📞

Tin thế giới ngày 31/5: Ông Donald Trump bị kết án 34 tội danh, Nga phản ứng gay gắt về phát biểu của Tổng thư ký NATO, Houthi tấn công tàu sân bay Mỹ

Nhất Phong 20:57 | 31/05/2024
Nga cảnh báo sẽ đáp trả "bất đối xứng" nếu Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công, Hàn Quốc cảnh báo cứng rắn đối với Triều Tiên, Hamas sẵn sàng cho một "thỏa thuận đầy đủ" với Israel… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tòa án Manhattan ở New York, Mỹ ngày 30/5 đã kết án cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên Tổng thống Mỹ tội hình sự trong một vụ việc từ năm 2016. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga – Ukraine

*Nga củng cố tuyến tấn công gần Kharkov: Quan chức được Nga bổ nhiệm ở Kharkov, ông Vitaly Ganchev, ngày 31/5 cho biết các lực lượng Nga đã củng cố vị trí tại khu vực Strilcha-Lyptsi thuộc khu vực Kharkov của Ukraine, kiểm soát tuyến phòng thủ của Ukraine bằng hỏa lực.

Hôm 30/5, chỉ huy hàng đầu của Ukraine cho biết Nga đang tăng cường lực lượng gần phần phía Bắc khu vực Kharkov, nhưng vẫn thiếu quân số để tiến hành một cuộc tấn công lớn trong khu vực.

Nga đã mở một mặt trận mới trong cuộc chiến Ukraine bằng cách nhanh chóng vượt qua biên giới vào khu vực Kharkov vào đầu tháng 5 với các nhóm đơn vị di động nhỏ, buộc Ukraine phải điều quân từ các khu vực khác.

Ông Ganchev tiết lộ với RIA rằng lực lượng Nga đã chiếm khoảng 13 khu định cư ở Kharkov trong tháng 5 và khoảng 300 km2. (TASS)

*Ukraine tấn công Crimea phá hủy 2 tàu quân sự của Nga: Ngày 30/5, Cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine cho hay lực lượng của họ đã sử dụng xuồng không người lái (UUV) để phá hủy 2 tàu tuần tra của Nga ngoài khơi Crimea.

Về phần mình, Moscow trước đó cho hay họ đã phá hủy 2 UUV của Ukraine “hướng tới Crimea” và chặn 13 máy bay không người lái ở khu vực phía Nam Krasnodar và trên Biển Đen gần Crimea. Nga cũng cho biết họ đã bắn hạ 8 tên lửa ATACMS chiến thuật trên Biển Azov, gần Crimea.

Cùng ngày, Ukraine cáo buộc một cuộc pháo kích của Nga đã giết chết một dân thường tại ngôi làng ở Kharkov và một người khác ở vùng Kherson. Trong khi đó, phía Nga cáo buộc cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào một ô tô chở nông dân đã khiến một người thiệt mạng và 9 người khác bị thương ở khu vực biên giới Belgorod. (AFP)

*Nga cảnh báo đáp trả "bất đối xứng" nếu Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công: Hãng thông tấn RIA dẫn lời Chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Andrei Kartapolov ngày 31/5 tuyên bố Nga sẽ đáp trả "bất ngờ" trước các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Kiev.

Ông Kartapolov nhấn mạnh quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine tấn công tên lửa hạn chế vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Trước đó, hôm 30/5, các quan chức Mỹ cho biết ông Biden đã cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng đạn dược của Mỹ, cho mục đích phản công ở Kharkov. (Reuters)

Châu Á – Thái Bình Dương

*Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông: Trong cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân ngày 31/5, bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder cho biết thêm, ông Austin cũng bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự "khiêu khích" của Trung Quốc gần khu vực eo biển Đài Loan, tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và “cam kết thực hiện chính sách một Trung Quốc”.

Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho hay ông Đổng Quân đã cảnh báo ông Austin rằng Mỹ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. (AFP)

*Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thăm Trung Quốc: Ngày 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh thông báo, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 3-5/6.

Chuyến thăm của ông Fidan diễn ra theo lời mời của ông Vương Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. (THX)

*Hàn Quốc cảnh báo cứng rắn đối với Triều Tiên: Ngày 31/5, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cảnh báo các biện pháp cứng rắn "không thể chống chịu được" sẽ được áp dụng đối với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện những hành động khiêu khích "phi lý".

Trước đó, Triều Tiên đã thả hàng trăm quả bóng bay lớn mang rác và chất thải vào Hàn Quốc, đồng thời thực hiện các hành động gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) ở vùng biển gần các đảo biên giới phía Tây Bắc của Hàn Quốc trong 3 ngày liên tiếp cho đến ngày 31/5. Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã phóng một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm 30/5. (Yonhap)

*Thủ tướng Pakistan công du Trung Quốc: Ngày 31/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif sẽ đến Bắc Kinh và gặp Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình vào tuần tới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nêu rõ, ông Sharif sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 4-8/6 theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Lý Cường. Bà Mao cho biết thêm, trong chuyến thăm, Thủ tướng Sharif cũng sẽ đến thăm các tỉnh Quảng Đông và Thiểm Tây.

