Mỹ-Trung Quốc
Quân đội Mỹ công bố kế hoạch đối phó thách thức từ Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 16/9 công bố một kế hoạch tham vọng nhằm mở rộng lực lượng hải quân Mỹ với các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay không người lái để đối phó với thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc. Theo kế hoạch, Lầu Năm Góc dự định mở rộng hạm đội của Mỹ từ 293 tàu hiện nay lên hơn 355 chiếc.
Kế hoạch này đòi hỏi ngân sách dành cho hải quân Mỹ phải tăng thêm hàng chục tỷ USD từ nay cho đến năm 2045 nhằm duy trì thế thượng phong so với lực lượng hải quân của Trung Quốc.
“Hạm đội tương lai sẽ cân bằng hơn, có thể gây sát thương từ không trung, trên mặt biển và dưới nước”, Bộ trưởng Esper nói. Kế hoạch trên của Lầu Năm Góc nhằm tạo ra một hạm đội có khả năng sống sót trong kịch bản xung đột cường độ cao và nhằm thể hiện sức mạnh và sự hiện diện của Mỹ, cũng như thực hiện các cuộc tấn công chính xác ở khoảng cách xa, ông Esper cho biết thêm. (AFP)
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ bất chấp Trung Quốc để thăm Đài Loan
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/9 cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach sẽ thăm Đài Loan để dự lễ tưởng niệm cựu lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy vào ngày 19/9.
Tuy nhiên, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ về chuyến đi của ông Krach không đề cập cuộc đối thoại với Đài Loan. Giới phân tích nhận định, điều này dường như phản ánh sự bất đồng trong chính quyền Mỹ về cách xử lý các vấn đề kinh tế với Đài Loan cũng như sự thận trọng của Washington nhằm tránh đi quá xa trong việc “chọc giận” Bắc Kinh.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 14/9 tuyên bố, Bắc Kinh kiên quyết phản đối các trao đổi chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, đồng thời cảnh báo nguy cơ tổn hại nghiêm trọng đối với quan hệ Mỹ - Trung.
Tương tự hầu hết các nước, Mỹ có quan hệ chính thức với Bắc Kinh, không phải với Đài Loan. Về mặt chính thức, Washington vẫn công nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Tuy nhiên, Mỹ cũng bị ràng buộc bởi một đạo luật hỗ trợ Đài Loan phòng vệ và là nước cung cấp vũ khí chính cho hòn đảo này.
Trong một động thái liên quan, Mỹ đang lên kế hoạch bán 7 hệ thống vũ khí lớn cho Đài Loan, được sản xuất bởi Lockheed Martin, Boeing và General Atomics, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng áp lực lên Trung Quốc. (Reuters)
Ấn Độ-Trung Quốc
Ấn Độ nỗ lực giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc
Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc trong quý I năm tài chính 2020-2021 (từ tháng 4-6) đã giảm xuống còn 5,48 tỷ USD từ mức 13,1 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Trong một báo cáo trình Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Piyush Goyal cho biết, Chính phủ đã nỗ lực cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc, theo đó tăng cường xuất khẩu, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ nước láng giềng này. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cũng đưa ra các quy định hạn chế đối với các mặt hàng nhập khẩu. Hiện có khoảng 550 mặt hàng của tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc, nằm trong danh mục hạn chế hoặc cấm nhập khẩu.
Theo Bộ Công Thương Ấn Độ, kim ngạch thương mại giữa nước này và Trung Quốc trong 3 tháng đầu tài khóa 2020-2021 cũng giảm xuống còn 16,55 tỷ USD, từ mức 21,42 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Trong tài khóa 2019-2020, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc là 48,64 tỷ USD, thấp hơn mức 53,56 tỷ USD của tài khóa trước đó. (Bloomberg)
Ấn Độ-Pakistan
Máu đổ ở biên giới Ấn Độ-Pakistan
Đêm ngày 15/9 tại đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan đã diễn ra một vụ nổ súng giữa các quân nhân Ấn Độ và Pakistan bằng đạn cối và hỏa lực. Vụ việc đã khiến 1 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và 2 người khác bị thương.
