêu gọi nối lại đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO và cử đại sứ đến Brussels.

Tuy nhiên, hành động của NATO trục xuất các nhà ngoại giao trong phái đoàn Nga tại trụ sở của liên minh quân sự này đã đi ngược lại những tuyên bố về nỗ lực đối thoại với Nga đưa ra trước đó.

Hãng tin Interfax dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky tuyên bố Nga sẽ có hành động đáp trả nhưng không nhất thiết tương tự như NATO đã làm.

Ông cũng cho biết vị trí đại diện ngoại giao của Nga tại Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn trống, do đó hành động của NATO có thể gây tổn hại đến đối thoại giữa Nga và phương Tây. Quan chức này cũng cáo buộc phương Tây vẫn tiếp tục chính sách đối đầu ngoại giao với Nga. (Reuters)

Nga tổ chức hội nghị quốc tế về Afghanistan, mời Taliban tham dự

Ngày 7/10, Đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Afghanistan, ông Zamir Kabulov cho biết, Moscow có kế hoạch tổ chức hội nghị quốc tế về quốc gia Tây Nam Á này vào ngày 20/10.

Đồng thời, ông Kabulov cũng tiết lộ, Moscow đã mời một phái đoàn Taliban tham gia, song không cung cấp thêm chi tiết.

Phát biểu với các phóng viên, khi được yêu cầu xác nhận điều này, ông Kabulov khẳng định: "Có". Tuy nhiên, ông không nêu rõ ai sẽ đứng đầu phái đoàn Taliban tham dự hội nghị trên. (TASS)

Nga có thể thành lập hạm đội Bắc cực

Ngày 7/10, một nguồn tin từ Hải quân Nga nói rằng Moscow có thể thành lập một hạm đội mới thuộc Hải quân Nga ở Bắc cực để đảm bảo an toàn cho Tuyến đường biển Bắc (NSR).

Nguồn tin cho hay: "Hạm đội Bắc cực của Nga, một cấu trúc mới, đang được cân nhắc thành lập. Nó sẽ là một hạm đội riêng biệt thuộc Hải quân, và có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho NSR và vùng duyên hải Bắc cực thuộc phạm vi nhiệm vụ của các hạm đội phương Bắc và hạm đội Thái Bình Dương".

Việc thành lập hạm đội này sẽ cho phép hạm đội phương Bắc và hạm đội Thái Bình Dương tập trung giải quyết các sứ mệnh chiến đấu.

Nguồn tin nêu rõ: "Kế hoạch là cơ sở hạ tầng của hạm đội mới sẽ tách biệt với hạm đội phương Bắc và hạm đội Thái Bình Dương. Trong tương lai, hạm đội mới sẽ được trang bị tàu thuyền và trang thiết bị đặc biệt phù hợp với Bắc cực". (TASS)

Mỹ hy vọng Nga không dùng năng lượng làm vũ khí

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ hy vọng rằng Nga sẽ không sử dụng nguồn cung cấp năng lượng làm công cụ thúc đẩy chính sách đối ngoại vào mùa Đông này. Đồng thời, ông cũng khuyến cáo châu Âu nên đa dạng hóa nhiên liệu và các nguồn cung.

Ông Blinken nói: "Nga trong quá khứ đã sử dụng năng lượng làm công cụ, hoặc như một số người thường nói, làm vũ khí trong chính sách đối ngoại của mình. Tôi hy vọng chúng ta sẽ không thấy điều đó trong tương lai, đặc biệt là khi mùa Đông đang đến".

Ông mô tả tình trạng giá dầu và khí đốt tăng cao là một luận chứng để thúc đẩy việc chuyển đổi sang các dạng năng lượng mới, cũng như đa dạng hóa nguồn cung cấp.

Ông Blinken nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở giữa quá trình chuyển đổi kéo dài sang các nguồn năng lượng tái tạo đa dạng và từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Trong quá trình chuyển đổi đó có thể có những đoạn đường khó đi, nhiều trắc trở, trước khi hệ thống năng lượng tái tạo bắt đầu khởi động và chúng ta có thể lấp kín những trắc trở đó". (Sputnik)

Mỹ-Trung sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Ngoại vụ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 6/10 đã có cuốc gặp trực tiếp tại một khách sạn ở Zurich, Thụy Sĩ.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, vòng đối thoại lần này được thực hiện dựa trên đồng thuận giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc điện đàm hôm 9/9, mà tại đó hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trình các kênh tiếp xúc để quản lý có trách nhiệm cạnh tranh Mỹ-Trung.

Tại buổi tham vấn kéo dài 6 tiếng này, ông Sullivan đề cập đến một số lĩnh vực Mỹ và Trung Quốc cùng quan tâm, phối hợp cùng nhau để xử lý những thách thức xuyên quốc gia.

Phía Mỹ bày tỏ quan ngại về một số diễn biến gần đây liên quan đến chính sách, hành động của Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương, Hong Kong, Biển Đông và Eo biển Đài Loan.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đưa ra những đánh giá tích cực về cuộc gặp cấp cao lần này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho biết hai bên nhất trí nỗ lực hơn nữa nhằm tăng cường trao đổi chiến lược, quản lý hài hòa những điểm còn khác biệt, tránh xung đột, đối đầu, hướng đến hợp tác cùng thắng.

