Vấn đề Hong Kong
Hong Kong, Trung Quốc tuyên bố đáp trả hành động của Mỹ
Ngày 30/6, Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa ra những biện pháp trả đũa về quyết định của Washington bắt đầu loại bỏ vị thế đặc biệt của đặc khu hành chính Hong Kong theo luật Mỹ. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên không nêu rõ các biện pháp Bắc Kinh sẽ đưa ra.
Trước đó, Mỹ đã thông báo chấm dứt việc xuất khẩu quốc phòng có kiểm soát đối với Hong Kong và thực hiện các bước nhằm áp đặt các hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu các công nghệ quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng (các lĩnh vực công nghệ có thể ứng dụng đồng thời cho việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm quân sự và các sản phẩm phục vụ cho mục đích dân sự) của Mỹ sang vùng lãnh thổ này, đồng thời chấm dứt quy chế đãi ngộ đặc biệt dành cho Hong Kong.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định, nếu Mỹ áp đặt các hạn chế này, chính quyền đặc khu cũng sẽ "phối hợp toàn diện" với chính quyền trung ương Bắc Kinh áp đặt các biện pháp đáp trả tương xứng.
Liên quan dự luật an ninh quốc gia Hong Kong mà Quốc hội Trung Quốc đã thông qua sáng nay, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh: "Chúng tôi rất quan ngại về thông tin chưa được xác nhận rằng Bắc Kinh đã thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong. Đây là một bước nguy hiểm. Một khi chúng tôi thấy luật đầy đủ, chúng tôi sẽ đưa ra tuyên bố mới". (Reuters)
Bạn có thể quan tâm:
Trung Quốc-Ấn Độ
Bắc Kinh 'quan ngại' việc Ấn Độ cấm 59 ứng dụng di động Trung Quốc
Hôm 29/6, Ấn Độ đã cấm 59 các ứng dụng di động của Trung Quốc - trong đó có TikTok của Công ty ByteDance và WeChat của Tencent - vì lý do quan ngại an ninh quốc gia và bảo mật, trong một động thái mạnh nhất từ trước tới nay nhằm vào không gian trực tuyến của Bắc Kinh kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng biên giới giữa hai nước trong tháng này.
Phản ứng về động thái trên, Trung Quốc bày tỏ quan ngại, đồng thời cho biết đang tiến hành kiểm tra để đánh giá tình hình.
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng Ấn Độ có trách nhiệm duy trì quyền lợi của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong khi đó, TikTok đã phủ nhận chia sẻ thông tin về những người dùng Ấn Độ với chính quyền Trung Quốc sau khi New Delhi cấm ứng dụng phổ biến này.
Công ty ByteDance điều hành ứng dụng này khẳng định: "TikTok vẫn tuân thủ tất cả quy định an ninh và bảo mật dữ liệu theo luật pháp Ấn Độ và không chia sẻ thông tin của những người dùng của chúng tôi tại Ấn Độ với bất kỳ chính quyền nước ngoài nào, trong đó có chính quyền Trung Quốc". (Reuters, AFP)
Bạn có thể quan tâm:
Mỹ-Iran
Interpol lên tiếng về yêu cầu hỗ trợ bắt giữ Tổng thống Trump của Iran
Ngày 29/6, Iran tuyên bố đã phát lệnh bắt giữ đối với 36 người bị cáo buộc có liên quan đến vụ sát hại tướng Qassem Soleimani, trong đó có Tổng thống Donald Trump cùng các quan chức cả quân sự và dân sự của Mỹ. Tehran cũng đã gửi đề nghị cho Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ra “thông báo đỏ” đối với những người này.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Interpol nói với RIA Novosti của Nga rằng, nếu tổ chức này nhận được đề nghị như vậy, họ cũng không thể đáp ứng bởi quy tắc của Interpol không cho phép thực hiện “bất kỳ sự can thiệp hoặc hành động nào mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc chủng tộc”.
Interpol là tổ chức hoạt động với vai trò như một cơ quan liên lạc giữa các tổ chức thực thi pháp luật ở các quốc gia thành viên, giúp họ hợp tác với nhau trong việc giải quyết các vụ án và bắt giữ các nghi phạm chạy trốn pháp luật. Interpol cố gắng duy trì sự trung lập về chính trị.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook cho rằng, đề nghị bắt giữ ông Trump chỉ là hình thức “tuyên truyền nguy hiểm” của Tehran. (RT)
Bạn có thể quan tâm:
Venzuela-EU
EU và Venezuela đáp trả lẫn nhau, căng thẳng gia tăng
Ngày 30/6, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã lên án việc trục xuất Đại sứ EU khỏi Venezuela theo lệnh của Tổng thống Nicolas Maduro, đồng thời cho biết khối này sẽ có hành động đáp trả.
