📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 12/3

09:30 | 12/03/2020
TGVN. Số ca nhiễm Covid-19 trong ASEAN tăng lên, nhu cầu năng lượng trong khu vực ở mức cao, RCEP là ưu tiên của ASEAN trong 2020...  là những thông tin được cập nhật trong bản tin ASEAN sáng nay.
Singapore là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất trong khu vực với 73 ca nhiễm tính đến thời điểm hiện nay. (Nguồn: CNBN)

218 người nhiễm Covid-19 trên khắp ASEAN

Tính đến hết ngày 11/3, trong ASEAN đã ghi nhận 218 trường hợp mắc Covid-19 và có mặt ở hầu khắp 10 quốc gia thành viên Hiệp hội.

Singapore là quốc gia có số ca nhiễm Covid lớn nhất trong khu vực với 73 người hiện vẫn đang dương tính với Covid-19 và 10 người trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch. Tiếp đến là Malaysia với 42 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó 2 người ở trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch.

Tại Philippines, số người đang nhiễm chủng mới virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 là 30, trong đó có 1 người trong tình trạng nghiêm trọng; số bệnh nhân Covid-19 ở Indonesia là 25, Thái Lan là 19 và Việt Nam là 22.

Trong ngày 11/3, Brunei đã xác nhận thêm 5 trường hợp nhiễm Covid-18 nâng tổng số người nhiễm lên 6; Campuchia báo cáo hiện có 3 người nhiễm Covid-19, trong đó có một phụ nữ 65 tuổi người Anh đi du lịch từ Việt Nam. Lào và Myanmar hiện chưa ghi nhận có trường hợp nhiễm Covid-19 nào. Đã có 454 trường hợp Covid-19 được ghi nhận tại các quốc gia thành viên ASEAN, với 244 người đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện còn 2 ca tử vong tại Philippines và Thái Lan.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chiều 11/3, các lãnh đạo của WHO chính thức tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã lây nhiễm hơn 120.000 người trên thế giới và hơn 4.500 ca tử vong.

(AEC News Today)

Áp lực nhu cầu năng lượng trong ASEAN

Khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực đạt được sự tiếp cận phổ cập điện vào năm 2030. Hàng triệu người tiêu dùng mới đã được tiếp cận với điện từ năm 2000, nhưng vẫn có khoảng 45 triệu người trong khu vực vẫn chưa thể tiếp cận nguồn năng lượng này và phải sử dụng củi trong nấu ăn.

Nhu cầu về điện trong ASEAN có tốc độ tăng trung bình 6%/năm, trong khi nguồn năng lượng tái tạo chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu đó.

Thị trường năng lượng ở Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. Theo Hiệp hội Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu tổng điện tổng thể trong khu vực đã tăng 80% kể từ năm 2000. Điều này gây áp lực lên các hệ thống năng lượng và phải tăng gấp đôi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, do đó, lượng khí thải CO2 cũng tăng lên. Nhu cầu năng lượng chung của Đông Nam Á dự kiến cũng sẽ tăng 60% từ 2020 đến năm 2040.

Nhiệt độ cao hơn đã khiến người dân gia tăng nhu cầu sử dụng điều hòa không khí, gây căng thẳng đáng kể cho các hệ thống điện trong khu vực. Theo nghiên cứu, năng lượng cần thiết để làm mát không khí trong ASEAN sẽ làm nhu cầu điện cao điểm vào năm 2040 tăng khoảng 30%. Tổng số hệ thống điều hòa không khí trong năm 2040 có thể tăng từ 40 triệu hệ thống trong năm 2017 lên 300 triệu, một nửa trong số đó sẽ ở Indonesia.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc IEA Fatih Birol cho rằng ASEAN cần phải có những chính sách năng lượng phù hợp để có thể đáp ứng được nguồn cung ứng điện. Theo chính sách hiện tại của ASEAN, năng lượng tái tạo được dự báo sẽ chiếm khoảng 20% sản lượng điện trong ASEAN. Các kế hoạch hợp tác xuyên biên giới trong khu vực chắc chắn cũng sẽ giúp bổ sung một phần lớn năng lượng tái tạo vào hệ thống năng lượng chung.

