📞

Tin thế giới ngày 1/3: Cựu Đại sứ Mỹ 'làm gián điệp cho Cuba' nhận tội, Ngoại trưởng Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, Canada gửi quân tới hỗ trợ Ukraine

Nhất Phong 20:26 | 01/03/2024
Mỹ ra luật hạn chế việc bán dữ liệu cho nước ngoài, cảnh báo mối đe dọa từ tứ giác Nga-Trung-Triều-Iran, Canada gửi quân tới Ukraine nhưng không tham chiến, hủy thầu với Trung Quốc, Sri Lanka trao hợp đồng cho Ấn Độ… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Các binh sĩ Ukraine mô phỏng việc sơ tán một đồng đội bị thương và sơ cứu y tế trong quá trình huấn luyện chiến thuật tại một trường bắn ở vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 29/2/2024.(Nguồn: Toronto Star)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

*An ninh Nga công bố các căn cứ của CIA trên lãnh thổ Ukraine: Người đứng đầu Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) Aleksandr Bortnikov khẳng định hiện tại có rất nhiều căn cứ của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) được đặt trên lãnh thổ Ukraine.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cũng từng tuyên bố con số các căn cứ của CIA trên lãnh thổ Ukraine là 12. Tuy nhiên, báo chí Nga cho rằng con số này vẫn thấp hơn thực tế.

Ông trùm FSB khẳng định CIA đã hoạt động tại Ukraine “từ lâu”. Khi được hỏi liệu Nga có thể “sờ gáy” căn cứ CIA tại Ukraine được hay không, ông Bortnikov nói: “Công việc đang được tiến hành”.

Trước đó, tờ New York Times dẫn nguồn các cựu quan chức và quan chức của Ukraine, Mỹ và châu Âu tiết lộ trong 8 năm gần đây, CIA đã mở 12 căn cứ mật trên lãnh thổ Ukraine, gần biên giới Nga. (Anadolu Ajansi)

*Canada gửi quân tới Ukraine nhưng không tham chiến: Theo Toronto Star, ngày 29/2, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair nói rằng nước này sẵn sàng phái một số quân quân nhất định tới Ukraine để huấn luyện cho quân đội nước này, miễn là hoạt động đó ở xa tuyến đầu trong cuộc chiến với Nga và trong vai trò không tham chiến.

Ông Blair cho biết ý tưởng trên đã được thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Paris cùng với các đồng minh NATO của Canada và những người cùng ủng hộ Ukraine. Sau cuộc họp trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra ý tưởng đưa quân vào Ukraine, khiến các đồng minh phương Tây, bao gồm cả Canada, đều bác bỏ. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã cảnh báo về những hậu quả bi thảm đối với các quốc gia triển khai quân đội hỗ trợ Ukraine. (Toronto Star)

Châu Á – Thái Bình Dương

*Mỹ cảnh báo mối đe dọa từ hợp tác Nga-Trung-Triều-Iran: Tướng Anthony Cotton, Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (TRATCOM) ngày 29/2 cảnh báo quan hệ hợp tác quân sự ngày càng phát triển giữa Triều Tiên, Nga, Trung Quốc và Iran làm tăng khả năng xảy ra “xung đột đồng thời với nhiều đối thủ có vũ khí hạt nhân”.

Tướng Anthony Cotton nói: “Chúng ta đang đối đầu không chỉ với một, mà là hai đối thủ có vũ khí hạt nhân. Thực tế này, kết hợp với sự phát triển tên lửa ở Triều Tiên, tham vọng hạt nhân của Iran và mối quan hệ ngày càng tăng giữa các quốc gia đó, đã tạo thêm những lớp phức tạp mới trong tính toán chiến lược của Mỹ… Điều này cũng làm tăng khả năng xảy ra xung đột đồng thời với nhiều đối thủ có vũ khí hạt nhân”. (Reuters)

*Ấn Độ chi nhiều tỷ USD mua tên lửa mang đầu đạn hạt nhân: Trong một tuyên bố ngày 1/3, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết đã ký hợp đồng với liên doanh BrahMos Aerospace Private Limited để mua tên lửa BrahMos có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho Hải quân Ấn Độ với tổng chi phí 2,36 tỷ USD.

