📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 19/6

Quang Đào 09:30 | 19/06/2020
TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Các quy tắc ở Biển Đông không thể đàm phán bằng hình thức trực tuyến... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.    
Khu vực bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn: AFP)

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 15/6, ASEAN có thêm 1.278 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, nâng tổng số lên 124.622 ca, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.669 người. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 67.640 trường hợp.

Indonesia thông báo ghi nhận thêm 1.331 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại nước này lên 42.762 ca.

Đây là mức tăng số ca bệnh mới cao nhất trong một ngày tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Quan chức Achmad Yurianto thuộc Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này cũng đã ghi nhận thêm 63 ca tử vong trong ngày 18/6, nâng tổng số ca tử vong lên 2.339.

Philippines ghi nhận 8 ca tử vong vì Covid-19 và 561 ca dương tính trong ngày 18/6, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh và tử vong vì virus SARS-CoV-2 tại nước này lên lần lượt 27.799 và 1.116 trường hợp.

Singapore vẫn là quốc gia ASEAN có số ca mắc cao nhất, nhưng tình hình không phức tạp bằng hai quốc gia trên. Trong ngày 18/6, đảo quốc sư tử ghi nhận thêm 257 ca nhiễm Covid-19 mới.

Thái Lan trong 24 ngày qua đã không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới nào trong cộng đồng. Những ca nhiễm mới thời gian qua đều được ghi nhận trong số công dân hồi hương từ nước ngoài. Tính đến hết ngày 18/6, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.141 ca mắc Covid-19, trong đó có 58 ca tử vong và 204 trường hợp lây nhiễm được phát hiện trong các khu cách ly của nhà nước.

Trong 24 giờ qua, các quốc gia ASEAN khác như Malaysia, Myanmar và Campuchia có ghi nhận thêm vài ca nhiễm mới. Còn BruneiLào đều không xuất hiện ca nhiễm mới trong ngày 18/6.

Về phần mình, ngày 18/6, Việt Nam phát hiện 7 trường hợp mắc Covid-19 là người trở về từ Kuwait, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 342 ca.

(TGVN/TTXVN)

Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á bàn giải pháp tái khởi động nền kinh tế

Ngày 18/6 đã diễn ra Kỳ họp Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á (EABC) lần thứ 47 theo hình thức trực tuyến. Kỳ họp có sự tham gia của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện cho 13 quốc gia Đông Á, bao gồm 10 nước ASEAN - trong đó có Việt Nam, cùng với 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết các quốc gia Đông Á đã có nhiều nỗ lực trong việc hạn chế ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến sức khỏe người dân cũng như hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, để đối phó và từng bước vượt qua những thách thức hiện hữu do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 gây ra, đại diện các nền kinh tế Đông Á tập trung thảo luận nhiều giải pháp có liên quan tới Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

(TTXVN)

Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh (Trung Quốc) trong một lần xuất hiện ở Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Các quy tắc ở Biển Đông không thể đàm phán được bằng hình thức trực tuyến

Đó là nhận định của ông Jose Tavares, Tổng vụ trưởng vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Indonesia. Theo đó, ông cho rằng các cuộc đàm phán nhằm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) chỉ có thể được xúc tiến một khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.

Theo ông Tavares, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 vào cuối tháng 12/2019, ASEAN và Trung Quốc đã lên kế hoạch tổ chức đàm phán về COC tại Brunei vào tháng 2, tại Philippines vào tháng 5, tại Indonesia vào tháng 8 và tại Trung Quốc vào tháng 10. Các cuộc đàm phán này tập trung vào việc hoàn tất vòng xem xét thứ hai văn bản dự thảo COC.

“Việc hoàn thành vòng xem xét thứ hai hiện vẫn là dấu hỏi, do chúng ta không biết khi nào đại dịch sẽ kết thúc để có thể bắt đầu lại các cuộc đàm phán. Chúng ta phải lạc quan vì có cam kết và ý chí chính trị từ cả ASEAN lẫn Trung Quốc”, ông Tavares nói.

(Jakarta Post)

ADB: Châu Á tiếp tục cảm nhận nặng nề tác động của Covid-19

Nền kinh tế tại các nước châu Á đang phát triển sẽ hầu như không tăng trưởng trong năm 2020. Đó là nội dung đánh giá, nhận định mới nhất về tình hình kinh tế các nước Châu Á đang phát triển trong năm 2020, do ADB đưa ra ngày 18/6 để bổ sung định kỳ cho nội dung ấn phẩm Báo cáo thường niên Triển vọng Phát triển châu Á (ADO), đã được tổ chức tài chính quôc tế này công bố hồi tháng 4/2020.

Theo đó, hoạt động kinh tế ở Đông Nam Á được dự báo giảm 2,7% trong năm 2020 trước khi tăng lên 5,2% trong năm 2021. Mức tăng trưởng giảm ở khu vực này được dự báo ở các nền kinh tế then chốt, do những biện pháp ngăn chặn Covid-19 gây ảnh hưởng tới cầu nội địa và đầu tư; trong đó, Indonesia giảm (- 1,0%), Philippines (-3,8%), Thái Lan (-6,5%).

Riêng nền kinh tế Việt Nam được ADB dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 4,1% trong năm 2020. Mặc dù con số này thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4 của ADB, song đây vẫn là mức tăng trưởng nhanh nhất được kỳ vọng tại các nền kinh tế Đông Nam Á.

(Bangkok Post)

Kiatisuk là HLV xuất sắc nhất Đông Nam Á

Trang Facebook ASEAN FOOTBALL vừa đưa ra kết quả cuộc bầu chọn những HLV xuất sắc nhất, trong một thập niên trở lại đây (2010-2020). Theo đó, HLV người Thái Lan Kiatisuk Senamuang trở thành nhà cầm quân số 1 thập kỷ của khu vực.

Kiatisuk có 43 trận dẫn dắt Thái Lan, với 22 chiến thắng (51,2%), và 14 thất bại. Ông đưa Thái Lan đến với 2 danh hiệu AFF Cup (2014, 2016), cũng như vào giai đoạn 3 vòng loại World Cup khu vực châu Á.

Đứng thứ hai cuộc bầu chọn của ASEAN FOOTBALL là HLV Park Hang Seo. Trên cương vị HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, Park Hang Seo có 22 trận đấu, với 11 chiến thắng (50%), và chỉ thua 3.

(Vietnamnet)