📞

Tin thế giới 7/7: Vì Mỹ can thiệp, Nga sẽ đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc; Ukraine bị ‘bóc phốt’; Thủ tướng Anh từ chức

Quang Đào 19:45 | 07/07/2022
Hội nghị Ngoại trưởng G20; xung đột Nga-Ukraine; Moscow đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc do sự can thiệp của Mỹ... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Cuộc họp giữa các Ngoại trưởng G20 là tâm điểm của thế giới hôm nay. (Nguồn: G20 Indonesia)

Ngoại trưởng Nga: Moscow và Bắc Kinh sẽ tăng cường hợp tác

Ngày 7/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Moscow và Bắc Kinh sẽ tăng cường tương tác trong bối cảnh Mỹ và các vệ tinh của nước này đang cố gắng kiềm chế Nga và Trung Quốc.

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20 FMM) với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ông Lavrov khẳng định, Mỹ đang có chính sách chiến lược nhằm kiềm chế sự phát triển của cả Nga và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, lập trường của Nga và Trung Quốc ngày càng được các nước khác ủng hộ.

"Trái ngược với chính sách của phương Tây tìm cách duy trì vị trí đặc quyền và sự thống trị của mình trong các vấn đề toàn cầu, lập trường của chúng tôi ngày càng nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các bên tham gia quan hệ quốc tế", nhà ngoại giao hàng đầu Nga nói thêm. (TASS)

Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ không gặp mặt tại G20

Ngày 7/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov khẳng định, không có cuộc gặp nào được lên kế hoạch giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20 ở Indonesia.

Ông Ryabkov cho biết: “Trong bối cảnh hiện tại, việc chúng tôi liên hệ với phía Mỹ thông qua các đại sứ quán và các cuộc điện đàm là khá đủ để hai bên có thể làm việc chi tiết về các vấn đề hiện tại”. (TASS)

Mỹ kêu gọi G20 đạt tiến bộ liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine

Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 7/7 nói rằng, Washington tin Hội nghị Ngoại trưởng G20 có thể đạt được tiến bộ liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine bất chấp sự tham dự của Nga.

Quan chức này kêu gọi G20 nên thể hiện khả năng tập thể khi cần thiết để làm rõ trách nhiệm của Nga đối với một số vấn đề mà nhóm này sẽ giải quyết.

Cũng theo quan chức trên, Washington kỳ vọng rằng "hầu như tất cả các nước G20" sẽ nhất trí về các sáng kiến nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu và biến động năng lượng.

Bên cạnh đó, người này cũng thừa nhận rằng các tuyên bố chung của G20 về Ukraine sẽ không thể thực hiện được do sự tham gia của Nga.

Được biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tổ chức một cuộc họp ba bên với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi cuộc gặp của ông Blinken với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ tập trung bàn về việc quản lý mối quan hệ hai bên một cách có trách nhiệm.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ sẽ không gặp người đồng cấp Nga. (Reuters/AFP)

Có gì trong hội đàm Ngoại trưởng Mỹ-Trung?

Cuộc họp bên lề G20 FMM giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 10/2021 giữa các quan chức ngoại giao cấp cao của hai nước.

Phía Mỹ kỳ vọng cuộc gặp có thể tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên trong bối cảnh khủng hoảng tại Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc và Eo biển Đài Loan vẫn tiềm ẩn các nguy cơ xung đột, đồng thời góp phần ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian tới.

Tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Mỹ có thể trao đổi thẳng thắn và thực chất với người đồng cấp Trung Quốc về mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Nga, kêu gọi quốc gia châu Á chấm dứt các hành động ủng hộ Moscow trong chiến dịch quân sự tại Ukraine hiện nay. (Washington Post)

Đức kêu gọi Nga không dùng G20 làm diễn đàn cho xung đột tại Ukraine

Phát biểu trước khi tham dự sự kiện này, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo Nga không được phép sử dụng Hội nghị G20 làm diễn đàn tuyên truyền cho chiến dịch ở Ukraine.

Trong một tuyên bố, bà Baerbock nêu rõ: "Vì lợi ích của tất cả chúng ta là đảm bảo rằng luật pháp quốc tế được tôn trọng và tuân thủ. Đó là mẫu số chung".

Hội nghị G20 FMM với chủ đề “Cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn” diễn ra từ ngày 7-8/7 tại Bali, Indonesia sẽ là diễn đàn chiến lược để thảo luận về các nỗ lực phục hồi toàn cầu.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, căng thẳng liên quan tới cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng được coi là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại sự kiện. (Reuters)

Trung Quốc đang tăng cường hoạt động gián điệp?

Ngày 7/7, Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray và Cơ quan an ninh phụ trách tình báo Anh (MI5) Ken McCallum lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc tung gián điệp thăm dò họ.

Ông Wray trích dẫn các cuộc điều tra gần đây cho biết, FBI đã bắt quả tang những người làm việc cho các công ty Trung Quốc đang cố gắng đào ruộng ở các vùng nông thôn của Mỹ để cố gắng tiếp cận với hạt giống biến đổi gen.