Trước đó, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua thương vụ mua 200 tên lửa BrahMos. Bộ Quốc phòng nước này cũng đã ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa trang bị trên tàu với giá 120 triệu USD.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Ấn Độ còn ký hợp đồng với Hindustan Aeronautics Limited để mua sắm động cơ cho máy bay MiG-29, 2 hợp đồng với Larsen & Toubro Limited để mua hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) và radar công suất cao.

Tổng chi phí cho toàn bộ các hợp đồng trên là khoảng 4,7 tỷ USD. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, “những thỏa thuận này sẽ tăng cường hơn nữa năng lực nội địa, tiết kiệm ngoại hối và giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị có nguồn gốc nước ngoài trong tương lai”. (Times of India)

*Thủ tướng Thái Lan sắp công du châu Âu: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Kanchana Patarachoke ngày 1/3 cho biết Thủ tướng Srettha Thavisin sẽ thực hiện chuyến công du chính thức đầu tiên tới châu Âu trong tuần tới.

Theo lịch trình, ông Srettha sẽ thăm Pháp từ ngày 7-12/3 và hội kiến với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron. Tại Pháp, ông Srettha dự kiến sẽ thuyết trình về kế hoạch đưa Thái Lan trở thành trung tâm khu vực về hàng không, vận tải, du lịch và sản xuất xe điện. Lãnh đạo hai nước cũng sẽ thảo luận về khả năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, không gian, thời trang và quyền lực mềm - những lĩnh vực mà Pháp được coi là cường quốc toàn cầu.

Sau khi rời Pháp, nhà lãnh đạo Thái Lan sẽ tới Đức trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày từ 12-13/3. Dự kiến, Thủ tướng Srettha sẽ hội đàm với người đồng cấp Đức Olaf Scholz và phát biểu tại cuộc họp của Hiệp hội doanh nhân Đức với nội dung chính liên quan tầm nhìn của Chính phủ Thái Lan trong phát triển kinh tế. (Bangkok Post)

*Từ chối Trung Quốc, Sri Lanka ký thỏa thuận năng lượng với Ấn Độ: Ngày 1/3, Sri Lanka đã trao quyền xây dựng 3 cơ sở sản xuất năng lượng Mặt Trời và điện gió cho công ty U-Solar của Ấn Độ sau khi hủy bỏ gói thầu mà một doanh nghiệp Trung Quốc đã thắng.

Dự án, ban đầu được tài trợ bằng khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đã tạm thời bị hoãn lại 2 năm sau khi Ấn Độ nêu lên mối lo ngại về sự tham gia của Trung Quốc.

Cũng trong ngày 1/3, Bộ Năng lượng Sri Lanka tuyên bố dự án đã được hồi sinh và hiện được tài trợ hoàn toàn từ khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 11 triệu USD của Chính phủ Ấn Độ. Công ty năng lượng tái tạo U-Solar từ trung tâm công nghệ Bengaluru của Ấn Độ đã được trao hợp đồng xây dựng những cơ sở này.

Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh giành các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Sri Lanka - quốc gia đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1948. Bắc Kinh cũng là chủ nợ song phương lớn nhất của Colombo, chiếm khoảng 10% trong tổng nợ nước ngoài 46 tỷ USD của Sri Lanka vào thời điểm chính phủ vỡ nợ ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 2022. (Times of India)

Châu Âu

*Ngoại trưởng Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 1/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia Diễn đàn ngoại giao Antalya, diễn ra từ ngày 1-3/3.

Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài 2 ngày, ông Lavrov sẽ gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan để hội đàm.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết hai nhà ngoại giao sẽ thảo luận về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, bao gồm tình hình ở Nam Caucasus, Trung Đông, Bắc Phi, Balkan, Trung Á và khu vực Biển Đen. Các Ngoại trưởng sẽ đặc biệt chú ý đến cuộc xung đột ở Ukraine trong các cuộc thảo luận. (Sputnik)

*Đức triệt phá đường dây tội phạm trực tuyến quy mô lớn: Ngày 1/3, cảnh sát Đức cho biết đã bắt giữ và khám xét hàng chục cơ sở liên quan đến trang web "Crimemarket" - thị trường tội phạm bằng tiếng Đức lớn nhất trên mạng Internet

Theo cảnh sát thành phố Duesseldorf, lực lượng chức năng đã tấn công các mục tiêu liên quan trang web này tại Đức và nước ngoài vào tối 29/2 (giờ địa phương).

Trang web "Crimemarket" chuyên buôn bán ma túy cũng như cung cấp các dịch vụ tội phạm và "hướng dẫn chi tiết các hành động tội phạm nghiêm trọng". Cảnh sát Đức cho biết sẽ không chỉ nhắm vào các đối tượng điều hành trang web, mà còn cả người bán và người mua các mặt hàng và dịch vụ trên trang này. (DW)

*Phần Lan có Tổng thống mới. Ngày 1/3, ông Alexander Stubb đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Phần Lan. Phát biểu trước Quốc hội Phần Lan trong lễ nhậm chức, tân Tổng thống Stubb nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với một kỷ nguyên mới. Nhờ có sự liên kết quân đội và tư cách thành viên NATO, chúng ta đã thực hiện bước cuối cùng gia nhập cộng đồng các giá trị phương Tây, vốn là nơi mà nền cộng hòa của chúng ta luôn thuộc về trong suốt thời kỳ độc lập xét trên khía cạnh tinh thần”.

Một ngày trước lễ nhậm chức của ông Stubb, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow phải tăng cường quân đội dọc theo biên giới phía Tây với Liên minh châu Âu (EU) để đáp trả động thái Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. (AFP)

*Pháp, Đức lo ngại khi tịch thu tài sản phong tỏa của Nga: Bloomberg dẫn các nguồn tin ngày 29/2 cho biết đại diện của Pháp, Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bên lề cuộc họp của các nhà tài trợ nhóm các nước G20 đã thảo luận về rủi ro khi tịch thu tài sản bị phong tỏa của LB Nga.

Berlin và Paris cho rằng, động thái đáp trả của Moscow sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Họ cho rằng việc tịch thu tiền sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm khuyến khích các nước khác tránh gửi tài sản ở các nước phương Tây.

Năm 2022, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mỹ và Nhật Bản đã phong tỏa lượng tài sản trị giá khoảng 260 tỷ euro (282 tỷ USD) của LB Nga. Hầu hết số tiền này nằm trong EU. Washington và London đang yêu cầu tịch thu toàn bộ số tài sản này và chuyển giao cho Kiev. (Bloomberg)

Châu Phi-Trung Đông

*Nhật Bản kêu gọi Israel tuân thủ luật nhân đạo quốc tế: Ngày 1/3, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa tuyên bố Tokyo tiếp tục ủng hộ quyền tự vệ của Israel nhưng cũng khẳng định Tel Aviv phải thực hiện quyền này trên cơ sở tuân thủ đầy đủ luật nhân đạo quốc tế.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Bản được đưa ra sau một vụ tấn công cùng ngày khiến khoảng 112 người Palestine đang chờ nhận viện trợ nhân đạo ở Dải Gaza thiệt mạng và 760 người khác bị thương.

