Nga-Ukraine tiếp tục tranh cãi về báo cáo của IAEA liên quan đến tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. (Nguồn: RIA Novosti) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế nổi bật ngày 7/9.
Nga-Ukraine
* Nga khẳng định không có thiết bị quân sự tại nhà máy Zaporizhzhia: Ngày 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Ukraine đang đe dọa an ninh hạt nhân của châu Âu bằng cách pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, đồng thời khẳng định Nga không có thiết bị quân sự nào tại cơ sở này.
Ông Putin nhấn mạnh, ông tin tưởng báo cáo của các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), vốn đã tới thị sát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hồi tuần trước, nhưng chỉ trích IAEA vì không kết luận việc Ukraine phải chịu trách nhiệm về các vụ pháo kích vào địa điểm này. (Reuters)
* Ukraine xem xét dừng hoạt động nhà máy Zaporizhzhia, ủng hộ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ: Ngày 7/9, chuyên gia về an toàn hạt nhân hàng đầu của Kiev, ông Oleh Korikov cho biết, nước này đang xem xét phương án dừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện do Nga chiếm đóng - vì lý do an toàn và lo ngại về nguồn dự trữ nhiên liệu diesel dùng cho máy phát điện dự phòng.
Cùng ngày, lãnh đạo Công ty điện hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom, ông Petro Kotyn nói: “Một trong những cách để thiết lập một khu vực an ninh tại nhà máy Zaporizhzhia có thể là thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ở đó và rút binh sĩ của Nga”. Đề xuất trên được đưa ra sau khi IAEA nhận định tình hình tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này là “không thể trụ được” và kêu gọi “thiết lập ngay lập tức một khu vực bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân”. (AFP/Reuters)
Châu Âu
* EU đề xuất gói hỗ trợ tài chính khủng cho Ukraine: Ngày 7/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất hỗ trợ tài chính 5 tỷ Euro cho Ukraine, trong khoản mới nhất của gói cứu trợ 9 tỷ Euro (9 tỷ USD) mà các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí hồi tháng 5.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nêu rõ: “Tình hình ở Ukraine đòi hỏi sự hỗ trợ đầy đủ của chúng ta”. Brussels đã giải ngân 1 tỷ Euro đầu tiên của gói này vào đầu tháng 8 và ngày 7/9, Ủy ban cho biết, 3 tỷ Euro còn lại "sẽ được cung cấp sớm nhất có thể”.
Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, đợt cứu trợ này là một phần trong gói viện trợ 39 tỷ USD mà Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết hỗ trợ cho Ukraine. (AFP)
* EC đề xuất áp giá trần đối với khí đốt Nga: Ngày 7/9, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố, EC sẽ đề xuất áp giá trần đối với khí đốt của Nga, cùng với các biện pháp như bắt buộc cắt giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm toàn châu Âu và giới hạn doanh thu của các nhà máy phát điện không dùng khí đốt.
Phát biểu với báo giới, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ đề xuất mức giá trần đối với khí đốt của Nga... Chúng tôi phải cắt giảm doanh thu của Nga mà (Tổng thống Vladimir) Putin sử dụng để tài trợ xung đột ở Ukraine.” (Reuters)
* Tân Thủ tướng Anh muốn tăng cường khai thác năng lượng, nói về Nghị định thư Bắc Ireland: Phát biểu trong phiên chất vấn đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh tại Quốc hội ngày 7/9, bà Liz Truss nhấn mạnh việc muốn tìm cách giải quyết giá năng lượng ngày càng tăng cao cho các doanh nghiệp. Bà nêu rõ: “Tôi muốn chứng kiến việc chúng ta sử dụng nguồn cung năng lượng của mình nhiều hơn, bao gồm cả dầu khí từ Biển Bắc và điện hạt nhân”.
Về nghị định thư Bắc Ireland, bà nói: “Tôi muốn đạt được giải pháp thông qua thương lượng, song giải pháp này giải quyết tất cả những điều mà chúng ta đã đề ra trong dự luật này”.
Ngoài ra, bà cũng cho hay: “Điều mà người dân Anh muốn là một chính phủ giải quyết được vấn đề và đó là điều mà tôi quyết tâm thực hiện với tư cách là thủ tướng: giải quyết khủng hoảng năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta...”. (Reuters)
* Czech có thể triển khai 1.200 binh sĩ ở sườn Đông NATO: Ngày 7/9, Hạ viện Czech đã thông qua kế hoạch triển khai nhiệm vụ quân sự của Czech ở nước ngoài đến năm 2024. Thượng viện Czech đã thông qua kế hoạch này vào tháng 8. Như vậy, trong 2 năm tới, quân đội Czech có thể triển khai 1.200 binh sĩ ở sườn phía Đông Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Binh sĩ Czech sẽ tham gia lực lượng NATO ở Estonia, Litva, Latvia, Ba Lan, Slovakia và Hungary. Quân đội Czech hiện đang bố trí binh sĩ ở Litva và Latvia và kể từ tháng 4, nước này đảm nhiệm vai trò chỉ huy nhóm chiến đấu đa quốc gia NATO ở Slovakia.
Bên cạnh đó, quân đội Czech sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoai tại Kosovo, Địa Trung Hải, Sinai, Mali, Cao nguyên Golban, Bosnia và Herzegovina cũng như Đại sứ quán Czech tại Ukraine. Chi phí hàng năm cho các hoạt động này ước tính là hơn 56 triệu USD, ít hơn chi phí trong 2 năm qua. (Reuters)
Đông Nam Á
* Indonesia điều tra sự cố rò rỉ thông tin hơn 100 triệu người dân: Ngày 7/9, Cơ quan Mã hóa và không gian mạng Quốc gia Indonesia (BSSN) cho biết, đang tiến hành điều tra nghi vấn rò rỉ dữ liệu của 105 triệu người dân nước này. Đối tượng hacker được cho là sử dụng tài khoản Breach Forum với nick name “Bjorka”. Dữ liệu này được cho là từ Ủy ban Tổng tuyển cử (KPU).
Theo BSSN, dữ liệu bị đánh cắp bao gồm số nhận dạng công dân (NIK), thẻ gia đình (KK), danh tính, nơi ở và ngày sinh, giới tính, địa chỉ nhà và tuổi.
Người phát ngôn của BSSN Ariandi Putra cho biết, dữ liệu thông tin lên tới 20 GB, bị đánh cắp từ năm 2017-2020. Thông tin của một số cá nhân cũng nằm trong dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động. Hiện nhóm BSSN đang phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn. (Jakarta Post)
* Timor-Leste không cho phép thiết lập căn cứ quân sự của nước ngoài: Trả lời phỏng vấn truyền thông Australia hôm 7/9, Tổng thống Timor-Leste José Ramos-Horta khẳng định sẽ không cho nước ngoài thành lập căn cứ quân sự tại Timor Leste: “Chúng tôi có trách nhiệm với các nước láng giềng, với Australia, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác, là không cho phép Timor-Leste trở thành căn cứ cho bất kỳ cường quốc thù địch nào hay cường quốc mà các nước láng giềng của chúng tôi cho là có khả năng gây thù địch”.
Trước đó, ông Ramos-Horta cho rằng, Timor-Leste có vị trí quan trọng hơn về mặt chiến lược so với quần đảo Solomon, khi chỉ cách thành phố Darwin, Bắc Australia, hay Indonesia chỉ 1 giờ bay, cách Singapore 3 giờ bay. Quốc gia này cũng nằm trên một tuyến đường thủy chiến lược rất quan trọng. (ABC News)