Nga khẳng định đã đẩy lùi các đợt tấn công của Ukraine tại Zaporizhzhia. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Vụ vỡ đập Kakhovka: Nga-Ukraine đổ lỗi cho nhau: Ngày 9/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc quân đội Ukraine sát hại các nạn nhân vụ vỡ đập Kakhovka bằng các đợt pháo kích. Trong số các nạn nhân có một phụ nữ đang mang thai, Ông chỉ trích các cuộc tấn công có chủ đích trên là “dã man”. Hiện Ukraine chưa bình luận về phát ngôn này.
Trong một tin liên quan, Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin khẳng định nguồn dự trữ nước của Bán đảo Crimea không bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập Kakhovka. Theo ông, hồ chứa nước của khu vực này đã đầy và đủ dự trữ nước cho 500 ngày.
Về phần mình, cũng trong ngày 9/6, Cơ quan an ninh nội địa Ukraine đã đăng tải trên Telegram một đoạn ghi âm dài 1 phút rưỡi, được cho là trao đổi về việc Nga cho nổ nhà máy thủy điện và đập Kakhovka. Trong khi đó, viết trên Telegram cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Đối với hàng trăm nghìn người ở nhiều thị trấn và làng mạc, việc tiếp cận nước uống đã bị hạn chế rất nhiều. Tại hơn 40 khu dân cư, cuộc sống đã bị tàn phá”.
* Thêm nhiều nước lên tiếng về vụ vỡ đập Kakhovka: Ngày 8/6, Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ ra thông báo cho biết Đại sứ nước này tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã yêu cầu cần phải bảo vệ người dân bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập Kakhovka tại Ukraine.
Thông báo khẳng định: “Các vụ tấn công có hệ thống nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự là điều không thể chấp nhận được và vi phạm luật pháp quốc tế về nhân đạo. Cần phải chấm dứt ngay lập tức”.
Về phần mình, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết trong cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định Tokyo sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp sau vụ vỡ đập Kakhovka. Ông Matsuno cũng cho hay gói viện trợ của Nhật Bản trị giá khoảng 5 triệu USD và sẽ được phân bổ thông qua các tổ chức quốc tế.
Một nước Đông Bắc Á khác là Triều Tiên cũng đã lên tiếng về vụ việc này. Trong một bài báo của KCNA, chuyên gia O Song Jin tại Viện Nghiên cứu Quốc tế của Triều Tiên, đã mô tả vụ vỡ đập là trường hợp thứ hai của vụ nổ đường ống “Dòng chảy phương Bắc” do Mỹ và Ukraine dàn dựng để đổ trách nhiệm về thảm họa nhân đạo cho Nga và tạo ra môi trường chính trị và quân sự thuận lợi cho "chiến dịch phản công của Ukraine”. (AFP/Reuters/TTXVN/Yonhap)
* Ukraine thông báo bắn hạ nhiều tên lửa và UAV: Ngày 9/6, Lực lượng không quân Ukraine ra tuyên bố cho biết quân đội nước này đã bắn hạ 4 tên lửa hành trình và 10 máy bay không người lái (UAV) trong đợt không kích ban đêm của Nga. Tuyên bố cho hay các lực lượng Nga đã phóng 16 UAV và 6 tên lửa hành trinh, trong đó, Hai tên lửa hành trình đã rơi xuống một cơ sở dân sự ở miền Trung Ukraine trong một cuộc tấn công trước đó vào tối 7/6.
Cùng ngày, báo Izvestia (nga) dẫn nguồn thạo tin đã tiết lộ về kế hoạch phản công của VSU. Theo đó, Kiev dự định tấn công theo ba hướng và tiếp cận khu vực Tokmok. Các lực lượng này sẽ cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga và tấn công thành phố cảng chiến lược Berdyansk thuộc tỉnh Zaporizhzhia và có thể là Mariupol.
Nguồn tin nói: “Tình hình còn khó khăn, đối phương tuy tổn thất nhưng vẫn còn đủ lực lượng, phương tiện để tiếp tục tiến công. VSU đang tích cực thăm dò lực lượng phòng thủ và tìm cơ hội.” (Reuters)
* Nga, Ukraine cáo buộc lẫn nhau tấn công Zaporizhzhia: Ngày 9/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng của Moscow tiếp tục đẩy lùi những đợt tấn công của Kiev ở tỉnh Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine. Trong thông báo riêng rẽ, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã tiến hành một cuộc tấn công tầm xa nhằm vào kho “đạn dược và vũ khí do nước ngoài sản xuất” trong đêm qua.
Trong khi đó, về phần mình, Văn phòng Tổng thống Ukraine lại cáo buộc Nga đã bắn pháo vào một bệnh viện ở Zaporizhzhia, khiến 2 người thiệt mạng. (Reuters)
* Bỉ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine: Ngày 9/6, trả lời phỏng vấn báo Le Soir, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder nêu rõ: “Bỉ sẽ không đình chỉ công tác viện trợ quân sự cho Kiev trong khi chờ phản hồi từ phía Ukraine”.
