Bầu cử Mỹ 2020
Ông Trump tuyên bố sốc: "Người Mỹ sẽ phải học tiếng Trung nếu Joe Biden thắng"
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 11/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng: “Nếu tôi không thắng cuộc bầu cử này, Trung Quốc sẽ sở hữu Mỹ. Bạn sẽ phải học nói tiếng Trung Quốc”.
Phát biểu trên của ông Trump là bình luận mới nhất trong cuộc “khẩu chiến” căng thẳng giữa đương kim Tổng thống Mỹ và cựu phó Tổng thống Joe Biden, ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ, liên quan tới Trung Quốc. Ông Trump từng nhiều lần chỉ trích ông Biden mềm mỏng và yếu ớt trước Trung Quốc.
Gần đây, căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Trump và Trung Quốc đã gia tăng, bao gồm các chỉ trích về đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại cũng như các vấn đề về Hong Kong, Biển Đông, Đài Loan...
Trước đó cùng ngày, bình luận về đối tác tranh cử của ông Biden, Tổng thống Trump cho biết, ông ngạc nhiên khi ông Biden chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm ứng viên Phó Tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời có những bình luận không tích cực về bà Harris: "Thật ngạc nhiên khi lựa chọn một người không tôn trọng mình, trong các cuộc tranh luận bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, bà ấy đã nói những điều tồi tệ về Joe Biden".
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 diễn ra vào ngày 3/11 dự kiến sẽ là cuộc đối đầu giữa 2 ứng viên Donald Trump và Joe Biden. Hiện một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Biden đang dẫn trước đương kim Tổng thống tại một số bang quan trọng. (The Hill)
Mỹ-Syria
Bộ tộc Syria ra tối hậu thư cho liên minh do Mỹ chỉ huy
Ngày 11/8, các tộc trưởng (sheikh) và già làng của bộ tộc Arab Al-Uqaydat đã tổ chức một cuộc họp tại tỉnh Deir ez-Zor của Syria và cùng đi đến thống nhất rằng, chính liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu phải chịu trách nhiệm về việc sát hại các tộc trưởng tại đây.
Bên cạnh đó, họ cũng yêu cầu Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn phải rút khỏi khu vực và trao trả quyền kiểm soát địa phương về cho người Syria với tuyên bố cứng rắn: “Đất của người Arab phải trả lại cho người Arab”.
Theo hãng tin Nga Sputnik, cuộc họp trên có khoảng 5.000 người tham dự, gồm đa số là các tộc trưởng và già làng của bộ tộc Al-Uqaydat. Tất cả số họ đã đưa ra yêu cầu tiên quyết, SDF và liên minh ủng hộ Mỹ có một tháng để giao nộp tất cả những ai liên quan tới vụ giết hại các tộc trưởng tại tỉnh Deir ez-Zor, đồng thời phát đi tối hậu thư buộc SDF phải rời khỏi khu vực.
“Chúng tôi kêu gọi liên minh quốc tế hãy chuyển giao quyền kiểm soát tỉnh này về cho người dân Arab, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như các quyền của công dân Syria”, tuyên bố của cuộc họp tộc trưởng cho biết.
Thời hạn để SDF và liên minh của lực lượng này thực thi tối hậu thư này là một tháng, bắt đầu từ ngày 11/8. (Sputnik)
Tình hình Belarus
Cảnh sát chống bạo động rời Minsk, các Ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp về Belarus
Hãng thông tấn TASS cho biết, rạng sáng 12/8, lực lượng an ninh Belarus đã dỡ bỏ rào chắn trên đường phố Minsk. Các đơn vị cảnh sát chống bạo động (OMON), binh sĩ Bộ Nội vụ và các lực lượng an ninh khác đã rời thành phố. Giao thông dọc theo các tuyến phố chính được khôi phục. Các cuộc biểu tình đã lắng xuống do lực lượng an ninh phong tỏa trung tâm Minsk.
Trước đó, các cuộc đụng độ gay gắt đã diễn ra ở khu vực Tây Nam Malinovka, cũng như tại Uruchye ở Đông Bắc và Serebryanka ở phía Nam. Gần như ngay lập tức, các đội cảnh sát tăng cường được triển khai để giải tán người dân, sử dụng toàn bộ kho vũ khí trang bị đặc chủng, gồm lựu đạn gây choáng và đạn cao su. Tại một số nơi, người biểu tình đã tìm cách dựng chướng ngại vật, song những nỗ lực này nhanh chóng bị lực lượng thực thi luật pháp trấn áp.
