Thái Lan ghi nhận 50 ca nhiễm Covid-19 và hiện đang điều trị 16 bệnh nhân. Ảnh chụp nhân viên sân bay kiểm tra thân nhiệt đối với hành khách đến Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok. (Nguồn: AFP) |
Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính đến sáng ngày 10/3, các quốc gia ASEAN đã ghi nhận 403 trường hợp dương tính với Covid-19.
Trong đó, Malaysia có nhiều ca nhiễm đang được điều trị nhất toàn khu vực với 93 ca. Tiếp theo là Singapore với 67 ca nhiễm mới, trong đó 10 người được báo cáo là trong tình trạng nghiêm trọng.
Tại Thái Lan, các ca đang được điều trị là 16, còn Việt Nam là 15. Philippines hiện có 21 ca dương tính với virus SAR-CoV-2 đang được điều trị, Indonesia là 19 ca, Việt Nam 15 ca và Campuchia là 1 ca.
Tính đến nay, ASEAN đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do Covid-19 gây ra, trong đó có 1 ca ở Philippines và 1 ca ở Thái Lan.
(AEC News)
ASEAN quyết tâm ký RCEP trong năm 2020
Tại phiên họp kín của Uỷ ban Đàm phán thương mại Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của ASEAN diễn ra sáng 9/3 tại Đà Nẵng, Trưởng đoàn đàm phán các nước thành viên ASEAN đã thống nhất chung về mong muốn ký kết RCEP ngay trong năm nay - năm chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Hiện Ấn Độ - 1 trong 16 thành viên tham gia đàm phán chưa thể hiện quan điểm chính thức về việc có tiếp tục tham gia RCEP nữa không. Do vậy, quan điểm chung của ASEAN vẫn được duy trì đó là nếu RCEP được ký kết với đầy đủ 16 nước sẽ mang lại lợi ích đầy đủ về kinh tế thương mại cho tất cả các thành viên.
Ước tính khi thực thi, Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng; GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm 39% GDP toàn cầu.
Ý tưởng về RCEP được đưa ra tại Hội nghị ASEAN ở Campuchia năm 2012, với mục tiêu thúc đẩy thương mại, hợp nhất hiệp định thương mại song phương đã được ký kết giữa ASEAN với 6 đối tác thương mại lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Tính đến nay, RCEP đã trải qua 28 vòng đàm phán và 16 cuộc họp cấp Bộ trưởng.
(TG&VN)
Bang Mizoram trở thành cầu nối giữa Ấn Độ và ASEAN
Các Đại sứ đến từ 6 quốc gia ASEAN tại Ấn Độ (gồm Lào, Myanmar, Brunei, Campuchia, Indonesia và Việt Nam) ngày 9/3 đã có cuộc họp với Thống đốc Mizoram P S Sreedharan Pillai và thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm thương mại biên giới.
Trong buổi họp, ông Pillai bày tỏ hy vọng rằng chuyến thăm của các đại sứ sẽ giúp quan hệ Ấn Độ - ASEAN ngày một thắt chặt hơn và hơn hết, đẩy mạnh các hoạt động thương mại ở bang Mizoram thuộc Đông Bắc Ấn Độ.
Đại sứ các nước ASEAN cũng chia sẻ trải nghiệm ở Mizoram với Thống đốc và nhận định chuyến đi này giúp họ hiểu biết hơn về văn hóa ở đây, trong bối cảnh hai bên muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại. Các Đại sứ cũng đánh giá Mizoram là cửa ngõ thương mại, nối liền Ấn Độ và ASEAN.
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề như văn hóa, cơ hội hợp tác thương mại và dự án trung chuyển đa phương thức Kaladan.
(Outlook India)
Thị trường chứng khoán Đông Nam Á biến động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. (Nguồn: Bangkok Post) |
Thị trường chứng khoán Đông Nam Á lại giảm do dịch Covid-19
Thị trường chứng khoán các nước như Thái Lan, Philippines và Việt Nam đều giảm hơn 5%. Trong đó, thị trường chứng khoán Thái Lan rớt giá 6,9%, thấp nhất kể từ tháng 12/2014, với việc cổ phiếu Tập đoàn Dầu khí Thái Lan giảm gần 30%.
Tại Indonesia và Malaysia, cổ phiếu các tập đoàn năng lượng giảm mạnh khiến cả thị trường chứng khoán ở đây cũng giảm không kém. Cổ phiếu tập đoàn Petronas giảm 18,4%, thấp nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, thị trường Singapore kết thúc phiên ngày 9/3 giảm 18,4%. Công ty hóa dầu Sembcorp giảm gần 8% và là cổ phiếu trượt giá thảm hại nhất thị trường.
(Reuters)
ASEAN đẩy mạnh hợp tác chống lại các thách thức an ninh mới
Các quốc gia Đông Nam Á đã thực hiện một loạt biện pháp chống lại vấn đề khủng bố, trong đó có sáng kiến ASEAN “Our Eyes” (AOEI). AOEI được lấy tên giống như mạng lưới tình báo “Five Eyes” của Mỹ và 4 đồng minh, và ban đầu được Indonesia đề xuất như một nền tảng chia sẻ thông tin cho các quốc gia thành viên, tạo điều kiện trao đổi thông tin tình báo về khủng bố, chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Theo thời gian, AOEI, ban đầu chỉ gồm Indonesia, Malaysia và Philippines, đã được mở rộng trong các diễn đàn đa phương, thông qua các cuộc họp nhóm làm việc tại Jakarta (2018) và Semarang (2019). Cuộc họp AOEI lần thứ 3 diễn ra vào ngày 3/3 vừa qua tại Palembang, Indonesia.
Theo Bộ Quốc phòng Indonesia, cuộc họp AOEI lần này có sự tham dự của đại diện đến từ bộ quốc phòng các quốc gia Đông Nam Á, cho thấy sáng kiến đã được mở rộng ra toàn khu vực. Cuộc họp xoay quanh một loạt chủ đề, như tác động từ sự suy yếu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông, cũng như các quan hệ đối tác mới của các quốc gia Đông Nam Á trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cấp tiến trong khu vực.
Cuộc họp cũng thảo luận về sự cấp bách của việc thực hiện các cơ chế hợp tác để trao đổi thông tin chiến lược, nhất là khủng hoảng từng xảy ra ở Marawi.
Do tầm quan trọng của AOEI, các quốc gia sẽ hỗ trợ lẫn nhau, phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn đối với các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia, chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
(The Diplomat)