Bà Mao nhấn mạnh: “Trung Quốc và Pakistan là đối tác chiến lược và những người bạn trung thành... Tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Pakistan đã được thử thách qua thời gian và vững chắc như đá, vững vàng như núi”. Theo bà, Trung Quốc và Pakistan đã tiến hành hoạt động giao lưu cấp cao thân thiết trong những năm gần đây. (AFP)

*Trung Quốc khẳng định "không cung cấp vũ khí cho bên nào" trong xung đột ở Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tuyên bố với Mỹ rằng Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh luôn giữ "lập trường khách quan".

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu rõ: "Chúng tôi tôn trọng cam kết không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột này. Theo luật pháp và quy định, chúng tôi đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu các mặt hàng quân sự".

Phát biểu trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân tại Singapore, bên lề Đối thoại Shangri-La. (Reuters)

*Tổng thống Belarus lần đầu tiên thăm Mông Cổ: Bộ Ngoại giao Mông Cổ chiều 30/5 thông tin, Tổng thống Belarus Lukashenko sẽ thăm nước này từ ngày 1 - 4/6 theo lời mời của Tổng thống Khurelsukh. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Belarus tới Mông Cổ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Lukashenko sẽ hội đàm chính thức với Tổng thống nước chủ nhà Khurelsukh để thảo luận các vấn đề như tăng cường quan hệ song phương và mở rộng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Mông Cổ và Belarus thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 1/1992. (CCTV)

Châu Âu

*Nga phản ứng gay gắt trước phát biểu của Tổng thư ký NATO: Ngày 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng bình luận của Tổng thư kýTổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg liên quan đến vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine cho thấy chúng đã được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga lâu nay.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng không có hạn chế nào trong việc Kiev sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh và một số vũ khí khác do các nước NATO cung cấp. Thậm chí, ông Stoltenberg còn muốn yêu cầu các đồng minh cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine tối thiểu 40 tỷ euro mỗi năm. (Sputniknews)

*Phi công Nga và Belarus thị uy sức mạnh trên không: Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 31/5 đưa tin các phi công của máy bay ném bom chiến đấu chủ lực của Nga đang tiến hành các bài diễn tập trên không với các đối tác Belarus.

TASS dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho hay, cuộc diễn tập từ ngày 27-31/5 có sự tham gia của các phi hành đoàn máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM, máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 và trực thăng quân sự Mi-24, Mi-8 của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Các phi hành đoàn đang tiến hành các bài tập về cách sử dụng thực tế vũ khí hàng không chống lại các mục tiêu cụ thể". Belarus, một đồng minh thân cận của Moscow, đã cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng lãnh thổ cho chiến dịch đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022. (TASS)

*EU bỏ lỡ cơ hội thế kỷ trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo: Theo bài viết trên báo Die Welt của Đức, trong lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), Liên minh châu Âu (EU) có tầm nhìn lớn và muốn thúc đẩy thông qua việc ban hành các hướng dẫn và quy định. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây cho thấy Brussels đang thất bại trong việc huy động vốn đầu tư cho các công nghệ của tương lai.

Tầm quan trọng của AI dường như đã được người châu Âu nhận ra từ rất lâu trước khi phần mềm ChatGPT ra mắt. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới nhất, các khu vực khác của thế giới, đặc biệt là Mỹ hiện đang bỏ xa châu Âu trong lĩnh vực này. (AP)

*Moscow đáp trả việc Ba Lan hạn chế việc đi lại của các nhà ngoại giao Nga: Ngày 30/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova cho biết Đại sứ quán Nga tại Ba Lan đã nhận được công hàm của Bộ Ngoại giao Ba Lan về việc hạn chế đi lại của các nhà ngoại giao Nga tại Ba Lan từ ngày 1/6, và không giải thích lý do.

Đáp lại, Nga sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả Đại sứ quán Ba Lan tại Nga và Tổng lãnh sự quán tại Irkutsk.

Trước đó, Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski tuyên bố rằng tất cả các nhà ngoại giao Nga tại Ba Lan cần phải xin phép Ba Lan trước khi di chuyển trên đất Ba Lan. (CCTV)

*Nga tiếp tục giam giữ nhà báo Mỹ gốc Nga Kurmasheva: Ngày 31/5, một tòa án Nga đã gia hạn thời gian đến tháng 8 việc giam giữ trước khi xét xử nhà báo Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva, người phải đối mặt với 15 năm tù vì tội truyền bá “thông tin sai lệch”.

