Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô. (Nguồn: Global Times) |
Mỹ-Trung Quốc
Trung Quốc trả đũa Mỹ, đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/7 thông báo Bắc Kinh đã yêu cầu Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô; đồng thời đưa ra các đề nghị cụ thể về việc dừng tất cả hoạt động và sự kiện của Lãnh sự quán Mỹ.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô là phản ứng “chính đáng và cần thiết đối với hành động phi lý của Mỹ, phù hợp với luật pháp quốc tế, các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế và thông lệ ngoại giao".
Mỹ hiện duy trì 5 lãnh sự quán tại Trung Quốc đại lục: gồm Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương, Thành Đô và Vũ Hán, cùng 2 tổng lãnh sự quán ở Hong Kong và Macau.
Theo Global Times, một số nhà phân tích ban đầu dự đoán Trung Quốc có thể đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch Covid-19, để đáp trả Washington. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc đóng cửa Lãnh sự quán ở Vũ Hán sẽ không thể hiện đầy đủ tuyên bố của Trung Quốc rằng, nước này sẽ có “biện pháp đáp trả tương xứng” với Mỹ.
Long Xingchun, Chủ tịch Viện Các vấn đề Thế giới Thành Đô - một viện nghiên cứu độc lập, nhận định việc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Mỹ. Trong khi đó, việc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô sẽ gây ra tác động lớn hơn.
“Tây Tạng là một trong những mối quan tâm của lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Mỹ ngày càng quan tâm nhiều tới vấn đề Tây Tạng và Tân Cương”, ông Long cho biết.
Michael Hirson, chuyên gia phân tích thuộc tổ chức tư vấn rủi ro Eurasia Group, nhận định với CNBC nếu Trung Quốc muốn chọn một lãnh sự quán quan trọng, nhưng vẫn ở vị trí thứ cấp, của Mỹ để đáp trả thì Thành Đô hoặc Thẩm Dương là hai cơ sở phù hợp, vì vai trò của hai lãnh sự quán này tương đương với Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. (Global Times/CNBC)
Trung Quốc cáo buộc nhân viên Lãnh sự quán Mỹ can thiệp công việc nội bộ
Trong buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 24/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, một số nhân viên Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô “đã tiến hành các hoạt động không phù hợp với vị trí công việc của họ”, gây tổn hại tới an ninh Trung Quốc.
Ông Uông Văn Bân còn lên tiếng chỉ trích bài phát biểu hôm 23/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và hối thúc Mỹ loại bỏ "tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh". Ông Pompeo nói Washington và các đồng minh cần sử dụng "những biện pháp linh hoạt và kiên quyết hơn" để buộc Trung Quốc thay đổi hướng đi của họ, đồng thời mô tả đó là "nhiệm vụ ở thời đại của chúng ta". (Reuters)
Mỹ lên tiếng vì lý do đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston
Về việc buộc Trung Quốc phải đóng cửa Lãnh sự quán nước này tại Houston, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: "Tuần này chúng tôi đã đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vì nó là một trung tâm của hoạt động gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ và các bí mật thương mại của chúng ta có giá trị tương đương hàng triệu việc làm trên khắp nước Mỹ". (Reuters)
Trung Quốc cáo buộc máy bay Mỹ áp sát không phận
Hải quân Trung Quốc đã buộc một máy bay quân sự Mỹ chuyển hướng sau khi nó bay gần khu vực duyên hải phía nam của nước này hôm 23/7.
Theo tờ SCMP, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Chiến lược Biển Đông (SCSPI) đăng tải một đoạn ghi âm dài 34 giây cho thấy giọng một người nam, được cho là một sĩ quan hải quân Trung Quốc, đưa ra cảnh báo với một máy bay quân sự được cho là của Mỹ: “Không quân Hải quân Trung Quốc đang làm nhiệm vụ, máy bay của các bạn đang áp sát không phận Trung Quốc, hãy lập tức thay đổi hướng bay nếu không chúng tôi sẽ ngăn chặn”. Người này sau đó đã nhắc lại khẩu lệnh bằng tiếng Trung Quốc.
Đoạn ghi âm trên vô tình được một nhân viên vô tuyến ghi lại được vào sáng qua 23/7. Hiện chưa rõ máy bay quân sự của Mỹ là loại máy bay nào hay liệu có xảy ra bất cứ vụ chạm trán trên không nào hay không.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ triển khai các máy bay trinh sát gần vùng biển của nước này những tuần gần đây nhằm theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực. SCSPI nói rằng, hôm 22/7, một máy bay săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ bị phát hiện hoạt động ở phía nam Đài Loan ở Biển Đông, cùng ngày một máy bay trinh sát RC-12X Guardrail của Mỹ cũng xuất hiện ở vùng biển Hoàng Hải. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa bình luận về các thông tin trên. (SCMP)
Bạn có thể quan tâm:
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ bắt 3 công dân Trung Quốc, Ngoại trưởng Pompeo nêu lý do đóng cửa Lãnh sự quán ở Houston | |
Tổng LSQ Mỹ tại Thành Đô đóng cửa: Cột mốc buồn trong quan hệ Mỹ-Trung |
Mỹ-Iran
Máy bay chở khách Iran bị 2 chiến đấu cơ Mỹ chặn ở không phận Syria
Hãng thông tấn IRIB đưa tin ngày 23/7, hai chiến đấu cơ của Mỹ đã áp sát một máy bay chở khách của Iran tại không phận Syria.
