📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 13/4

Quang Đào 09:30 | 13/04/2020
TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Indonesia ủng hộ hai Hội nghị đặc biệt của ASEAN ứng phó Covid-19, Giải thưởng ASEAN 2020... là những thông tin chính trong bản tin ngày hôm nay.
Cảnh sát Malaysia đứng canh nhà thờ Hồi giáo Quốc gia ở Kuala Lumpur. (Nguồn: Reuters)

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng 13/4, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng trên 19.200 ca mắc dịch bệnh Covid-19 và gần 800 người tử vong. “Điểm nóng” Indonesia tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tăng mạnh.

Cụ thể, trong ngày 12/4, Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm mới là 399 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này lên 4.241 ca. Số ca tử vong trong ngày là 46, nâng tổng số lên 373. Đứng thứ 3 khu vực về tổng số ca mắc bệnh, nhưng tới nay, quốc gia vạn đảo mới chỉ điều trị thành công cho 359 trường hợp.

Indonesia đã quyết định mở rộng hạn chế xã hội quy mô lớn đối với tỉnh Tây Java đông dân nhất nước này do số người mắc bệnh tăng đột biến.

Philippines thông báo 50 ca tử vong và 220 ca nhiễm mới, đều là mức tăng cao nhất của một ngày. Hiện tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này là 297 ca và 4.648 trường hợp nhiễm bệnh dịch. Ngoài ra, 40 bệnh nhân vừa phục hồi, nâng tổng số người khỏi bệnh Covid-19 ở nước này lên 197 ca.

Singapore chứng kiến số ca mắc mới trong ngày tăng mạnh, với 233 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 2.532, xếp thứ năm khu vực. Một trong những nguyên nhân khiến số ca nhiễm virus tăng mạnh những ngày qua tại Singapore được cho là bắt nguồn từ việc người dân chủ quan và thiếu ý thức thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Không chỉ tràn lan vi phạm về giãn cách xã hội mà việc một bộ phận người dân Singapore tiếp tục tụ tập đông người bất chấp cảnh báo cũng đang khiến giới chức nước này đau đầu.

Thái Lan trong ngày đã đón nhận những tín hiệu tích cực từ cuộc chiến chống dịch Covid-19. Thái Lan đã xác nhận thêm 33 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 ở nước này lên 2.551 người, trong đó có 38 trường hợp tử vong.

Trong diễn biến khác, Bộ Y tế Thái Lan thông báo cho biết, tất cả các bệnh nhân Covid-19 sẽ được điều trị miễn phí tại các bệnh viện ở nước này kể từ ngày 5/3, với các chi phí được 3 quỹ y tế chi trả.

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này ghi nhận 153 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong trong ngày 12/4 vì bệnh Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.683 ca, cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó 76 ca tử vong. Bộ trên cũng cho biết, tỷ lệ khỏi bệnh là 45%.

Myanmar sau nhiều ngày kiềm chế khá thành công dịch bệnh, ngày 12/4, đã ghi nhận thêm một ca tử vong. Tính tới hết ngày 12/4, Myanmar có tổng cộng 39 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Trong ngày 12/4, Campuchia cũng ghi nhận thêm 2 ca bệnh mới, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 tại nước này lên 122, tuy nhiên, Campuchia chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.

Lào ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 19 trường hợp. Brunei không ghi nhận thêm ca mắc mới nào.

Tại Việt Nam, tính đến nay có 262 ca nhiễm Covid-19, trong đó 144 ca khỏi bệnh còn 118 ca bệnh đang được điều trị tại 14 bệnh viện.

(TGVN/TTXVN)

Indonesia ủng hộ hai Hội nghị đặc biệt của ASEAN ứng phó Covid-19

Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 12/4 thông báo, Indonesia ủng hộ và thúc đẩy Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19 sẽ được tổ chức vào ngày 14/4 tới đây, theo hình thức trực tuyến.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Indonesia cùng ngày tuyên bố, đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Joko Widodo tham gia một hội nghị trực tuyến cấp cao. Trước đó, ông đã tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về Covid-19 do Saudi Arabia chủ trì vào ngày 26/3.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh, ASEAN không thể trì hoãn 2 hội nghị cấp cao này trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới đang chiến đấu chống Covid-19, đồng thời cho rằng, đây là các hội nghị cấp cao mang tính “chiến lược” nhằm thống nhất các nỗ lực ứng phó với đại dịch.

