Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á-Thái Bình Dương
*Quan chức cấp cao Mỹ-Trung sẽ gặp nhau tại Thái Lan: Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/1 thông báo Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ tổ chức một vòng đối thoại mới với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Theo thông cáo trước đó một ngày của bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị sẽ thăm Thái Lan từ ngày 26-29/1. Trong khi đó, Nhà Trắng cũng thông báo và xác nhận ông Sullivan sẽ đến Bangkok trong tuần này và có cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại đây. (Reuters)
*Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đến Bình Nhưỡng: Ngày 26/1, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) đã đến Triều Tiên vào ngày 25/1.
KCNA không cung cấp thêm chi tiết về lộ trình của ông Tôn Vệ Đông, nhưng cho rằng chuyến thăm là động thái đáp lễ chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Myong-ho thăm Trung Quốc hồi tháng 12/2023.
Hồi tháng trước, ông Pak Myong-ho và ông Tôn Vệ Đông đã tiến hành cuộc thảo luận cấp cao tại Bắc Kinh để trao đổi quan điểm về cách thức tăng cường hợp tác song phương nhân dịp 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2024. Trong chuyến thăm, ông Tôn Vệ Đông dự kiến sẽ gặp các quan chức cấp cao của Triều Tiên và có thể có cuộc chào xã giao nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Yonhap)
*Trung Quốc bỏ tù doanh nhân người Anh vì tội làm gián điệp: Trung Quốc ngày 26/1 xác nhận hồi năm 2022, nước này đã kết án 5 năm tù giam đối với doanh nhân người Anh Ian Stones vì tội làm gián điệp. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức thông tin về vụ việc này.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết năm 2022, một tòa án ở Bắc Kinh “đã kết án sơ thẩm bị cáo người Anh... 5 năm tù giam vì tội thu thập trái phép thông tin tình báo cho các tổ chức nước ngoài”. Sau khi kháng cáo, bản án vẫn được giữ nguyên hồi tháng 9 năm ngoái.
Ngày 25/1, nhật báo Wall Street Journal (WSJ) lần đầu tiên đưa tin về vụ việc của ông Stones, dẫn thông tin từ gia đình doanh nhân người Anh khẳng định ông đã mất tích từ năm 2018 sau nhiều năm làm việc ở Trung Quốc. (AFP)
*Mỹ, Hàn Quốc tập trận an ninh mạng lần thứ nhất: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 26/1 thông báo nước này và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận an ninh mạng đầu tiên nhằm củng cố trạng thái chung chống lại các mối đe dọa mang gia tăng.
Cuộc tập trận của Liên minh Mạng, diễn ra từ ngày 15-26/1 tại Bộ Chỉ huy tác chiến mạng của Hàn Quốc, tập trung vào việc đào tạo đặc vụ của cả hai quốc gia với kỹ năng chia sẻ thông tin về các nỗ lực hack và hướng dẫn ứng phó an ninh mạng.
Bộ trên cho hay hai nước sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động an ninh mạng, đào tạo chuyên môn và trao đổi công nghệ để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực mạng.
Seoul và Washington đang tìm cách chống lại hành vi trộm tiền điện tử của Triều Tiên và các hoạt động mạng bất hợp pháp khác nhằm tài trợ cho các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này. (Yonhap)
Châu Âu
*Nga thông báo kết luận điều tra ban đầu về vụ tai nạn máy bay chở tù nhân: Ngày 25/1, Cơ quan Điều tra Liên bang Nga cho hay, trong quá trình khám nghiệm hiện trường vụ rơi chiếc máy bay IL-76 đang chở tù nhân Ukraine để trao đổi, cơ quan này đã phát hiện ra chiếc máy bay này bị tấn công bởi một tên lửa phòng không từ Ukraine.
Thông báo có đoạn: "Kết quả ban đầu của các hoạt động điều tra, bao gồm dữ liệu sơ bộ từ việc khám nghiệm hiện trường vụ việc, cho phép chúng tôi kết luận rằng máy bay đã bị tấn công bởi một tên lửa phòng không từ lãnh thổ Ukraine".
Trước đó, ngày 24/1, Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn rơi một máy bay vận tải quân sự Il-76 của Nga đang chở tù nhân Ukraine để trao đổi trên lãnh thổ vùng Belgorod. Trên máy bay có 74 người, trong đó có 65 binh sĩ Ukraine, tất cả đều thiệt mạng. (TASS)
*Điện Kremlin bác tin Tổng thống Putin có thể nhượng bộ Ukraine: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 26/1 đã bác bỏ thông tin của Bloomberg cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “đang thăm dò” Mỹ về khả năng đàm phán các điều kiện để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, đồng thời có thể cân nhắc từ bỏ yêu cầu Kiev duy trì tính trung lập và không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó, ngày 25/1, Bloomberg dẫn 2 nguồn thạo tin tiết lộ Nga, thông qua các kênh không chính thức, đã nói rõ với Mỹ rằng Moscow sẵn sàng đối thoại về xung đột ở Ukraine, trong đó có cuộc thảo luận tiềm năng về các biện pháp an ninh trong tương lai dành cho Kiev. (Reuters)
*Nga cáo buộc phương Tây đào tạo lính Ukraine tấn công cơ sở hạt nhân: Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin tuyên bố các cơ quan đặc biệt phương Tây đang đào tạo các lực lượng phá hoại của Ukraine để tấn công các cơ sở hạt nhân tại Liên bang Nga.
