Cuộc họp lần thứ 18 Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) trong năm 2020 diễn ra theo hình thức trực tuyến. |
Việt Nam chuyển giao chức Chủ tịch CPR cho Brunei
Ngày 8/12, tại cuộc họp lần thứ 18 Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN(CPR) trong năm 2020 diễn ra theo hình thức trực tuyến, Việt Nam đã chuyển giao chức Chủ tịch CPR cho Brunei. Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi đã tham dự sự kiện này.
Phát biểu tại lễ chuyển giao, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh khu vực phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cũng đồng thời đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp tích cực, hiệu quả của Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại ASEAN, trên cương vị Chủ tịch CPR trong điều phối các nỗ lực chung của CPR nhằm chuyển đổi, thích nghi với hoàn cảnh mới, sớm đưa vào vận hành các phương thức họp trực tuyến, đảm bảo tiến độ triển khai tốt các nhiệm vụ và hoạt động của Ủy ban.
Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, CPR đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, hỗ trợ hiệu quả Hội đồng Cộng đồng ASEAN và các bộ ngành chuyên ngành của ASEAN, đặc biệt qua việc thúc đẩy hợp tác liên trụ cột, mở rộng và củng cố hợp tác với các đối tác bên ngoài cũng như hỗ trợ tăng cường năng lực thể chế của Ban Thư ký ASEAN.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đề cao vai trò của CPR trong quá trình đàm phán và hoàn tất một khối lượng lớn các văn kiện quan trọng của ASEAN với đối tác bên ngoài như các Kế hoạch hành động và Tuyên bố cấp cao của ASEAN trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, triển khai kiểm điểm Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời phối hợp đóng góp và rà soát giữa kỳ thực hiện các Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) và việc thực hiện Hiến chương ASEAN.
Tổng Thư ký Lim Jock Hoi bày tỏ mong muốn CPR sẽ tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, MPAC 2025, Sáng kiến hội nhập (IAI) giai đoạn IV, thúc đẩy hợp tác liên trụ cột trong ASEAN và tiếp tục tích cực triển khai các biện pháp phục hồi tổng thể sau tác động của đại dịch Covid-19.
Về phần mình, Đại sứ Trần Đức Bình - Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại ASEAN cảm ơn các Phái đoàn Thường trực tại ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và Ban Thư ký ASEAN đã tích cực hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai và hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ, hoạt động của CPR trong một năm 2020 đầy khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Đại sứ Trần Đức Bình cũng chúc mừng và bày tỏ tin tưởng Phái đoàn Brunei, trên cương vị Chủ tịch CPR năm 2021, sẽ tiếp tục dẫn dắt CPR triển khai tốt các nhiệm vụ và ưu tiên của năm ASEAN 2021, giữ vững đà hợp tác và liên kết khu vực, thúc đẩy liên kết nội khối, đẩy mạnh hợp tác đa phương, tăng cường hợp tác với các đối tác, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao vị thế ASEAN ở khu vực và quốc tế, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực thể chế của Ban Thư ký ASEAN.
Đại sứ Trần Đức Bình khẳng định Phái đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Phái đoàn Brunei nhằm thực hiện thành công các chương trình ưu tiên dưới chủ đề “Chúng ta quan tâm. Chúng ta sẵn sàng. Chúng ta thịnh vượng” của năm Chủ tịch ASEAN 2021.
Trong năm 2020, dưới sự chủ trì của Việt Nam, CPR đã phối hợp đàm phán, hoàn tất nhiều văn kiện, trong đó có 11 Tuyên bố chung trong các khuôn khổ hợp tác song phương của ASEAN với từng đối tác bên ngoài (ASEAN+1), hợp tác giữa ASEAN và ba quốc gia Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (ASEAN+3) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS); 11 Kế hoạch hành động/Kế hoạch hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
(Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại ASEAN)
Đại sứ Trần Đức Bình phát biểu tại cuộc họp. |
Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng ủy thác Quỹ ASEAN
Ngày 8/12, Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, Chủ tịch Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN đã tham dự cuộc họp lần thứ 45 Hội đồng ủy thác Quỹ ASEAN (AF BOT) theo hình thức trực tuyến.
Cuộc họp ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động do Quỹ ASEAN tổ chức và triển khai trong năm 2020, dù đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm đã gây nhiều khó khăn cho các hoạt động và chương trình của quỹ.
Cụ thể, Quỹ ASEAN đã triển khai và tổ chức thành công tất cả các chương trình, sáng kiến thuộc 4 lĩnh vực chính là giáo dục; nghệ thuật và văn hóa; truyền thông; và xây dựng cộng đồng, trong đó nổi bật là các dự án: Cuộc thi tìm hiểu khoa học dữ liệu ASEAN (ADSE); Chương trình giả lập mô hình hội nghị ASEAN (AF MAM) lần thứ 6; Chương trình sáng tạo số ASEAN (ADIP); Học bổng khoa học và kỹ thuật ASEAN; các chương trình hoạt động và các cuộc thi dành cho thanh niên ASEAN. Đặc biệt, đội của trường RMIT Việt Nam đã xuất sắc năm thứ 2 liên tiếp về nhất vòng chung kết khu vực ADSE 2020.
