📞

Tin thế giới ngày 24/11: Lệnh ngừng bắn Israel-Hamas bắt đầu hiệu lực, Pakistan xin gia nhập BRICS, Afghanistan đóng 'vĩnh viễn' đại sứ quán ở Ấn Độ

Thế Quân 21:19 | 24/11/2023
Hezbollah bắn hơn 50 rocket vào Israel, Nga tiếp tục bắn hạ UAV và tên lửa của Ukraine, Phần Lan đóng gần hết cửa khẩu với Nga, Trung Quốc kêu gọi công dân sơ tán khỏi Myanmar... là một số tin đáng chú ý trong 24 giờ qua.
Người biểu tình kêu gọi một lệnh ngừng bắn ở Gaza tại Washington, D.C., Mỹ. (Nguồn: truthout)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Trung Đông-Châu Phi

*Lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel-Hamas chính thức có hiệu lực: Từ 7h sáng 24/11 (khoảng 12h00 giờ Hà Nội), lệnh ngừng bắn giữa Israel với lực lượng vũ trang Hamas tại Dải Gaza chính thức có hiệu lực.

Theo thỏa thuận đã đạt được hôm 22/11, lệnh ngừng bắn nhân đạo này sẽ có hiệu lực trong 4 ngày và có thể gia hạn thêm không quá 10 ngày nếu Hamas tiếp tục thả thêm 50 con tin nữa và Israel cũng trao trả bổ sung 150 tù nhân an ninh khác.

Dự kiến trong ngày 24/11, Israel sẽ trao trả 39 tù nhân Palestine, bao gồm phụ nữ và trẻ em. Đến 16h chiều cùng ngày, Hamas thả ít nhất 13 con tin.

Tuy nhiên, ít phút trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, phong trào Hamas ở Dải Gazavẫn bắn về phía thị trấn Nir Oz của Israel. (Al Jazeera)

*Dân quân Iraq xác nhận tấn công các căn cứ của Mỹ ở Iraq và Syria: Ngày 23/11, lực lượng dân quân người Shi'ite ở Iraq xác nhận đã tiến hành các cuộc tấn công vào căn cứ không quân có lực lượng Mỹ đồn trú ở miền Tây Iraq và một căn cứ của Mỹ ở miền Đông Syria.

Lực lượng dân quân tự xưng là Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq được Iran hậu thuẫn, tuyên bố các chiến binh của họ đã tấn công các tháp an ninh trong phạm vi Căn cứ không quân Ayn al-Asad cách thủ đô Baghdad khoảng 190 km về phía Tây Bắc.

Trong một tuyên bố riêng rẽ, nhóm vũ trang này cho biết đã bắn rocket vào một căn cứ của Mỹ ở mỏ khí đốt Koniko tại Syria. Trong khi đó, Cơ quan giám sát nhân quyền Syria (SOHR), có trụ sở tại Anh, xác nhận các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Iraq là để trả đũa lực lượng Mỹ, trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Israel và phong trào hồi giáo Hamas. (Gulf News)

*Ai Cập cam kết cung cấp 130.000 lít dầu hàng ngày tới Gaza: Ngày 24/11, Ai Cập cho biết 130.000 lít dầu diesel và 4 xe tải chở khí đốt sẽ được chuyển hàng ngày tới Gaza khi lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày bắt đầu sáng cùng ngày.

Trong một tuyên bố, người đứng đầu Cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập (SIS) Diaa Rashwan cũng cho biết 200 xe tải viện trợ sẽ vào Gaza hàng ngày.

Trước đó, Israel và phong Hồi giáo Hamas hôm 23/11 đã xác nhận lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày sẽ bắt đầu lúc 7h sáng (giờ địa phương) ngày 24/11. (Arab News)

*Qatar thiết lập trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn tại Gaza: Ngày 23/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al-Ansari cho biết, một trung tâm điều hành tại thủ đô Doha của nước này sẽ giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa Israel và Hamas cũng như việc thả 50 con tin Israel tại Gaza.

