Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Yangon, Myanmar. (Nguồn: THX) |
Covid-19: Dịch bệnh tiếp tục lan rộng, Myanmar tình hình xấu đi nhanh chóng
Tính tới hết ngày 30/9, khu vực ASEAN ghi nhận thêm 7.775 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 16.810 người.
Trong 24 giờ qua, 7 nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca Covid-19 mới, trong khi Brunei, Campuchia và Lào không có thêm ca bệnh Covid-19 nào từ ngày 28/9. Tình hình dịch bệnh tại một số nước bớt căng thẳng hơn tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế, xã hội.
Indonesia hiện là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng khi trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Quốc gia này cũng dẫn đầu ASEAN về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch.
Singapore tiếp tục kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tuần nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì Covid-19.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Malaysia đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu. Bộ Y tế nước này ngày 30/9 ghi nhận 89 ca nhiễm mới, trong đó 86 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 11.224 ca. Với 2 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Malaysia tăng lên 136 ca; tổng số người được xuất viện là 9.967.
Tại Myanmar, tình hình dịch bệnh đang xấu đi nhanh chóng khi nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong tăng. Trong 1 ngày qua, quốc gia này ghi nhận tới trên 948 ca bệnh mới và 26 người tử vong vì Covid-19, trở thành là ổ dịch mới tại Đông Nam Á.
(TTXVN/TGVN)
Campuchia thông báo cam kết hợp tác giữa ASEAN và Anh
Ngày 30/9, Bộ Ngoại giao Campuchia ra thông báo cho biết ASEAN và Anh cam kết tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống Covid-19.
Theo thông báo, các Ngoại trưởng ASEAN đã có cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab về phản ứng trước đại dịch Covid-19.
Thông báo cho biết: "Cuộc họp đã chia sẻ quan ngại về tình hình đại dịch Covid-19 lây lan, những tác động tới cuộc sống và phát triển kinh tế-xã hội trên toàn thế giới.
Về vấn đề này, cuộc họp cam kết tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa ASEAN và Anh trong các lĩnh vực như nghiên cứu, sản xuất, phát triển và phân phối vaccine ngừa Covid-19, cũng như các phương pháp điều trị theo hướng an toàn, hiệu quả và tiếp cận công bằng".
Ngoài ra, cuộc họp cũng hoan nghênh thông báo của Anh về việc đóng góp 1 triệu Bảng cho quỹ phản ứng của ASEAN trước Covid-19, cũng như đóng góp 500.000 Bảng để hỗ trợ chiến lược giúp Ban Thư ký ASEAN xây dựng và triển khai các chính sách nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch.
(Tân Hoa xã)
EU và ASEAN hợp tác chống thuốc giả. (Nguồn: Internet) |
EU hợp tác với ASEAN chống thuốc giả
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN, ông Igor Driesmans cho biết, EU vừa phát động một chiến dịch trên mạng xã hội mang tên “Sức khỏe của bạn là vô giá" (Your Health Is Priceless) nhằm nâng cao nhận thức của người dân khu vực Đông Nam Á về tác hại của các sản phẩm dược phẩm và chăm sóc sức khỏe giả.
Chiến dịch là một phần của dự án Sở hữu trí tuệ Đông Nam Á (IP Key SEA) do EU tài trợ nhằm kêu gọi công chúng chia sẻ kinh nghiệm về thuốc giả trên mạng xã hội.
IP Key SEA kéo dài 4 năm với kinh phí 7 triệu Euro do Văn phòng Sở hữu trí tuệ EU (EUIPO) thực hiện. Mục tiêu chính của chương trình là hỗ trợ bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên khắp khu vực Đông Nam Á, từ đó tạo môi trường pháp lý và kinh tế thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Theo một nghiên cứu do EUIPO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố gần đây, 90% thuốc giả có thể gây hại cho sức khỏe của bệnh nhân do chúng không tuân thủ luật sở hữu trí tuệ. Thuốc giả gồm nhiều loại, từ thuốc chữa bệnh đến các loại thuốc có mục đích làm đẹp. Tuy nhiên, một số sản phẩm giả mạo này lại đang được xếp vào nhóm thực phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm tại một số quốc gia.
Theo ông Tiago Guerreiro, Trưởng dự án IP Key SEA, thuốc giả có thể chứa cả giả dược và các chất nguy hiểm. Mục tiêu của những kẻ làm hàng giả là kiếm lợi nhuận càng cao càng tốt, sử dụng các chất và nguyên liệu rẻ tiền có thể sẵn có song không dùng cho con người, gây rủi ro lớn về sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng.
(TTXVN, Jakarta Post)
WB, Hàn Quốc hỗ trợ các nước Đông Nam Á đối phó với dịch bệnh
Ban giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) đang xem xét gói trợ giúp 12 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo mua và phân phát vaccine ngừa Covid-19.
Cụ thể, ngày 30/9, WB đã thông qua khoản tín dụng trị giá 600 triệu USD nhằm hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ Philippines trong việc bảo vệ người nghèo và các gia đình dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 tấn công nước này.
Theo WB, số tiền này sẽ được dùng để duy trì sự hỗ trợ đối với chính phủ Philippines nhằm thực thi chương trình Pantawid Pamilyang Pilipino Program (4Ps) - một dự án của chính phủ nhằm cung cấp tiền mặt kèm theo điều kiện đối với các gia đình cực nghèo.
Cùng ngày, Cơ quan Viện trợ nước ngoài của Hàn Quốc (KOICA) thông báo sẽ hỗ trợ 18 triệu USD cho một cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách việc thực thi các dự án phát triển nhằm cung cấp các trang thiết bị vật tư y tế liên quan đến Covid-19 và phân phát cho các nước đang phát triển ở Đông Nam Á và châu Phi.
KOICA cho biết đã ký Biên bản ghi nhớ với Văn phòng Các dịch vụ dự án của LHQ (UNOPS) nhằm tham gia chương trình hỗ trợ khẩn cấp của cơ quan này cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng của dịch và đang rất cần các nguồn cung y tế.
Theo MoU, số tiền trên sẽ được chi cho việc hỗ trợ các bộ xét nghiệm PCR, máy trợ thở và các thiết bị bảo hộ như khẩu trang... đến một số quốc gia gồm Indonesia, Campuchia, Lào, Myanmar, Uzbekistan, Ethiopia và Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch châu Phi.
(TTXVN/Philstar.com/TGVN)