Người đứng đầu SVR khẳng định các cơ quan đặc biệt phương Tây, trước hết là cơ quan tình báo Anh MI6, đang đào tạo các nhóm trinh sát-phá hoại của Ukraine thực hiện những hoạt động khiêu khích tại các nhà máy điện hạt nhân của Nga.
Người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Aleksander Bortnikov cũng xác nhận và cho biết thông tin về sự dính líu của MI6 được khai thác khi hỏi cung các nhóm phá hoại bị bắt giữ khi đang nhắm đến mục tiêu là nhà máy điện hạt nhân Smolensk và Kursk của Nga.
Chỉ huy lực lượng chống phá hoại của quân đội Nga cũng khẳng định đơn vị này thường xuyên phải đối phó với âm mưu tiếp cận của các nhóm phá hoại Ukraine với Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. (Sputniknews)
Trung Đông – Châu Phi
*Hamas nêu điều kiện ngừng bắn: Ngày 26/1, phong trào Hồi giáo Hamas tuyên bố sẵn sàng thực hiện một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza nếu Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ra phán quyết kêu gọi ngừng bắn và phía Israel hưởng ứng.
Hamas cũng tuyên bố sẽ thả các tù nhân Israel mà phong trào này đang giam giữ nếu phía Israel thả các tù nhân Palestine. Hamas cũng nhấn mạnh Israel phải chấm dứt cuộc bao vây, phong tỏa Gaza 18 năm qua và cho phép mọi hàng hóa viện trợ cần thiết cho công tác cứu trợ và tái thiết vào vùng lãnh thổ này.
Hamas đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh ICJ dự kiến ngày 26/1 phán quyết về vụ Nam Phi kiện Israel, cũng như đề nghị của Nam Phi về việc tòa án can thiệp khẩn cấp để chấm dứt chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza. Tháng 12/2023, Nam Phi đã đệ đơn lên ICJ kiện Israel vi phạm các nghĩa vụ trong Công ước của Liên hợp quốc về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng liên quan đến người Palestine tại Dải Gaza. (Reuters)
*ICJ ra phán quyết về Israel: Ngày 26/1, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết buộc Israel phải thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình để ngăn chặn các hành động diệt chủng ở Dải Gaza.
ICJ nhấn mạnh Israel phải đảm bảo lực lượng của Nhà nước Do Thái không phạm tội diệt chủng và thực hiện các biện pháp để cải thiện tình hình nhân đạo. Israel phải báo cáo với Tòa trong vòng một tháng về những gì họ đang làm để duy trì lệnh trên.
Ngoài ra, ICJ cho rằng ít nhất một số quyền mà Nam Phi yêu cầu trong vụ kiện Israel phạm tội diệt chủng liên quan cuộc chiến của Israel ở Gaza là hợp lý.
Tòa tuyên bố công nhận quyền của người Palestine ở Dải Gaza được bảo vệ khỏi các hành động diệt chủng. ICJ nêu rõ, người Palestine rõ ràng là một nhóm được bảo vệ theo Công ước ngăn ngừa và xử phạt tội ác diệt chủng. (Reuters)
*Giám đốc CIA làm trung gian hòa bình giữa Israel và Hamas: Ngày 15/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch cử Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns lên đường trong những ngày tới nhằm giúp môi giới một thỏa thuận đầy tham vọng giữa Israel và Hamas.
Dự kiến ông Burns sẽ tới châu Âu để gặp gỡ và thảo luận với các lãnh đạo tình báo của Israel và Ai Cập, David Barnea và Abbas Kamel, cũng như Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Jassim Al Thani.
Ai Cập và Qatar là những bên đối thoại chủ chốt giữa Israel và Hamas. Hai nước đã giúp đảm bảo tạm ngừng các hành động thù địch ban đầu và thả con tin hồi tháng 11/2023. Samir Farag, cựu tướng lĩnh và quan chức quốc phòng Ai Cập, cho biết cả Hamas và Israel đều tỏ ra sẵn sàng quay lại bàn đàm phán.
Theo một quan chức Mỹ, cuộc gặp đã được lên kế hoạch giữa các chỉ huy tình báo và Thủ tướng Qatar phản ánh các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas đã tiến triển đến mức nào trong những ngày gần đây. (Washington Post)
Châu Mỹ- Mỹ Latinh
*Brazil điều tra cựu Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia: Cảnh sát liên bang Brazil ngày 25/1 tuyên bố phát động một cuộc điều tra nhằm vào Cơ quan Tình báo quốc gia (ABIN) cũng như người đứng đầu cơ quan này dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro (2019-2022) là ông Alexandre Ramagem.
Trong một tuyên bố, Cảnh sát liên bang Brazil cho biết cơ quan này nghi ngờ có sự tồn tại của một "tổ chức tội phạm" bên trong ABIN chuyên sử dụng các công cụ định vị địa lý từ thiết bị di động để giám sát bất hợp pháp các quan chức và cơ quan công quyền.
Theo báo chí địa phương, dưới sự chỉ đạo của cựu Tổng thống Bolsonaro, ban lãnh đạo ABIN đã sử dụng phần mềm có tên "Frist Mile", do công ty Cognyte (trước đây là Verint) của Israel phát triển để thu thập thông tin một cách bất hợp pháp. Hiện cựu Giám đốc ABIN Alexandre Ramagem đang là Hạ nghị sĩ Liên bang và là ứng cử viên tiềm năng cho chức thị trưởng thành phố Rio de Janeiro trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 10 tới. (AP News)