Liên quan tình hình tại đây, cùng ngày, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde thông báo, bà đã được mời tham dự cuộc họp đặc biệt gồm ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 14/8 nhằm thảo luận về các biện pháp trừng phạt có thể áp đặt đối với Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống hôm 9/8 vừa qua tại nước này. (Reuters, TASS)
Sau Mỹ, tới lượt Pháp công bố điều tra TikTok
Ngày 11/8, Cơ quan quản lý bảo vệ dữ liệu của Pháp (CNIL) xác nhận đã mở một cuộc điều tra ban đầu về mạng xã hội TikTok của Trung Quốc sau khi nhận được một đơn kiện hồi tháng 5.
Phát ngôn viên trên từ chối nói rõ nội dung đơn kiện cũng như danh tính của nguyên đơn.
Bình luận về thông tin trên, TikTok cho biết: “Bảo vệ sự riêng tư và an toàn của người sử dụng TikTok là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi đã biết về cuộc điều tra của CNIL và đang hợp tác đầy đủ với họ”.
TikTok thuộc sở hữu của công ty công nghệ internet đa quốc gia ByteDance của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, hiện cũng đang bị Mỹ, EU và Hà Lan điều tra.
Tại Mỹ, giới chức cho biết, TikTok gây ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia vì thông tin cá nhân mà hãng này xử lý. Ngày 6/8, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với ByteDance, có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Hồi tháng 6, Ủy ban bảo vệ dữ liệu Liên minh châu Âu (EDPB) cho biết sẽ lập một nhóm điều tra để đánh giá các hoạt động của TikTok trên khắp Liên minh sau khi có đề nghị từ một nghị sĩ lo ngại về việc thu thập dữ liệu và các nguy cơ đối với quyền riêng tư cũng như an ninh.
Trong khi đó, hồi tháng 5, Ủy ban bảo vệ quyền riêng tư của Hà Lan cho biết sẽ điều tra cách TikTok xử lý dữ liệu của hàng triệu người dùng trẻ. (Reuters)
Mỹ-Triều Tiên
Tổng thống Trump nói nhà lãnh đạo Triều Tiên từng nghĩ tới chiến tranh với Mỹ
Ngày 11/8, trong cuộc trò chuyện với người dẫn chương trình phát thanh Hugh Hewitt, Tổng thống Trump nhắc lại tuyên bố quen thuộc trước đó của ông rằng, chiến tranh đã có thể xảy ra giữa Mỹ và Triều Tiên nếu như ông không được bầu làm Tổng thống.
Nói nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nghĩ tới một cuộc chiến tranh với Mỹ trước khi hai bên tham gia vào nỗ lực ngoại giao liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa, ông Trump khẳng định: “Hàng triệu người có thể đã chết. Bạn có thể đã có một cuộc chiến tranh với Triều Tiên. Ông ấy từng nghĩ tới một cuộc chiến tranh”.
Đề cập mối quan hệ với nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ cho biết: “Chúng tôi có một mối quan hệ rất khác biệt, nhưng rất tốt đẹp”.
Trước đó, Tổng thống Trump thường tuyên bố ông đã xây dựng được mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo Kim Jong-un thông qua 3 hội nghị thượng đỉnh. (Yonhap)
Mỹ-Iran
Mỹ nỗ lực tìm cách kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran
Ngày 11/8, Mỹ đã lưu hành một bản nghị quyết sửa đổi sẽ kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran nhằm tìm cách giành thêm sự ủng hộ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gồm 15 thành viên, trong khi Nga và Trung Quốc - 2 quốc gia nắm quyền phủ quyết - đều phản đối quyết liệt.
Theo Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft, bản dự thảo mới “cân nhắc các quan điểm của HĐBA và đơn giản là thực hiện những công việc mà mọi người đều biết là nên được thực hiện nhằm kéo dài lệnh cấm vận vũ khí để ngăn chặn Iran tự do mua và bán các loại vũ khí thông thường”.