Theo bà Retno, hai hội nghị cấp cao sắp tới cùng các cuộc họp bên lề sẽ thảo luận về những nỗ lực chung trong việc xử lý, ứng phó và giảm thiểu các tác động của đại dịch Covid-19, đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu khác, cũng như bảo vệ các công dân ASEAN và sử dụng một số cơ chế hợp tác hiện có.

(Jakarta Globe)

Giải thưởng ASEAN tôn vinh những thành tựu mẫu mực của một công dân ASEAN hoặc một tổ chức tại ASEAN.

Kêu gọi đề cử cho Giải thưởng ASEAN 2020

Nói về giải thưởng năm nay, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho biết: “Vào thời điểm thế giới đang đối mặt với một thách thức chưa từng có với dịch Covid-19, chúng ta đang thấy được những bản chất tốt đẹp nhất của loài người thông qua những nỗ lực hy sinh của các nhân viên y tế trên tuyến đầu và những người đang đảm bảo các dịch vụ thiết yếu hoạt động, dù rất nhiều rủi ro cận kề cuộc sống của họ.

Những tấm gương nhắc nhở chúng ta rằng, có rất nhiều anh hùng ngoài kia và chúng ta nên nhìn nhận tới sự đóng góp và công lao của họ".

Ông Lim Jock Hoi nhấn mạnh, Giải thưởng ASEAN là một cách để tôn vinh những đóng góp nổi bật của họ cho cộng đồng toàn khu vực Đông Nam Á.

Được thành lập vào năm 2018, giải thưởng thường niên này nhằm tôn vinh những thành tựu mẫu mực của một công dân ASEAN hoặc một tổ chức tại ASEAN, nhằm đẩy mạnh sự hợp tác sâu sắc giữa các quốc gia thành viên và/hoặc với thế giới, thông qua kết nối giữa người dân, hợp tác kinh tế hoặc xã hội, để mang lại lợi ích cho người dân trong khu vực và thế giới.

Giải thưởng ASEAN 2020 sẽ được trao tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội, Việt Nam. Người nhận giải sẽ được nhận phần thưởng tiền mặt trị giá 20.000 USD, được tài trợ bởi Quỹ Temasek của Singapore và Yayasan Hasanah của Malaysia.

(Manila Times)

Các Hiệp hội du lịch ở Đông Nam Á kêu gọi các hãng hàng không hoàn tiền

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các Hiệp hội du lịch Đông Nam Á đang kêu gọi các hãng hàng không hoàn tiền cho hành khác bị hủy chuyến bay, thay vì phát hành phiếu quà tặng, giảm giá.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, tổng số tiền mà ngành hàng không phải chi trả cho khách hàng ở mức 35 tỷ USD.

Đầu tháng 4, Hiệp hội đã gửi một bức thư tới các đại lý du lịch nói rằng, ngành hàng không cần giữ thanh khoản còn lại để trả lương cho nhân viên và các chi phí cố định khác, nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, Liên đoàn các Hiệp hội Du lịch ASEAN, đại diện cho hơn 7.700 đại lý du lịch ở 10 quốc gia Đông Nam Á cho rằng, việc hoàn tiền cho khách hàng là “vấn đề nguyên tắc”.

Liên đoàn hiểu rõ sự khó khăn, nhưng cũng lên án các hãng hàng không đã quản lý tài chính kém khi thu tiền khách hàng cho dịch vụ trong tương lai mà không thể hoàn trả. Nếu không, khách hàng sẽ mất niềm tin vào ngành hàng không cũng như xảy ra các vụ kiện không cần thiết.

(AP)