Dòng người đi lại đông đúc ở Bogor, Indonesia sau khi lệnh hạn chế được nới lỏng. (Nguồn: Strait Times) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 18/5, ASEAN ghi nhận tổng cộng 69.860 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.063 ca so với 1 ngày trước. SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.220 người dân ở khu vực này, tăng 50 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 25.521 trường hợp.
Nhìn chung, dịch Covid-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines; nhiều nước ASEAN bắt đầu mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội sau chuỗi nhiều ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này ngày 18/5 thông báo đã xác nhận 305 trường hợp mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại đảo quốc này lên 28.343 người. Trong số ca nhiễm virus mới chỉ có 2 người Singapore và thường trú nhân, còn lại đều là công nhân nhập cư sống trong các khu nhà ở tập thể.
Bộ Y tế Singapore cho biết, con số ca bệnh mới thấp hơn trong ngày 18/5 một phần là do số lượng xét nghiệm được tiến hành ít hơn khi một phòng thí nghiệm tạm dừng hoạt động để xem xét lại quy trình sau sự cố hiệu chuẩn thiết bị trước đó. Phòng thí nghiệm này sẽ cần thời gian để tăng khả năng xét nghiệm.
Philippines thông báo nước này đã ghi nhận thêm 205 ca mắc Covid-19 và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại đây lên lần lượt là 12.718 và 831 ca. Ngoài ra, Philippines cũng có thêm 94 bệnh nhân hồi phục, đưa tổng số ca phục hồi ở nước này lên 2.729 người.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trên 2.400 công dân Philippines ở nước ngoài đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó ngày 18/5, có thêm 8 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong. Như vậy, số người Philippines tử vong vì Covid-19 ở nước ngoài là 279 ca.
Thái Lan ghi nhận thêm 3 ca mắc virus SARS-CoV-2, tiếp nối đà giảm trong những ngày gần đây. Hiện có tổng cộng 3.031 ca mắc Covid-19 tại nước này.
Theo thống kê của Chính phủ Thái Lan công bố ngày 18/5, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý I đã giảm ở mức 1,8% và đây là mức giảm mạnh nhất trong 8 năm. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến du lịch và hoạt động kinh tế nội địa.
Indonesia trong ngày 18/5 ghi nhận 496 ca mắc Covid-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm ở nước này lên 18.010 người và đã xác nhận 43 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, đưa tổng số bệnh nhân thiệt mạng ở nước này lên 1.191 người, cao nhất trong số các nước ASEAN.
Chính phủ Indonesia đang triển khai chương trình kích thích kinh tế trị giá 641.170 tỷ rupiah (43 tỷ USD), lớn hơn khoản tiền được công bố trước đó, nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), cũng như các doanh nghiệp nhà nước (SOE).
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo thêm 47 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 6.941 ca. Số ca tử vong do Covid-19 tại Malaysia hiện vẫn là 113 ca.
Trong khi đó, ngày 18/5, Myanmar ghi nhận 3 ca Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 187 trường hợp, trong đó 97 người đã hồi phục.
Các quốc gia còn lại trong khu vực gồm Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào đều không ghi nhận ca nhiễm virus và tử vong nào trong ngày.
Ngày 18/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam cho biết, đến nay đã 33 ngày Việt Nam không có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng. Trong ngày 18/5, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca lên 324. Tất cả các ca nhiễm mới đều được cách ly ngay khi nhập cảnh và không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.
(TGVN/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam, Nguyễn Quốc Dũng họp SOM ASEAN ngày 18/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Họp SOM ASEAN triển khai ứng phó dịch Covid-19
Sáng ngày 18/5, cuộc họp các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN cấp Thứ trưởng Ngoại giao đã diễn ra bằng hình thức họp trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam, Nguyễn Quốc Dũng tham dự Cuộc họp trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã cập nhật về tình hình triển khai các hoạt động sau Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) về ứng phó dịch Covid-19 (ngày 14/4).
