📞

Tin thế giới ngày 14/7: Mỹ-Trung Quốc 'khẩu chiến' về Biển Đông, đụng độ Armenia-Azerbaijan, nổ bom ở Syria, Ai Cập sẽ tham chiến Libya?

Hoàng Hà 19:45 | 14/07/2020
TGVN. 'Khẩu chiến' Mỹ-Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, xung đột Armenia-Azerbaijan, nổ bom ở Syria nhằm vào binh sỹ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình Libya và đại dịch Covid-19 là các sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Biển Đông

Mỹ-Trung Quốc "khẩu chiến"

Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia ở ngoài khơi Malaysia, các vùng biển được coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và đảo Natuna Lớn thuộc quần đảo Natuna ở ngoài khơi Indonesia.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Washington nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định, đảm bảo sự tự do của các vùng biển theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế; duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi âm mưu sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm giải quyết các tranh chấp.

Mỹ sẽ coi việc Trung Quốc theo đuổi các nguồn tài nguyên ở Biển Đông đang trong tình trạng tranh chấp là bất hợp pháp và sẽ gia tăng sức ép với Bắc Kinh.

Phản ứng lại tuyên bố này, Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng, những cáo buộc của Washington là “hoàn toàn không phù hợp”. Bộ Ngoại giao nước này cho rằng Mỹ là nước gây rối, đang làm suy yếu hòa bình và ổn định ở vùng Biển Đông. (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:

Armenia-Azerbaijan

Liên hợp quốc lên tiếng về đụng độ ở biên giới gây thương vong

Ngày 13/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ đụng độ gây thương vong tại khu vực biên giới Armenia-Azerbaijan.

Trong thông báo, Tổng thư ký Guterres kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực và đề nghị các bên liên quan có động thái hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế các hành động thù địch nhằm vào lẫn nhau.

Trước đó, ngày 12/7, Armenia và Azerbaijan đã cáo buộc lẫn nhau về việc tấn công bằng pháo tại khu vực biên giới chung giữa hai nước mà phía Azerbaijan cho biết đã khiến 3 binh sĩ nước này thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết đã tiêu diệt một cứ điểm của Armenia, phá hủy các khẩu pháo và ô tô. Trong khi đó, Armenia cáo buộc Azerbaijan sử dụng pháo trong cuộc tấn công để chiếm giữ các vị trí của Armenia.

Đây là cuộc đối đầu trực tiếp được cho là hiếm khi xảy ra giữa hai quốc gia thuộc vùng Caucasus. Khu vực xảy ra cuộc tấn công nói trên nằm cách xa khu vực xảy ra tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Armenia và Azerbaijan là Nagorny Karabakh. (THX)

Bạn có thể quan tâm:

Tình hình Syria

Phiến quân Syria kích nổ bom nhằm trúng đội tuần tra Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 14/6, hãng tin RIA đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các phiến quân ở Syria đã kích nổ một quả bom cài bên đường và nhằm trúng một đội tuần tra chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, làm 3 binh sỹ Nga bị thương. Theo RIA, một số binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị thương trong vụ nổ.

Liên quan tình hình Syria, ngày 13/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về những diễn biến ở quốc gia này.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là 3 nước đồng bảo trợ cho tiến trình hòa bình Astana về Syria. Hôm 1/7, 3 nước đã ra tuyên bố chung về tình hình tại Syria sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến, trong đó kêu gọi các bên xung đột tại quốc gia Trung Đông này tôn trọng tiến trình chính trị tìm giải pháp cho cuộc xung đột. (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:

Tình hình Libya

Quốc hội Libya cho phép Ai Cập can thiệp quân sự

Tối 13/7, Quốc hội Libya ở miền Đông đã thông qua bản kiến nghị cho phép "các lực lượng vũ trang Ai Cập can thiệp để bảo vệ an ninh quốc gia của Libya và Ai Cập nếu hai nước này thấy có mối đe dọa sắp xảy ra đối với cả hai nước của chúng ta".

Cơ quan lập pháp ở miền Đông này ủng hộ chỉ huy quân đội Khalifa Haftar, người phát động chiến dịch tấn công bất thành nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli ở phía Tây từ một chính phủ đoàn kết được Liên hợp quốc công nhận.

Tướng Haftar được Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất hậu thuẫn trong khi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) ở Tripoli lại nhận được sự ủng hộ của các nước đối địch trong khu vực gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. (AFP)

Bạn có thể quan tâm:

Covid-19

Phát hiện ổ dịch lớn tại Đài phát thanh quốc gia Indonesia

Ngày 14/7, chi nhánh Liên minh các nhà báo độc lập (AIJ) ở thành phố Surabaya (tỉnh Đông Java) cho biết, 3 người tử vong và hàng chục người khác được xét nghiệm dương tính sau khi một ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng được phát hiện.

Theo người đứng đầu AIJ Surabaya, ông Miftah Faridl, cho đến nay, 57 nhà báo đã được xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) cho kết quả dương tính với Covid-19, trong đó 3 người đã thiệt mạng. 54 trong số 57 trường hợp dương tính được phát hiện nói trên là nhân viên thuộc chi nhánh Đài phát thanh quốc gia Republik Indonesia (RRI). Ngoài ra, còn có 6 người khác có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với Covid-19.

Ông Faridl cho biết có 3 nguyên nhân khiến nhiều nhà báo và nhân viên truyền thông ở Surabaya nhiễm Covid-19. Một là, nhiều nhà báo không tuân thủ các giao thức y tế và tiếp tục tham dự các sự kiện hoặc họp báo. Hai là, mong muốn của các quan chức muốn báo chí đưa tin về các hoạt động của mình trong các sự kiện, nghi lễ lớn. Ba là, các công ty truyền thông, báo chí không có các biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho nhân viên của mình.

Kể từ cuối tháng 5, tỉnh Đông Java đã thay thế thủ đô Jakarta trở thành tâm dịch mới của Indonesia với 16.877 ca lây nhiễm tính đến ngày 13/7, trong đó gần một nửa tại thành phố Surabaya.

Nhật Bản truy vết 800 người sau khi phát hiện ổ lây nhiễm ở nhà hát tại Tokyo

Ngày 14/7, chính quyền thủ đô Tokyo kêu gọi hơn 800 người xét nghiệm SARS-CoV-2 sau khi nhà chức trách phát hiện 20 người trong số khán giả và diễn viên tham gia buổi trình diễn kịch "Werewolf" tại nhà hát Moliere ở quận Shinjuku nhiễm loại virus gây bệnh Covid-19.

Trong bối cảnh số bệnh nhân Covid-19 tiếp tục tăng, chính quyền thủ đô Tokyo cho biết đang tập trung vào "ổ dịch" ở nhà hát có sức chứa 190 người, đồng thời kêu gọi toàn bộ khán giả đã đến xem vở kịch này xét nghiệm Covid-19.

Cơ quan y tế đã phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 6/7. Đây là một diễn viên tham gia vở kịch "Werewolf" trình diễn ở nhà hát Moliere trong 6 ngày đầu tháng này. Sau đó, thêm 20 ca mắc Covid-19 có liên quan được phát hiện.

Cùng ngày, Tokyo ghi nhận thêm 143 ca mắc Covid-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới Covid-19 ở thành phố này dưới mức 200.

Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc yêu cầu đóng cửa những công ty kinh doanh các câu lạc bộ và hoạt động giải trí không tuân thủ đủ các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh số người mắc bệnh có liên quan đến các cơ sở giải trí ban đêm, đặc biệt là tại quận thương mại và giải trí ở Tokyo, ngày một tăng, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. (Kyodo)