Tin tức ASEAN sáng 16/12: Thái Lan và Indonesia lạc quan về kinh tế, lo lắng về môi trường. |
Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp ở vùng cực Nam tới tháng 3/2021
Ủy ban Quản lý Tình trạng Khẩn cấp (ESAC) của Thái Lan đã nhất trí gia hạn tình trạng khẩn cấp ở vùng cực Nam nước này thêm 3 tháng, kể từ ngày 20/12 tới, vì các lý do an ninh.
Ngày 14/12, Thiếu tướng Patchasak Patirupanont, người phát ngôn của Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon, cho biết cuộc họp của ESAC đã đi đến nhất trí với đề xuất của Vùng 4 thuộc Bộ Chỉ huy các chiến dịch an ninh nội địa (ISOC) gia hạn sắc lệnh nói trên ở các tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat.
Ngoài các huyện không bị hạn chế do sắc lệnh gồm Mae Lan ở Pattani, Betong ở Yala và Sungai Kolok, Sukhirin và Si Sakhon ở Narathiwat, tình trạng khẩn cấp sẽ tiếp tục có hiệu lực ở những nơi khác trong 3 tỉnh nói trên cho đến ngày 30/3/2021.
Việc gia hạn tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép nhà chức trách theo dõi và bắt giữ những phần tử có ý định phá hoại an ninh quốc gia thông qua hành vi bạo lực và khủng bố, đảm bảo an toàn cho người dân ở các khu vực này.
(Bangkok Post)
Indonesia có thể tăng trưởng dương quý IV
Ngày 15/12, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết tăng trưởng kinh tế nước này trong quý IV/2020 dự báo có thể dao động trong phạm vi từ âm 2% đến 0,6% nhờ động lực phục hồi bắt đầu từ quý III, khi thời điểm tốc độ sụt giảm đã chững lại ở mức 3,49% so với 5,32% trong quý II.
Đà sụt giảm trong quý II và quý III cho thấy Indonesia đã bắt đầu phục hồi sau khi chạm đáy. Vì vậy, cơ hội phục hồi cần được duy trì và có thể đạt tăng trưởng dương 0,6% do nhu cầu trong nước và niềm tin của người tiêu dùng tăng, thể hiện qua tiêu dùng hộ gia đình tăng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức 1,59% trong tháng 11 cũng có thể là động lực để triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong quý IV. Một số lĩnh vực khác được đánh giá góp phần thúc đẩy tăng trưởng dương là nông nghiệp, đồn điền, giáo dục, thông tin và viễn thông, y tế và hoạt động xã hội.
Theo ông Airlangga, các ngành có đóng góp lớn vào GDP như sản xuất, thương mại và tiêu dùng cũng đang có tốc độ tăng trưởng tích cực. Cùng đà đi lên của thị trường, dòng vốn đã quay trở lại quốc gia vạn đảo này - đây là niềm tin cho thấy nhiều hoạt động kinh tế đang phục hồi, tạo nền tảng tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.
Với thặng dư thương mại ở mức 3,61 tỷ USD trong tháng 10, mức 17,07 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm và dự trữ ngoại hối đạt 130 tỷ USD, khu vực tài chính của Indonesia đang cho thấy khả năng phục hồi tốt. Như vậy, năm 2021 sẽ là cơ hội để nền kinh tế quốc gia phục hồi hoàn toàn.
Nền kinh tế Indonesia đứng trước triển vọng tăng trường dương trong quý IV/2020. (Nguồn: theinsiderstories.com) |
Thái Lan có tín hiệu khả quan
Cùng ngày, Văn phòng Chính sách Tài khóa (FPO) Thái Lan thông báo tăng trưởng của nền kinh tế có thể giảm ít hơn so với dự báo nhờ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phục hồi.
Theo quyền Tổng giám đốc FPO Kulaya Tantitemit, kinh tế Thái Lan có thể suy giảm ít hơn mức 7,7% dự báo hồi tháng 10 nhờ các điều kiện kinh tế đang được cải thiện. Theo đó, GDP của Thái Lan quý III/2020 giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với mức giảm 12,1% quý II/2020.
Sau khi điều chỉnh các yếu tố thời vụ, kinh tế Thái Lan đã đạt mức tăng trưởng 6,5% trong quý III/2020. Tính tổng thể, 9 tháng đầu năm 2020, kinh tế Thái Lan đã giảm 6,7%.
Sự cải thiện này được cho là nhờ nới lỏng các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nội địa, cùng các biện pháp phục hồi kinh tế thông qua kích thích tài chính. GDP năm 2020 của Thái Lan được FPO dự báo giảm 7,7% và tăng 4,5% cho năm 2021.
Bà Kulaya cho biết, tiêu dùng trong nước là động lực chính cho hoạt động kinh tế của Thái Lan năm nay, trong khi xuất khẩu bị thu hẹp. Tiêu dùng trong nước năm tới có thể sẽ duy trì đà tăng từ năm nay, nhờ biện pháp kích thích của chính phủ.
