Sau 11 ngày bão lửa, thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas với Israel được chấp nhận. Dư luận quốc tế gọi đây là “xung đột vũ trang”, “cuộc chiến”, vì quy mô, không gian hạn chế, với thủ đoạn không kích, bắn phá… Nhưng xung đột lần này được xem là tồi tệ nhất sau xung đột năm 2014. Ít nhất 242 người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em. Dải Gaza tan hoang như bị sóng thần càn quét.
Quốc tế tạm thở phào. Nhiều người dân cả Palestine và Do thái thốt lên “ơn giời”, “ơn chúa”. Nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề, nhiều trăn trở, nhiều câu hỏi...
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas vẫn vẫn mong manh song “than nóng” vẫn ủ bằng nhiều nguồn nhiệt từ hai phía. (Nguồn: AFP) |
Vì sao ngừng bắn?
Có ba lý do chính. Một là, áp lực quốc tế ngày càng gia tăng. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã 4 lần họp mà không ra được tuyên bố chung và nghị quyết ngừng bắn do Mỹ phủ quyết. Nhiều tổ chức quốc tế và nhiều nước, trong đó có các nước lớn lên án bạo lực, phản đối tấn công tòa nhà có trụ sở hãng truyền thông AP và AI Jazeera, cơ sở y tế, cứu trợ nhân đạo, kêu gọi ngừng bắn.
Họ cho rằng Israel sử dụng “vũ khí thông minh”, chính xác nhưng lại bắn vào các công trình dân sinh, thường dân là không thể chấp nhận được. Biểu tình phản đối bạo lực diễn ra ở nhiều thành phố. Mỹ dù không đồng ý ra nghị quyết ngừng bắn nhưng có nhiều hành động hậu trường, gần 10 cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Trên cái nền ấy, Ai Cập đã thành công với vai trò trung gian hòa giải.
Hai là, hai bên dường như đã cơ bản đạt được mục đích. Tổ chức Hamas, bên được cho là khởi xướng xung đột, tuyên bố chiến thắng, “trừng phạt” chính quyền Israel vì hành động bạo lực và chiếm đoạt đất đai, xua đuổi người Palestine ra khỏi vùng đất, ngôi nhà của họ; qua đó, chứng tỏ khả năng có thể tấn công bằng nhiều loại vũ khí (rocket, đạn pháo, UAV, tàu ngầm mini…) vào toàn bộ lãnh thổ Israel. Họ khuấy động thế giới cần quan tâm hơn đến vấn đề Palestine-Israel và nỗi đau khổ của người dân Palestine.
Thủ tướng Netanyahu thì tuyên bố “Hamas bị đẩy lùi nhiều năm”. Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz đánh giá “đây là thành tựu quân sự chưa từng có về quy mô và ý nghĩa chiến lược”, tiêu diệt sinh lực, trong đó có các thủ lĩnh Hamas, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện, cơ sở quân sự, 15 km đường hầm…
Ba là, hai bên cũng gặp nhiều khó khăn, áp lực nội bộ. Lãnh đạo hai bên tuyên bố thắng lợi. Rút cuộc chỉ có người dân là thất bại. Những người dân sống sót, nhất là thân nhân người chết, bị thương không coi đó là “thắng lợi”; họ phản đối chết chóc, sống trong sợ hãi.
Tổng thống Palestine Abbas và Đảng Fatah chủ trương đàm phán, phản đối giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực của phong trào Hồi giáo Hamas. Ước tính Hamas đã sử dụng đến 30% vũ khí, nhất là tên lửa tầm xa, lực lượng, tiềm lực quân sự, bị tổn thất, cần bổ sung, trong điều kiện bị ngăn chặn nguồn.
Kinh tế Isael cũng bị gián đoạn. Một số nhà quân sự, chính trị trong nước và quốc tế cho rằng Vòm sắt (Iron Dome) có thể bảo vệ người dân khỏi tên lửa nhưng không bảo đảm tránh khỏi xung đột. Có những phe phái Isael cũng không ủng hộ giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực kéo dài.
Khó khăn, áp lực nội bộ khá lớn, tác động đến quyết sách của lãnh đạo Hamas và Isael.
Lửa chiến tranh chưa tắt
Dư luận có lý khi cho rằng xung đột tạm dừng, chứ chưa kết thúc. Mọi thứ tan hoang do xung đột vũ trang, nhưng căn cốt của xung đột, chiến tranh vẫn còn nguyên, thậm chí chồng chất hận thù. Thỏa thuận ngừng bắn không giải quyết được mâu thuẫn, xung đột về sắc tộc, lãnh thổ và tôn giáo đã kéo dài nhiều năm.
Đặc biệt với người dân Palestine bị phong tỏa trong “cái lồng Gaza” tới 15 năm bởi hàng rào, các trạm kiểm soát và cuộc sống, tương lai “đổ nát” theo những tòa nhà. Người Palestine ở Jerusalem, khu vực Bờ Tây, cũng không khá hơn. Họ bị mất đất, mất nhà, bị ngăn chặn đến nhà thờ Al-Aqsa, thánh địa của đạo Hồi ở Jerusalem.
