📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 1/6

Quang Đào 09:30 | 01/06/2020
TGVN. Cập nhật tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Đông Nam Á tìm cách bù lỗ ngân sách sau dịch... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN hôm nay.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt em nhỏ nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan tại bến phà cảng Ulee Lheue ở Banda Aceh, Indonesia, ngày 26/5. (Nguồn: AFP)

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 1/6, ASEAN ghi nhận thêm có thêm 2.141 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, nâng tổng số ca nhiễm lên 91.204 ca. SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.773 người dân ở khu vực này, tăng 47 trường hợp so với 1 ngày trước. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 34.690 trường hợp.

Nhìn chung, đại dịch Covid-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại 3 nước Indonesia, Singapore và Philippines. Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca tử vong. Dù tổng số ca mắc Covid-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới chính là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực.

Tiếp tục là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á, ngày 31/5, Indonesia ghi nhận tới 40 người tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 lên 1.613 trường hợp, nhiều nhất khu vực.

Bộ Y tế nước này ngày 31/5 thông báo đã phát hiện 700 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh Covid-19 lên 26.473 trường hợp; 7.308 ca mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và phục hồi.

Trong 24 giờ qua, Philippines là quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận nhiều ca Covid-19 nhất. Ngày 31/5, Bộ Y tế (DOH) xác nhận 862 trường hợp mắc Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Đông Nam Á lên thành 18.086 người, trong đó có 957 trường hợp tử vong (tăng 7 ca so với 1 ngày trước đó).

Theo DOH, 244 ca bệnh mới được phát hiện ở khu vực Metro Manila, 81 ca ở khu vực Trung Visayas thuộc miền Trung và 302 ca ở các khu vực khác trên toàn quốc. Bên cạnh đó, 235 công dân Philippines hồi hương cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến nay, Chính phủ Philippines đã sơ tán hơn 25.000 công dân của quốc gia Đông Nam Á này về nước do đại dịch Covid-19.

Ngày 31/5, Bộ Y tế Singapore cũng xác nhận 518 ca mắc Covid-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 34.884 người. Tuy nhiên, tới nay Singapore vẫn thành công trong việc điều trị, qua đó giữ số ca tử vong ở mức thấp với chỉ 23 trường hợp.

Cùng ngày, Malaysia phát hiện 57 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 7.819 người, bao gồm 115 người tử vong.

Cũng trong ngày 31/5, Thái Lan đã thông báo về 4 ca mắc Covid-19 mới, song không có trường hợp tử vong. Như vậy, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Thái Lan hồi tháng 1, quốc gia ASEAN đã ghi nhận tổng cộng 3.081 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 57 trường hợp tử vong. 4 ca bệnh mới là những người đã đến Thái Lan từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia. Các bệnh nhân này hiện ở trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Trong ngày 31/5, Lào, Brunei, Campuchia, MyanmarTimor Leste không ghi nhận ca Covid-19 nào.

Theo Bản tin 6h ngày 1/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, tính đến nay, đã 46 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng, hiện chỉ còn 20 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh, 29 bệnh nhân đã âm tính từ 1-2 lần.

(TGVN/TTXVN)

Đông Nam Á tìm cách bù lỗ ngân sách sau dịch Covid-19

Nhiều nước Đông Nam Á đang chứng kiến thiệt hại kinh tế nặng nề từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Khi nền kinh tế điêu đứng vì đại dịch, các chính phủ cũng lao đao vì nguồn thu ngân sách giảm mạnh.

Chính phủ Philippines cho biết nguồn thu ngân sách từ thuế giảm mạnh 18% trong 4 tháng đầu năm. Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố: “Có một nhu cầu bức thiết hiện tại là phải tăng cường các nguồn lực ngân sách để thúc đẩy tài trợ cho các chương trình của Chính phủ”.

Các mức thuế mới mà chính quyền ông Duterte vừa công bố dự kiến sẽ bổ sung 6 tỷ Peso (119 triệu USD) vào kho bạc nhà nước từ nay đến cuối năm. Khoản doanh thu ngân sách này sẽ được sử dụng cho các chương trình hỗ trợ hộ gia đình thu nhập thấp hoặc tăng cường nhập khẩu thiết bị, vật tư y tế.

