Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN 2020 thành công tốt đẹp
Sáng 19/2, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM hẹp) diễn ra tại Hà Nội dưới sự điều hành của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng trao đổi về tình hình thế giới, khu vực, hợp tác nội khối; thông báo một số nội dung sẽ thúc đẩy và hoạt động được tổ chức trong năm 2020; thống nhất về nguyên tắc một số nội dung, đặc biệt là hai bản Tuyên bố chung của Hội nghị ADMM và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) vào cuối năm nay…
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng từ khi được tổ chức lần đầu tiên tại Malaysia vào năm 2006, cho đến nay, ADMM ngày càng khẳng định là cơ chế hợp tác, đối thoại, trao đổi hiệu quả cấp Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chiến lược, quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng tạo nền tảng thúc đẩy và hình thành các sáng kiến hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực. Đây cũng là nền tảng để tạo ra cơ chế đối thoại, hợp tác quốc phòng mới giữa ASEAN với các nước đối tác, cụ thể là ADMM+ với ADMM giữ vai trò trung tâm.
Theo Trưởng đoàn Việt Nam, ASEAN vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực, thách thức về an ninh biển, bao gồm vấn đề Biển Đông, sự nổi lên của các thách thức an ninh phi truyền thống, dịch bệnh... Đặc biệt, việc bùng phát và lan rộng nhanh chóng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đặt ra thách thức chung cho cả khu vực và thế giới chứ không chỉ ASEAN.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh.
Đọc Toàn văn Tuyên bố tại đây
(QĐND)
Thiên tai ảnh hưởng đến an ninh ASEAN
Ngày 18/2, Đại tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia nói rằng thảm họa thiên nhiên là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh khu vực, đồng thời lưu ý rằng ASEAN nên chung tay để đối phó với chúng.
Ông Tea Banh cho biết, khu vực Đông Nam Á thường xuyên phải chịu các thiên tai như bão, lũ lụt và sóng thần, gây thiệt hại lớn về người và của cho toàn khu vực, cùng với các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu và tội phạm xuyên quốc gia gây ra tác động lớn đến an ninh của các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, những thảm họa môi trường gây nên bởi biến đổi khí hậu có thể dẫn đến các khủng hoảng nhân đạo như nạn đói và sự xói mòn an ninh lương thực, có thể gây ra những vụ di cư bất đắc dĩ trên quy mô lớn. Từ đó có thể tạo ra những cuộc khủng hoảng tị nạn, dẫn đến sự bất ổn chính trị trong khu vực.
Bộ trưởng Tea Banh hiện đang tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) diễn ra tại Hà Nội. Nhận xét về hội nghị, Bộ trưởng Tea Banh cho biết, ông đánh giá cao ADMM và ADMM+ đã đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường năng lực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa của ASEAN. Thực tế cho thấy, hơn 70% thảm họa thiên nhiên trên thế giới diễn ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
(Khmer Times)
Đông Nam Á cần có kế hoạch mới để giảm nạn buôn bán động vật hoang dã
Một báo cáo mới được tổ chức phi chính phủ TRAFFIC công bố đã đánh giá thói quen của những kẻ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở Đông Nam Á và kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực cần phải đưa ra những kế hoạch mới.
Theo đó, 10 quốc gia ASEAN trong những năm vừa qua đã bắt giữ thành công khá nhiều vụ buôn bán động vật hoang dã. Trong những năm 2008-2019, 9/10 nước ASEAN đã thu giữ được 225.000kg ngà voi châu Phi. Từ năm 2000-2019, các nước ASEAN bắt giữ được hơn 895.000 con tê tê bị buôn bán bất hợp pháp, trong đó, chỉ riêng 3 năm 2017-2019, Malaysia, Singapore và Việt Nam thu giữ được hơn 96.000kg vẩy tê tê, chiếm 94% số lượng vẩy tê tê bị thu giữ trên toàn khu vực...
Và đương nhiên, việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đã khiến số lượng của các loài nói trên giảm đi trông thấy. Việc bảo vệ động vật hoang dã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng hệ sinh thái, tăng sự bền vững cho môi trường sống, phục vụ sản xuất nông nghiệp và điều kiện cho việc phát triển một số ngành kinh tế khác.
Báo cáo nhấn mạnh các vấn đề lớn của khu vực Đông Nam Á khiến các vụ buôn bán bất hợp pháp vẫn liên tục diễn ra, bao gồm các mạng lưới tội phạm có tổ chức chuyên vận chuyển lậu động vật hoang dã, tỷ lệ xử phạt thấp, luật pháp chưa phù hợp và không quản lý được thị trường.
Vì vậy, báo cáo cho rằng các nước ASEAN cần phải có một cách tiếp cận đa hướng, bao gồm đảm bảo phải có khung lập pháp toàn diện ở cấp quốc gia về bảo vệ động vật hoang dã, lý tưởng nhất là tất cả các nước ASEAN cần phải chung tay lên án vấn đề này và ra được các luật lệ chung.
Ngoài ra, báo cáo còn đề xuất cần phải cải thiện cách phát hiện các lô hàng bất hợp pháp bằng hệ thống giám sát thường xuyên như sử dụng cho đánh hơi và máy quét, và tìm hiểu, theo dõi chặt chẽ các “điểm nóng” hay xuất hiện thợ săn trái phép.
(The Maritime Executive)
Thụy Điển hỗ trợ ASEAN trong ngành kiểm toán
Cơ quan kiểm toán của Vương quốc Thụy Điển (NAO) đã đồng ý hợp tác với một số cơ quan chức năng tương ứng ở 10 quốc gia Đông Nam Á thông qua tổ chức ASEANSAI.
Thông qua thỏa thuận hợp tác này, chính quyền Thụy Điển sẽ cùng hợp tác và đồng thời phân phối tài liệu nghiên cứu cho các cơ quan kiểm toán ở 10 nước ASEAN.
Tổng Kiểm toán Thụy Điển Helena Lindberg cho biết, sự hợp tác của các cơ quan kiểm toán sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực. Bằng cách tăng cường năng lực trong khu vực, NAO hy vọng sẽ cải thiện hơn nữa cách quản lý và sử dụng nguồn lực hiệu quả.
NAO trước đây đã hợp tác với một số quốc gia - chẳng hạn như các quốc gia Balkan, châu Phi và châu Á.
Hợp tác kiểm toán Thụy Điển-ASEAN sẽ kết thúc vào năm 2022.
(NAO)
Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc chuẩn bị tổ chức họp hội đồng
Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc tổ chức một cuộc họp Hội đồng từ ngày 20-21/2 tại khách sạn Lotte ở Seoul. Các đại sứ từ các quốc gia thành viên ASEAN tại Hàn Quốc dự kiến thảo luận về các dự án cho năm nay và xem xét những dự án từ năm ngoái.
Với khẩu hiệu “Kết nối người dân, Chia sẻ thịnh vượng”, các dự án của năm nay sẽ tập trung vào các vấn đề sau: thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN; tăng cường trao đổi văn hóa và du lịch giữa hai bên; nâng cao nhận thức về quan hệ đối tác giữa hai bên; và đẩy mạnh quan hệ giữa hai bên và các đối tác liên quan khác.
Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc được thành lập năm 2009 để tăng cường hợp tác kinh tế và văn hóa xã hội giữa Hàn Quốc và ASEAN.
(Korea Herald)