Nga-Ukraine
Ukraine chấm dứt bản ghi nhớ hợp tác chống khủng bố với Nga
Bộ phận báo chí của nội các Ukraine ngày 8/7 thông báo, Kiev đã chấm dứt bản ghi nhớ về hợp tác chống khủng bố giữa chính phủ 2 nước Ukraine và Nga.
Theo thông báo, quyết định trên được đưa ra tại một cuộc họp chính phủ cùng ngày, viện dẫn rằng sự hợp tác giữa các cơ quan đặc biệt của Ukraine và Nga không đáp ứng các lợi ích quốc gia của Kiev trong bối cảnh hiện nay. Bản ghi nhớ này được ký giữa hai nước vào ngày 12/7/2010 ở thành phố Yalta, miền Nam Ukraine.
Mối quan hệ giữa Kiev và Moscow bắt đầu xấu đi vào năm 2014 do vấn đề Crimea và cuộc xung đột vũ trang ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Hơn 6 năm qua, hai nước đã đình chỉ hay chấm dứt hàng chục thỏa thuận giữa hai bên. (Tân Hoa xã)
Bạn có thể quan tâm:
Hàn-Mỹ-Triều Tiên
Hàn Quốc yêu cầu Đặc phái viên Mỹ tìm cách khôi phục đàm phán với Triều Tiên
Ngày 9/7, Hàn Quốc đã yêu cầu Đặc phái viên hạt nhân của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun tìm cách khôi phục ngoại giao hạt nhân đang bị đình trệ với Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã từ chối nối lại đàm phán vì những chính sách thù địch của Washington.
Theo thông cáo của Nhà Xanh, trong cuộc gặp với Cố vấn an ninh quốc gia mới được bổ nhiệm Suh Hoon, ông Biegun đã nêu bật tầm quan trọng của việc nối lại đàm với giữa Washington với Bình Nhưỡng, và nhất trí duy trì hợp tác chặt chẽ với Seoul. Về phần mình, ông Suh đánh giá cao các nỗ lực của ông Biegun nhằm tái khởi động ngoại giao Mỹ - Triều và yêu cầu ông tiếp tục các nỗ lực này.
Sau hội đàm với các quan chức khác của Hàn Quốc vào ngày 8/7, ông Biegun đề nghị Washington tiếp tục mở các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng. (AP)
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Hàn Quốc để tới Nhật Bản chiều 9/7 sau khi bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ đối với hợp tác liên Triều và tái khẳng định sự sẵn sàng nối lại đối thoại với Triều Tiên.
Ông Biegun và phái đoàn đã rời căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, phía Nam Seoul, vào khoảng 4 giờ chiều cùng ngày. Tại Tokyo, ông dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với các quan chức Nhật Bản trước khi bay trở lại Mỹ vào ngày 10/7.
Chuyến đi của nhà ngoại giao số 2 của Mỹ, người đóng vai trò là Đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, diễn ra trong bối cảnh bế tắc kéo dài trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ-Triều và quan hệ liên Triều lạnh giá sau khi Bình Nhưỡng cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều.
Ngoài việc bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đối với hợp tác liên Triều và tái khẳng định rằng Mỹ sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên bất cứ lúc nào, ông Biegun cũng nhấn mạnh liên minh vững chắc giữa Washington và Seoul.
Trước khi đến Tokyo, ông Biegun đã gặp Suh Hoon, Cố vấn An ninh Quốc gia mới của Seoul, thảo luận các cách thức để thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và chia sẻ sự cần thiết phải nối lại đối thoại hạt nhân. Ông Biegun đã có cuộc hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Hàn Quốc Cho Sei-young và ông Lee Do-hoon, Đặc phái viên của Hàn Quốc về các vấn đề Triều Tiên và cuộc gặp ngắn với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha. (Yonhap)
Thị trưởng Seoul mất tích
Ngày 9/7, cảnh sát Hàn Quốc cho biết, thị trưởng thủ đô Seoul của Hàn Quốc, ông Park Won-sun đã được thông báo mất tích và chiến dịch tìm kiếm đang diễn ra.
Theo cảnh sát, lực lượng chức năng đang tìm kiếm ông Park Won-sun tại một khu vực ở Seoul, nơi tín hiệu điện thoại di động được phát hiện lần cuối. Con gái ông Park Won-sun đã gọi điện báo cảnh sát trước đó cùng ngày rằng cha cô đã mất tích.
Văn phòng của ông Park Won-sun cho hay, ông đã không đi làm ngày 9/7. (AP)
Bạn có thể quan tâm:
Vấn đề Hong Kong
Australia cảnh báo công dân về nguy cơ bị bắt giữ tại Hong Kong và tuyên bố đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với Đặc khu Hành chính Hong Kong và chính quyền Trung Quốc.