Ông Borrell nêu rõ: "Chúng tôi lên án và bác bỏ việc trục xuất Đại sứ EU tại Caracas. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả cần thiết như thông thường'.
Trước đó, ngày 29/6, vài giờ sau khi EU thông báo quyết định trừng phạt thêm 11 quan chức Venezuela, Tổng thống Maduro đã ra lệnh trục xuất Đại sứ EU tại Caracas, bà Isabel Brilhante Pedrosa. Bà Pedrosa có 72 giờ thu xếp để rời khỏi Venezuela. (AFP)
APEC 2021
New Zealand lên kế hoạch tổ chức APEC 2021 trực tuyến
Ngày 30/6, New Zealand thông báo, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2021 (APEC 2021), ban đầu dự kiến được tổ chức ở Auckland, sẽ diễn ra theo hình thức Hội nghị cấp cao trực tuyến do những hạn chế biên giới được áp đặt trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong một thông báo, Ngoại trưởng nước này Winston Peters cho biết, mặc dù các cuộc họp liên quan tới Hội nghị cấp cao nằm trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế khu vực này không nằm trong chương trình cho tới tháng 11/2021 song Wellington đã quyết định xem xét liệu cách thức tiến hành các cuộc họp này ra sao theo những mục đích an ninh và kế hoạch đặt ra.
Ông Peters nêu rõ: "Với tình hình toàn cầu hiện tại, việc lên kế hoạch có một lượng lớn khách cấp cao tới New Zealand từ cuối năm 2020 trở đi là không thực tế. Không cần thiết phải đợi thêm nhiều tháng cho tới khi một bức tranh rõ ràng hơn của sự lây lan virus nổi lên".
Quan chức cấp cao này cho biết thêm: "Nếu chúng tôi đích thân phải chủ trì một APEC, chúng tôi sẽ phải chứng kiến hàng nghìn người tới New Zealand từ cuối năm 2020 trở đi, một số từ những điểm nóng Covid-19. Chúng tôi đơn giản không thể đảm bảo những người này sẽ có thể nhập cảnh New Zealand mà không bị cách ly". (RNZ)
Bạn có thể quan tâm:
Dịch Covid-19
Ấn Độ bật đèn xanh thử nghiệm vaccine ngừa SARS-CoV-2 trên người
Ngày 29/6, công ty dược phẩm Bharat Biotech thông báo, Cơ quan Kiểm soát Thuốc của Ấn Độ đã thông qua đơn xin phép của công ty tiến hành một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II của vaccine Covaxin vốn được phát triển cùng Viện Virus học Quốc gia thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ. Các thử nghiệm lâm sàng trên người dự kiến bắt đầu trên khắp quốc gia Nam Á này vào tháng 7.
Bharat Biotech sẽ trở thành ứng viên trong nước đầu tiên được cơ quan quản lý thuốc của Chính phủ bật đèn xanh trong bối cảnh các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này tăng cao với hơn 500.000 ca.
Hiện vẫn chưa có vaccine nào trên thế giới được thông qua cho mục đích thương mại để ngăn ngừa bệnh Covid-19 song hàng chục loại vaccine từ hơn 100 ứng viên trên toàn cầu đang được thử nghiệm trên người. (Reuters)
Australia phong tỏa một số khu vực ở thành phố Melbourne
Ngày 30/6, chính quyền bang Victoria của Australia đã buộc phải tái áp đặt lệnh phong tỏa một loạt các điểm nóng trong đại dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.
Bắt đầu từ đêm 1/7, cư dân tại 10 khu vực ở thành phố Melbourne sẽ bị hạn chế ra khỏi nhà, ngoại trừ vì các mục đích thiết yếu như đi làm, đi học, chăm sóc y tế, tập thể dục, hoặc đi mua thức ăn và các nhu yếu phẩm khác.
Thông báo được đưa ra sau khi bang Victoria ghi nhận 64 trường hợp mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ 14 liên tiếp số ca nhiễm virus tăng hai con số ở bang này.
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews tuyên bố việc áp dụng các biện pháp đặc biệt là cần thiết để ngăn chặn sự gia tăng các ca bệnh. Ông cũng yêu cầu người dân tự giác tuân thủ và cần đi xét nghiệm ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Cảnh sát bang sẽ tuần tra các khu vực bị phong tỏa và phạt tiền ngay tại chỗ những ai đi ra ngoài mà không có lý do chính đáng.
Ông Andrews cũng cho biết đã yêu cầu các chuyến bay quốc tế chuyển hướng sang các nơi khác và không được hạ cánh ở Melbourne trong 2 tuần tới, nhằm giảm số lượng người cần được cách ly tại bang. (The Guardian)
Tính đến nay, thế giới ghi nhận 10.429.924 người mắc Covid-19, trong đó có 508.637 trường hợp tử vong và 5.689.224 ca bình phục. (Worldometers) |