Trước đó, Brussels đã cho Kiev thời hạn cuối cùng là ngày 15/6 để giải đáp những khúc mắc về việc sử dụng vũ khí của Bỉ trong cuộc tấn công ở Belgorod. Theo ông Dedonder, “mọi lô vũ khí được cung cấp đều có văn bản đính kèm nêu rõ chúng chỉ được phép sử dụng để bảo vệ lãnh thổ Ukraine, chứ không phải để tấn công các nước khác; văn bản này cũng nhấn mạnh nhân quyền và các quy tắc quốc tế phải được tôn trọng”. Bộ trưởng Dedonder cũng lưu ý hiện Bỉ đã cung cấp số lượng vũ khí trị giá 274 triệu euro cho Ukraine. (TASS)
Nga-Trung
* Nga đẩy mạnh hợp tác quân sự với Trung Quốc: TASS (Nga) ngày 9/6 dẫn lời Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, Đại tướng Valery Gerasimov, khẳng định Moscow và Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quân sự song phương.
Đại tướng Gerasimov đã mời người đồng cấp Trung Quốc đến thăm Nga. Ông tuyên bố: “Công tác huấn luyện tác chiến chung giữa các lực lượng vũ trang của Nga và Trung Quốc vẫn là một lĩnh vực hoạt động quan trọng”. (TASS)
Đông Nam Á
* ASEAN khẳng định lập trường về quan hệ Mỹ-Trung: Ngày 7/6, trao đổi với báo chí Indonesia, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn cho biết: “Tại ASEAN, chúng tôi làm việc với tất cả các đối tác. Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác đối thoại quan trọng. Cả hai đều là thị trường và nguồn đầu tư rất quan trọng của ASEAN. Chúng tôi coi trọng chính sách tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cả hai nước”.
Ông chia sẻ: “Hai nước đang tham dự tất cả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ căng thẳng nào gia tăng. Chúng tôi mong muốn thấy căng thẳng được giảm bớt và giao tiếp cởi mở giữa các cường quốc”. (TTXVN)
* Tàu chiến của Trung Quốc lên đường tới Philippines: Ngày 9/6, tàu huấn luyện hải quân lớn nhất của Trung Quốc, mang tên Thích Kế Quang đã lên đường tới Philippines - chặng dừng chân cuối cùng trong hải trình “thân thiện” ở khu vực.
Tàu này đã rời Brunei ngày 8/6 để tới Philippines như một phần trong chuyến đi kéo dài khoảng 40 ngày, bao gồm cả các chặng dừng chân trước đó ở Việt Nam, Thái Lan trước chuyến thăm Brunei. Vào cuối chuyến đi, Thích Kế Quang và thủy thủ đoàn 476 sinh viên và sĩ quan hải quân sẽ đi qua Hoàng Hải, Biển Hoa Đông, Biển Đông, Vịnh Thái Lan và Tây Thái Bình Dương. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu tăng cường bảo vệ biên giới: Ngày 9/6, ông Tập Cận Bình đã có chuyến tìm hiểu thực tế nhằm kiểm tra công tác quản lý, kiểm soát biên giới và phát triển lực lượng biên phòng tại Khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo này đã hối thúc lực lượng biên phòng Trung Quốc tiếp tục tăng cường năng lực bảo vệ và kiểm soát khu vực biên giới để xây nên “bức trường thành vĩ đại bằng thép” dọc biên giới đất nước. (Tân Hoa xã)
* Trung Quốc chỉ trích thỏa thuận AUKUS: Ngày 8/6, phát biểu tại cuộc họp hội đồng của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Đại diện thường trực của Trung Quốc Lý Tùng đã chỉ trích thỏa thuận an ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS).
Ông cho rằng bản chất của thỏa thuận này là việc chuyển hàng tấn urani được làm giàu ở cấp độ vũ khí từ Mỹ và Anh, cả hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, sang đồng minh quân sự Australia, một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông cũng lưu ý rằng AUKUS đã hợp tác quân sự chiến lược vì “mục đích địa chính trị được biết đến rộng rãi”, vi phạm chưa từng có các nguyên tắc và thông lệ của Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân và làm suy yếu nghiêm trọng chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế và hệ thống bảo vệ của IAEA.
Cuộc họp đánh dấu lần thứ tám liên tiếp IAEA xem xét về AUKUS qua các cuộc thảo luận liên chính phủ theo đề xuất của Trung Quốc. Phía Trung Quốc lưu ý thỏa thuận tàu ngầm AUKUS và nỗ lực của ba nước nhằm chính trị hóa vấn đề tại IAEA... phản ánh tâm lý Chiến tranh Lạnh và các khối đối đầu. (Tân Hoa xã)
* Hàn Quốc phản đối tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc: Ngày 9/6, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu Đại sứ Trung Quốc Hình Hải Minh để phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Hàn Quốc Cho Hyun Dong tuyên bố rằng những phát ngôn của quan chức Bắc Kinh đã can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Seoul.