Ngày 9/7, Australia đã cảnh báo công dân nước này tại Đặc khu Hành chính Hong Kong có nguy cơ bị bắt giữ theo luật an ninh "được xác định mơ hồ" mà chính quyền trung ương Trung Quốc đã áp đặt tại vùng lãnh thổ này gần đây.
Trong một khuyến cáo du lịch được cập nhật chắc chắn chọc giận Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Australia hối thúc các công dân nước này "cân nhắc lại nhu cầu của bản thân ở lại Hong Kong hay không" nếu họ quan ngại về luật mới.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố gia hạn thị thực thêm 5 năm cho khoảng 10.000 người Hong Kong đang sinh sống tại nước này, đồng thời người dân Hong Kong đang du học hoặc sinh sống theo diện thị thực lao động tại Australia có thể được xem xét cấp quy chế cư trú vĩnh viễn. (AFP)
Trong thông báo khác, Thủ tướng Scott Morrison cho biết luật an ninh quốc gia mới áp dụng cho Hong Kong của Trung Quốc thể hiện "một sự thay đổi tình huống cơ bản" đối với nhiều chính phủ trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, ông Morrison cũng nêu quan ngại rằng do hậu quả của luật an ninh mới, nhiều người dân Hong Kong sẽ tìm cách chuyển ra nước ngoài sinh sống, thay vì lựa chọn ở lại.
Sau khi bàn bạc và thống nhất, Ủy ban Nội các An ninh Australia nhất trí đi đến quyết định nói trên và đã chính thức thông báo với chính quyền Hong Kong và Trung Quốc. (AFP)
Trung Quốc cảnh báo đáp trả Australia về vấn đề Hong Kong
Sau thông báo của chính phủ Australia, Trung Quốc đã lên án quyết định của Australia cung cấp nơi trú ngụ cho hàng nghìn công dân Đặc khu hành chính Hong Kong và đình chỉ hiệp định dẫn độ với thành phố này. Bắc Kinh cho rằng đây là "sự can thiệp trắng trợn" vào các công việc nội bộ của nước này.
Trong một thông báo, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra nhấn mạnh: "Trung Quốc vô cùng lấy làm tiếc và mạnh mẽ phản đối những cáo buộc vô căn cứ và các biện pháp chính phủ Australia thông báo về vấn đề Hong Kong".
Đồng thời, Trung Quốc cảnh báo rằng, nước này bảo lưu quyền thực hiện thêm hành động để đáp trả việc Australia đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong.
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh Bắc Kinh kêu gọi Australia thay đổi chủ trương và ngừng can thiệp các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. (Reuters/AFP)
New Zealand xem xét lại quan hệ với Hong Kong
Nối gót Australia, ngày 9/7, New Zealand cho biết, nước này đang xem xét lại các thiết lập quan hệ với Hong Kong, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về dẫn độ, kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng chiến lược và khuyến cáo du lịch.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Winston Peters nhấn mạnh: "Quyết định của Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong đã thay đổi căn bản môi trường các cam kết quốc tế ở đây".
Tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi quốc gia láng giềng của New Zealand là Australia đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong. (Reuters)
Bạn có thể quan tâm:
Mưa lũ tại Nhật Bản
Mưa lũ vẫn tiếp tục hoành hành, Nhật sơ tán 230.000 người và phát đi cảnh báo mới
Ngày 9/7, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo về nguy cơ lũ lụt, lở đất sắp tới do mưa lớn vẫn tiếp tục xảy ra sau khi đã cướp đi hơn 60 sinh mạng và làm mất tích 13 người. Theo truyền thông địa phương, hầu hết thương vong được ghi nhận tại làng Kuma, tỉnh Kumamoto, nằm ở trung tâm đảo Kyushu.
Tình trạng mưa lũ nghiêm trọng ở Nhật Bản cũng khiến người dân ở một số khu vực bị cô lập và cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đang yêu cầu người dân cảnh giác vì nguy cơ sạt lở đất và mực nước ở 59 con sông đang dâng cao. Kể từ ngày 8/7, 123 trận lở đất đã xảy ra ở 18 khu vực.
Các tỉnh Fukuoka và Oita đã bị ngập lụt diện rộng, trong khi đó chính quyền các tỉnh Nagano và Gifu đã phát đi cảnh báo cao nhất đối với mưa lũ. 230.000 cư dân trên đảo Kyushu phía Tây Nam đã được phát lệnh sơ tán sau các cảnh báo về lũ lụt và lở đất do mưa lớn kéo dài. (Sputnil/NHK/Kyodo)
Bạn có thể quan tâm:
Căng thẳng Mỹ-Iran
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Triều Tiên và Iran
Ngày 8/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper một lần nữa mô tả Triều Tiên và Iran là “những nhà nước bất hảo” khi tiến hành các hành vi gây hấn.
