EU khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN
Tại Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN-EU, ngày 11/2 tại Brussels (Bỉ), hai tổ chức tái khẳng định cam kết mạnh mẽ tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên, chia sẻ tầm nhìn về hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ.
ASEAN đánh giá EU là đối tác quan trọng hàng đầu, nhất là trong kinh tế và phát triển. Ngược lại, EU khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, coi ASEAN là đối tác quan trọng, chia sẻ nhiều lợi ích và tầm nhìn chiến lược.
Thời gian tới, các nước nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thuộc quan tâm chung, đồng thời nhất trí sớm hướng tới hoàn tất Hiệp định Vận tải Hàng không toàn diện ASEAN-EU và đẩy mạnh các nỗ lực đối với Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EU.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước đã chia sẻ về tình hình ứng phó dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra và nhất trí tổ chức hội nghị trực tuyến giữa ASEAN và EU nhằm cập nhật tình hình và trao đổi kinh nghiệm.
Về tình hình Biển Đông, các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật; kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đoàn Việt Nam đã thay mặt ASEAN thông báo chủ đề, các ưu tiên và một số kết quả dự kiến chính của ASEAN trong năm 2020, qua đó khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ gắn kết giữa ASEAN với các đối tác, trong đó có EU, để chủ động thích ứng với các thách thức hiện nay, đồng thời nắm bắt những cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0.
(TTXVN)
Quan hệ giữa ASEAN và Nga sẽ được thắt chặt hơn nữa
Đại sứ Indonesia tại Nga Mohamad Wahid Supriyadi nhận định rằng ASEAN và Nga có cơ hội tăng cường hợp tác trong 5 năm tới, tập trung vào các lĩnh vực như an ninh mạng, chống khủng bố và thành phố thông minh và nhiều lĩnh vực khác.
Theo Đại sứ, ASEAN và Nga đã có quan hệ rất tốt trong thời gian qua, hai bên cũng đã phối hợp vớinhau trong nhiều lĩnh việc. Hiện ASEAN đang xây dựng Kế hoạch hành động 2021-2025 và Nga cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch này.
Đại sứ Supriyadi đặc biệt nhấn mạnh, Nga sẽ chia sẻ chuyên môn của mình về việc xây dựng các thành phố thông minh với các nước ASEAN. Đây cũng là chủ đề được thảo luận trong Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần thứ ba tại Singapore vào năm 2018. Chính phủ Nga đã đầu tư mạnh mẽ vào khởi nghiệp CNTT và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, với nền tảng là thủ đô Moscow.
(Sputnik)
Thị trường chứng khoán Đông Nam Á khởi sắc trở lại
Thị trường chứng khoán Singapore và Thái Lan kết thúc ngày 12/2 tăng hơn 1%, với hy vọng rằng ảnh hưởng dịch COVID-19 ở Trung Quốc sớm kết thúc. Trong đó, cổ phiếu Singapore tăng 1,5% với cổ phiếu của các ông lớn tài chính United Overseas Bank và DBS Group Holdings tăng hơn 1%. Thái Lan tăng hơn 1%, đánh dấu phiên giao dịch tốt nhất trong tuần vừa qua bởi Ngân hàng thương mại Siam và Kasikornbank lần lượt tăng 4,6% và 1,8%.
Trong khi đó, chứng khoán Malaysia giảm 0,6% khiến ngân hàng trung ương nước này có thể phải cắt giảm lãi suất. Các ngân hàng Hong Leong Bank và Public Bank giảm lần lượt 4,3% và 2,8%. Còn thị trường Indonesia cũng kết thúc ngày 12/2 giảm 0,7%, thấp nhất trong tuần vừa qua.
(Reuters)
Boeing dự đoán thị trường Đông Nam Á tăng trưởng 1,5 nghìn tỷ USD trong 20 năm tới
Boeing đã đưa ra dự báo rằng các hãng hàng không ở Đông Nam Á sẽ cần 4.500 máy bay mới trong 20 năm tới, trị giá 710 tỷ USD theo giá niêm yết, chủ yếu là những chiếc máy bay một lối đi. Con số này sẽ tạo ra một cơ hội lớn cho ngành công nghiệp nội thất máy bay. Sự tăng trưởng này cũng sẽ giúp kích thích nhu cầu về các dịch vụ hàng không thương mại, được dự báo sẽ trị giá 785 tỷ USD trong giai đoạn 2019 đến 2038.
Randy Tinseth, Phó Giám đốc thương mại của Boeing cho biết: “Việt Nam, Thái Lan và Indonesia lọt vào danh sách top 10 quốc gia tăng trưởng hàng không tốt nhất kể từ năm 2010. Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 quốc gia với gần 15% mỗi năm, Thái Lan và Indonesia với tỷ lệ xấp xỉ 10%. Khi mà tầng lớp trung lưu ở khu vực ngày càng tăng, trong một thị trường tiếp tục tự do hóa, cùng một ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, Đông Nam Á đã trở thành một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới”.
Ngoài ra, với mức tăng trưởng này, khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ cần thêm khoảng 182.000 phi công thương mại, phi hành đoàn và kỹ thuật viên để duy trì và bảo dưỡng máy bay, mở ra cơ hội việc làm rất lớn.
(Bloomberg)
Năng suất lao động của Indonesia thấp hơn nhiều nước khác trong ASEAN
Ngày 12/2, ông Wataru Ueno, Giám đốc JETRO tại Indonesia cho biết, cuộc khảo sát tại các công ty Nhật Bản về môi trường kinh doanh ở 20 quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương cho thấy năng suất lao động ở các nhà máy sản xuất của Indonesia chỉ đạt 74,4 điểm trên thang điểm 100. Mức này thấp hơn so với Philippines (86,3), Singapore (82,7), Thái Lan (80,1) và Việt Nam (80), đồng thời thấp hơn so với Lào (76,7) và Malaysia (76,2).
Một trong những lý do chính khiến ngành công nghiệp Indonesia tụt hậu so với Thái Lan hay Việt Nam là khu vực tư nhân của nước này trước đây chọn đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu chứ không phải lĩnh vực sản xuất, tránh cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, Indonesia có năng suất tốt nhất chỉ trong các lĩnh vực máy móc chính xác, đạt điểm 100,25. Năng suất của Indonesia vượt xa Việt Nam chỉ trong 3 ngành công nghiệp là gỗ và bột giấy, máy móc nói chung và máy móc chính xác.
Hơn một nửa số công ty Nhật Bản cho biết không hài lòng với mức lương tối thiểu ở Campuchia và Indonesia, hai quốc gia có năng suất rất thấp nhưng mức tăng lương rất cao.
Chính phủ Indonesia đang nỗ lực nâng cao năng lực và năng suất của lực lượng lao động bằng cách phát triển các trung tâm đào tạo nghề, phân bổ thêm ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực và chuẩn bị chương trình đào tạo tay nghề cho lao động thất nghiệp. Theo nghiên cứu của Bộ Công nghệ Indonesia, nước này cần ít nhất 113 triệu công nhân lành nghề vào năm 2030, gấp đôi số lượng hiện nay, để đạt được tăng trưởng trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, cơ sở hạ tầng và kinh doanh nông sản.
(TTXVN)