Trong năm 2020, Quỹ ASEAN tiếp tục đa dạng hóa đối tác và nguồn tài chính cho triển khai các hoạt động. Ngoài các đối tác thường xuyên như Quỹ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc (AKCF), Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chương trình hợp tác ASEAN - Na Uy, Quỹ ASEAN cũng tiếp tục nhận được hỗ trợ tích cực từ các chương trình ASEAN - US PROSPECT, Quỹ Maybank và một số doanh nghiệp lớn như Microsoft, Google, SAP, Grab.
Đáng chú ý, Google vừa xác nhận tài trợ dự án cho Quỹ ASEAN tổ chức chương trình đào tạo dạy nghề trực tuyến với quy mô lớn để hỗ trợ lao động thất nghiệp do Covid-19, bước đầu thử nghiệm triển khai tại Việt Nam và Indonesia với tổng số 5.700 học viên, sau đó sẽ mở rộng ra các nước khác.
Tại cuộc họp, Đại sứ Trần Đức Bình đã nhận bàn giao vai trò Chủ tịch AF BOT năm 2021 từ Đại sứ Thái Lan, Chủ tịch AF BOT năm 2020. Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Trần Đức Bình cảm ơn những nỗ lực và đóng góp của Quỹ ASEAN cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, cảm ơn Thái Lan đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch AF BOT năm 2020. Ông đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Quỹ ASEAN để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch AF BOT năm 2021.
Trong năm Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch AF BOT năm 2021, Quỹ ASEAN sẽ tiếp tục tập trung vào các mục tiêu chiến lược như tăng cường nhận thức về ASEAN, tăng cường năng lực tổ chức, nâng cao hình ảnh, thương hiệu của tổ chức và đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn tài trợ ngân sách cho quỹ.
Đồng thời, quỹ sẽ tăng cường phối hợp với các nước ASEAN, các cơ quan chuyên ngành, Ban Thư ký ASEAN và các đối tác để triển khai các dự án và kế hoạch của quỹ nhằm phục vụ cho những ưu tiên của ASEAN, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước thành viên trong các lĩnh vực giảm nhẹ tác động của Covid-19, khoa học công nghệ, sáng tạo, đổi mới, phát triển nguồn nhân lực trẻ, đào tạo, tập huấn cho thanh niên, sinh viên.
(Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại ASEAN)
Cập nhật dịch Covid-19
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 8/12, các nước ASEAN ghi nhận thêm 9.056 ca mắc bệnh Covid-19 và 254 ca tử vong so với 1 ngày trước.
Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.271.034 ca mắc Covid-19 trong đó có 29.336 ca tử vong và 1.100.847 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Với trên 5.200 ca nhiễm mới và 133 ca tử vong mới, Indonesia tiếp tục là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.
Ba quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines, Malaysia và Myanmar. Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới vẫn ở mức 1.400 ca/ngày trong khi nước này bắt đầu nới lỏng các quy định hạn chế kéo dài. Trong khi đó, số ca bệnh tại Myanmar đã vượt qua mốc 100.000.
Người dân Campuchia đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19. (Nguồn: TTXVN) |
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong cộng đồng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng đã chỉ đạo đóng cửa tạm thời tòa nhà Bộ Nội vụ, triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và thực hiện cách ly 14 ngày đối với toàn bộ nhân viên, quan chức thuộc bộ này.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen khuyến nghị Bộ Y tế ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng đối với tất cả các nhân viên, quan chức thuộc Bộ Nội vụ sau sự cố lây nhiễm cộng đồng hôm 28/11 liên quan tới gia đình ông Chem Savuth, Tổng Cục trưởng Tổng cục trại giam (thuộc Bộ Nội vụ Campuchia).
Bộ Giáo dục-Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo hoãn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (dự kiến diễn ra trong các ngày 21-22/12) đến tháng 1/2021 do tình trạng lây nhiễm cộng đồng bùng phát. Trước đó, các trường tư thục tại Campuchia đã tạm thời đóng cửa trong 2 tuần.
Trong khi đó, Thái Lan đang tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới bằng cách triển khai các máy bay không người lái và camera siêu cực tím. Trước đó, nước này phát hiện hàng chục ca Covid-19 mới liên quan đến một thị trấn nằm giáp biên giới Myanmar. Ít nhất 16 người vượt biên trái phép trốn cách ly 14 ngày đã có kết quả dương tính kể từ cuối tháng 11, trong đó có 2 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan đến nhóm người đến từ Myanmar.
Thủ tướng Thái Lan Chan-o-cha đã yêu cầu từ ngày 7/12 phải dựng các barie dọc biên giới để ngăn người nhập cư trái phép, đề phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
(TTXVN)