Trong một thông điệp, ông Esper đã nêu bật những thành quả đạt được của Mỹ như đánh bại khủng bố và bảo vệ tự do hàng hải tại các vùng biển tranh chấp, nhấn mạnh rằng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng “ngăn chặn các hành vi gây hấn từ các nhà nước bất hảo như Triều Tiên, Iran, và các đối thủ Nga, Trung Quốc".
Trước đó, Bộ trưởng Esper từng dùng từ “bất hảo” để ám chỉ Triều Tiên và Iran hồi tháng 12/2019 và tháng 2/2020. (AFP)
Iran cáo buộc Mỹ đang tìm cách mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran
Ngày 9/7, Iran phủ nhận việc các lực lượng Mỹ đã thu giữ một tàu chở vũ khí của nước này chuyển tới cho phiến quân Houthi ở Yemen, nhấn mạnh rằng cáo buộc đó nhằm mở rộng lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Tehran.
Đài truyền hình quốc gia Iran dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Abbas Mousavi khẳng định: "Lừa dối, những cáo buộc và hành động gieo rắc lòng căm thù là yếu tố then chốt trong chính sách ngoại giao của Mỹ, đặc biệt là chính quyền hiện nay". Ông nói thêm: "Những bình luận của Ngoại trưởng Mỹ xuất phát từ cách tiếp cận này. Người Mỹ đang tìm cớ để tiếp tục gây sức ép tối đa lên Iran, thực hiện ý đồ hiểm ác của họ và mở rộng lệnh cấm vũ khí đối với Iran".
Hôm 8/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ và các lực lượng liên minh đã ngăn chặn một tàu ở vùng duyên hải của Yemen hôm 29/6 khi tàu này đang chuyển vũ khí tới cho phiến quân Houthi. (Reuters)
Bạn có thể quan tâm:
Dịch Covid-19
Số ca mắc Covid-19 ở Indonesia vượt quá 70.000
Ngày 9/7, Indonesia đã ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong ngày cao nhất, với 2.657 ca, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên thành 70.736 người.
Quan chức Bộ Y tế Indonesia, ông Achmad Yurianto cho biết nước này cùng ngày cũng có thêm 58 ca tử vong do mắc Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên thành 3.417 người. (Reuters)
Thái Lan tăng cường tìm kiếm lao động di cư bất hợp pháp để phòng chống Covid-19
Người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin ngày 9/7 cho biết mặc dù không có ca lây nhiễm nào mới ở địa phương trong 45 ngày liên tiếp, nhưng không thể giả định là Thái Lan đã 100% không còn Covid-19.
Theo người phát ngôn, các lao động nước ngoài đang trở lại Thái Lan vì giai đoạn 5 nới lỏng các biện pháp phong tỏa đang tạo ra nhu cầu về lao động. Nhà chức trách an ninh đã thừa nhận rằng họ không thể hoàn toàn đóng cửa biên giới trước những người di cư bất hợp pháp.
Do đó, họ sẽ thành lập thêm nhiềm trạm kiểm soát trên những tuyến đường chính tới các thành phố để phát hiện lao động di cư bất hợp pháp. Ngoài ra, khoảng 1 triệu tình nguyện viên y tế làng xã cũng sẽ để mắt tới những người lạ vì họ có thể là người di cư bất hợp pháp.
Tính đến ngày 9/7, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.202 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.085 trường hợp đã bình phục và 58 bệnh nhân tử vong. Những ca nhiễm mới được công bố trong 45 ngày qua đều là công dân Thái Lan hồi hương từ nước ngoài và đã được cách ly. (Bangkok Post)
Số ca mắc Covid-19 mới ở Tokyo tăng cao kỷ lục, Nhật Bản tuyên bố không tái áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp
Ngày 9/7, khi được hỏi về số ca mắc Covid-19 tính theo ngày tăng cao ở thủ đô Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định không cần tái áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Trả lời báo giới, ông Suga cho biết hiện đã ghi nhận thêm 224 ca Covid-19 ở Tokyo trong ngày 9/7 - đây là con số cao nhất các ca mắc Covid-19 mới ở thủ đô kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Như vậy, tính đến ngày 9/7, tổng số ca mắc Covid-19 ở Tokyo đã tăng lên thành 7.272 người.
Ông Suga cho biết thêm khoảng 80% số ca nhiễm virus mới trong ngày 9/7 ở độ tuổi 30 hoặc trẻ hơn, nhấn mạnh rằng không có khả năng giảm nguy cơ lây nhiễm virus xuống mức 0 sau khi Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hồi tháng 5. (Reuters)