Singapore là 1 trong những quốc gia ASEAN kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. (Nguồn: THX) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 18/8, ASEAN có tổng số nhiễm Covid-19 là trên 376.085 ca, trong khi tổng số ca tử vong là 9.131 người. Trong đó, ASEAN ghi nhận thêm 6.249 ca mắc mới và 91 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và nhiều hơn số ca tử vong của tất cả các nước ASEAN khác cộng lại.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan, Malaysia hay Singapore - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Hiện cả Malaysia và Singapore đều đã tuyên bố khống chế dịch bệnh Covid-19. Tính đến hết ngày 17/8, Malaysia ghi nhận 9.212 ca mắc Covid-19 bao gồm 125 ca tử vong, trong khi đó Singapore có 55.838 ca mắc và 27 ca tử vong.
Ngày 17/8, Malaysia và Singapore đã lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 mở lại biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, việc mở cửa lại một trong những cửa khẩu trên bộ nhộn nhịp nhất thế giới này bị hạn chế với số lượng người thông quan tối đa hai chiều mỗi ngày là 2.060 người.
Trong 24 giờ qua, Philippines vẫn là quốc gia có nhiều ca mắc mới Covid-19 nhất trong số các nước ASEAN. Theo số liệu của Bộ Y tế Philippines công bố cuối ngày 17/8, nước này có thêm 3.314 ca mắc Covid-19 và 18 ca tử vong. Như vậy, đến nay Philippines đã xác nhận 164.474 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.681 ca tử vong.
Ngày 17/8, Philippines bắt đầu thử nghiệm Avigan - một loại thuốc điều trị cúm của Nhật Bản để đánh giá hiệu quả của loại thuốc này trong điều trị bệnh Covid-19. Avigan là tên của loại thuốc chống virus favipiravir do một chi nhánh của công ty Fujifilm Holdings Corp sản xuất. Loại thuốc này được đánh giá có khả năng điều trị Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Trong ngày 17/8, Indonesia tiếp tục là quốc gia có số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 cao nhất Đông Nam Á, sau khi ghi nhận thêm 57 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 6.207 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia phát hiện thêm 1.821 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 141.370 ca.
Thái Lan tới nay ghi nhận 3.377 ca nhiễm, trong đó có 58 ca tử vong, trong khi số ca mắc mới tại "xứ sở chùa Phật ngọc" mỗi ngày cũng rất thấp. Từ ngày 13/8, nước này đã mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tại Việt Nam, Bản tin lúc 6h sáng ngày 18/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã ghi nhận 7 ca mắc mới Covid-19, trong đó 6 ca trong nước (Quảng Nam: 3, Hải Dương: 2 và Hà Nội: 1) và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Cần Thơ.
(TGVN/TTXVN)
Phát hiện chủng SARS-CoV-2 đột biến ở Philippines
Theo Trung tâm bộ gene Philippines, chủng G614 cùng kiểu gene với chủng D614 ban đầu, đã được phát hiện trong lượng nhỏ mẫu dương tính Covid-19 ở thành phố Quezon của nước này.
"Hồi tháng 6, cả D614 cũng như G614 đã được phát hiện trong một số mẫu nhỏ các ca dương tính" - Trung tâm bộ gene Philippines cho biết. Đây là đơn vị đã tiến hành giải trình tự cả bộ gene cũng như nhắm tới giải trình trụ của virus SARS-CoV-2 ở Philippines như một phần của nghiên cứu xác nhận bộ kit RT-PCR được phát triển ở nước này.
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Cell hồi tháng 7, các chuyên gia phát hiện ra rằng, những bệnh nhân bị nhiễm biến thể G614 có tải lượng virus (số lượng virus có trong máu) cao hơn so với những người bị nhiễm chủng D614. Tuy nhiên, chủng G614 dường như không gây tử vong nhiều hơn cũng như không làm bệnh trầm trọng hơn.
(The Strait Times)
Kinh tế Đông Nam Á bị "vùi dập" bởi đại dịch
Chính phủ của các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á đã công bố dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ trong quý II. Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Singapore đã suy giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1976.
Nền kinh tế Thái Lan suy giảm 12,2%, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1998 khi nước này bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Nền kinh tế Malaysia giảm 17,1% và Philippines giảm 16,5%.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, lần đầu tiên thu hẹp sau 21 năm và bị giảm 5,3%.
Nguyên nhân chính của sự tụt giảm này, theo các chuyên gia, là du lịch trong khu vực đã phải chịu tác động lớn từ các lệnh hạn chế đi lại nhằm đối phó với đại dịch. Tiêu dùng cá nhân cũng giảm do các hoạt động đi chơi và kinh doanh của người dân bị cắt giảm.
Các chuyên gia lo ngại rằng, nếu tình hình tiếp tục xấu đi, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm mất kiên nhẫn và tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á.
(NHK)
Cuộc chiến thu hút khán giả xem phim ở Đông Nam Á
Ngay khi "kỳ phùng địch thủ" Disney+ "đặt chân" vào thị trường Đông Nam Á, Netflix - nền tảng xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới đang thúc đẩy các kế hoạch đăng ký thuê bao chỉ dành cho di động cũng như mở rộng phần nội dung địa phương tại thị trường được đánh giá là có sức tăng trưởng nhanh của thế giới này.
Theo "gã khổng lồ" Netflix của Mỹ, hơn 1 triệu người trong số gần 200 triệu khách hàng đăng ký sử dụng nền tảng này trên toàn thế giới đến từ Đông Nam Á - nơi có dân số khoảng 655 triệu người. Giới phân tích thị trường cho rằng Đông Nam Á đã "chín muồi" để tăng trưởng nhanh chóng, với sự ra mắt của Disney+ Hotstar tại Indonesia vào tháng sau.
Đây cũng là tín hiệu cho thấy Đông Nam Á sẽ trở thành thương trường của các "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ.
Trên thực tế, cuộc cạnh tranh giành thị phần của Netflix tại Đông Nam Á không chỉ có đối thủ duy nhất là Disney+, hiện đang đứng thứ 2 trong ngành này. Netflix cũng đang đối mặt với sự "tranh giành" của các đối thủ trong khu vực, trong đó có dịch vụ video Viu của Hong Kong (Trung Quốc), chuyên phát sóng các bộ phim của Hàn Quốc, hay WeTV của Tập đoàn công nghệ Tencent (Trung Quốc), vừa mua lại nền tảng phát trực tuyến Iflix của Malaysia hồi tháng 6.
(Reuters)