Phát ngôn viên lục quân Ấn Độ Devender Anand ngày 16/9 gọi vụ việc là hành động "vi phạm vô cớ" hiệp định ngừng bắn giữa 2 nước và cho biết quân đội Ấn Độ đã "trả đũa một cách thích hợp”.
Hiện phía Pakistan chưa lên tiếng về vụ việc. Trong quá khứ, 2 bên thường cáo buộc lẫn nhau làm bùng phát giao tranh tại khu vực chia cắt 2 quốc gia ở Himalaya. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền với toàn bộ khu vực Kashmir và họ đã từng trải qua 2 cuộc chiến tranh vì vấn đề này. (AP)
Tình hình Belarus
Belarus yêu cầu Nga cấp vũ khí
Hôm 16/9, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho hay ông đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin cung cấp vũ khí cho nước này trong bối cảnh các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra tại đây.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại Thủ đô Minsk hôm 16/9, Tổng thống Lukashenko cho hay: “Tôi đã yêu cầu Tổng thống Nga cung cấp một số loại vũ khí mới”. Tuy nhiên, ông Lukashenko không đi sâu vào chi tiết.
Bình luận về các cuộc biểu tình lớn đang nổ ra tại nước này, Tổng thống Lukashenko cho rằng, những sự kiện này do các nước phương Tây âm mưu lên kế hoạch trong 10 năm, theo hãng tin TASS.
Tổng thống Lukashenko tuyên bố rằng, các nhà điều phối của chiến dịch biểu tình tại Belarus tìm cách lôi kéo nước này vào cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế kéo dài. Ông cho hay, Belarus sẵn sàng đáp trả bất kỳ thách thức nào. (Reuters/TASS)
Biển Đông
Pháp, Anh, Đức gửi công hàm về Biển Đông lên Liên hợp quốc
Theo website chính thức của Liên hơp quốc (LHQ) ngày 16/9, Pháp, thay mặt Anh và Đức, đã gửi công hàm lên LHQ thể hiện lập trường pháp lý lâu dài liên quan các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Công hàm nêu rõ, Pháp, Đức và Anh sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Mặc dù công hàm chung tái khẳng định E3 không đứng về phía nào trong tranh chấp Biển Đông, việc chỉ ra những cái sai của Trung Quốc là một hành động rất có ý nghĩa. Công hàm của Anh, Pháp và Đức khẳng định đường cơ sở thẳng Trung Quốc tự vẽ ra ở Hoàng Sa của Việt Nam và "quyền lịch sử" mà Bắc Kinh đưa ra là không có cơ sở dựa trên UNCLOS.
"Với tư cách là các quốc gia thành viên UNCLOS, Pháp, Đức và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do của mình như được quy định trong UNCLOS, góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực theo quy định của công ước", công hàm kết thúc. (Reuters)
Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc hủy hoại môi trường Biển Đông
Tiến sĩ John McManus, Giáo sư sinh học biển tại Đại học Miami (Mỹ) nhận định, việc Trung Quốc nạo vét và lấp đầy các khu vực để xây đảo nhân tạo đã gây ra những thiệt hại vĩnh viễn không thể khắc phục đối với các hệ sinh thái ở Biển Đông.
Ông McManus đã đưa ra đánh giá như vậy trong cuộc trao đổi trực tuyến với báo chí do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/9.
Ông cho biết, Biển Đông sở hữu những rạng san hô đẹp nổi tiếng thế giới, có vai trò quan trọng về thủy sản và là đường vận tải biển quan trọng, nhưng vùng biển này đang chịu nhiều tác động đáng lo ngại từ các hoạt động thay đổi hiện trạng, đánh bắt quá mức và các hành vi quân sự hóa của Trung Quốc. (Dân trí)
Bán đảo Triều Tiên
EU kêu gọi Triều Tiên tuân thủ cam kết ngừng thử tên lửa và hạt nhân
Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Triều Tiên tuân thủ cam kết ngừng thử tên lửa và hạt nhân, đồng thời tuyên bố Bình Nhưỡng "sẽ không bao giờ có tư cách quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân," theo quy định của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu (NPT).