Ngoài ra, trung tâm này cũng sẽ thu thập thông tin về các con tin còn đang bị giam giữ. Theo ông Qatar Majed Al-Ansari, Qatar sẵn sàng đóng vai trò điều phối giữa Israel, Văn phòng Chính trị Hamas tại Doha và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. (TASS)

*Hezbollah bắn hơn 50 rocket vào miền Bắc Israel: Ngày 23/11, Phong trào Hezbollah đã bắn hơn 50 quả rocket vào các vị trí quân sự tại miền Bắc Israel. Đây là một trong những đợt bắn phá ác liệt nhất kể từ khi Hezbollah bắt đầu tấn công các vị trí tại miền bắc Israel từ đầu cuộc chiến Israel-Hamas.

Hezbollah cho biết, đã phóng 48 tên lửa Katyusha vào căn cứ quân sự Israel tại Beit Zeitem, cách biên giới 10 km về phía Nam. Các chiến binh Hezbollah cũng đã tấn công các xe tăng và vị trí của Quân đội Israel.

Trước đó, Israel hôm 22/11 đã không kích một ngôi nhà tại làng Beit Yahoun, miền Nam Liban, giết chết 5 chiến binh cao cấp của Hezbollah. Hezbollah cho biết đang làm giảm áp lực đối với Dải Gaza bằng cách gia tăng hoạt động tại biên giới Israel-Lebanon. (Al Jazeera)

Châu Âu

*Nga tuyên bố bắn hạ nhiều UAV và tên lửa của Ukraine: Hãng thông tấn RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga đã bắn hạ 13 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine ở Crimea và 3 UAV khác ở khu vực Volgograd vào sáng sớm 24/11.

Trong khi đó, nhóm chiến đấu miền Nam của Nga nói với hãng TASS rằng nhóm đã bắn hạ 12 UAV của Ukraine và 6 tên lửa HIMARS theo hướng Donetsk trong 24 giờ qua.

Ngoài ra, các đơn vị của nhóm chiến đấu này đã đẩy lùi 2 cuộc tấn công của Ukraine gần Kleshcheyevka và tấn công nhằm vào lực lượng và trang thiết bị của đối phương gần các khu định cư Razdolovka, Kurdyumovka và Vasyukovka. Các vụ tấn công đã làm khoảng 280 binh sĩ Ukraine thương vong, phá hủy 3 xe tăng, 1 xe bọc thép chở quân và 4 xe bán tải. (Reuters)

*Belarus đáp trả chỉ trích về lưu trữ vũ khí hạt nhân Nga: Ngày 23/11, phát biểu họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác An ninh Tập thể (CSTO) ở Minsk, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đáp trả những lời chỉ trích việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở nước này, gọi những chỉ trích đó là “vô lý” bởi vì Minsk không đe dọa ai.

Tổng thống Belarus nhấn mạnh Minsk không đe dọa ai, chỉ học "cái gọi là nghi thức ngoại giao từ những người đã biến ngôn ngữ vũ lực trở thành xu hướng thế giới". Ông Lukashenko khẳng định, sự hiện diện của vũ khí mạnh mẽ hiện là sự đảm bảo duy nhất cho an ninh trong khu vực, tạo tiếng nói trên trường quốc tế.

Hồi tháng 3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putintuyên bố Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus như một biện pháp răn đe và là tín hiệu cho những ai đang nghĩ đến việc gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga. Vào giữa tháng 6/2023, ông Putin cho biết lô vũ khí đầu tiên đã được triển khai và số còn lại sẽ được chuyển đi trước cuối năm nay. (TASS)

*Ngoại trưởng Pháp thăm Trung Quốc: Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cương tại Bắc Kinh ngày 24/11, bắt đầu chuyến thăm ngắn ngày tập trung vào cuộc chiến giữa Israel-Hamas cũng như tăng cường trao đổi học thuật và văn hóa giữa hai nước.

Trong cuộc gặp ở Bắc Kinh sáng 24/11, bà Colonna cho biết Trung Quốc và Pháp chia sẻ “trách nhiệm toàn cầu” với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Cả hai phải "cố gắng tìm câu trả lời cho những thách thức lớn, đặc biệt là những thách thức về khí hậu, đa dạng sinh học và bất cứ điều gì có thể làm dịu căng thẳng trên thế giới".

Về phần mình, Thủ tướng Lý Cường ghi nhận "xu hướng tích cực của hợp tác Trung-Pháp trên mọi mặt trận". Ông nói: "Sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Pháp cũng đã tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực và mang lại sự chắc chắn hơn cho thế giới đầy bất ổn ngày nay". (THX)

*Nga tấn công Avdiivka "từ mọi hướng": Lãnh đạo thị trấn Avdiivka ở miền Đông Ukraine, ông Vitaly Barabash, ngày 24/11 cho biết quân đội Nga đang tiến hành làn sóng tấn công và pháo kích thứ 3 vào trung tâm công nghiệp này một cách có hệ thống.