Rumiya Mubarakzanova - người phát ngôn của tòa án - cho hay: “Tòa đã gia hạn thời gian giam giữ ban đầu đến ngày 5/8”. Kurmasheva là nhà báo của Đài châu Âu Tự do/Đài Tự do (RFE/RL) do Mỹ tài trợ, đã bị bắt giam trước khi xét xử kể từ tháng 10/2023. (AFP)

*Đức cam kết gói viện trợ vũ khí 500 triệu euro cho Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 500 triệu euro (542 triệu USD) cho Ukraine trong chuyến thăm không báo trước tới thành phố cảng Odessa ngày 30/5.

Đây là chuyến thăm thứ 3 của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius tới Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch đặc biệt năm 2022.

Gói viện trợ trên bao gồm đạn dược cho hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T-SLM và IRIS-T-SLS tầm ngắn. Cho đến nay, Đức vẫn là nước cung cấp vũ khí lớn thứ 2 cho Ukraine sau Mỹ. (DW)

Châu Phi – Trung Đông

*Houthi tấn công tàu sân bay Mỹ ở Biển Đỏ: Ngày 31/5, người phát ngôn của lực lượng Houthi Yahya Saree cho biết, lực lượng này đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa vào tàu sân bay Eisenhower của Mỹ ở Biển Đỏ để đáp trả các cuộc tấn công của Mỹ-Anh vào các tỉnh Sanaa, Hodeidah và Taiz của Yemen.

Trước đó, Mỹ và Anh đã tấn công 13 mục tiêu của Houthi tại một số địa điểm ở Yemen ngày 30/5 để đáp trả sự gia tăng các cuộc tấn công gần đây của nhóm dân quân này vào các tàu ở Biển Đỏ và Vịnh Aden.

Đây là lần thứ năm quân đội Mỹ và Anh tiến hành một chiến dịch phối hợp chống lại Houthi kể từ ngày 12/1.

Lực lượng Houthi trong những tháng gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, với mục đích là yêu cầu Israel chấm dứt chiến tranh ở Gaza.

Theo Cục Hàng hải Mỹ, Houthi đã tiến hành hơn 50 cuộc tấn công vào tàu thuyền, bắt giữ một tàu và đánh chìm một tàu khác kể từ tháng 11/2023. (Al Jazeera)

*Xung đột Hamas - Israel: Hamas sẵn sàng đạt được "thỏa thuận đầy đủ": Ngày 30/5, Hamas tuyên bố rằng lực lượng này đã thông báo cho các nhà trung gian hòa giải về việc sẵn sàng đạt được một “thỏa thuận đầy đủ”, bao gồm một thỏa thuận trao đổi con tin-tù nhân toàn diện, nếu Israel dừng cuộc chiến ở Dải Gaza.

Trong tuyên bố, Hamas khẳng định họ đã thể hiện sự linh hoạt và tích cực trong việc đáp lại những nỗ lực của các nhà trung gian hòa giải trong tất cả các vòng đàm phán gián tiếp trước đó, nhưng Israel đã sử dụng các cuộc đàm phán này như một vỏ bọc cho việc tiếp tục chống lại người dân Palestine. Hamas đề cập tới các hoạt động quân sự của Israel ở Rafah và việc chiếm giữ cửa khẩu quan trọng làm bằng chứng. (Al Jazeera)

Châu Mỹ- Mỹ Latinh

*Tổng thống Mỹ sắp thăm Pháp: Theo thông báo của Nhà Trắng, từ ngày 5-9/6 tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du tới Normandy và Paris, Pháp trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước.

Dự kiến vào ngày 6/6, Tổng thống Biden cùng phu nhân sẽ tham dự buổi lễ kỷ niệm 80 năm quân đồng minh đổ bộ lên Normandy, qua đó mở đường cho công cuộc giải phóng nước Pháp khỏi ách phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tiếp đó, vào ngày 8/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân sẽ chủ trì đón Tổng thống Biden và Phu nhân thăm cấp nhà nước. Chuyến thăm thể hiện quan hệ bền vững và toàn diện giữa Mỹ với đồng minh lâu đời nhất của mình. (AFP)

*Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị kết án 34 tội danh: Bồi thẩm đoàn ở Tòa án Manhattan (New York) ngày 30/5 kết luận cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phạm toàn bộ 34 tội danh, bao gồm làm giả hồ sơ kinh doanh trong vụ chi tiền bịt miệng diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels, nhằm che giấu các cáo buộc trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Ông Trump là cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị kết tội hình sự.

Chánh án Juan Merchan của toà Manhattan đã bác bỏ yêu cầu của cựu Tổng thống Trump đòi xóa cáo trạng, đồng thời lên lịch tuyên án vào ngày 11/7 tới, chỉ 4 ngày trước khi ông chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa. (Reuters)