Tàu đánh bắt xa bờ trên vùng biển Kiên Hải. (Nguồn: TTXVN) |
Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 8
Ngày 15/12, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 8 (EAMF-8) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, với sự tham dự của đại diện các nước ASEAN và 8 nước đối tác, đại diện Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, nhiều học giả và chuyên gia về biển có uy tín trong nước và quốc tế, cùng đại diện các bộ, ngành liên quan của Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian biển đối với an ninh, ổn định, phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, theo đó chia sẻ sự cần thiết phải tăng cường hợp tác về biển.
Nhiều lĩnh vực ưu tiên đã được đề cập, trong đó bao gồm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, ngăn ngừa sự cố, xây dựng lòng tin và môi trường thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển cũng như bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nhựa và chống đánh bắt cá trái phép…
Các đại biểu cũng khẳng định hợp tác biển cũng là một nội dung quan trọng hỗ trợ cho quá trình ứng phó và thúc đẩy phục hồi hậu dịch Covid-19, theo đó cần tiếp tục ưu tiên kết nối biển để góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng.
Trước tình hình nhiều quốc gia đang xây dựng và triển khai chiến lược, sáng kiến riêng về hợp tác biển, các đại biểu cho rằng, cần thúc đẩy sự gắn kết giữa các chiến lược, sáng kiến này cũng như bảo đảm hài hòa, bổ trợ cho các chiến lược, kế hoạch của khu vực.
Theo đó, nhiều đối tác khẳng định ủng hộ các mục tiêu, định hướng hợp tác nêu trong Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), trong đó xác định hợp tác và an ninh biển là một lĩnh vực trọng tâm, mong muốn gắn kết chiến lược của mình với AOIP.
Nhân dịp này, hội nghị đã nghe các bài trình bày của đại biểu Ấn Độ về Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) do Thủ tướng Modi đưa ra tại Cấp cao Đông Á lần thứ 15 (tháng 11/2020) và của đại biểu Trung Quốc về đề xuất thiết lập Đối tác kinh tế biển xanh ASEAN-Trung Quốc.
(TTXVN)
Hội nghị Cấp cao mạng lưới đô thị thông minh ASEAN - Nhật Bản lần thứ 2. (Nguồn: BNews) |
ASEAN - Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh
Ngày 16/12, Hội nghị cấp cao Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN - Nhật Bản lần thứ hai đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện 26 đô thị trong Mạng lưới các quốc gia ASEAN. Về phía Nhật Bản có ông Akaba Kazuyosi, Bộ trưởng Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch cùng lãnh đạo các bộ trong nội các Chính phủ Nhật Bản. Đầu cầu Singapore có ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN.
Phát biểu tại hội nghị với vai trò đồng chủ trì, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, đô thị luôn giữ vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Tại nhiều nước ASEAN, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh, song đi kèm với các vấn đề như: Hạ tầng quá tải, ô nhiễm môi trường, gia tăng phát thải khí nhà kính, sự khó lường của biến đổi khí hậu... Do đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, công nghệ thông tin nói riêng trong quản lý, phát triển đô thị là xu thế và nhu cầu tất yếu của các quốc gia, nhất là các quốc gia ASEAN.
Ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN đánh giá cao sự lãnh đạo và cam kết của Chính phủ Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN trong việc thúc đẩy các nỗ lực của ASEAN trong phát triển thành phố thông minh, cũng như sự ủng hộ kiên định của Chính phủ Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác thành phố thông minh giữa ASEAN và Nhật Bản.
Ông Toriyama, Bí thư Ban Kinh tế, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố sẽ tiến hành cuộc khảo sát nguyện vọng của 26 thành phố trong Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN để định hình các dự án và thực hiện gói hỗ trợ mới với khoản đầu tư cho vay lên tới 250 tỷ Yên (khoảng 2,4 tỷ USD) để đẩy nhanh tiến độ hình thành dự án phát triển đô thị thông minh.
Hội nghị cấp cao Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN - Nhật Bản lần thứ hai được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, kế hoạch tương lai trong phát triển đô thị thông minh của các đô thị trong Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN và các đô thị của Nhật Bản; trao đổi các giải pháp thúc đẩy triển khai các dự án đô thị thông minh, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các thành viên trong Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN và Nhật Bản.
(TTXVN)
Cập nhật tình hình Covid-19
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 16/12, các nước ASEAN ghi nhận thêm 10.436 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên sát 30.980 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt.
Tại Malaysia dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng. (Nguồn: The Edge Markets) |
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.295 ca bệnh mới, trong 1 ngày qua nước này cũng chứng kiến thêm 7 ca tử vong mới vì Covid-19.
Chính phủ Malaysia ngày 16/12 đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngừng việc tổ chức bầu cử bổ sung, tại hai đơn vị bầu cử, dự kiến diễn ra vào tháng tới. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối phó với số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 không ngừng tăng cao trong những tháng qua.
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.233 ca bệnh mới và 27 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
(TTXVN)
| EU tìm cách ‘chiếm sóng’ Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á TGVN. Hiện Mỹ và Trung Quốc là hai nước có ảnh hưởng kinh tế và chính trị rõ rệt nhất ở Đông Nam Á, còn ... |
| Chính sách đối ngoại - Bài toán hóc búa cho ông Joe Biden TGVN. Sau khi nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, liệu ông Joe Biden có thể định hình rõ ràng một chính sách đối ngoại mới ... |
| Nhiều nghiên cứu khoa học xuất sắc được giới thiệu tại Hội thảo 'Phụ nữ trí thức vì hòa bình và thịnh vượng' TGVN. Ngày 16/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Phụ nữ trí thức vì hòa bình và thịnh vượng" do Bộ Ngoại giao, ... |