Phát biểu trên truyền thông nhà nước, ông Barabash nêu rõ: “Đợt tấn công thứ 3 đã bắt đầu. Họ tấn công từ mọi hướng, từ cả sườn phía Nam và Bắc, giống như trước đây, sử dụng rất nhiều bộ binh. Họ đang tấn công khu công nghiệp”. Theo ông, lực lượng Nga đang tấn công Avdiivka bằng bom dẫn đường và bom chùm, trung bình có từ 30-40 cuộc tấn công "quy mô lớn" mỗi ngày.

Ông Barabash cho biết 1.350 cư dân vẫn còn ở lại trong thị trấn từng có khoảng 30.000 người trước chiến tranh này. Avdiivka đã trở thành biểu tượng trong cuộc kháng chiến của Ukraine. (Sputnik News)

*Phần Lan đóng gần hết các cửa khẩu với Nga: Phần Lan đóng 7/8 cửa khẩu biên giới với Nga, ngoại trừ 1 cửa khẩu còn mở dành cho hành khách sang Nga, để chặn dòng người di cư cao bất thường mà quốc gia Bắc Âu này cáo buộc do Moscow tạo ra.

Hơn 700 người di cư từ các nước như Yemen, Afghanistan, Kenya, Maroc, Pakistan, Somalia và Syria trong vài tuần qua đã tràn vào Phần Lan qua Nga. Helsinki cho rằng Moskva đang đổ dồn người di cư đến khu vực biên giới giữa hai nước, cáo buộc mà Điện Kremlin một mực bác bỏ.

Sau khi đóng 4 cửa khẩu vào tuần trước, Phần Lan đêm 23/11 đã đóng toàn bộ những cửa khẩu còn lại dành cho hành khách, ngoại trừ cửa khẩu ở Raja-Jooseppi nằm ở phía Bắc vùng Bắc Cực, trong 1 tháng. (AFP)

*Thổ Nhĩ Kỳ bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa: Công ty Aselsan cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa Siper được sản xuất trong nước vào kho vũ khí của nước này trong năm 2024 sau khi tiến trình thử nghiệm hoàn tất.

Đăng trên mạng xã hội X ngày 23/11, Công ty Aselsan nhấn mạnh: “Siper, hệ thống vũ khí có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu phòng không đa lớp của và được thiết kế để bảo vệ các cơ sở chiến lược, sẽ cho phép (quân đội Thổ Nhĩ Kỳ) bảo vệ không phận ở tầm xa hơn và tầm cao hơn”.

Ankara đã bắt đầu thực hiện dự án sản xuất hệ thống Siper vào năm 2018. Siper được thiết kế để thay thế các hệ thống do nước ngoài sản xuất và hiện đang trong tiến trình thử nghiệm. (Reuters)

Châu Á-Thái Bình Dương

*Trung Quốc kêu gọi công dân sơ tán khỏi miền Bắc Myanmar: Ngày 24/11, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã đề nghị các công dân Trung Quốc bị mắc kẹt ở khu vực Laukkai, miền Bắc Myanmar sơ tán càng sớm càng tốt.

Thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc nêu rõ rủi ro đối với công dân Trung Quốc ở khu vực này là rất cao do giao tranh giữa quân đội Myanmar và lực lượng nổi dậy tại khu vực này vẫn tiếp diễn. (THX)

*Trung Quốc miễn thêm thị thực cho công dân 6 nước: Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã quyết định thực hiện chính sách đơn phương miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông của Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Malaysia trên cơ sở thử nghiệm.

Tuyên bố trực tuyến nêu rõ, từ ngày 1/12/2023 - 30/11/2024, người sở hữu hộ chiếu phổ thông của 6 nước nêu trên có thể vào Trung Quốc mà không cần thị thực để công tác, du lịch, thăm người thân, bạn bè và quá cảnh không quá 15 ngày. Tuyên bố cũng cho biết công dân đến từ 6 nước này nếu không đáp ứng các yêu cầu được miễn thị thực thì vẫn cần phải xin thị thực trước khi nhập cảnh Trung Quốc.