Vụ việc xảy ra khi máy bay của hãng hàng không Mahan Airlines đang trên đường từ Iran tới Lebanon thì bị 2 chiến đấu cơ thuộc liên quân chống không khủng bố do Mỹ đứng đầu chặn lại tại khu vực al-Tanf, Đông Bắc Syria. Ban đầu, hãng IRIB đưa tin có một máy bay của Israel đã áp sát chiếc máy bay chở khách này của Iran, nhưng sau đó dẫn lời phi công khẳng định 2 chiến đấu cơ đều là của Mỹ. Theo đó, phi công của máy bay chở khách Iran đã liên lạc với phi công của 2 chiến đấu cơ để cảnh báo giữ khoảng cách an toàn và những phi công này đã xác nhận họ là người Mỹ.
Vụ việc trên khiến phi công của máy bay Mahan Airlines phải nhanh chóng thay đổi độ cao để tránh va chạm, làm một số hành khách bị thương. Máy bay sau đó đã hạ cánh an toàn tại thủ đô Beirut của Lebanon. Tất cả 150 hành khách đã được sơ tán an toàn. Đây là lần đầu tiên một vụ việc như vậy xảy ra tại Syria. Theo hãng thông tấn Fars, máy bay chở khách đã quay trở lại thủ đô Tehran của Iran trong sáng 24/7.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết nhà chức trách đang tiến hành điều tra vụ việc, khẳng định sẽ có hành động pháp lý và chính trị phù hợp.
Trong khi đó, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ xác nhận chiến đấu cơ F-15 của Mỹ đã chặn máy bay chở khách của Iran trên không phận Syria, Theo cơ quan này, chiến đấu cơ F-15 đã thực hiện hoạt động tuần tra định kỳ và duy trì khoảng cách an toàn khoảng 1.000 m, sau khi xác định đây là máy bay chở khách của Mahan Airlines. Mỹ khẳng định động thái này được thực hiện một cách chuyên nghiệp theo đúng chuẩn quốc tế. (Reuters)
Bạn có thể quan tâm:
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Iraq chuẩn bị đi thăm đối thủ, Ngoại trưởng Iran lên tiếng | |
Trung Quốc-Iran: Ba điều đáng ngẫm từ một thỏa thuận |
Ấn Độ-Trung Quốc
Ấn Độ tăng rào cản thương mại nhằm vào Trung Quốc
Ấn Độ đã ban hành quy định hạn chế thương mại với một số quốc gia chia sẻ chung đường biên giới đất liền, động thái được cho là nhằm vào Trung Quốc trong khi quan hệ giữa 2 nước đang căng thẳng.
Theo quy định mới, các công ty từ những quốc gia chung đường biên giới trên đất liền với Ấn Độ bị cấm đấu thầu hợp đồng của chính phủ đối với hàng hóa và dịch vụ cho đến khi họ đăng ký với Bộ Công nghiệp Ấn Độ.
Động thái mới của chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được xem là bước đi mới nhất nhằm giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc - nguồn nhập khẩu lớn nhất của quốc gia Nam Á.
Chuyên gia Harsh Pant từ Đại học King (Anh) nói động thái của Ấn Độ khi tạo ra rào cản với Trung Quốc ở lĩnh vực chủ chốt cho thấy dấu hiệu New Delhi sẵn sàng trả giá trong thời gian ngắn vì mục tiêu giảm sự phụ thuộc.
Hiện 2 quốc gia vẫn đang thương lượng để tìm một giải pháp hạ nhiệt căng thẳng biên giới, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ song phương. (Bloomberg)
Bạn có thể quan tâm:
TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc: New Delhi 'tăng đòn' trên thương trường | |
Washington kêu gọi New Delhi giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh, Ấn Độ-Trung Quốc đạt thỏa thuận mới |
Châu Âu
EC kêu gọi không để lặp lại cuộc khủng hoảng di cư
Châu Âu không thể để lặp lại cuộc khủng hoảng di cư hồi năm 2015-2016 khi hàng triệu người chạy trốn khỏi chiến tranh, xung đột, khủng bố và đói nghèo để tìm đường tới "lục địa già".