Một số nhà lập pháp Philippines hiện đang thúc đẩy thuế giá trị gia tăng với các dịch vụ kỹ thuật số của từ các đại gia công nghệ như Facebook, Google, Netflix; tương tự như các chính phủ châu Âu để tìm kiếm nguồn tăng thu ngân sách từ các công ty công nghệ lớn.

Nhưng Indonesia đã đi trước một bước. Chính phủ tuyên bố bắt đầu từ tháng 7, các đại gia công nghệ như Netflix, Zoom, Amazon… đang hoạt động tại nước này sẽ phải chịu mức thuế giá trị gia tăng lên tới 10%. Khoản thuế này dự kiến sẽ bổ sung vào kho bạc nhà nước Indonesia khoảng 10,4 nghìn tỷ Rupiah mỗi năm (700 triệu USD), tương đương 0,5% tổng thu ngân sách Chính phủ trong năm 2019.

Thái Lan, một quốc gia Đông Nam Á khác chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19 cũng đang xem xét tăng thuế lĩnh vực du lịch để đảm bảo nguồn thu ngân sách. Cụ thể, Thái Lan đang cân nhắc nâng mức thuế nhập cảnh mới với du khách nước ngoài ngay khi hoạt động du lịch khôi phục trở lại. Mức thuế này sẽ được dùng để hỗ trợ chính các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo nguồn tin từ Chính phủ.

Nhưng, bất kỳ mức thuế bổ sung nào cũng có nguy cơ làm giảm chi tiêu thương mại, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, qua đó cản trở sự phục hồi tăng trưởng kinh tế. Vậy nên, việc áp thuế hay không sẽ là quyết định khó khăn của các chính phủ ở Đông Nam Á.

(Nikkei Asian Review)

Khai thác cát đang khiến nông dân ở ASEAN gặp nhiều khó khăn. (Nguồn: ASEAN Today)

Nông dân Đông Nam Á chịu rủi ro từ nạn khai thác cát

Bên cạnh áp lực về thu nhập giảm sút do đại dịch Covid-19, trong bối cảnh hạn hán và biến đổi khí hậu diễn ra chưa từng thấy, nông dân Đông Nam Á còn phải đối mặt với các tác động từ khai thác cát.

Dọc theo các con sông và ngoài khơi khắp Đông Nam Á, các công ty khai thác nạo vét cát, đổ lên xà lan, chở tới những siêu đô thị như Bangkok và Jakarta hoặc xa hơn. Nước nhập khẩu cát lớn nhất thế giới là Singapore để phục vụ các dự án lấn biển. Các nước có sản lượng cát khai thác nhiều nhất khu vực là Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Việt Nam.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nhu cầu cát toàn cầu tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua lên khoảng 50 tỷ tấn mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào khác. Khai thác cát gây ra ô nhiễm, lũ lụt, sụt mực nước ngầm và hạn hán.

Khi cát bị lấy khỏi lòng sông sẽ làm thay đổi hệ thống thủy văn và gây tổn hại tới hệ sinh thái. Khai thác cát phá hủy sinh cảnh của thủy sản và lấy đi dưỡng chất cần thiết cho động vật cũng như cây trồng. Bên cạnh đó, khai thác cát cũng gây sạt lở ở cả bờ sông hoặc bờ biển - nơi được bồi đắp từ trầm tích các dòng sông. Ở các vùng đồng bằng châu thổ, tác động từ nạo vét khiến canh tác bị xâm nhập mặn đe dọa.

(ASEAN Today)

Trung Quốc sẵn sàng đưa ASEAN vào gói viện trợ Covid-19 trị giá 2 tỷ USD

Ngày 29/5, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Deng Xijun cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết cung cấp viện trợ quốc tế trong thời gian 2 năm để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á.

Ông Deng cho biết, do Trung Quốc và ASEAN đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ trong thời gian qua, hai bên cần phải tăng cường hợp tác và phối hợp trong việc xử lý đại dịch Covid-19. Ông cũng cho biết, Trung Quốc sẵn sàng đào tạo các chuyên gia y tế ở Đông Nam Á để giúp họ điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

“Chúng ta cần tăng cường chủ nghĩa đa phương trong y tế công cộng toàn cầu" - Đại sứ Deng nhấn mạnh, đồng thời cam kết Trung Quốc sẽ không độc quyền vaccine Covid-19 một khi nó được chế tạo thành công.

(Anadolu)