(The ASEAN Post)

GrapPay có nhiều định hướng phát triển mới tại Đông Nam Á. (Nguồn: TechinAsia)

Grab, Wirecard hợp tác tại Đông Nam Á

Wirecard (nhà cung cấp dịch vụ tài chính và công nghệ internet toàn cầu) và Grap tại Đông Nam Á đã tuyên bố hợp tác, cho phép Wirecard xử lý các giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử GrabPay.

Khách hàng có thể sử dụng ví điện tử GrabPay để thực hiện cả giao dịch ngoại tuyến và trực tuyến, bao gồm thanh toán đi xe và giao hàng, cũng như mua hàng trên các trang web thương mại điện tử hoặc tại các cửa hàng thực tế.

Sự hợp tác giữa hãng taxi công nghệ Wirecard sẽ giúp xử lý các giao dịch thẻ cho GrabPay thông qua nền tảng thương mại tài chính kỹ thuật số và mở rộng dịch vụ ví điện tử cho nhiều mục đích. Những ứng dụng mới dự kiến sẽ được triển khai trước tại Malaysia, Philippines và Singapore.

Một cuộc khảo sát người tiêu dùng toàn cầu gần đây của Wirecard cho thấy hơn 90% người tiêu dùng ở Đông Nam Á đã sử dụng thanh toán kỹ thuật số cả tại cửa hàng và trực tuyến. Khoảng 44% những người được khảo sát trong khu vực cũng thường xuyên chọn ví di động làm phương thức thanh toán, so với mức trung bình toàn cầu là 25%. GrabPay là một trong những ví điện tử được sử dụng rộng rãi nhất ở Đông Nam Á, được sử dụng bởi hơn 600.000 thương gia và các doanh nghiệp nhỏ.

Gần đây, GrabPay đã có những động thái để tiếp tục mở rộng việc cung cấp dịch vụ. GrabPay cũng cho biết họ có kế hoạch bổ sung các tính năng vào ví điện tử và các thẻ mới trong nỗ lực trở thành người đi đầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính - fintech trong khu vực. GrabPay đã được quỹ Khazanah Nasional Berhad của Malaysia lựa chọn để thực hiện sáng kiến trị giá 109 triệu USD nhằm mục đích khuyến khích sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại quốc gia này.

(TechinAsia)

RCEP là ưu tiên cao nhất của ASEAN với các đối tác ngoại khối trong năm 2020

Ngày 11/3, tại TP. Đà Nẵng chính thức diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ “tìm được điểm cân bằng” giữa các thành viên RCEP, cụ thể là giữa Ấn Độ và 15 thành viên còn lại để RCEP có thể ký kết vào tháng 10/2020 với đủ 16 thành viên.​​​​​

Tối 10/3, tại buổi họp báo thông tin về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26, trả lời phóng viên Báo Công Thương về khả năng có thể ký kết RCEP trong năm 2020 và có đủ 16 thành viên (bao gồm Ấn Độ) hay không, Tổng Thư ký ASEAN - ông Lim Jock Hoi - khẳng định: các thành viên ASEAN, trong đó Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN 2020 và các thành viên ASEAN cùng các nước đối tác khác đang rất nỗ lực để đàm phán RCEP đạt hiệu quả.

“Tôi cho rằng đây là một phần rất quan trọng trong cuộc họp cấp cao năm nay khi các lãnh đạo đã đặt mục tiêu ký kết hiệp định trong năm 2020. Hi vọng với tất cả các công tác chuẩn bị, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Chúng tôi vẫn hy vọng sẽ hoàn tất đàm phán kỹ thuật vào tháng 5/2020, để hiệp định có thể ký kết vào tháng 10/2020”, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nói.

Thông tin thêm về những vướng mắc của Ấn Độ trong các cuộc đàm phán tìm kiếm sự cân bằng lợi ích giữa các bên trong RCEP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện Ấn Độ chưa đạt được thỏa thuận về mở cửa thị trường với các nước đối tác, chủ yếu là với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn một số vấn đề về nội bộ, một số ngành trong nước và sẽ còn cần đàm phán thêm trong nước.

(Báo Công Thương)