📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 18/2

09:30 | 18/02/2020
TGVN. Chương trình liên kết doanh nhân nữ ASEAN-Nhật Bản, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 ảnh hưởng Đông Nam Á, ASEAN chung tay chống lại nạn buôn ma túy...
Chương trình liên kết doanh nhân nữ ASEAN-Nhật Bản lần thứ 4.

Đẩy mạnh vai trò của doanh nhân nữ tại ASEAN

Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) và DARe (Doanh nghiệp Darussalam) đồng tổ chức Chương trình liên kết doanh nhân nữ ASEAN-Nhật Bản lần thứ 4 (AJWELP) tại Bandar Seri Begawan, Brunei Darussalam từ ngày 10-13/2.

Chính phủ các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản cam kết thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong khu vực, đặc biệt là các doanh nhân nữ khởi nghiệp để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Để tiếp tục nỗ lực này, AJC đã ra mắt AJWELP, một chương trình hỗ trợ để trao quyền cho các nữ doanh nhân khởi nghiệp từ các quốc gia thành viên ASEAN, bằng cách liên kết họ với các công ty, cố vấn và các thành viên AJWELP khác nhằm đẩy mạnh, phát triển kinh doanh hơn nữa.

Một trong những điểm nổi bật của AJWELP lần thứ 4 là Sự kiện thuyết trình doanh nghiệp, nơi các nữ doanh nhân khởi nghiệp được chọn lọc từ 10 quốc gia thành viên ASEAN đã thuyết trình trước các cố vấn và nhà tài trợ về hoạt động kinh doanh và những thách thức mà họ gặp phải. Kết quả là, 10 doanh nhân lọt vào vòng cuối của AJWELP nhận được sự kết nối và ủng hộ của 24 công ty khác nhau.

AJC tin rằng, các mối liên kết được tạo ra tại sự kiện với sự góp mặt của những công ty và doanh nhân giàu kinh nghiệm như này, sẽ giúp cho các nữ doanh nhân tiếp tục mở rộng kinh doanh để trở thành hình mẫu cho các công ty khởi nghiệp khác trong tương lai.

(Business Wire)

ASEAN chung tay chống lại nạn buôn ma túy

Ngày 17/2, Cơ quan kiểm soát ma túy của Thái Lan tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực chung với các nước ASEAN để chống lại những kẻ buôn lậu ma túy đến từ châu Phi.

Đây là một nỗ lực cần thiết bởi các băng nhóm buôn ma túy từ Tây Phi vẫn đang là những kẻ buôn lậu cocaine hàng đầu sang Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác, Tổng thư ký của Ủy ban kiểm soát ma túy (ONCB) Niyom Termsrisuk cho biết.

Chỉ trong hai tháng qua, Thái Lan đã thu giữ 7,6 kg cocaine từ 4 kẻ buôn lậu tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi, bao gồm 2,8 kg từ một người đàn ông Argentina và 1,8 kg từ một phụ nữ Nam Phi. Ngoài ra, trong năm 2019, Thái Lan bắt giữ được 9 vụ buôn ma túy và cả 9 người bị bắt đều được các băng đảng ở Tây Phi thuê vận chuyển, thu giữ 30,6 kg cocaine.

Ông Termsrisuk cũng cho biết, hầu hết những kẻ buôn lậu ma túy châu Phi quá cảnh qua các nước thành viên ASEAN trước khi đến Thái Lan. Phần lớn số cocaine này đều được sản xuất ở Colombia và đi qua Brazil, Argentina, trước khi đến châu Phi.

(Tân Hoa xã)

Xu hướng làm việc từ xa đang nổi lên tại các nước ASEAN

Ngày nay, làm việc từ xa đang trở thành một xu hướng mới và phát triển nhanh chóng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp công nghệ. Mặc dù các công ty khởi nghiệp này gặp khó khăn nhất định trong việc thiết lập các cấu trúc như vậy, nhưng bù lại, nó lại đem lại những lợi ích đáng kể: năng suất lao động tăng, sự hài lòng của nhân viên tăng, giảm chi phí hoạt động kinh doanh và tác động địa lý nơi làm việc.