Lời kêu gọi trên được Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas đưa ra ngày 23/7 trong bối cảnh vấn đề di cư vẫn đang gây ra sự chia rẽ chính trị trong Liên minh châu Âu (EU) khi một số nước ở Khu vực tự do đi lại Schengen dựng hàng rào và tái áp đặt biện pháp kiểm soát biên giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị cấp bộ trưởng của 18 nước thành viên EU và Tây Balkan diễn ra ở Vienna (Áo), ông Schinas nhấn mạnh: "Châu Âu không thể thất bại lần nữa trong vấn đề di cư". Theo ông, việc các nước EU trong tuần này đã nhất trí về kế hoạch phục hồi kinh tế quy mô lớn hậu dịch Covid-19 đã mở đường cho việc xúc tiến giải quyết các vấn đề khác, trong đó có vấn đề người nhập cư trái phép. (AFP)
Pháp tăng cường ngân sách cho Lực lượng Không gian và Vũ trụ
Ngày 24/7, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Paris sẽ chi thêm hàng trăm triệu euro cho chương trình Lực lượng Vũ trụ mới.
Trả lời phỏng vấn báo Marseille, bà Parly cho biết Lực lượng Không gian và Vũ trụ mới của Pháp sẽ có khoảng 500 nhân viên vào năm 2025 và bà sẽ chính thức công bố thành lập lực lượng này trong chuyến thăm tới trường đào tạo phi công quân sự ở Salon-en-Provence. Các khoản đầu tư dành cho chương trình sẽ có tổng giá trị 4,3 tỷ euro (5 tỷ USD) trích từ ngân sách chính phủ giai đoạn 2019-2025, cao hơn mức 3,6 tỷ euro được hoạch định trước đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho rằng thế giới đang dần xa rời ý tưởng về một không gian vũ trụ phục vụ lợi ích khoa học chung và đến với ý tưởng về một vũ trụ nơi các quốc gia cạnh tranh vị trí đi đầu toàn cầu.
Bộ trưởng Florence Parly lưu ý thực tế rằng việc các vệ tinh hiện nay đều có thể tiếp cận, phá sóng hoặc phá hủy những vệ tinh khác là điều đáng lo ngại. Pháp cần sớm có những vệ tinh tuần tra cỡ nhỏ để khoanh vùng và nhận diện những tổ chức đứng sau bất kỳ hành động "can thiệp không thân thiện" nào. (AFP)
Bạn có thể quan tâm:
TIN LIÊN QUAN | |
Kinh tế EU sẽ bật tăng gần 6% vào năm 2021 dù giảm tới 8,3% trong năm nay | |
Cuối cùng, vượt khác biệt, Liên minh châu Âu đã đạt đồng thuận gói ngân sách lớn kỷ lục |
Covid-19
Đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ người nghèo lần đầu tiên tăng trong 22 năm
Theo báo cáo năm 2020 về Các mục tiêu Phát triển Bền vững do Vụ Các vấn đề Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (LHQ) công bố đầu tháng này, tỷ lệ người nghèo cùng cực năm 2020 được dự báo sẽ tăng lần đầu tiên kể từ năm 1998, với mức tăng 0,4 điểm phần trăm lên 29,7%. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số thế giới có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày có thể sẽ tăng từ 8,2% trong năm ngoái lên 8,8% trong năm nay.
Số liệu ước tính mới nhất này cao hơn so với dự báo ban đầu 7,7% được đưa ra trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo những phân tích cập nhật, báo cáo của cơ quan LHQ dự báo khoảng 71 triệu người có nguy cơ rơi trở lại tình cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay khi dịch bệnh lây lan và trở thành nguyên nhân gây suy giảm kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái trong năm những năm 30 của thế kỷ XX.
LHQ thừa nhận trong khi thế giới vẫn chưa "vào guồng" để đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 như đã đặt ra trong Các mục tiêu Phát triển Bền vững trước dịch Covid-19, thì chính đại dịch lần này đã kéo thụt lùi những tiến bộ đạt được trong nhiều năm qua. Một trong những tiến bộ đó là tỷ lệ người nghèo đã cải thiện đáng kể khi giảm từ mức 15,7% trong năm 2010 xuống 10% vào năm 2015.
Trong báo cáo, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres còn nêu rõ dịch Covid-19 đang phơi bày và làm trầm trọng thêm các vấn đề bất bình đẳng và những bất công hiện nay. Do dịch bệnh, cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội chưa từng có đang đe dọa tính mạng và sinh kế của con người, đồng thời đặt ra thách thức lớn hơn đối với nỗ lực nhằm đạt được Các mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ. (Kyodo News)
| EU vất vả tìm đồng thuận ngân sách: Đâu chỉ là 'bớt một, thêm hai'? TGVN. Sau một trong những thượng đỉnh kéo dài nhất lịch sử, ngày 20/7, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đồng thuận về ngân sách ... |
| Đáp trả IS, Mỹ không kích tiêu diệt nhiều phần tử thánh chiến tại Somalia TGVN. Bộ Tư lệnh châu Phi của quân đội Mỹ (AFRICOM) ngày 22/7 cho biết một cuộc không kích do Mỹ tiến hành nhằm vào ... |
| Quan chức Anh 'nóng mặt': London - cái tên đẹp - không phải là nơi để Nga rửa tiền TGVN. Ngày 22/7, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps tuyên bố, London, trung tâm tài chính quốc tế nổi tiếng nhất thế giới, không ... |