Lãnh thổ quốc gia mà Liên hợp quốc phân định năm 1947 theo phương án “2 Nhà nước” bị thu hẹp mấy phần, sau cuộc chiến 1967, thỏa thuận Gaza-Jericho năm 1994; nhiều khu vực bị đan xen “thế da báo” bởi các khu vực định cư của người Do thái.
Người Palestine đã bị dồn đến chân tường, trong trạng thái không còn gì để mất!
Phong trào Hamas cho rằng đàm phán không thể “giải phóng” Palestine. Nhưng nhiều người Palestine thừa nhận đây là cuộc chiến “khập khiễng và không công bằng”. Phái cực hữu Israel muốn cai quản toàn bộ các vùng lãnh thổ mà họ chiếm giữ, tuyên bố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt. Họ tự hào về sức mạnh quân sự, coi thái độ cứng rắn, sử dụng bạo lực là cách thức hữu hiệu nhất để giành thắng lợi với đối thủ và giành phiếu bầu!
Liên hợp quốc nỗ lực nhưng không thống nhất, chưa tìm ra giải pháp khả thi. Khối các nước Arab, Liên đoàn Arab cũng chia rẽ và dừng ở kêu gọi. Một số nước hành động dựa trên tính toán lợi ích riêng. Thậm chí “đổ thêm dầu vào lửa”, công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, ủng hộ quyền “tự vệ” của Israel (trong khi máy bay, tên lửa sát hại nhiều thường dân), bán thêm “vũ khí thông minh” cho Israel…
Do vậy, tạm ngừng bắn vẫn mong manh. “Than nóng” vẫn ủ bằng nhiều nguồn nhiệt từ 2 phía. Chỉ cần một hành động quá khích của nhóm cực đoan Israel hay các phần tử phong trào Hamas, tổ chức Hồi giáo Jihad Ziyad al-Nakhalah, cũng đủ thành luồng gió thổi bùng ngọn lửa. Như từng xảy ra trong 4, 5 lần trước.
Thỏa thuận ngừng bắn mang đến niềm vui cho những người dân ở dải Gaza nhưng khó giải quyết được mâu thuẫn, xung đột về sắc tộc, lãnh thổ và tôn giáo đã kéo dài nhiều năm. (Nguồn: Anadolu) |
Con đường tìm kiếm hòa bình
Rõ ràng xung đột, chiến tranh không mang lại hòa bình bền vững, lợi ích cho người dân, dù là Isarael hay Palestine, hay cho khu vực. Mỗi lần xung đột sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách, càng khó lấp đầy. Với các loại vũ khí, hành động quân sự của cả hai bên trong 11 ngày tháng 5, nếu xung đột tiếp diễn, thì nhiều khả năng sẽ tàn khốc không kém cuộc chiến kéo dài 7 tuần, với 2.300 người chết, 11.000 bị thương, cách đây 7 năm.
Để chấm dứt xung đột lâu dài, nguy cơ chiến tranh, cần từng bước tháo gỡ “nút thắt”, hóa giải các mâu thuẫn cơ bản, bảo đảm quyền có Tổ quốc, quyền tự do tín ngưỡng, cùng tồn tại, chung sống của các sắc tộc, tôn giáo. Hành trình tìm kiếm hòa bình sẽ rất lâu dài. Đường xa, hiểm trở phải đi từng chặng ngắn.
Trước hết, cả Israel và Palestine, nhất là các nhà cầm quyền cần dũng cảm vượt qua mâu thuẫn, khác biệt cả với đối phương và trong nội bộ. Đây là nhân tố quyết định. “Đổi đất lấy hòa bình” là ý tưởng tốt. Đàm phán là con đường tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn, xung đột.
Thứ hai, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa, coi giải quyết xung đột Israel-Palestine là vấn đề cấp bách, vì hòa bình, ổn định của khu vực; nhất là các nước lớn, có quan hệ gần gũi với hai bên. Các tổ chức quốc tế, khu vực, đặc biệt là Liên hợp quốc cần nỗ lực các hành động cụ thể, thiết thực, xây dựng, theo phương án “hai Nhà nước”.
Từ cứu trợ nhân đạo, cử lực lượng giám sát ngừng bắn, gìn giữ hòa bình trên cơ sở ranh giới hiện hành, đến trung gian đàm phán, nhất là về phân giới dựa trên nghị quyết của Liên hợp quốc, các thỏa thuận giữa hai bên và tình hình thực tế. Bất cứ hành động thiên vị, nghiêng lệch về một bên nào cũng sẽ đẩy cả hai vào ngõ cụt.
Không có việc nào dễ dàng, nhưng còn hơn là xung đột, chiến tranh triền miên, vắt qua nhiều thế hệ.
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)