Tuyên bố của bà Craft nêu rõ: “Cảm giác chung duy nhất là quốc gia tài trợ khủng bố số 1 thế giới không được trao các phương tiện thậm chí gây ra mối nguy hại lớn hơn cho thế giới”.
Các nhà ngoại giao tại HĐBA cho biết, bản dự thảo sửa đổi có thể được hoàn tất trong ngày 13/8 và đưa ra bỏ phiếu vào ngày 14/8.
Cũng theo các nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên, văn bản sửa đổi ngắn hơn so với bản dự thảo đầu tiên được lưu hành trong tháng 6. Bản dự thảo trước đây bao gồm một vài điều khoản mà một số nhà ngoại giao phản đối vì lý do vượt ra ngoài phạm vi của nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí. (AP)
Dòng chảy phương Bắc 2: Đức chỉ trích Mỹ, nhấn mạnh lợi ích chung với Nga
Ngày 11/8, sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moscow, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass cho rằng, Mỹ đang chệch hướng khi áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào những công ty tham gia xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đe dọa tới lợi ích của EU.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm, Ngoại trưởng Mass nói: "Với chúng tôi, với Chính phủ Đức, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương luôn quan trọng không chỉ vào lúc này mà còn trong tương lai. Đây không chỉ là sự thật với chúng tôi mà còn cả châu Âu nói chung. Mối quan hệ này sâu đậm hơn bất cứ tình hình chính trị nào".
Tuy vậy, ông Mass khẳng định, quyết định của Đức liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 mang tính chủ quyền khi Đức muốn mua năng lượng từ bên nào và lệnh trừng phạt giữa các đối tác là con đường chệch hướng và sai, nhấn mạnh không nước nào có thể ra lệnh cho chính sách năng lượng của EU bằng những lời đe dọa.
Về quan hệ với Nga, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh vai trò toàn cầu của Moscow, kể cả những vấn đề làm căng thẳng quan hệ giữa hai nước. Ông Maas đã mô tả Nga là đối tác cần thiết trong việc giải quyết nhiều cuộc xung đột và khủng hoảng trên thế giới, đồng thời khẳng định: "Điều quan trọng là chúng ta phải liên hệ song phương tốt”.
Bất chấp những bất đồng, hai Ngoại trưởng đều nhấn mạnh tới lợi ích chung của 2 nước, kể cả dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc để bán khí đốt tự nhiên của Nga cho Đức, đi ngầm dưới Biển Baltic.
Động thái mới nhất của Đức được đưa ra sau khi Mỹ gia tăng cảnh báo về khả năng áp đặt trừng phạt đối với những công ty có liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Washington lo ngại dự án có thể khiến châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. (TASS)
Covid-19
Lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Nga sẽ ra mắt trong 2 tuần tới
Ngày 12/8, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko thông báo, lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Nga dự kiến ra mắt trong vòng 2 tuần tới.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Murashko nêu rõ: "Việc tiêm chủng sẽ là tự nguyện. Một số bác sĩ đã có sẵn miễn dịch chống SARS-CoV-2, khoảng 20%... Tôi nghĩ họ không cần tiêm chủng, song quyết định tùy thuộc vào họ".
Theo Bộ trưởng Murashko, mặc dù việc đáp ứng nhu cầu của người dân Nga là ưu tiên hàng đầu, nhưng vaccine cũng có thể được xuất khẩu ra nước ngoài. Ông nhấn mạnh: "Vaccine rõ ràng có tiềm năng xuất khẩu, chúng tôi chắc chắn sẽ cung cấp (cho nước ngoài), song nhu cầu thị trường nội địa là ưu tiên của chúng tôi".
Khi được hỏi khi nào ông sẽ tiêm chủng vaccine do Nga phát triển này, Bộ trưởng Murashko trả lời ông dự kiến tiêm chủng trong tháng 8, ngay khi vaccine ra mắt.
Trong khi đó, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, vaccine mới do Viện Gamaleya phát triển đã nhận được các đơn đăng ký đặt mua hơn 1 tỷ liều từ 20 quốc gia, bất chấp việc các chuyên gia cũng như một số nước nghi ngờ tính an toàn của sản phẩm này. (Sputnik)