Trước đó, tối ngày 8/6, phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch đảng đối lập chính của Hàn Quốc Lee Jae Myung, ông Hình Hải Minh cảnh báo Seoul đang “đặt cược sai” trong cạnh tranh Mỹ-Trung. Ông hối thúc Hàn Quốc ngừng "tách khỏi" Trung Quốc và khôi phục các mối quan hệ kinh tế, ngoại giao.
Bên cạnh đó, Đại sứ Hình Hải Minh cũng kêu gọi Seoul ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh, đồng thời tuyên bố quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên gần đây đã phải đối mặt với “những thách thức bên ngoài”. (Reuters/Yonhap)
Châu Âu
* Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus đầu tháng Bảy: Ngày 9/6, hội đàm tại thành phố Sochi ở vùng Krasnodar với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus sau khi mọi thứ sẵn sàng vào ngày 7-8/7.
Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất kế hoạch triển khai tên lửa hạt nhân tầm ngắn trên bộ của Nga ở Belarus, nằm dưới sự chỉ huy của Moscow. (Reuters)
* Nga: Không có cơ sở để gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen: Ngày 9/6, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Alexei Yerkhov cho biết Moscow tiếp tục tham vấn với LHQ về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, song không có cơ sở để gia hạn thỏa thuận này. Sáng kiến do Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ làm trung gian hồi tháng 7/2022, cho phép Ukraine nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng ở miền Nam nước này. Thỏa thuận sẽ hết hiệu lực tháng Bảy tới nếu Nga từ chối gia hạn. (Reuters)
* Iceland sẽ đình chỉ hoạt động của Đại sứ quán tại Nga: Ngày 9/6, Bộ Ngoại giao Iceland tuyên bố sẽ đình chỉ hoạt động của Đại sứ quán nước này tại Nga kể từ ngày 1/8, đồng thời yêu cầu Moscow hạn chế các hoạt động tại thủ đô Reykjavik.
Ngoại trưởng Thordis Gylfadottir nêu rõ: “Tình hình hiện nay đơn giản là không cho phép cơ quan ngoại giao nhỏ bé của Iceland vận hành một đại sứ quán ở Nga”. Iceland là quốc gia đầu tiên thực hiện hành động như vậy. (AFP)
Châu Mỹ
* Tổng thống Honduras thăm Trung Quốc: Ngày 9/6, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Tổng thống Honduras Xiomara Castro đã đến thành phố Thượng Hải vào sáng cùng ngày. Dự kiến, bà sẽ thăm Trung Quốc tới ngày 14/6.
Trước đó, ngày 5/6, Trung Quốc đã chính thức khánh thành Đại sứ quán của nước này tại Cộng hòa Honduras, sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao hôm 26/3. Về phần mình, tháng Năm vừa qua, phía Honduras cũng cho biết hai bên sẽ sớm xúc tiến các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại song phương.
Chính phủ của Tổng thống Xiomara Castro cũng tìm kiếm các thỏa thuận với Trung Quốc để giải quyết từng bước gánh nặng nợ công của Honduras. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* Saudi Arabia công bố lệnh ngừng bắn mới ở Sudan: Ngày 9/6, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết các phe đối địch ở Sudan đã nhất trí ngừng bắn trên toàn quốc trong 24 giờ, bắt đầu từ 6h ngày 10/6 giờ địa phương (tức 11h cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia tố cáo hành vi phá hoại trụ sở và tài sản của các nhân viên Đại sứ quán nước này tại Sudan. Riyadh cũng bày tỏ sự phản đối hoàn toàn đối với mọi hình thức bạo lực và phá hoại nhằm vào các phái đoàn và cơ quan đại diện ngoại giao. Ngoài ra, Saudi Arabia tái khẳng định tầm quan trọng của việc đương đầu với các nhóm vũ trang đang tìm cách phá hoại an ninh và ổn định của Sudan, cũng như cuộc sống của người dân nước này.
* Sudan: Đặc phái viên LHQ là nhân vật “không được hoan nghênh”: Ngày 9/6, Bộ Ngoại giao Sudan thông báo: “Chính phủ Cộng hòa Sudan hôm nay đã thông báo cho Tổng Thư ký LHQ rằng Sudan tuyên bố ông Volker Perthes... là nhân vật không được hoan nghênh”. Đáng chú ý, động thái nêu trên diễn ra chỉ vài tuần sau khi Tư lệnh quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan cáo buộc Đặc phái viên Perthes châm ngòi xung đột ở Sudan và yêu cầu cách chức ông. (AFP)