Làn sóng mới này dường như đang phát triển mạnh ở Đông Nam Á hơn các khu vực khác trên thế giới. Đông Nam Á tự hào là trung tâm thu hút "dân du mục công nghệ số" hàng đầu thế giới và dẫn đầu là các quốc gia như Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.

Trong những năm qua, các quốc gia này đang thực sự trở thành nơi tập hợp những người lao động từ xa hàng đầu và là nơi sản xuất ra các công ty khởi nghiệp có sức phát triển nhanh và tốt nhất châu Á nói riêng. Đây không phải là điều lạ khi các quốc gia này có dân số trẻ, thông minh, đầy tài năng và sức sáng tạo.

Ngoài ra, Đông Nam Á đã có những bước tiến lớn trong phát triển đổi mới công nghệ và kỹ thuật số, với Singapore và Malaysia là các nước đi đầu trong khu vực. Singapore đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia có thị trường kinh doanh mở nhất, Malaysia xếp sau ở vị trí thứ 13. Khu vực này tự hào với nền kinh tế Internet trị giá hơn 100 tỷ USD.

Không những vậy, Đông Nam Á còn thu hút các tài năng trên toàn thế giới bằng vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây. Từ các thành phố lịch sử, nền văn hóa lâu đời đến các bãi biển tuyệt đẹp, những dãy núi hùng vĩ, thời tiết mát mẻ, và ẩm thực ngon... tất cả đều đem lại sự thu hút nhất định với dân du mục công nghệ.

(e27)

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến Đông Nam Á

Sau 2 năm căng thẳng và những đòn đánh thuế lẫn nhau, Mỹ và Trung Quốc cuối cùng cũng đã ngồi lại và cho ra được thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 vào tháng 12/2019. Chính phủ hai nước đều hoan nghênh việc ký kết thành công, nhưng các nhà quan sát trên khắp thế giới thì tạm thời chưa thấy vậy.

Một trong những lo ngại đó gồm việc Trung Quốc có thể sẽ cam kết tăng cường nhập khẩu từ Mỹ trong bối cảnh thỏa thuận có thể có những điều khoản bắt buộc Trung Quốc làm vậy

Trong số các nền kinh tế xuất khẩu chính trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia là quốc gia có tỷ lệ bị ảnh hưởng lớn nhất từ thỏa thuận thương mại này. Khoảng 83% số mặt hàng xuất khẩu (trị giá 52,7 tỷ USD) của nước này tới Trung Quốc trùng với 529 mặt hàng được liệt kê trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, do đó, Malaysia có nguy cơ mất thị phần vào tay các nhà sản xuất Mỹ. Trong đó, 4 mặt hàng dễ bị ảnh hưởng nhất bao gồm thiết bị điện và điện tử, các sản phẩm thực phẩm và đồ uống, hóa chất công nghiệp và kim loại, và các sản phẩm liên quan đến năng lượng như dầu mỏ và dầu cọ.

Tiếp theo là Philippines và Singapore, với lần lượt 82% và 66% mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận thương mại này. Tại Philippines, các sản phẩm có nguy cơ chủ yếu là các mặt hàng nông sản như dừa, trái cây và các loại hạt. Tại Singapore là tủ lạnh và ổ đĩa, hóa chất công nghiệp như phenol, dầu mỏ và các hợp chất hữu cơ.

Việt Nam và Thái Lan là hai nền kinh tế ít rủi ro nhất trong khu vực, với ít hơn 65% hàng xuất khẩu sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận mua bán trong thỏa thuận giai đoạn một. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu ngũ cốc, rau và các sản phẩm cá của Việt Nam, cũng như các nhà xuất khẩu hóa chất công nghiệp và các sản phẩm rau của Thái Lan nên có sự cảnh giác nhất định.

(East Asia Forum)