Trong khi đó, nhà kinh tế học Anusorn Tamajai, nguyên Trưởng khoa Kinh tế, trường Đại học Rangsit nhận định, Thái Lan sẽ tổn thất 16 tỷ Baht (530 triệu USD) trong kỳ nghỉ Năm mới nếu làn sóng dịch Covid-19 thứ hai bùng phát.
Phân tích của ông được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng sau khi một số người nhập cảnh trái phép từ Myanmar vào Thái Lan dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, ông Anusorn lạc quan rằng số ca nhiễm mới ở Thái Lan sẽ được kiểm soát do Chính phủ đã áp dụng một hệ thống truy vết hiệu quả.
Theo ông Anusorn, nếu Thái Lan không thể ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ hai, kinh tế nước này trong năm tới có thể chỉ đạt mức tăng trưởng dưới 4%.
(Jakarta Post/Bangkok Post)
Indonesia đứng đầu danh sách của WB về mức độ rủi ro thiên tai
Indonesia xếp vị trí thứ nhất trong danh sách của Ngân hàng Thế giới (WB) về 35 quốc gia trên thế giới có mức độ rủi ro do thiên tai cao nhất. Thứ hạng không mong muốn này được xét dựa trên số người thiệt mạng trong các thảm họa thiên tai xảy ra ở Indonesia trong giai đoạn 2015-2020, đặc biệt là các trận động đất ở Lombok, sóng thần ở Donggala và eo biển Sunda.
Thông tin trên được người đứng đầu Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB) Doni Monardo đưa ra tại hội thảo quốc gia về xã hội hóa và phục hồi sau thiên tai diễn ra ngày 15/12.
Phát biểu tại hội thảo, ông Doni cho biết, những thiệt hại về tính mạng và tài sản do thảm họa thiên tai gây ra ở Indonesia trong giai đoạn 2015-2020 là rất lớn. Theo đó, 5 năm qua, Indonesia xảy ra hơn 16.400 thảm họa, khiến 8.400 người thiệt mạng, mất tích và 30,1 triệu người phải đi lánh nạn.
Đáng chú ý, 2018 là năm Indonesia hứng chịu hậu quả thiên tai nặng nề nhất, với 6.240 người thiệt mạng, mất tích và 10 triệu người đi lánh nạn trong 3.300 vụ thảm họa.
Indonesia đã phân loại các thảm họa thành 4 nhóm. Nhóm thứ nhất là về địa chất và núi lửa phun trào, động đất, sóng thần. Nhóm thứ hai là khí tượng thủy văn khô hạn mức I như cháy rừng và hạn hán. Nhóm thứ ba liên quan tới khí tượng thủy văn mức II bao gồm lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sóng cực mạnh và lốc xoáy; và nhóm thảm họa thứ tư liên quan tới rác thải, dịch bệnh, đại dịch và rác thải công nghệ.
(Jakarta Post)
Thái Lan xử lý tình trạng ô nhiễm không khí ở Bangkok
Người phát ngôn chính phủ Thái Lan Kongcheep Tantrawanit cho biết, Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon đã chỉ thị các cơ quan chức năng ngăn chặn việc nông dân đốt rơm rạ trên đồng ruộng, yêu cầu các ngành công nghiệp giảm sản xuất, điều tiết giao thông, hạn chế thời gian thi công xây dựng và đưa các phương tiện thải khói đen ra khỏi đường phố nhằm giảm khói bụi.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở thủ đô Bangkok đã vọt lên mức “có hại cho sức khỏe” vào sáng 15/12, xếp thứ 3 trong danh sách các địa phương ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chỉ số AQI là 190 so với ngưỡng an toàn là 100.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Attapol Charoenchansa, nồng độ bụi mịn PM 2.5 (các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micrometre) đã lên tới mức “không tốt cho sức khỏe” tại ít nhất 14 quận của vùng đô thị Bangkok.
Ông Attapol cho rằng điều kiện thời tiết không thuận lợi là một phần nguyên nhân gây ra khói độc, nhưng chính phủ sẽ cố gắng chấm dứt việc đốt cây trồng sau thu hoạch và rác thải ngoài trời ở các tỉnh gần Bangkok cho đến ngày 17/12. Các trạm kiểm soát sẽ được thiết lập để chặn các phương tiện thải khói đen, đặc biệt là các xe chạy dầu trên 15 năm, vào thành phố.
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan cũng cho biết, nếu tình hình PM 2.5 không cải thiện, chính phủ sẽ xem xét gia hạn lệnh cấm đốt. Những người lái xe ô tô chạy bằng động cơ diesel cũng nên nạp nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính gây ra khói bụi PM 2.5 ở Bangkok là khí thải động cơ, ô nhiễm công nghiệp và việc đốt cây trồng sau thu hoạch ở vùng ngoại ô thành phố.
Ngày 15/12, giới chức y tế đã cảnh báo người dân Bangkok nên đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh hoạt động ngoài trời không cần thiết.
(Bangkok Post)