Thông cáo mô tả đây là “vòng tham vấn toàn diện, thẳng thắn, mà ở đó hai bên trao đổi có chiều sâu về quan hệ Mỹ-Trung, các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm”.

Sau buổi họp, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với CNBC rằng, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt được "nhất trí về nguyên tắc" cho một cuộc gặp song phương trực tuyến. Cuộc gặp sẽ là một phần trong nỗ lực điều tiết cạnh tranh giữa hai quốc gia.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có kế hoạch trực tiếp tham dự bất kỳ sự kiện đa phương nào sắp tới, kể cả G20, COP26 và APEC. Nội dung chi tiết về cuộc gặp được hoàn thiện trong những ngày tới. (Reuters/CNBC)

Pháp sẽ điều động Đại sứ trở lại Australia​, Canberra hoan nghênh

Ngày 6/10, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố Pháp sẽ điều động Đại sứ trở lại Australia sau khi Đại sứ nước này được triệu hồi do bất đồng liên quan tới thỏa thuận cung cấp tàu ngầm.

Phát biểu trước các nghị sĩ Pháp, Ngoại trưởng Le Drian nêu rõ: "Tôi đã đề nghị Đại sứ của chúng ta trở lại Canberra... để xác định lại mối quan hệ của chúng ta trong tương lai".

Phản ứng về tuyên bố này, Ngoại trưởng Australia Marise Payne nhấn mạnh rằng việc Đại sứ Pháp Jean-Pierre Thebault quay trở lại Canberra sẽ giúp hàn gắn quan hệ giữa hai nước.

Trong một tuyên bố, bà Payne nói: "Chúng tôi sẽ làm việc với phía Pháp để thúc đẩy quan hệ song phương. Chúng tôi thừa nhận điều đó sẽ cần thời gian và đang giải quyết những vấn đề sau vụ hợp đồng tàu ngầm. Việc Đại sứ Pháp quay trở lại Canberra là một bước đi đáng hoan nghênh trong tiến trình đó". (Reuters/AFP)

AUKUSsẽ có thể kết nạp thêm thành viên

Ngày 7/10, truyền thông Australia đưa tin, trong cuộc họp với Asia Society, quyền Đại sứ Mỹ tại Canberra Michael Goldman đã đề cập thỏa thuận quốc phòng mới giữa ba nước Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) và nhóm Bộ tứ.

Nhà ngoại giao Mỹ cho biết, AUKUS về mặt tổng thể là "quan hệ đối tác công nghệ" và có thể tiếp nhận thêm các quốc gia khác xét theo từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, ông Goldman tái khẳng định nhóm Bộ tứ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, không phải là một khối quân sự, không phải là một kiểu liên kết mới để loại trừ bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Quyền Đại sứ Mỹ tại Australia nhấn mạnh, nhóm Bộ tứ không phải là NATO của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẽ không thay thế Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). (Sydney Morning Herald)

Bãi nhiệm Chủ tịch Quốc hội Ukraine

Ngày 7/10, truyền thông Ukraine đưa tin Quốc hội nước này (Verkhovna Rada) cùng ngày đã bãi nhiệm Chủ tịch Quốc hội Dmitry Razumkov.

Đề nghị bãi nhiệm ông Razumkov được thực hiện theo đề xuất của đảng Phụng sự Nhân dân (SP) đã nhận được sự tán thành của 284 nghị sĩ trong Quốc hội gồm 450 ghế của Ukraine.

Phát biểu trước các nhà lập pháp, lãnh đạo đảng SP Alexander Kornienko nhấn mạnh đảng này “không còn niềm tin” vào ông Razumkov. (Ukraine News)

Động đất kinh hoàng ở Pakistan

Ngày 7/10, giới chức Pakistan thông báo, một trận động đất có độ lớn 5,7 độ richter đã làm rung chuyển miền Nam nước này vào sáng sớm cùng ngày đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương, trong đó nhiều người bị thương nặng.

Trung tâm Địa chấn châu Âu - Địa Trung Hải (EMSC) và Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất xảy ra ở miền Nam Pakistan vào sáng sớm 7/10, có độ lớn 5,7 độ richter.

Tâm chấn của trận động đất nằm ở độ sâu 20 km, cách thành phố Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan của Pakistan 102 km về hướng Đông-Đông Bắc.

Vụ động đất xảy ra vào thời điểm người dân vẫn đang ngủ say, vì vậy, số người thiệt mạng có thể sẽ tiếp tục tăng. Lực lượng cứu hộ cho biết, đa số các nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.

Hiện nhà chức trách vẫn đang nỗ lực đẩy nhanh công tác cứu hộ. (Reuters)

Peru có thủ tướng mới

Ngày 7/10, Tổng thống Peru Pedro Castillo đã bổ nhiệm bà Mirtha Vasquez – cựu Chủ tịch Quốc hội làm thủ tướng mới của nước này, thay thế cho người tiền nhiệm của bà đã từ chức sau 2 tháng tại nhiệm. (Reuters)