Tuyên bố lưu ý, chính sách này sẽ giúp thúc đẩy hoạt động giao lưu nhân dân, phục vụ sự phát triển chất lượng cao và mở cửa mạnh mẽ. (AFP)

*Hạ viện Nhật Bản thông qua ngân sách bổ sung 88 tỷ USD: Ngày 24/11, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua ngân sách bổ sung khoảng 13,1 nghìn tỷ yên (88 tỷ USD) nhằm giúp các hộ gia đình đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và hỗ trợ các tập đoàn thúc đẩy hoạt động đầu tư trong nước.

Kế hoạch bổ sung ngân sách này đã làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể tiếp tục làm tình hình tài chính của Nhật Bản thêm căng thẳng và có thể làm chệch hướng mục tiêu của Chính phủ nước này là cân đối ngân sách cơ bản vào năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2026. Dự luật ngân sách bổ sung sẽ được gửi lên Thượng viện để thảo luận thêm và phê chuẩn vào đầu tuần tới.

*Trung Quốc, Myanmar bàn cách ổn định biên giới chung: Truyền thông Myanmar ngày 24/11 đưa tin Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Trần Hải đã gặp các quan chức hàng đầu Myanmar để hội đàm về sự ổn định ở biên giới chung, sau những dấu hiệu gần đây cho thấy quan hệ 2 nước đang rơi vào tình trạng căng thẳng hiếm thấy.

Các khu vực miền Đông Bắc Myanmar giáp biên giới với Trung Quốc đã bị rúng động trong tháng qua do cuộc tấn công nổi dậy của các nhóm sắc tộc chống lại lực lượng quân sự Myanmar. Hiện hàng chục nghìn người đang phải sơ tán khỏi Myanmar sau khi các nhóm phiến quân phát động một cuộc tấn công quy mô lớn, được gọi là "Chiến dịch 1027", vào tháng trước. Các nhóm này được cho là đã chiếm một số thị trấn và khu vực quân sự tại nhiều bang trên lãnh thổ Myanmar, đặc biệt là khu vực phía Bắc Myanmar giáp Trung Quốc. (THX)

*Pakistan xin gia nhập BRICS: Pakistan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập nhóm BRICS vào năm 2024 và đang trông cậy vào sự hỗ trợ của Nga.

Được sự ủng hộ của Trung Quốc, Pakistan hy vọng sự hỗ trợ của Nga sẽ cho phép nước này gia nhập BRICS - nhóm đang tìm cách mở rộng và đã kết nạp 6 quốc gia mới trong năm nay.

Tân Đại sứ Pakistan tại Nga Muhammad Khalid Jamali xác nhận Pakistan đã nộp đơn xin trở thành thành viên BRICS và Pakistan có kế hoạch gia nhập nhóm này trong thời gian Nga giữ chức Chủ tịch BRICS luân phiên vào năm 2024.

Trước đây, Pakistan từng cáo buộc Ấn Độ là quốc gia duy nhất ngăn cản nước này tham gia các cuộc họp của BRICS. Tuy nhiên, hiện chưa có phản ứng nào của Ấn Độ đối với đơn xin gia nhập BRICS của Pakistan.

Hồi tháng 10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết BRICS có kế hoạch thống nhất danh sách các ứng cử viên cho vị thế quốc gia đối tác trước thềm Hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở thành phố Kazan của Nga vào năm 2024. Trong thời gian giữ chức Chủ tịch BRICS, Nga sẽ đặc biệt chú ý đến việc mở rộng "vòng tròn bạn bè BRICS". (TASS)

*Lãnh đạo đối lập Hàn Quốc lên án Triều Tiên "hủy thỏa thuận quân sự liên Triều": Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) đối lập chính của Hàn Quốc Lee Jae-myung ngày 24/11 đã lên án việc Triều Tiên hủy bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự với Hàn Quốc, bày tỏ lo ngại rằng hành động "ăn miếng trả miếng" của cả hai bên có thể dẫn đến căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Phát biểu trong cuộc họp đảng, ông Lee nói: "Triều Tiên đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận quân sự ngày 19/9 và tôi cực lực lên án điều này". Ông Lee cảnh báo tình hình đang leo thang một cách nguy hiểm khi cả hai bên đều có những hành động đáp trả lẫn nhau.