Ngoại trưởng Kamikawa tuyên bố: "Chính phủ Nhật Bản vẫn cam kết với quan điểm rằng Israel có quyền bảo vệ nhà nước và người dân của mình theo luật pháp quốc tế. Nhưng trong mọi trường hợp, các nguyên tắc cơ bản của luật nhân đạo phải được tôn trọng”. (Yonhap)

*Ai Cập và Mỹ thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza: Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Mỹ Joe Biden ngày 29/2 đã thảo luận về những nỗ lực chung của Ai Cập, Qatar và Mỹ nhằm xoa dịu tình hình ở Gaza, đạt được lệnh ngừng bắn, trao đổi tù nhân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Ai Cập El-Sisi nhấn mạnh phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Dải Gaza. Ông El-Sisi cảnh báo hậu quả nguy hiểm của việc leo thang quân sự và nhắm mục tiêu vào dân thường vì hành động này vi phạm rõ ràng luật pháp và các nghị quyết quốc tế.

Tổng thống Biden ca ngợi những nỗ lực chính trị mạnh mẽ của Ai Cập nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và vai trò tiên phong của Cairo trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah.

Hai nhà lãnh đạo Ai Cập và Mỹ cũng thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước này. (Al Jazeera)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Nghị sĩ Mỹ yêu cầu thay đổi chính sách đối với Cuba: Trong một đoạn video công bố ngày 29/2 trên mạng xã hội X, Hạ nghị sĩ Ilham Omar bày tỏ thất vọng trước việc Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục áp dụng các chính sách từ thời của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Cuba và kêu gọi thay đổi.

Nghị sỹ bang Minnesota nhấn mạnh: “Trong suốt 65 năm, người dân Cuba đã phải chịu lệnh bao vây cấm vận của Mỹ và việc Cuba bị coi là một quốc gia tài trợ khủng bố là phi lý, gây ra những khó khăn mới cho người dân đảo quốc Caribe này.

Bà Omar nhận chính sách này của Nhà Trắng chính là “bẫy chính trị” đối với chính quyền Biden và kêu gọi Tổng thống Biden “ngăn chặn chính sách tàn ác và phản tác dụng này”. (AFP)

*Mỹ hạn chế việc bán dữ liệu cho nước ngoài: Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29/2 đã ban hành sắc lệnh nhằm hạn chế việc bán dữ liệu cho nước ngoài.

Lệnh hành pháp chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ ngăn chặn việc chuyển giao quy mô lớn dữ liệu gen, sinh trắc học, sức khỏe, định vị địa lý và tài chính, cũng như các dữ liệu nhận dạng cá nhân khác, cho các quốc gia được đề xuất, bao gồm: Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, lran, Cuba và Venezuela.

Ngoài ra, sắc lệnh cũng yêu cầu đánh giá sự tham gia của nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ viễn thông của Mỹ khi tiến hành xem xét việc cấp giấy phép cáp ngầm dưới biển. (Atlantic Council)

*Cựu Đại sứ Mỹ bị cáo buộc làm gián điệp cho Cuba sẽ nhận tội: Tại phiên tòa diễn ra ngày 29/2 ở Miami, Cựu đại sứ Mỹ Víctor Manuel Rocha, người bị cáo buộc làm gián điệp cho Cuba trong 40 năm tuyên bố sẽ nhận tội.

Phiên tòa xét xử ông Rocha dự kiến sẽ diễn ra ngày 12/4. Sau khi bị cáo thừa nhận tội trạng, thẩm phán Beth Bloom sẽ tuyên án.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Bolivia Víctor Manuel Rocha bị buộc tội hình sự tại tòa án ở Miami (Florida), bao gồm làm gián điệp cho Cuba và lừa đảo điện tử. Theo cáo trạng, ông Rocha, 73 tuổi, phải đối mặt với 15 cáo buộc và sẽ đối mặt với mức án tù tối đa là 60 năm nếu bị kết tội.

Ông Rocha từng giữ các vị trí cấp cao tại một số đại sứ quán và thậm chí cả Nhà Trắng, dưới thời chính quyền Clinton. Từ năm 2006 đến năm 2012, sau khi rời Bộ Ngoại giao, Rocha làm cố vấn cho Bộ Tư lệnh miền Nam, một bộ chỉ huy quân sự chung của Bộ Quốc phòng có trụ sở tại Miami và khu vực chịu trách nhiệm bao gồm cả Cuba. (Reuters)