ASEAN, Trung Quốc chung tay chống lại dịch Covid-19
Các nước ASEAN và Trung Quốc đã cùng khẳng định tình đoàn kết và ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc trong ứng phó dịch bệnh Covid-19, trong khuôn khổ Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khẳng định tình đoàn kết và ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong ứng phó dịch bệnh; chia sẻ về những tổn thất lớn mà Trung Quốc đang gặp phải do dịch bệnh; tin tưởng với quyết tâm, năng lực và các biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ, Trung Quốc sẽ sớm vượt qua khó khăn, kiểm soát thành công dịch bệnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thông báo tình hình và những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và trên toàn Trung Quốc, cảm ơn sự ủng hộ vật chất và tinh thần của các nước khu vực và cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc trong thời điểm khó khăn, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực đảm bảo an toàn và hỗ trợ tối đa cho công dân các nước ASEAN đang sinh sống, học tập và làm việc tại Trung Quốc.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc nhất trí đẩy mạnh phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao năng lực trong chẩn đoán, nghiên cứu phát triển thuốc điều trị và vacccine ngăn ngừa dịch bệnh, thống nhất sẽ tận dụng các cơ chế hợp tác hiện có giữa ASEAN và Trung Quốc.
Theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc đã cùng nắm tay và hô khẩu hiệu: “Hãy mạnh mẽ lên, Vũ Hán! Hãy mạnh mẽ lên, Trung Quốc! Hãy mạnh mẽ lên, ASEAN!”
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó với dịch Covid-19.
(TG&VN)
Dubai đẩy mạnh kết nối với thị trường ASEAN
Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai đã công bố kế hoạch tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Toàn cầu – ASEAN (GBF ASEAN) vào cuối năm nay, trong một nỗ lực thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với nền kinh tế trị giá gần 3 nghìn tỷ USD.
GBF ASEAN sẽ được tổ chức vào ngày 9-10/12, trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Dubai 2020. Diễn đàn sẽ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của nền kinh tế mới nổi với tổng dân số 650 triệu người và GDP lên tới 2,9 nghìn tỷ USD
Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai cho biết, mối quan hệ của tiểu vương quốc với các nước ASEAN còn rất nhiều động lực để tăng trưởng, khi kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 21 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, Việt Nam là bạn hàng lớn nhất của Dubai trong khu vực, chiếm 37% (8 tỷ USD), tiếp theo là Thái Lan với 17% (3,8 tỷ USD).
Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai Hamad Buamim bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng to lớn mà ASEAN có thể mang lại, đồng thời các công ty Dubai còn rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường ASEAN trong tương lai.
Theo ông Buamim, Dubai cũng là điểm đến phù hợp với các nước ASEAN khi khối này đang có kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng, bởi Dubai từ lâu đã đóng vai trò là trung tâm thương mại và đầu tư ưa thích của nhiều công ty Đông Nam Á.
Diễn đàn GBF được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013 dưới sự điều hành của Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE, Thống đốc Tiểu Vương quốc Dubai Sheikh Mohammad bin Rashid Al Maktoum. Đây được coi là nền tảng cho Dubai có thể kết nối với các thị trường mới nổi và đầy tiềm năng. Tính đến nay, Dubai đã tổ chức 5 GBF với châu Phi, 1 GBF với các quốc gia thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) và 3 GBF với các nước Mỹ Latinh.
(Arabian Business)
Cần có phương thức hội nhập tốt hơn đối với người khuyết tật ở ASEAN
Một báo cáo của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UN ESCAP) cho thấy, người khuyết tật chiếm khoảng 15% dân số thế giới. Đây được coi là một trong những nhóm người thiểu số lớn nhất thế giới.
Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, con số này lên tới 690 triệu người và dự kiến sẽ còn tăng lên trong tương lai. Nguyên nhân là dân số tại khu vực đang già hóa, tuổi thọ tăng lên và số lượng người bị thương tật ngày càng tăng do nhiều yếu tố khác nhau.
Hiện nay, người khuyết tật đang phải đối mặt với vô số rào cản, làm hạn chế khả năng tham gia các hoạt động xã hội trên cơ sở bình đẳng, khiến nhóm người khuyết tật đang có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong bối cảnh xã hội đang ngày càng phát triển. Ngoài ra, một báo các khác của Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC) cho thấy, đa phần người khuyết tật đều sống dưới chuẩn nghèo.
Tuy rằng nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật đang tăng trên phương diện toàn cầu, các chương trình hội nhập ở châu Á vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Ở Thái Lan, 71,5% người khuyết tật bị thất nghiệp trong năm 2018.
Chính vì vậy, người khuyết tật cần phải có khả năng tiếp cận với các hoạt động xã hội, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, dựa trên cơ sở bình đẳng. Đây là một khía cạnh rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển, muốn đẩy mạnh nền kinh tế cũng như xã hội. Điều này bao gồm các thói quen hàng ngày như ra vào một tòa dân cư, băng qua đường, đi học hoặc đi làm tại một tòa nhà văn phòng…
Các trường đặc biệt trong ASEAN cần có trách nhiệm giới thiệu những công nghệ hỗ trợ trẻ em khuyết tật càng sớm càng tốt, giúp các em giao tiếp tốt hơn với những người xung quanh. Công nghệ kết hợp với các chính sách hiệu quả cho người khuyết tật là một khía cạnh quan trọng cho các nước đang phát triển nhằm cải thiện tình trạng kinh tế và xã hội.
Đồng thời, sự hỗ trợ và ưu tiên của chính phủ cho nhóm người khuyết tật sẽ giúp cho họ hội nhập tốt hơn với xã hội như những gì đã xảy ra ở hầu hết các quốc gia châu Âu.
(ASEAN Post)
Indonesia muốn đưa tiếng Bahasa Indonesia làm ngôn ngữ cầu nối trong khu vực
Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Indonesia Nadiem Makarim muốn sử dụng ngôn ngữ Indonesia, hay tiếng Bahasa Indonesia, như một ngôn ngữ chung trong khu vực Đông Nam Á, hay còn gọi là lingua franca.
Ông Makarim nói rằng, Indonesia cần thực hiện một số đổi mới về ngôn ngữ, nhằm thích nghi với các nền văn hóa và ngôn ngữ khác, giúp kết nối đất nước với cộng đồng quốc tế. Ông cũng nói rằng, việc thực hiện đổi mới tiếng Bahasa Indonesia cũng giúp đẩy mạnh vị thế của quốc gia trên thế giới, không những về khía cạnh kinh tế, mà còn về khía cạnh văn hóa và ngôn ngữ.
(Tempo)