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị tập trung triển khai 4 kết quả chính theo quyết định của các Lãnh đạo ASEAN tại các Hội nghị, bao gồm: (i) thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19, (ii) xây dựng Kho dự trữ khu vực ASEAN về vật tư y tế; (iii) xây dựng Quy trình tiêu chuẩn của ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và (iv) xây dựng Kế hoạch phục hồi của ASEAN hậu Covid-19.
Trao đổi tại cuộc họp, các nước ASEAN đều đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam từ đầu năm đến nay dưới tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, đặc biệt trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19, khẳng định sự ủng hộ đối với việc thúc đẩy triển khai các kết quả chính của các Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19 do Việt Nam đề xuất.
Tiếp theo cuộc họp SOM ASEAN là Diễn đàn đối thoại ASEAN-Australia lần thứ 32. Hội nghị nhằm kiểm điểm tiến trình hợp tác và thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác ASEAN-Australia, bao gồm ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đồng thời trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
(TGVN)
Đảm bảo một tương lai năng lượng bền vững cho ASEAN. |
Tương lai năng lượng bền vững cho ASEAN
Đại dịch Covid-19 đang là một thách thức lớn mà cả thế giới đang phải đối mặt trong một xã hội toàn cầu hóa hiện nay. Covid-19 cũng đang là ví dụ thiết thực nhất về những thách thức nghiêm trọng khác, đòi hỏi thế giới cần phải có những phương án chuẩn bị, trong đó có vấn đề đảm bảo một tương lai năng lượng bền vững.
Có 3 bài học chúng ta có thể rút ra khỏi đại dịch hiện tại rất cần thiết để đảm bảo tương lai năng lượng bền vững cho ASEAN. Đầu tiên, các thành phố tại ASEAN luôn đi đầu trong tăng trưởng và đổi mới kinh tế, nhưng vẫn dễ bị tổn thương do các đặc điểm vốn có, như mật độ dân số cao và phụ thuộc vào sự liên kết lẫn nhau.
Thứ hai, không nên đánh giá thấp tính bền vững vì nó liên quan đến lối sống cũng như khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng khác nhau.
Thứ ba, các giải pháp trong nước thường là hiệu quả nhất, ngay cả đối với các vấn đề xuyên biên giới.
Theo nhiều cách, tương lai năng lượng của ASEAN phụ thuộc vào việc các thành phố chuẩn bị tốt như thế nào. Các thách thức là rõ ràng và các giải pháp đòi hỏi rất nhiều từ phía chính quyền địa phương và quốc gia cũng như hợp tác khu vực.
(Business Times)
51% ngân hàng ASEAN chưa hoàn thành 1/4 tiêu chí ESG
Tính bền vững hiện giữ vị trí trung tâm trong mảng ngân hàng doanh nghiệp tại ASEAN. Tuy nhiên, 51% ngân hàng ASEAN vẫn chưa hoàn thành thậm chí 1/4 tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Có vẻ như sự bền vững đã ngày càng trở thành vấn đề được đặt lên hàng đầu trong các doanh nghiệp vài năm trở lại đây, đặc biệt là khi đi vay từ các ngân hàng. Trong một báo cáo, công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch tiết lộ, các ngân hàng toàn cầu đã trở nên ngày càng nhạy cảm với các yếu tố ESG trong các quy trình thẩm định cho vay. Năm 2019, nghiên cứu cho thấy các ngân hàng toàn cầu đang từ chối giao dịch với các công ty bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền, lạm dụng lao động trẻ em hoặc có điều kiện làm việc không an toàn.
Việc áp dụng các nguyên tắc ESG vẫn là một thách thức đối với các ngân hàng trong khu vực, đặc biệt là ở các quốc gia vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Chẳng hạn, sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (cung cấp gần 80% năng lượng) và thực tế về khả năng cung, cầu năng lượng buộc Chính phủ Philippines và khu vực tư nhân phải hỗ trợ để đa dạng hóa các nguồn cung nhằm tạo ra nguồn điện ổn định và đáng tin cậy.
Khi các công ty và chính phủ, cùng với người dân ý thức hơn về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, các ngân hàng có thêm rất nhiều cơ hội để theo đuổi các tiêu chí ESG trong lĩnh vực ngân hàng.
(Asian Banking & Finance)