Trong tuyên bố tại hội nghị về giải trừ quân bị vào đầu tuần qua, EU đã kêu gọi Triều Tiên "tuân thủ cam kết về ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo," đồng thời kiềm chế các "hành động khiêu khích tiếp theo."
Theo tuyên bố, EU quan ngại sâu sắc trước những tuyên bố mới nhất của Triều Tiên rằng từ ngày 1/1/2020, Triều Tiên không còn ràng buộc với giao ước ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, cũng như đóng cửa bãi thử hạt nhân.
EU kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, tuân thủ các nghĩa vụ theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời thực thi cam kết ngừng hoàn toàn đối với tất cả các hình thức phóng tên lửa đạn đạo. Tuyên bố nêu rõ EU sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt hiện nay cho đến khi Triều Tiên thực hiện "các bước đi cụ thể đó." (Reuters)
Vụ đầu độc Navalny
Lộ ra chi tiết mới về vụ đầu độc chính khách đối lập Nga Navalny
Tài khoản Instagram của chính khách đối lập Nga Alexei Navalny ngày 16/9 đăng tải một video cho thấy, các trợ lý trong đội ngũ của ông đang lục soát phòng khách sạn mà ông Navalny từng nghỉ lại khi ở Tomsk. Việc lục soát này diễn ra hôm 20/8, chỉ một giờ sau khi ông Alexei bất tỉnh trên chuyến bay từ Tomsk về Moscow.
"Hai tuần sau đó, một phòng thí nghiệm ở Đức đã phát hiện dấu vết của chất độc thần kinh Novichok trên chai nước lấy từ khách sạn Tomsk. Sau đó một số phòng thí nghiệm khác cũng tiến hành phân tích và xác nhận ông Navalny trúng độc thần kinh. Hiện giờ chúng tôi có thể nói rằng mọi thứ đã diễn ra trước khi ông ấy rời phòng khách sạn ra sân bay", thông tin đăng tải trên tài khoản Instagram của ông Navalny cho biết.
Thông tin trên được đưa ra sau khi truyền thông Đức cho biết, ông Navalny đang phục hồi tốt tại bệnh viện ở Berlin, đã có thể ngồi dậy đi lại và nói chuyện. Ông Navalny, 44 tuổi, bất tỉnh hôm 20/8 trên chuyến bay từ Tomsk về Moscow. Giả thuyết ban đầu đưa ra cho rằng, ông có thể đã bị đầu độc khi ở sân bay. (Reuters)
Barbados
Barbados muốn xóa vai trò nguyên thủ của Nữ hoàng Anh
Toàn quyền Barbados, bà Sandra Mason, cho hay, quốc đảo này sẽ loại bỏ vai trò nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và trở thành nước cộng hòa trước tháng 11 năm sau, nhân dịp kỷ niệm 55 năm nước này giành lại được độc lập.
Phản ứng trước tuyên bố trên, phát ngôn viên Cung điện Buckingham cho biết: "Đây là vấn đề của Chính phủ và người dân Barbados". Bộ Ngoại giao Anh cũng cho hay, Barbados toàn quyền quyết định vấn đề này.
Cụ thể, ý tưởng về việc trở thành một nước cộng hòa đã được chính quyền của Barbados qua các thời kỳ đưa ra trong nhiều thập niên. Gần đây, giới lãnh đạo đương nhiệm cũng tỏ ra chậm trễ trong việc thực hiện lời hứa loại bỏ các bức tượng có từ thời thuộc địa, đang nằm ngay giữa Thủ đô, khiến người dân thất vọng. (AFP)