Ngày 23/11, Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận quân sự năm 2018, nói rằng Bình Nhưỡng sẽ khôi phục tất cả các biện pháp quân sự bị tạm dừng theo thỏa thuận. Động thái này được đưa ra sau khi Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận để phản đối việc Triều Tiên phóng thành công vệ tinh do thám quân sự.(Yonhap)

*Philippines cân nhắc việc quay trở lại Toà hình sự quốc tế: Ngày 24/11, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết Manila đang xem xét việc quay trở lại làm thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Tuyên bố này được đưa ra gần 5 năm sau khi Philippines rút khỏi ICC để phản đối việc tòa án này mở cuộc điều tra đối với chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào năm 2018.

Phát biểu với các phóng viên, ông Marcos nói: "Ngoài ra còn có một câu hỏi là liệu chúng ta có nên quay trở lại dưới sự quản lý của ICC hay không, vấn đề đó lại đang được nghiên cứu. Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét và đánh giá các lựa chọn của mình là gì".

Hồi năm 2019, Philippines đã rút khỏi ICC, trở thành quốc gia thứ hai rút khỏi tòa án này, sau Burundi. ICC được thành lập năm 2002 là một tòa án thường trực để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh.(Reuters)

*Công dân Thái Lan bị Hamas bắt giữ sắp được trả tự do: Truyền thông Thái Lan ngày 24/11 dẫn nguồn từ hãng tin Al-Araby Al-Jadeed, có trụ sở tại London (Anh), cho biết Hamas có thể sẽ thả 23 con tin Thái Lan trong một thỏa thuận phụ do Iran làm trung gian.

Trước đó, Al-Araby Al-Jadeed dẫn một một nguồn tin giấu tên của Ai Cập cho hay các con tin Thái Lan sẽ được trả tự do sau khi Israel và Hamas nhất trí ngừng bắn tạm thời.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin bày tỏ sự lạc quan về lệnh ngừng bắn sẽ tạo điều kiện cho các con tin Thái Lan rời khỏi Gaza một cách an toàn.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Thái Lan chưa xác nhận liệu công nhân Thái Lan có nằm trong số 50 con tin đầu tiên được Hamas trả tự do hay không.(Reuters)

*Afghanistan đóng cửa "vĩnh viễn" đại sứ quán ở Ấn Độ: Ngày 24/11, Đại sứ quán Afghanistan tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn các hoạt động tại New Delhi và nói rằng "quyết định này là kết quả của những thay đổi lớn hơn trong chính sách và lợi ích". Bên cạnh đó, Afghanistan cũng viện dẫn "áp lực liên tục" từ Talibanvà Chính phủ Ấn Độ để "từ bỏ quyền kiểm soát" là lý do khiến cơ quan đại diện đưa ra quyết định này.

Quyết định này được đưa ra sau khi đại sứ quán ngừng hoạt động trước đó vào ngày 30/9, một động thái được thực hiện với hy vọng lập trường của chính phủ Ấn Độ sẽ thay đổi theo hướng có lợi để phái bộ hoạt động bình thường".

Trong thông cáo, Đại sứ quán cho biết hiện không có nhà ngoại giao nào từ Cộng hòa Afghanistan ở Ấn Độ. Những người phục vụ ở thủ đô quốc gia New Delhi đã đến các nước thứ ba một cách an toàn và những cá nhân có mặt ở Ấn Độ là những nhà ngoại giao liên kết với Taliban. (Indian Times)

Châu Mỹ

*Mỹ kỳ vọng về triển vọng liên lạc trực tiếp với quân đội Trung Quốc: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 23/11 cho biết các quan chức quốc phòng "được khích lệ" trước viễn cảnh Mỹ nối lại liên lạc trực tiếp với quân đội Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các vụ chặn máy bay Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết việc liên lạc trực tiếp (với quân đội Trung Quốc) có thể giúp tình hình không "vượt quá tầm kiểm soát".

Bình luận của ông Austin được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý khôi phục thỏa thuận liên lạc giữa quân đội hai nước.

Hồi tháng trước, một báo cáo của Lầu Năm Góc trước Quốc hội đã ghi nhận sự gia tăng việc các phi công của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chặn máy bay quân sự Mỹ trên không phận quốc tế như một phần của chiến dịch gây áp lực chống lại các hoạt động bay hợp pháp trong khu vực. Trong 2 năm qua, các phi công quân sự Mỹ đã báo cáo gần 200 vụ quấy rối của phi công PLA. (AFP)