Trong khi đó, ông McCallum cho biết, MI5 đang thực hiện nhiều cuộc điều tra gấp 7 lần so với năm 2018 liên quan đến hoạt động của Trung Quốc ở Anh.

Trước đó, hôm 5/7, FBI và MI5 đã tổ chức buổi gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân và học thuật tại London để kêu gọi sự chú ý đến những gì họ nói là mối đe dọa an ninh, kinh tế nghiêm trọng mà họ cho rằng do Trung Quốc gây ra. (CNN)

Cựu quan chức Mỹ nói Ukraine bán vũ khí được hỗ trợ ra chợ đen

Cựu cố vấn Lầu Năm Góc, Trung tá không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho hay, Ukraine đang bán vũ khí do phương Tây cung cấp ra thị trường chợ đen vì không biết sử dụng, hay bị hạn chế về hậu cần và quy mô lực lượng vũ trang ngày càng giảm.

Bà Kwiatkowski cho biết thêm, một số vũ khí mà Ukraine sắp nhận được là chưa hoàn thiện, trong khi các thiết bị khác lại không phù hợp với chiến thuật của Kiev. Trớ trêu thay, các loại vũ khí này có khả năng rơi vào tay Nga và các đồng minh.

Cựu quân nhân Mỹ dự đoán rằng, ngay cả những vũ khí mà Ukraine có thể sử dụng cuối cùng cũng sẽ bị bán ra chợ đen.

Theo đó, Kiev có thể bán những vũ khí mạnh do Mỹ cung cấp như tên lửa chống tăng Javelin, hệ thống tên lửa cơ động HIMARS và hệ thống tên lửa phóng đa năng MLRS một khi có quyết định đàm phán về lệnh ngừng bắn. (Sputnik)

Thủ tướng Anh Boris Johnson chấp nhận từ chức?

Ngày 7/7, các phương tiện truyền thông đưa tin, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chấp nhận từ chức trong bối cảnh hàng chục thành viên chính phủ của ông rút khỏi nhiệm sở để phản đối nhà lãnh đạo này.

Theo mạng tin The Guardian và hãng tin Reuters, ông Johnson đã đồng ý rút khỏi cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với việc ông từ chức Thủ tướng Anh. Sau khi từ chức, ông Boris Johnson sẽ tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền tới khi đảng Bảo thủ bầu được nhà lãnh đạo mới vào mùa Thu này.

Động thái trên diễn ra sau hàng loạt diễn biến bất lợi cho chính phủ của Thủ tướng Johnson. Trong vòng chưa đầy 24h qua, ít nhất 50 bộ trưởng, quốc vụ khanh và các quan chức cấp cao trong chính phủ của ông Johnson đã đệ đơn từ chức.

Đức bác bỏ yêu cầu chuyển giao xe bọc thép Fuchs cho Ukraine

Phát biểu trước báo giới Đức, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Christine Lambrecht ngày 7/7 khẳng định, Berlin không có kế hoạch chuyển giao cho Kiev xe bọc thép Fuchs.

Đáp lại yêu cầu của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong Quốc hội liên bang về việc quân đội Đức cần nhanh chóng chuyển giao 200 xe bọc thép Fuchs cho Ukraine, Bộ trưởng Lambrecht cho rằng, yêu cầu này là “vô trách nhiệm” bởi nó làm giảm khả năng tác chiến của quân đội Đức.

Bà Lambrecht nêu rõ: “Chúng tôi hỗ trợ Ukraine bằng mọi cách có thể và đầy trách nhiệm. Nhưng chúng tôi cũng cần phải đảm bảo khả năng tự vệ của Đức”. (DW)

Tổng thống Indonesia kêu gọi người dân tự chủ lương thực

Trong cuộc tiếp xúc với người dân thành phố Medan, thủ phủ của tỉnh Bắc Sumatra, ngày 7/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói: “Cuộc xung đột Nga-Ukarine đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, khiến giá cả của các mặt hàng tiêu dùng ngày càng tăng, trong đó có lúa mì.

Do đó, người dân cần chủ động tự chủ lương thực, thực phẩm, đảm bảo đời sống không bị ảnh hưởng”.

Tổng thống Widodo cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn, trong khi đó, Indonesia đang nhập khẩu 11 triệu tấn lúa mì từ 2 quốc gia này, đồng thời khẳng định, việc tăng giá lúa mì chắc chắn sẽ tác động đến giá thực phẩm như bánh mì và mì ở quốc gia Đông Nam Á, bởi nhu cầu người dân là rất lớn.

Nhà lãnh đạo Indonesia cho biết thêm: “Tôi đã mời tất cả những người đứng đầu các địa phương tới họp, đặc biệt là các thị trưởng, và yêu cầu họ tận dụng những mảnh đất có sẵn để canh tác.

Người dân Indonesia cần chủ động lương thực để đảm bảo cuộc sống cho gia đình, cho con em chúng ta. Chúng ta không đoán định được tương lai sẽ xảy ra điều gì”. (Rappler)